13 thg 7, 2011

Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu (3)

Kỳ 3: Nằm trên cánh đồng vàng mà vẫn nghèo
(Thu Hà)

Nếu nông nghiệp là tấm gương phản chiếu xã hội, sẽ cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một khu vực trì trệ và bị tổn thương. Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi Mới song với những gì diễn ra ở khu vực này trong chừng mực cho thấy nông dân chưa bắt kịp tiến trình này, nếu không muốn nói là đi sau các thành phần khác với khoảng cách khá xa.

Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - người gắn bó với miền Tây trước và sau năm 1975 cho rằng, vùng này hiện đang tồn tại nhiều nghịch lý: là nơi sản xuất hàng hoá phát triển nhất nhưng tỷ lệ người nghèo, trẻ em thất học cũng nhiều nhất; là nơi đóng góp 90% lượng gạo và 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước nhưng cũng là nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất; nông dân tích luỹ thấp và tỷ lệ hộ dân sống nhà tạm bợ cũng đứng hàng nhất nước... "Họ nghèo lắm, dù có chút may mắn là không bị đói", ông Sơn quả quyết.

Thu nhập 0,3 USD/ngày

Ông Năm Sáng sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, cánh đồng 1ha lúa của gia đình ông ở ven xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (An Giang) thuộc Tứ giác Long Xuyên- một trong hai trung tâm lúa gạo bậc nhất Việt Nam. Từ lâu đời vùng đất này chuyên trồng lúa hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng gia đình ông và phần đông người hàng xóm luôn ở gần sát chuẩn nghèo. Bình thường thì không sao, nhưng chỉ cần một biến động nhỏ là nhanh chóng rơi vào diện nghèo.

"Ông nội khi còn sống cứ mong mỏi làm sao dành dụm được chút tiền cất cái nhà ngói làm chỗ cúng ông bà cho đàng hoàng. Chắt chiu cho đến lúc chết ông vẫn chưa làm được. Hết đời cha, giờ tới tôi, ngoài 60 rồi vẫn chưa thực hiện được di nguyện của ông. Tiền cho tụi nhỏ học hành, trả nợ vay ngân hàng không đủ nói chi đến chuyện cất nhà", ông Năm Sáng miệng nói, tay chỉ vào căn nhà lợp lá, tuyềnh toàng tạm bợ cạnh đó.

Số liệu được nói đến nhiều nhất trong dư luận là, thu nhập GDP trên đầu người của ĐBSCL chỉ bằng khoảng 2/3 mức trung bình của cả nước; Còn về tiêu dùng - được coi là một thước đo chính xác hơn cho mức độ nghèo đói thì mức tiêu dùng trên đầu người của người dân ở ĐBSCL hiện nay thấp hơn mức bình quân của cả nước khoảng 10% (290.000 so với 316.000); không những thế, lại có tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1993-2003 chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước (63% so với 96%). Điều này có nghĩa là chênh lệch về mức sống của người dân ở ĐBSCL so với các vùng khác không những không được thu hẹp, mà còn liên tục bị nới rộng. Không ít xã đang có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 18% -20%. Nếu tính theo tiêu chí mục tiêu thiên niên kỷ, số hộ dân còn nghèo dưới mức 1 USD/người/ngày có thể ước tính khoảng 50%.

Thực tế này khiến những người như ông Sơn suy nghĩ mãi. "Thu nhập cỡ 200.000 đồng/người/tháng, tức 2,4 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 150 USD/người/năm theo giá năm 1994; giảm xuống còn 120 USD/người/năm theo giá 2009, tức khoảng 0,3 USD/người/ngày không hiểu nông dân xoay sở cuộc sống thường nhật thế nào?", ông Sơn băn khoăn.

Thua thiệt đủ đường

Cuối tháng sáu, các cánh đồng ở miền Tây vào mùa thu hoạch rộ. Nhà nông mặc dù hài lòng vì vụ này được mùa, nhưng vẫn héo hắt ruột gan vì cũng như những vụ trước, họ bán lúa với giá không như mong muốn. "Đầu vụ đang được giá, nhưng giữa vụ đột nhiên giá rớt cái rụp", một người nông dân cho biết.

Sau một hồi mặc cả kịch liệt ngay trên thửa ruộng của mình, lão nông Bảy Dự (ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) dù không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận bán 4.800 đồng/kg lúa ướt.

Nhìn sang các thửa ruộng gần đó, nơi những người nông dân và thương lái đang căng thẳng trả giá bán - mua, ông quả quyết, những người hàng xóm sẽ sớm phải chấp nhận mức giá các thương lái đưa ra. Giống như ông, họ không còn lựa chọn nào khác vì "không bán, thu hoạch về biết cất trữ vào đâu?".

"Mấy năm gần đây đều trúng mùa, Mỗi vụ, 2,5ha ruộng thu được cỡ 115 triệu đồng, trừ đi các khoản nợ mua giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, còn lại khoảng 70 triệu. Làm để có dư thì khó lắm, làm chỉ đủ gói ghém cuộc sống trong một năm đó thôi, nợ ngân hàng vẫn còn đó. Làm hoài mà vẫn cực", ông Dự nhẩm tính.

Lão nông này cho biết thêm, "vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%. Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ đều tăng, trừ thu nhập."

Những khó khăn của bác Bảy Dự cũng là khó khăn chung của phần đông nông dân trồng lúa ở ĐBSCL- những người trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng lại không được tự quyết định giá của sản phẩm của mình. Do không có điều kiện, họ chấp nhận bán hàng với giá rẻ mạt để có tiền thanh toán các khoản vay từ đầu mùa vụ các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công mướn... kẻo "càng để lâu, càng gánh không nổi lãi".

Theo Giáo sư nông học Võ Tòng Xuân, "người trồng lúa nghèo triền miên vì làm nông nghiệp không có vốn, nông dân phải vay tiền mua. Sau mỗi vụ gặt, nông dân chen chúc ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp. Có tới 95% nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau".

Khi được đề nghị lý giải về việc cái nghèo đeo bám dai dẳng nông dân miền Tây, Ông Xuân nói thế này: Thực tế là người nông dân của ta từ chỗ chuyên sản xuất lúa gạo theo kiểu "tự cấp, tự túc", thì sau đó đã chuyển sang sản xuất theo kiểu hàng hoá, người nông dân bước vào thị trường. Nhưng khi bước vào thị trường thì họ luôn là người lép vế, đặc biệt là nông dân nghèo. Chẳng hạn lấy phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường là hai trăm, doanh nghiệp bán lại cho nông dân hai giá hai trăm rưỡi. Đôi khi có những người còn mua phải phân bón và thuốc trừ sâu giả. Thế là nông dân đã nghèo lại càng nghèo cùng cực hơn".

Cũng vì lẽ đó, nhà báo Lê Thanh Nguyên mới đúc kết rằng, trong các thành phần kinh tế, nông nghiệp phát triển chậm hơn so với công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập thấp nên người nông dân cải thiện cuộc sống chậm hơn. Thị trường nông sản của ta chủ yếu dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp. Doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền về chế biến và lưu thông, còn nông dân không có quyền mặc cả và vì thế hay bị ép giá. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng.

"Bị định giá nên thường phải gánh phần thua thiệt trong khi chi phí ngày càng tăng mà lợi ích thì ngày càng giảm, đầu vào tăng nhiều, còn đầu ra chỉ tăng chút ít. Tình hình kinh tế khó khăn gần đây càng góp phần làm cho cuộc sống của nông dân ĐBSCL thêm khó khăn, bản thân họ hầu như không được hưởng lời khi thị trường thuận lợi và luôn phải chịu lỗ khi nông sản bị mất giá", ông Nguyên nói.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, chính thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng thừa nhận: "những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân là những người nghèo, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển".

Đúng là giá lúa gạo qua các năm có tăng nhưng vẫn không theo kịp giá chi phí đầu vào. Năm ngoái, giá thu mua lúa tăng 15%-20% nhưng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng tới 30%. Thêm vào đó, diện tích trồng lúa của các hộ gia đình quá nhỏ, manh mún (trung bình 0,3-0,8ha) nên dù tỉ suất lợi nhuận từ trồng lúa có cao đến mấy thì tổng lợi nhuận thu được chẳng đáng là bao.

Thực tế này khiến nhiều người có cảm giác nông dân lâu nay chưa được quan tâm, họ lép vế và phải chấp nhận thua thiệt mọi bề. Chính điều đó khiến họ mắc kẹt mãi trong cái nghèo dù cuộc Đổi Mới dưới sự khởi xướng của Đảng đã đi qua 25 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét