14 thg 7, 2011

5 ĐH hàng đầu Mĩ chào mời một nữ sinh Việt (*)

(*) Tôi trích nguyên văn tên bài báo đăng trên BAODATVIET.VN (họ lại để là theo...Dân trí). Nói ra thì thành ra người ta nói tôi khó tính, chứ đọc cái tiêu đề là tôi mất cảm tình với Ông/Bà nhà báo này liền! Dân báo chí mà viết một câu sai nguyên tắc diễn đạt, ngữ pháp, ngữ nghĩa như vậy thì thiệt là hết biết! (Viết tắt mà chưa giới thiệu, thiếu giới từ trước từ "Mĩ", chào mời một nữ sinh Việt để làm gì? với lại mời thì được rồi, ai lại đi...chào mời ở đây!)

Người Việt mình thì cũng có nhiều người tài, nhưng số đó không phải phổ biến, và không phải lúc nào họ cũng có môi trường mà phát lộ. Báo chí cứ ru ngủ mình và đưa tin giựt gân cứ như họ là thiên tài...chưa bao giờ gặp trong đời, hoặc vĩ đại cỡ như...Einstein không bằng! Tôi không thích lắm những bài viết ca ngợi người Việt kiểu tán tận mây xanh như vậy nhưng bài này có nhiều điểm tôi thấy thích thú nên đem về đây để các bạn tham khảo. Việc học thì tùy người, những điều tôi sắp nói đây chưa chắc gì đúng ý các bạn vì ít nhứt tôi thấy tôi đã...thất bại khi khuyên...em của tôi. Cho nên, bạn nào thấy thích hợp thì xem :)

Trước tiên, tôi phải công nhận là bạn Thanh Phương trong bài viết này đã làm được như thế thì chắc là học phải giỏi lắm rồi (tôi nói là học giỏi!), chuyện đó không bàn cãi. Tôi chỉ phân tích vài kinh nghiệm mà bạn ấy nêu ra ở đây (theo lời nhà báo) và đối chiếu với kinh nghiệm đi học của mình ngày xưa mà viết ra vài dòng cho các bạn học sinh phổ thông, bạn nào thấy hợp thì xem, vì nó không có gì mới cả. 

1.
"Xem bài trước khi tới lớp". Với tôi, đây là điều tôi thấy có hiệu quả khá cao. Ngày xưa, lúc nào tôi cũng cố gắng coi trước bài học của ngày hôm sau, trước khi đến lớp. Dù không hiểu tôi vẫn coi sơ qua một lượt để có hình dung về bài học, khi thầy cô giảng bài thì rất dễ hiểu và thuộc bài, đôi khi thuộc luôn tại chỗ nếu bài dễ. Điều này rất đơn giản, nói ra ai cũng phì cười nhưng để thực hiện triệt để thì không phải ai cũng chịu khó tập cho thành thói quen!

2.
"Đọc và ghi chú những điểm cần lưu ý". Đây cũng là một trong những cách tôi học ngày xưa. Khi học/làm bài, tôi thường đọc sơ từ đầu tới cuối để nắm dàn bài rồi sau đó đọc kĩ từng phần, ghi chú chi chít những ý chính, kinh nghiệm giải bài, ưu và khuyết điểm của từng cách giải, thậm chí những suy nghĩ sai tôi cũng ghi ra để sau này tránh. Cho nên, khi ôn tập, nhiều lúc tôi chỉ nhìn mấy cái ghi chú đó thôi là đã nắm bài.

3.
"Mỗi khi có thời gian rảnh em lại tưởng tượng ra những tình huống, nhớ lại những câu chuyện và cố gắng diễn giải bằng tiếng Anh". Tiếng Anh (TA) của tôi thì tệ khỏi nói nhưng cách tôi học ngày trước cũng na ná như vầy. Khi làm bất cứ điều gì tôi đều cố gắng nghĩ trong đầu ra câu TA của nó là gì, giống như chơi...song ngữ, nhờ vậy mà TA của tôi bây giờ...đỡ tệ hơn như nó đã từng tệ :). Điều nữa, tôi thấy cứ nhào vô nghe đài, coi ti vi riết thì nó cũng quen cách phát âm, dùng từ của người ta.

4.
"Hoạt động ngoại khóa". Điều này thì đến mãi sau này tôi mới thấy cái hay của nó. Ngày xưa đi học tôi thấy các hoạt động phong trào đơn điệu và thấy chán quá nên không có tham gia gì cả, thậm chí lên đại học cũng vậy. Sau này, có dịp tiếp xúc thì tôi mới nhận ra hoạt động phong trào, cộng đồng rất hữu ích. Nó rèn cho mình nhiều thứ: tính tổ chức, kỉ luật [và đôi khi là kĩ năng lãnh đạo (nhóm)], kĩ năng làm việc nhóm, sự năng động,...Bạn nào còn học đại học, nếu có thể cho một lời khuyên thì tôi khuyên các bạn đừng bỏ những chuyến đi mùa hè xanh và các hoạt động phong trào!

5.
Có điều, nếu đúng như tác giả nói: "Xem thông báo tuyển sinh hệ tiên tiến của trường này, vì tò mò về chương trình học bằng tiếng Anh, cô bạn đã nộp đơn xin học và được nhận với số điểm thi đại học là 26" thì tôi thấy lập luận này chưa...chuyên nghiệp lắm! (Hiển nhiên, tôi biết chi tiết này cũng chỉ là điều để...đăng báo thôi). Cũng có thể đầu óc tôi "hạt tiêu" nên nghĩ khác, nhưng quyết định học cái gì mà nói "tò mò" là khó mà lọt lỗ tai được! Những việc này lẽ ra phải suy nghĩ đủ đường mới quyết định chứ nói kiểu như chơi vầy thì...kém chuyên nghiệp và khó thuyết phục quá! Nếu bạn là người phỏng vấn, bạn có đánh giá cao và bỏ tiền tỉ ra để thuê một người làm việc với phong cách chỉ..."tò mò" vầy không? Làm việc với dân chuyên nghiệp, nhất là với mấy anh Mĩ, thì phải chuẩn bị đến sái cổ trước các kế hoạch A, B, C có khả năng xảy ra đến từng chi tiết chứ ở đó mà nhởn nhơ như...uống cà phê ở Sài Gòn! 

6.
Kinh nghiệm xin học bổng và hồ sơ kèm theo. Đây là điều mà tôi định sẽ viết đầy đủ hơn cho các bạn, nhưng để sau này, khi tôi đã hoàn thành xong chuỗi bài giới thiệu ngành nghề thi đại học cho các bạn 12 cái đã.

*******
Ảnh: Nhân vật cung cấp (Dân trí)
Với thành tích học tập xuất sắc, Đào Thanh Phương - cử nhân lớp tiên tiến trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cùng lúc được 5 ĐH hàng đầu của Mỹ mời nhập học, trong đó có University of California.
Dáng người thanh mảnh, khuôn mặt trẻ trung, giọng nói nhẹ nhàng, cô cử nhân lớp Tài năng, ngành Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) Thanh Phương dễ dàng lấy được thiện cảm của người đối diện ngay trong lần gặp đầu.

Với số điểm TOEFL 110/120 điểm (theo tiêu chuẩn học thạc sĩ ở các nước châu Âu thì chỉ cần TOEFL 80 điểm), cùng với tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại ưu (điểm tổng kết trung bình các môn của Phương là 3,74/4), lại trực tiếp được hai thầy giáo người Mỹ viết thư giới thiệu Thanh Phương đã được ĐH University of California dành tặng suất học bổng toàn phần trị giá 350.000 USD (hơn 7 tỷ đồng). Tháng sau, Phương sẽ lên đường sang Mỹ nhập học chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Hóa học.

Tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm và có nhiều bài viết được đăng tải trên các báo chuyên ngành của Việt Nam, cộng với bảng điểm đẹp như mơ, Phương tự tin nộp hồ sơ vào 5 ĐH mạnh về chuyên ngành mình yêu thích và đã nhận được 5 lời mời của các trường ĐH Mỹ gồm University of California, Berkeley, Purdue University, University of Florida và University of Pennylsivia.

Sinh tháng 7/1988 và là con cả trong một gia đình viên chức có hai chị em gái ở phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, ngay từ bé Thanh Phương sớm ý thức được việc học. Vui vẻ, dí dỏm là nét tính cách dễ nhận thấy ở Phương. Khi được hỏi về bí quyết học tập, Phương cởi mở cho biết: “Thật ra bí quyết học của em không có gì đặc biệt, em không học quá nhiều, không cố nhồi nhét mà thường học khi có hứng. Quan trọng nhất là khi học phải tập trung và em cũng tự đề ra cho mình một nguyên tắc nhỏ là phải xem bài trước khi đến lớp. Với em, việc đọc và ghi chú lại những điểm cần lưu ý là cách vừa ép mình đọc chậm, vừa ép mình hiểu, với cách học này em thấy rất hiệu quả”. Tuy dành nhiều thời gian cho việc học, Phương cũng không quên dành thời gian cho bạn bè, cho những sở thích riêng. Cô chị cả còn nhận “trọng trách” đảm đang toàn bộ việc nhà.

Cũng theo nữ chủ nhân của học bổng danh giá này thì đối với việc học tiếng Anh quan trọng nhất vẫn là “tự học”, bên cạnh đó việc cọ xát và sử dụng thường xuyên sẽ giúp người học nhớ được nhiều hơn, hình thành phản xạ tốt hơn.

“Mỗi khi có thời gian rảnh em lại tưởng tượng ra những tình huống, nhớ lại những câu chuyện và cố gắng diễn giải bằng tiếng Anh. Cách học này đã rèn cho em kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hiệu quả”, Phương chia sẻ.

Được biết, do tình cờ mà Phương trở thành cử nhân lớp tiên tiến trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Xem thông báo tuyển sinh hệ tiên tiến của trường này, vì tò mò về chương trình học bằng tiếng Anh, cô bạn đã nộp đơn xin học và được nhận với số điểm thi đại học là 26. “Được học trong môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày giúp em tăng kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Thêm một lợi thế nữa là bọn em được học với giáo viên nước ngoài, cách giảng dạy của các thầy cô giúp em hình thành thói quen làm việc áp lực cao và rèn luyện tính độc lập”, Phương chia sẻ.

Cũng theo Thanh Phương, để dành học bổng không phải quá khó, nếu biết kết hợp giữa việc học và tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa: “Các trường đại học nước ngoài rất chú trọng các hoạt động xã hội, ngoài thành tích học tập xuất sắc nếu bạn có thêm các kỹ năng tổng hợp, chắc chắn hồ sơ của bạn sẽ được ưu tiên và để chuẩn bị cho kế hoạch du học bạn hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin về trường mình định đến, ngành mình học, môi trường sống và văn hóa của nước đó”.

Theo kinh nghiệm của Phương, để nộp hồ sơ đi du học sau đại học ở Mỹ, cần có: (1) bảng đểm trên lớp, (2) điểm TOEFL hoặc IELTS, (3) điểm GRE, (4) Kinh nghiệm nghiên cứu và (5) thư giới thiệu của thầy, cô. Trong đó, thứ tự quan trọng là (5) = (4) > (1) > (3) > (2).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét