7 thg 7, 2011

Hết rau rồi, ta...lấy quách măng luôn (*) !

(*) Nhại lại lời trong bài hát "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến Duật.

Mê cung. Ảnh: Internet
Mấy ngày nay đọc tin thi cử trần ai của các bạn 12 nên tôi muốn nói vài điều về vấn đề này chứ không phải "say miền đất lạ" với chuyện hái măng và rau rừng gì ở đây! Tới hẹn lại lên, năm nào cũng như năm nào, đầu tháng bảy là sĩ tử lều chõng đi thi và báo chí lại có dịp ca lại bài đồng ca muôn thuở. Đã từng khăn gói lên Sài Gòn để thi, rồi cũng đã từng có dịp biết được công tác tuyển sinh như thế nào nên "mỗi năm đến hè là lòng tôi thấy rầu"! Học trò đi thi thì khổ đã đành mà người coi thi, người nhà thí sinh cũng khổ thân không kém. Nói tóm lại là...chúng ta cùng khổ! 

Mỗi một mùa thi là biết bao tốn kém cho xã hội, nghe người ta tính đâu tiền tỉ, nhưng hiệu quả thì thế nào? Thi cử đã đời rồi nhiều trường cũng thi nhau...vét thí sinh! Thượng vàng hạ cám gì cũng lượm hết, điều này không chỉ diễn ra ở các trường mới thành lập, qui mô nhỏ mà hầu như ngày càng phổ biến ở các trường lớn. Hơn chục năm trước, nghe nói tới sinh viên (SV) ở các trường "có máu mặt" ở Sài Gòn là người ta còn thấy ngon lành chút, giờ thì...sàng sàng như trà đá trong khách sạn nhiều sao! Trường lớn đã vậy thì trường nhỏ hơn thì khỏi nói rồi. Trước đây, có một lần tôi tiếp xúc với nhóm SV ở một trường tư của một tỉnh ven Sài Gòn, nghe nói là có bạn thi ba môn với tổng số điểm chỉ một con số mà cũng trúng tuyển. Khi làm việc với nhau, một trong các bạn đó không nhớ lấy nổi những công thức tính diện tích các hình đơn giản đã được học ở phổ thông. Ê hề! 
Nói thì thành ra quơ đũa cả nắm, nhưng nói thiệt, thời buổi bây giờ người ta đầu tư vô giáo dục (đại học) coi bộ ngộ ngộ. Danh nghĩa là mở mang dân trí, rồi hầm bà lằng nhiều khái niệm khác chúng ta vẫn nghe ra rả hằng ngày nhưng đằng sau những "động tác kĩ thuật màu mè" thì cũng chỉ là một sự thật trần trụi (như bản chất vốn dĩ của nó): kinh doanh. Mà hễ kinh doanh thì phải có lời, thế thôi! Nói đến đây thì thiết tưởng cũng nên dành đôi lời trân trọng cảm ơn đối với những người nặng lòng với giáo dục thật sự và họ đã đầu tư đàng hoàng, làm được khá nhiều điều tốt đẹp trong ngữ cảnh tranh sáng tranh tối này. 

Khả năng thứ hai, đi kèm với chuyện "rau, măng" ở trên là hệ...tại chức! Bạn nào rủi có rớt đại học thì cũng còn con đường tại chức. Hiển nhiên chỗ nào cũng có người vầy người khác, ở đây tôi chỉ nói phần đông. Học tàn tàn vài năm rồi cũng ra trường, có bạn lại học tiếp sau đại học, thế là cũng ngon lành như ai. Tôi không có ác ý gì với các bạn này, hoặc phân biệt gì cả nếu bạn nào lao động nghiêm túc và làm tốt, tôi chỉ nêu lên để chúng ta xem xét việc thi tuyển sinh thôi. Thi chi đã đời rồi cuối cùng cũng canh điểm chuẩn để lấy cho ráng đủ chỉ tiêu. Người ta sẽ nói phải sàng lọc để phân "ngôi thứ", ngành nghề. Như vậy tại sao không để cho trường tự xét học bạ, phỏng vấn tuyển sinh cho riêng họ? Tới đây thì thiên hạ lại đổ lỗi cho bậc phổ thông, nói là nếu làm như vầy thì ở phổ thông sẽ có tiêu cực không kiểm soát được. Vậy là bí! Mệt quá, thi thì đã không xong mà bỏ thi thì thấy không ổn, cứ loay hoay vậy hoài và cuối cùng chỉ dân tình chịu khổ. Nếu xét học bạ mà những nơi nào làm chưa nghiêm túc thì tức khắc sang năm sau những trường đại học tuyển sinh người ta biết được thương hiệu của nơi đó liền chứ gì (hiển nhiên khi làm thì phải có lộ trình cụ thể). Quan trọng là mình có muốn làm không, nếu quyết tâm (như quyết tâm làm đường sắt cao tốc á) thì sẽ tập trung tìm cách làm cho phương thức xét tuyển đó tốt hơn, hoàn thiện hơn (như thiên hạ đã làm từ năm nào). Đằng này cứ ầu ơ ví dầu, lúc nói thi lúc nói không mà không đưa ra một khẳng định cụ thể nào hết. Bỏ thì sợ tiêu cực (ở phổ thông), sợ nên...không thể bỏ, không bỏ nên cả xã hội muốn...tiêu tán đường sau mỗi mùa thi cử! Nói đến đây thì thấy sĩ tử ngó lên trời cười ba tiếng, khóc ba tiếng rồi...khăn gói về quê nên tôi tạm dừng, chờ năm sau, đúng ngày này đưa lên lại :) ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét