12 thg 7, 2011

Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu (1)

Kỳ 1: Chính sách công "bỏ rơi", nhà đầu tư lảng tránh
(Thu Hà)

Những cú sốc kinh tế gần đây phát đi thông điệp cảnh tỉnh, nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu.

LTS: "Khủng hoảng dạy chúng ta một bài học: dù công nghiệp hóa cũng không thể lơi lỏng nông nghiệp vì phát triển nông nghiệp giúp nền kinh tế ổn định trước sóng gió và đảm bảo an ninh xã hội", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảnh báo tại hội thảo về ổn định vĩ mô hồi cuối tháng 6. Ông Khoan không phải là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng mải mê công nghiệp hoá mà bỏ quên nông nghiệp, cứu cánh của đất nước qua nhiều cuộc khủng hoảng. Đã có hẳn một chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế chưa chuyển biến được bao nhiêu.

Nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ chẳng mấy chốc biến mất. Và vùng trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam này có thể suy kiệt trầm trọng. Đó là những cảnh báo từ loạt bài ghi chép sau một chuyến đi thực tế của phóng viên Tuần Việt Nam.

Chính sách công "bỏ rơi"

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhìn vào khu vực này, trong chừng mực sẽ thấy kết quả của 25 năm đổi mới.

Đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, ĐBSCL là vùng có lợi thế về nông nghiệp bền vững tốt nhất Việt Nam. Được thiên nhiên biệt đãi, vùng nông thôn này được hưởng nguồn năng lượng phát triển dồi dào. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.

Hai lăm năm sau ngày đất nước thực hiện chính sách Đổi Mới theo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sản lượng lúa gạo của ĐBSCL tăng trưởng ngoạn mục, vượt 19 triệu tấn, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực lớn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không chỉ có lúa, các mặt hàng thủy sản cũng đóng góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn, đến từ Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long từng dùng chỉ số ICOR để đánh giá hiệu quả kinh tế miền Tây. Ông quả quyết, "mười năm qua, có lẽ không ai có thể phủ nhận ĐBSCL đã phát triển với hiệu quả cao". Cũng nhờ sự đóng góp chủ lực của vùng đất này, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo nhất do bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và khu vực.

Với thành tựu rực rỡ như vậy, lẽ ra ĐBSCL xứng đáng được hưởng cuộc sống khá giả, nông thôn khang trang, nông nghiệp tiên tiến. Nhưng tiếc rằng khu vực này chỉ nhận được rất ít những thành quả mà cuộc Đổi Mới mang lại. Hơn hai chục năm qua miền Tây vẫn mắc kẹt trong nghèo nàn, lạc hậu. Các số liệu công khai đều cho thấy, cái nghèo cùng cực vẫn đeo bám ĐBSCL. Gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày. Còn không ít xã anh hùng đang rơi vào tình trạng mà mục tiêu thiên niên kỷ gọi là bần cùng.

Gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày. Ảnh: Thu Hà
 
Là người thấu hiểu miền Tây, GS Võ Tòng Xuân- một nhà khoa học nông nghiệp có uy tín cho rằng, vùng nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL đã bị "bỏ quên" trong một khoảng thời gian dài. Thể hiện ở chỗ, bao năm nay phân bổ đầu tư về đây chưa tương xứng với đóng góp của vùng cho nền kinh tế. Đầu tư từ nhà nước cho ĐBSCL thật ít ỏi, chỉ khoảng 16% ngân sách.

Thực tế này càng thể hiện rõ trong tương quan giữa một bên là những kế hoạch đầu tư mới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế với một bên là tình trạng "dậm chân tại chỗ" của những dự án nông nghiệp, nông thôn. Một loạt cơ sở hạ tầng đường giao thông, bến cảng... dù chủ trương có từ hơn chục năm trước, mãi gần đây mới rục rịch khởi động. Trong đợt kích cầu đầu tư 16.000 tỷ đồng hồi năm ngoái, nông nghiệp ĐBSCL cũng chỉ được hưởng 0,36%.

Ông Xuân nhiều lần kêu lên, "vùng này đã bị lấy đi nhiều hơn đầu tư vào". Chính sách khai thác chủ yếu theo chiều rộng, thụ động khai thác các tiềm năng sẵn có đang làm kiệt sức ĐBSCL.

Những số liệu thống kê được báo chí dẫn lại cũng phần nào cho thấy, trong lúc khoản ngân sách ít ỏi dành cho nông nghiệp đang teo tóp dần thì đầu tư được rót một cách hăng hái vào các khu công nghiệp, khu đô thị. Điều đáng nói ở chỗ khoảng 70% đất nông nghiệp đã được thu hồi vẫn để hoang cho cỏ mọc trong khi một phần nông dân vì nhiều lý do không có nổi "cục đất chọi chim". Thực tế này đã tác động rất mạnh đến tâm lý nhà nông.

Đầu tư nước ngoài lảng tránh

Đầu tư công thì vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào đây cũng chẳng hơn gì.

Khát vốn, các tỉnh ĐBSCL chủ động mời chào các nhà đầu tư nước ngoài.Tuy nhiên, trong một cuộc xúc tiến đầu tư tại địa phương, có nhà đầu tư nói thẳng, trong tính toán của họ, miền Tây tuy có tiềm năng lớn, triển vọng tương lai, nhưng tại thời điểm này chưa mang lại hiệu quả bằng nơi khác.

Bằng chứng là hơn 450 dự án FDI hiện nay được giới quan sát đánh giá vẫn chưa có nhiều tác động quan trọng đến tăng trưởng cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

Nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu. Ảnh: Thu Hà.
 
Phó chủ tịch HĐQT công ty Phuquoc Land từng chia sẻ trên báo: có quá ít cơ hội cho nông nghiệp trong nước tiếp cận với các nhà đầu tư. Nếu đem so sánh với Thái Lan, cùng khí hậu, cùng vị trí địa lý tuy nhiên sự thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp của Việt Nam đi sau Thái Lan một khoảng dài.

Điểm yếu chí tử của ĐBSCL là những chuyện chẳng còn lạ lẫm: cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn; chất lượng nguồn nhân lực yếu kém; các mối liên kết lỏng lẻo, ít động lực...

Chỉ chừng đó vấn đề vậy mà hơn hai chục năm đã trôi qua vẫn chưa hoá giải được, khiến ĐBSCL mất đi nhiều cơ hội tốt. Những cú sốc kinh tế gần đây phát đi thông điệp cảnh tỉnh, nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu.

Trong một cuộc trò chuyện trên Tuần Việt Nam cách nay hơn một năm, GS. VS. Đào Thế Tuấn nói về cách ứng xử với kinh tế nông nghiệp, ngẫm lại cũng đúng với trường hợp ĐBSCL. Ông nói, thật sai lầm khi cho rằng làm công nghiệp thì không cần nông nghiệp nữa. Chúng ta không thể tiến hành công nghiệp hóa bằng mọi giá, buộc nông nghiệp và nông dân dồn sức cho công nghiệp đạt thành tích tăng trưởng GDP như đang diễn ra. Cuối cùng ông đúc kết, "trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nông nghiệp là ngành mà chúng ta phải duy trì và phát triển, không phải vì lợi thế cạnh tranh nào cả, mà vì phát triển nông nghiệp là chuyện bắt buộc phải làm, không làm là chết".

Thực tế phát triển quốc gia trong bối cảnh hiện nay đã chứng tỏ một điều hiển nhiên, với một xuất phát điểm thấp như Việt Nam, để phát triển đất nước không thể không dựa vào nông nghiệp. Nhưng, liệu nông nghiệp có trở thành điểm tựa bền vững hay không lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào những cái đầu định hướng có quyết tâm chính trị dám làm một cuộc Đổi Mới nông nghiệp một lần nữa hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét