18 thg 10, 2010

Cây làm sạch khí trong nhà

Chỗ làm việc của tôi gồm cả chục cái máy tính, trong đó đa số là máy chủ chạy suốt ngày đêm nên tỏa nhiệt nóng và khô rất khó chịu, dù ngoài trời nhiệt độ đã xuống khá thấp. Làm việc bị bí nên trong lúc ngồi ngó trời ngó đất tôi chợt để ý đến chậu xương rồng đặt kế bên và nhớ đến bài viết này của Nguyễn Tiến Zũng mà tôi đã đọc trước đây. Tác giả nói về các khí độc giải phóng ra từ những vật dụng, hóa chất trong nhà và những cây (cảnh) trồng có khả năng hấp thu chúng. Mấy ngày nay cũng có nhiều chuyện liên quan đến hóa chất và sức khỏe con người lởn vởn trong đầu nên tôi tìm và copy lại bài này đưa lên đây, bạn nào có nhã hứng thì đọc chơi, ít ra cũng biết thêm một vài điều liên quan đến sức khỏe trong cuộc sống hằng ngày.  
--------------------------
(Nguyễn Tiến Zũng)

Tôi có bỏ ra khá nhiều thời gian tìm hiểu về vấn đề dùng cây làm sạch không khí trong nhà, cho nhu cầu bản thân (mua cây về làm sạch khí nhà mình). Viết lại đây một số thông tin cho khỏi quên, và hy vọng giúp mọi người làm sạch không khí trong nhà để có sức khỏe tốt hơn.
Không khí trong nhà có nhiều chất độc, bay ra  từ các đồ đạc hay việc sử dụng các thứ (khói thuốc lá, khói hương, bếp gaz, sơn tường, đồ nhựa, bột giặt, chất bảo quản gỗ, chất bảo quản da, đồ xây dựng, chất thải, v.v.). Ngoài khí độc còn có sóng độc, chủ yếu là sóng điện từ phát xạ từ các máy móc như TV, màn hình máy tính, máy vi sóng, điện thoại di động, v.v.Cây xanh trồng trong nhà có tác dụng hút các khí độc, làm sạch không khí trong nhà, và ngoài ra có cây có thể làm giảm ảnh hưởng của các sóng độc.
Các nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, v.v. có các chương trình nghiên cứu về cây làm sạch không khí trong nhà. Chương trình ở Pháp gọi là Phyt’air.
Trung bình cứ khoảng 9m2 diện tích nhà thì nên có ít nhất 1 cây xanh nhỏ trồng trong nhà, và nên có nhiều loại cây khác nhau trong nhà, vì chúng sẽ bổ sung cho nhau trong việc hút khí độc (mỗi cây thích hợp nhất cho việc hút một số loại khí độc), và các cây khác nhau cũng đòi hỏi điều kiện về ánh sáng và độ ẩm khác nhau, thích hợp cho những chỗ khác nhau trong nhà.
Về chất độc trong không khí: có rất nhiều loại chất khí độc trong nhà khác nhau, trong đó phổ biến nhất là (tên tiếng Pháp):
- Benzène (benzene, benzol, C6H6, Ph-H): không màu, là một thành phần của dầu hỏa, có nhiều trong các sản phẩm hóa học (nhựa, cao sụ nhân tạo,v.v.). Chất này được công nhận là gây ung thư.
- Formaldéhyde (formol):cũng được công nhận là gây ung thư. Có nhiều trong khói thuốc.
- Monoxide de carbonne (CO): bếp ga, bình đun nước bằng ga hay thải ra chất này
- Ammoniac: xuât hiện nhiều trong bếp và nhà tắm. gây khó chịu cho hệ thống hô hấp
- Pentachlorophénol (PCP): có trong hóa chất bảo quản gỗ & diệt nấm. gây ung thư
- Toluène: có trong sơn, cire, vernis, … gây ung thư
- Xylène: có trong các sản phẩm như sơn, vernis, hóa chất để lau chùi, thuốc diệt sâu. gây ung thư
- Trichloroéthylène: chất dùng làm solvent, ví dụ trong giặt khô. Nó có thể dẫn đến loạn nhịp tim và mê man. Gây ung thư, làm rối loạn hormon.
Nói chung, cây xanh nào cũng có tác dụng hút khí độc. Nhưng mức độ hút các loại khí độc của các cây khác nhau có khác nhau. Dưới đây là một số cây xanh trồng trong nhà phổ biến nhất, xếp theo thứ tự ABC theo tên gọi thông tục ở Pháp, kèm theo các tên gọi khác:
- Aglaonema: gốc Malaisia, thích chỗ râm, không chịu được ánh sáng mạnh. Mùa hè có thể phun nước lên lá, mùa đông chỉ cần ít nước (tưới không quá 1 lần 1 tuần). Hiệu nghiệm hút toluène (92%), benzène (48%).
- Aloe vera (aloes; ở VN cũng có cây này, nhưng tôi không nhớ tên): gốc châu Phi, có tác dụng y học (chữa bệnh ngoài da như eczema, bệnh tiêu hóa, tác dụng kháng sinh, v.v.), chứa nhiều vitamin (A,B,E,…) và nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể người. Hiệu nghiệm hút monoxide de carbonne và các chất độc như formaldéhyde (90%), benzene và toluène & một số chất gây dị ứng khác. Thích chỗ nửa sáng nửa râm. Mùa đông cần rất ít nước (đất mà nhiều nước quá có thể làm thối cây). Để nhân giống, đợi cây mọc ra nhánh con, rồi tách nó ra, để khô vài hôm, cắm xuống đất, sẽ mọc lên thành cây.
- Arbre de jade (crassula): cây này cũng có tác dụng làm giảm các sóng điện từ có hại cho sức khỏe. Có thể đặt ở bếp hay phòng tắm để hút ammoniac. Loại cây sa mạc, hợp với nhiều nắng và ít nước, không nên tưới nhiều.

- Arbre ombelle (schefflera): gốc Australia, hút được nhiều formaldéhyde, xylène và benzène, thích chỗ râm, cần nước khá nhiều vào mùa hè và rất ít vào mùa đông.
- Aréca (palmier d’arec, cây cọ Arec): hút toluène, xylène, và formaldéhyde. Thích có nhiều ánh sáng.
- Azalé (rhododendron simsii): hút ammoniac, và ngoài ra hút xylène và formaldéhyde. Gốc châu Á. Thích ẩm và nhiều ánh sáng. Mùa hè nên thường xuyên mang ra ngoài trời, để ở chỗ râm.
- Bégonia: gốc nhiệt đới, thích ẩm và ánh sáng (nhưng không thích tia mặt trời trực tiếp), có thể để trong các phòng, gần cửa sổ. Hút formaldéhyde.
- Cactus (xương rồng). Làm giảm tác hại của các phát xạ từ các máy móc như TV, máy tính, … Những người bị nhức đầu vì làm việc với máy tính nhiều tìm lại thăng bằng cơ thể nhờ đặt xương rồng chỗ làm việc.
- Carnet des muets  (dieffenbachia): gốc Nam Mỹ, lá to, có thể cao 3m trong môi trường tự nhiên, nhưng trong nhà chỉ cao 1m. Hút formaldéhyde, toluène và xylène với tốc độ chậm, nhưng vì lá to nên hút cũng được nhiều. Cần nhiều ánh sáng, nhưng tránh tia mặt trời trực tiếp nếu không lá sẽ bị vàng. Thích ẩm và nóng.
- Dragonier (dracaena marginata): gốc nhiệt đới, không cần nhiều ánh sáng nhưng thích ẩm, hút được tốt phần lớn các chất độc kể trên (trừ ammoniac và PCP ?). Đặc biệt hiệu nghiệm hút benzene (78%), formaldéhyde (66%). Có một số loại drecaena khác, ví dụ như dracaena fragrans, cũng tương tự.
- Ficus (cây si ?): có nhiều loại ficus khác nhau, như ficus benjamina, ficus alii, ficus danielle, ficus elastica, v.v. Chú ý là khi cây ficus đang thích hợp với chỗ nào rồi, thì tránh chuyển chỗ nó, vì nó sẽ bị rụng lá trong những ngày sau khi chuyển chỗ. Tác dụng hút formaldéhyde và nhiều chất độc khác. Thích ánh sáng. Tưới nước vừa phải, không nhiều.
- Fleur de lune (spathiphyllum, cây hoa trăng). Cây này dễ trồng, không cần nhiều ánh sáng, và hút được nhiều chất độc, trong đó có benzene, ammoniac, trichloroéthylène, xylène. Có thể để khắp nơi. Khi nó mọc nhiều ra, có thể tách ra trồng bớt sang chậu/bình khác. Không thích lạnh, thích hợp trong nhà hơn là ngoài trời. Muốn nó nở nhiều hoa thì đem ra chỗ có nhiều ánh sáng và bón phân.
- Fougère de Boston (nephrolepsis): cây chống formaldéhyde hiệu nghiệm nhất, và cũng chống xylène. Cần ánh sáng vừa phải, tưới nước thường xuyên.
- Gerbera (hoa đồng tiền): hút nhiều khí độc. Gốc châu Phi, thích nhiều ánh sáng và ẩm. Có thể sống qua mùa đông nếu tránh lạnh (không để ngoài trời nơi lạnh). Hoa đồng tiền có lá to. Có nhiều cây có hoa cũng tương tự hoa đồng tiền, nhưng lá nhỏ hơn, thì không tốt bằng cho việc hút khí độc.
- Langue de belle mère (sanseveira, lưỡi mẹ ghẻ): không hiệu nghiệm lắm cho việc hút chất độc, nhưng có tác dụng trang trí nữa
- Langue de feu (anthurium, langue de beuf, cây hồng môn): cây này  có tác dụng trang trí cao, thường  hoa đỏ 1 cánh nên gọi là cây “lưỡi lửa”, hay còn gọi là cây “hạc hồng” (flamant rose) (nhưng cũng có loại anthurium có hoa màu khác). Cần nhiều ánh sáng và độ ẩm cao (tưới nhiều nước). Hút nhiều chất khí độc.
- Liane du diable (eprinemnum aureus, scindapsus aureus, scindapsus doré, arum grimpant, golden pothos): hút monoxide de carbonne rất hiệu nghiệm (75%), ngoài ra hút các chất khác như benzène, toluène, formalhélyde. Đây là cây nhiệt đới, thích ẩm. Thích chỗ nhiều ánh sáng.
- Lierre (hedera helix): cây này hay mọc ở bờ rào (mọc dại rất nhiều), nhưng cũng có thể đem vào trồng trong nhà, dễ trồng. Có thể để ở các chỗ khác nhau như hành lang, bếp, nhà tắm, phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc. Hút các chất: benzene, formaldéhyde, trichloroéthylène, monoxide de carbonne, toluène.


- Philodendron (delicious monster, hay còn gọi là cheese tree, vì lá của nó có lỗ như phó mát Thụy Sĩ): lá to, rất tốt cho việc hút formaldéhyde (hút được 86% từ không khí). Cây này còn thở ra nhiều hơi nước, tốt cho các phòng nào bị khô. Cần tưới nhiều nước. Không cần nhiều ánh sáng. Trong điều kiện tự nhiên mọc trong rừng nhiệt đới có thể cao trên 10m, và ra quả có thể ăn được.
- Plante araignée (cây nhện, chlorophythum): Cành mọc loằng ngoằng nên được gọi là cây con nhện. Rất khỏe hút các chất độc như benzene, ammoniac, toluène,  monoxide de carbonne, formaldéhyde, v.v. Đặc biệt nên để trong bếp và nhà tắm, nhưng cũng có thể để trong các phòng khác. Mùa đông không nên tưới nhiều nước. Mùa hè thích nhiều nước. Để nhân cây, có thể lấy 1 “con nhện” (một cành dài mọc ra từ thân cây)  nhúng vào nước, sẽ mọc rễ. Thích chỗ râm.
- Plante paon (calathea): gốc Nam Mỹ, lá trông như đuôi con công nên có tên gọi là cây con công, thích chỗ râm và ẩm, chẳng hạn như trong phòng tắm. Hút ammoniac và formaldéhyde.

- Yucca: dễ trồng (resistant), thích ánh sáng, hút được nhiều chất độc: CO, benzène, ammoniac, v.v.
Xem thêm:
http://www.lherbivore.com/plantes_depolluantes.html
http://www.bioxygene.com/quelleplantechoisir.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét