22 thg 10, 2010

Đáng lẽ họ đã không phải chết

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng như năm nào, cứ tới mùa mưa bão là chúng ta lại nghe tin thiệt hại đến đau lòng của người dân miền Trung. Miền Nam thì ít hơn nhiều vì địa hình không hiểm trở như miền Trung chứ không phải không có những cái chết vì mấy lý do lãng nhách! Xây, chống,...đủ kiểu. Lúc làm thì nghe người ta nói ngon lắm, nhưng bão hoặc lũ đến rồi thì...tan hoang không còn một mống! Đến chừng đó thì lại trở lại với điệp khúc xây, chống, tiêu tiền, lúc nào cũng bị động chạy đằng sau lo khắc phục hậu quả (giống như điệp khúc thiếu điện vào mùa khô, Sài Gòn ngập ngụa vì...triều cường - chắc phải định nghĩa lại triều cường cho đô thị quá, vì triều cường gì mà quanh năm suốt tháng!). Nói riết cũng chán (nhưng thực sự là bây giờ mọi người cũng bị tê liệt dây thần kinh luôn rồi, nhắm mắt sống cho đỡ...lên tăng xông), thôi thì phải lo cứu mình trước khi Trời cứu (vì cũng hỏng có ai cứu nổi mình đâu)! Loạt bài của tác giả này nói về  những nhận định của ông và những kĩ năng sống cơ bản nhưng có lẽ lâu nay chúng ta cũng chưa thật sự để ý lắm, tôi đưa lên đây mọi người cùng tham khảo.
(K98)
= = = 
Đáng lẽ họ đã không phải chết
(Quản Hồng Đức)

Tôi đọc đi đọc lại bài viết “Tiếng kêu cứu tuyệt vọng trên chiếc xe bị lũ cuốn” của hai tác giả Nguyên Khoa và Nguyễn Hưng trên báo VnExpress ngày 19/10. Càng đọc tôi lại càng day dứt với câu hỏi liệu chúng ta có thể tránh được những cái chết đã được báo trước như vậy không?
Nhưng có lẽ câu hỏi mà tôi đang day dứt sẽ không có câu trả lời, ít nhất là vào lúc này khi mà nỗi đau của 19 gia đình có người thân bị nạn trên chuyến xe định mệnh vẫn còn đó, khi mà miền Trung thương yêu vẫn oằn mình chống chọi với cái đói, cái rét giữa mênh mông biển nước. Và rồi điều gì sẽ đến sau khi nước rút đi mang theo toàn bộ tài sản của những người dân tội nghiệp? Họ sẽ tiếp tục sống như thế nào với hai bàn tay trắng và những hậu quả để lại sau lũ?
Tôi đọc lại bài viết một lần nữa, đọc cả những bình luận của độc giả để cố gắng tìm cho mình một bằng chứng, một sự khẳng định rằng đáng lẽ họ không phải chết như vậy. Và hình như tôi đã tìm thấy hơn cả một bằng chứng, hơn cả một lời khẳng định cho cái lý rằng đáng lẽ 19 gia đình đó không phải chịu nỗi đau lớn đến thế, đáng lẽ miền Trung ruột thịt không tang thương đến thế….
Nhưng khi nhận ra điều đó, tôi đã chẳng cảm thấy khá hơn, chẳng cảm thấy thanh thản hơn là bao vì một nỗi day dứt khác lại vừa chợt đến: Trên đất nước này vẫn còn có những cái chết oan uổng quá, vài hôm trước đây là một phụ nữ chết trên đường chỉ vì cái nắp hố ga ở TP HCM, còn bây giờ là 19 con người vùi xác nơi sông sâu trên một chuyến xe định mệnh vì lũ ở Hà Tĩnh.
Và tôi quyết định viết, ít nhất là viết ra những gì mình nghĩ và sẻ chia cũng là một cách để nỗi day dứt nguôi ngoai phần nào. Tôi sẽ viết về những bằng chứng, những sự khẳng định đáng lẽ ra họ không phải chết như vậy…

Suy ngẫm 1: … “Mưa như tát nước vào mặt, hành khách thiu thiu ngủ, bỗng thấy nước ập vào, xe nổi bồng bềnh rồi từ từ chìm nghỉm. Ai cũng hoảng sợ, tài xế kêu mọi người bình tĩnh để đưa xe vào làn đường. Nhiều người bắt đầu kêu la hoảng loạn. Rồi tài xế yêu cầu mọi người đập vỡ cửa kính. Ngay lập tức hàng chục cánh tay cứ đấm thình thịch vào cửa nhưng không có kết quả. Khi tài xế dùng chiếc cờ lê đập được kính thì một số người nhốn nháo chui ra ngoài”, ông Lực kể.

Trong bài viết có nói đây là chiếc xe có ghế nằm. Thông thường những chiếc xe có ghế nằm (thường được gọi là xe VIP) được thiết kế kính cửa sổ liền vào kết cấu của thân xe, và không có chốt cửa. Tức là chúng ta sẽ không thể mở được cửa sổ theo cách thông thường và kính thường được thiết kế khá dày và việc đập cửa kính bằng tay là việc gân như không thể.
Trong trường hợp khẩn cấp, hành khách cần đập vỡ cửa kính để thoát khỏi xe họ sẽ sử dụng những chiếc búa được trang bị theo xe và thông thường được gắn vào thành xe bên trong khoang hành khách.
Những chiếc búa đặc biệt này có đầu nhọn, chỉ cần dùng lực vừa đủ đầu nhọn này sẽ làm kính xe bị rạn nứt và hành khách dễ dàng dùng lực của tay hoặc chân làm vỡ kính. Một chiếc xe 45 chỗ, chỉ cần trang bị từ 2 đến 3 chiếc búa loại này là có thể nhanh chóng phá vỡ toàn bộ kính cửa sổ trong thời gian ngắn nhất để tạo điều kiện cho hành khách thoát hiểm.
Ngoài ra, việc xe được trang bị những chiếc búa như thế này còn giúp hành khách kiểm soát nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn thường là kẻ thù của chúng ta trong những trường hợp khẩn cấp. Hành khách sẽ tự tin hơn và kiểm soát tốt hơn vì ít ra trong tay họ có dụng cụ hỗ trợ thoát hiểm.
Búa khẩn cấp thường được trang bị theo xe, đặc biệt là với những xe nhập từ nước ngoài. Nhưng vì một lý do nào đó bị mất trong quá trình sử dụng và không được thay thế.
Và hình như trong ý thức của chúng ta, búa khẩn cấp chưa bao giờ là một vật dụng quan trọng. Tài xế chẳng quan tâm nếu như búa khẩn cấp bị mất và không được thay thế. Còn hành khách có những người thậm chí còn không biết nó là cái gì khi vô tình nhìn thấy chúng gắn trên thành bên trong khoang hành khách ở những chiếc xe vẫn còn được trang bị.
Tôi chợt ước, giá như có những chiếc búa khẩn cấp này được trang bị cho chuyến xe định mệnh kia và tài xế bình tĩnh hướng dẫn khách dùng búa để phá vỡ cửa kính thì có lẽ họ đã không tuyệt vọng đến vậy khi dùng tay đấm thình thịch vào cửa kính xe trong cơn hoảng loạn.
> Bạn hãy nhớ trong ôtô có một vật dụng nhỏ bé nhưng rất quan trong: Đó là búa khẩn cấp. Vật dụng nhỏ bé này có thể cứu tính mạng của bạn nếu có sự cố cần thoát hiểm khẩn cấp khỏi xe.

Suy ngẫm 2: “… Sau khi chui ra khỏi xe, ông Lực kéo con trai và cháu gái ra theo. Cả ba vật lộn một lúc thì cậu con trai hét lên: “Bố ơi con không biết bơi”, cô cháu cũng than khóc: ‘cậu ơi, cứu cháu”. Vì không biết bơi nên cả hai tiếp tục chui vào xe mặc ông Lực quát mắng, yêu cầu hai đưa chui ra ngoài…”

Đây là một sai lầm nghiêm trọng và đã trả giá bằng tính mạng của người con trai 20 tuổi của ông Lực và cô cháu gái. Việc thoát được khỏi chiếc xe đang chìm là yếu tố quyết định. Vì hoảng loạn do không biết bơi nên con trai ông Lực và cô cháu gái dù đã thoát được ra ngoài đã tiếp tục chui vào xe và bị chìm theo xe.
Tuy nhiên, ai trong số chúng ta cũng có thể sẽ mắc phải sai lầm này, sẽ làm lại đúng như những nạn nhân này nếu chúng ta không may ở trong hoàn cảnh tương tự. Sự hoảng loạn và bản năng sống khi đối mặt với cái chết sẽ dẫn đến những hành động không thể kiểm soát.
Năm 2000, khi tôi làm việc cho Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) chúng tôi buộc phải tham dự và hoàn thành một khóa huấn luyện đặc biệt có tên gọi là HUET (Helicopter Underwater Escape Training) để được phép đi trên máy bay trực thăng bay ra các công trình biển ở ngoài khơi Vũng Tàu. Khóa huấn luyện này giúp các học viên những kỹ năng thoát hiểm khỏi khoang máy bay trực thăng nếu không may máy bay bị rơi xuống biển. Khi thực tập bằng mô hình máy bay trực thăng tại hồ bơi khách sạn REX, thành phố Vũng Tàu, tôi rất sợ và thú nhận với các giáo viên rằng tôi không biết bơi. Và điều ngạc nhiên khi các giáo viên nói với tôi rằng các kỹ năng thoát hiểm đều không yêu cầu khả năng bơi. Thậm chí họ còn nói nếu không biết và không áp dụng những kỹ năng này thì biết bơi vẫn có thể chết nếu gặp tai nạn. Và tôi, một bác sĩ mới ra trường và hoàn toàn không biết bơi đã hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện và được cấp chứng chỉ. Tôi đã thực hiện đúng ngay từ đầu 3 lần thoát hiểm từ mô hình máy bay chìm dưới nước bằng 3 cách khác nhau.
> Bạn hãy dành thời gian học những kỹ năng sống sót trong những điều kiện nguy hiểm, khẩn cấp. Bạn có thể tham gia những khóa đào tạo kỹ năng như vậy hoặc truy cập những thông tin tương tự trên Internet. Hãy làm điều đó ngay từ bây giờ hoặc là bạn sẽ phải hối tiếc trong một hoàn cảnh nào đó sau này. Và lúc đó quá trễ để bạn học.
Nếu bạn truy cập Google và đánh dòng chữ: “How to escape from a sinking car?” (Làm thế nào để thoát khỏi chiếc xe đang chìm) vào mục tìm kiếm. Ngay lập tức Google cho hàng chục kết quả tìm kiếm và một trong những kết quả mà tôi tìm thấy là bài viết hướng dẫn thoát hiểm khỏi chiếc xe đang chìm. Bài viết bằng tiếng Anh có kèm theo video hướng dẫn. Và tôi quyết định dịch bài viết sang tiếng Việt và gửi cho các bạn.
>>Làm thế nào để bạn thoát khỏi ôtô đang chìm?
Bạn nên nhớ, bạn có thể không có một khả năng nào đó, nhưng bạn hoàn toàn có thể học được những kỹ năng. Không có khả năng là một điều đáng tiếc nhưng thất bại vì không có kỹ năng là một điều không thể tha thứ. 

Suy ngẫm 3: “… Dọc đường đi, cả chủ xe lẫn hành khách đều bàn tán râm ran chuyện mưa lũ lịch sử ở miền Trung. Xe chạy xuyên đêm, vượt qua đoạn ngập sâu trên quốc lộ 1A từ thành phố Hà Tĩnh ra thị xã Hồng Lĩnh cũng là lúc trời gần sáng…”

Nhìn hình chụp Quốc lộ 1A nhiều đoạn chìm nghỉm dưới mặt nước và chỉ được nhận ra nhờ 2 hàng cọc tiêu bên đường tôi thấy tiếc cho những nạn nhân. Giá như tài xế ý thức được sự nguy hiểm khi quyết định tiếp tục hành trình trong mưa gió và lũ lụt. Trong những điều kiện bất lợi về thời tiết như vậy, có biết bao nhiêu nguy hiểm khác như: dây điện rơi, sạt lở đất, hố sâu, cây đổ… Và nếu không bị lũ cuốn thì biết đâu lại có thể gặp những tai nạn khác do những nguy hiểm nói trên gây ra. Và lại giá như, giá như hành khách gây áp lực với tài xế để dừng hành trình hoặc có thể tự quyết định dừng hành trình chờ nước rút xuống bớt. Bên cạnh việc không ý thức được về những mối nguy hiểm hay thái độ bất chấp, coi thường tính mạng của chính mình và hành khách trên xe, còn là việc không tuân thủ hệ thống cảnh báo mà các cơ quan hữu quan đã đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng….
> Bạn hãy nhớ đừng bao giờ đặt cược tính mạng của mình vào sự may rủi. Vì vậy hãy học thói quen không chấp nhận rủi ro cho sự an toàn của mình. Và bạn cũng nên nhớ đừng bao giờ phó mặc tính mạng của mình vào sự phán đoán rủi ro của người khác. Vì vậy hãy đánh giá rủi ro mọi lúc, mọi nơi và quyết định hành động sớm.
Theo tin của báo Thanh Niên ngày 19/10 trong bài viết: “Tai nạn kinh hoàng trong lũ dữ” thì từ chiều 17/10, công an đã tổ chức lực lượng, lập chốt điều tiết giao thông tại các điểm ngập lụt trên QL1A. Tuy nhiên do lượng xe quá đông, đặc biệt có nhiều xe khách đã cố tình vượt qua rào chắn nên không thể ngăn chặn hết được…”. Và chiếc xe bị nạn là một trong những xe đã cố tình vượt qua chốt kiểm tra.
Viết đến đây tôi lại tiếc cho họ. Giá như...
Những cái chết oan uổng và được báo trước nhưng không ai hành động để ngăn nó đừng xảy ra. Tiếc quá miền Trung ơi…

Suy ngẫm 4: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng

Nhà nước cũng như Chính quyền địa phương đã nỗ lực hết sức giúp đỡ miền Trung vượt qua lũ dữ và khắc phục hậu quả sau lũ. Nếu không có sự giúp đỡ và can thiệp kịp thời thì con số người chết và mất tích chắc chắn không chỉ dừng ở con số 142” (theo trang nhất báo Thanh Niên ngày 19/10).
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng xe khách vượt trạm kiểm soát để tiếp tục đi vào vùng lũ và tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với xe khách mang biển kiểm soát 48K-5868 là điều không thể chấp nhận được. Trong khi ý thức về an toàn của người dân còn hạn chế, thái độ bất chấp và coi thường tính mạng của bản thân và người khác còn phổ biến trong đại đa số tầng lớp nhân dân thì việc siết chặt kiểm soát, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm và bắt buộc dừng ngay các hoạt động có thể gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của nhân dân là vô cùng cần thiết.
Cần phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm soát và điều tiết giao thông huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh nơi xảy ra tai nạn để đảm bảo tính nghiêm minh và thực thi cảnh báo nguy hiểm của các cơ quan chức năng. 

(VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét