25 thg 5, 2011

Thế hệ kế tiếp sẽ xây dựng lại nước Nhật như thế nào

Bản dịch của Lý Lan từ blog của Harvard Business Review (http://blogs.hbr.org/cs/2011/05/how_generation_next_is_rebuild.html).


*******
Nguồn: http://lylan.blogspot.com/2011/05/he-ke-tiep-se-xay-dung-lai-nuoc-nhat.html

Hiện nay nước Nhật đang trong cơn khủng hoảng, nhưng tương lai đất nước này có thể vững như bàn thạch, căn cứ vào cách thức mà thanh niên nước này hồi phục sau trận động đất, sóng thần và tai họa năng lượng nguyên tử xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Từ lúc đó, những người ở tuổi hai mươi, ba mươi, đã sử dụng Mạng và các kỷ thuật nối mạng xã hội như Twitter và Facebook, thu thập và phổ biến dữ liệu thông tin hữu ích; hợp tác với những người mà họ chưa từng gặp mặt; và lập những đề án cứu nguy đang được thực thi, đồng thời qui tựu tài nguyên hổ trợ những đề án đó.

Thí dụ, sau khi Nhật bị động đất vào trưa ngày 11 tháng 3, hệ thống xe buýt và xe điện bị đình đốn, hàng ngàn người gồm cả nhân viên văn phòng và học sinh bị mắc kẹt. Họ có mấy lựa chọn đều khó khăn: Hoặc chờ ở đâu đó cho đến khi hệ thống vận chuyển hoạt động lại mặc dù không ai biết đến khi nào thì việc đó mới xảy ra. Hoặc đi bộ hàng chục dặm trên những con đường ngỗn ngang ách tắc. Hoặc tìm một chốn tá túc qua đêm.

Vì vậy, trường học, công ty, trung tâm thành phố, và ngay cả tư nhân đã mở cửa cơ quan hay nhà của mình cho những người hoàn toàn xa lạ vào nghỉ. Tuy nhiên, những người kẹt giữa đường làm sao biết được nơi nào để mà đến. Nhận ra vấn đề này, một nhóm thanh niên Nhật là lập trình viên máy tính đã nhanh chóng lập ra một bản đồ tương tác của thành phố Tokyo trên Mạng và dùng Twitter để phát tán thông tin đó. Chỉ trong vài giờ bản đồ đã được cập nhật đầy thông tin về những nơi chốn tạm trú. Đến nửa đêm, hơn 180.000 người đã truy cập bản đồ và dữ liệu, và nhiều người đi làm nơi xa nhà cuối cùng đã không trải qua khổ nạn ngủ đêm ngoài trời trong giá lạnh.

Nhiều lãnh đạo trẻ của các công ty lớn ở Nhật đã tiên phong lap vào những chương trình giúp đỡ dân chúng trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Chẳng hạn, Tamihito Takshima, 30 tuổi, lãnh đạo của Win Roader, một doanh nghiệp gia đình chuyên cung ứng hàng tái sử dụng, đã lập tức đưa ra một kế hoạch Tấm lòng – đến – Tấm lòng nhằm chuyển giao hàng hóa đến những người ở trong vùng bị nạn. Một người 30 tuổi khác, Daisuke Kan, lãnh đạo của công ty thức uống Cheerio, tha thiết muốn tặng những lon nước uống tăng lực Life Guard đến những nơi người ta thiếu nước uống và đồ ăn. Anh bèn gọi điện thoại cho bất cứ ai mà anh cho là có thể giúp được, khởi đầu với công ty xe buýt và kết cuộc là kết nối với hãng cung ứng Win Roader để chuyển giao hàng ngàn lon nước tăng lực đến những người cần chúng.

Chỉ trong ba ngày sau trận động đất, những tổ chức phi lợi nhuận như ETIC – tổ chức này vun dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên Nhật – đã phát động một chương trình hổ trợ những ai có nhu cầu đặc biệt, như người già, người khuyết tật, phụ nữ thai nghén, những người bị động đất dồn đến cảnh sống nhờ ở đậu. Những chuyên viên cứu trợ tai họa đã hướng dẫn 200 người tình nguyện, hầu hết là sinh viên, lập thành từng đội tỏa ra các nơi tạm trú và cứu hộ ở phía Bắc Nhật bản để tìm hiểu nhu cầu và bảo đảm cho các trại này được điều hành có hiệu quả. Đồng thời, một đội quyên góp ở Tokyo đã lập ra một hệ thống tập hợp hàng hóa và dịch vụ mà người bị nạn thực sự cần, phối hợp với hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận, và tuyển thêm người tình nguyện.

Nhiều công ty dịch vụ mạng xã hội đã lập tức phát động những chương trình quyên góp cứu trợ động đất. Thí dụ, một ngày sau khi động đất, mạng xã hội di động Gree, đã phát động một dịch vụ biểu tượng (avatar) gọi là Gree Volunteer. Người sử dụng có thể mua biểu tượng và các thứ cho biểu tượng bằng tiền Gree. Bằng cách này, khoảng một triệu người đã quyên góp 180 triệu yen cho Gree trong vòng 2 tuần đầu sau động đất. Một dịch vụ mạng xã hội khác, Mixi, phát động một chương trình tương tự và quyên được 160 triệu yen từ 2,2 triệu người sử dụng.

Chính nhóm thanh niên Nhật ở tuổi 30 và 40 đã vạch ra và thực hành những sáng kiến đó. Họ đã tập hợp từ giữa thập niên 1990, khi Nhật trải qua một loạt hiểm họa như trận động đất Hanshin, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trên xe điện ngầm ở Tokyo, và nhiều công ty bị phá sản. Lúc đó sinh viên các trường đại học bắt đầu những cuộc tranh luận về sự cần thiết tạo lập một xã hội có một hệ thống giá trị mới. Một số người đã trở thành chính trị gia thay vì đi làm việc cho các công ty hay cơ quan nhà nước. Một số khác khởi lập những doanh nghiệp kiểu mới. Và nhiều người thành lập những tổ chức phi lợi nhuận, như ETIC. Họ cũng đã thiết lập một mạng quốc gia để kết nối những đề án tiên phong rất hay, chính điều này đã khiến cho họ có thể sẵn sàng giúp ích xã hội sau trận động đất.

Cho đến bây giờ, thế hệ già vẫn thường giễu cợt thanh niên Nhật là bầy-ăn-cỏ và nội hướng. Bị coi là “Bầy-ăn-cỏ” vì chúng tiêu xài, ăn nhậu, và chơi bời kém xa cha chúng. “Nội hướng” vì chúng thích sống ở Nhật hơn. (Căn cứ vào con số hồ sơ nộp vào các trường học ở nước ngoài sút giảm, và nhiều người làm việc cho các công ty kinh doanh Nhật như Mitsui và Mitsubishi không chịu ra nước ngoài làm việc.) Tuy nhiên, sau ngày 11 tháng 3, chính những người trẻ này đã minh chứng là họ có năng lực đối phó với khủng hoảng và xây dựng một tương lai mới cho Nhật bản – bằng những cách khác hẳn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét