16 thg 4, 2011

Thông tin hướng nghiệp

Những vấn đề trong mảng giáo dục là một trong những tiêu chí chúng tôi định chia sẻ khi lập ra trang này nhưng lần lựa mãi tới hôm nay tôi mới bắt đầu viết được một chút. Tôi sẽ lần lượt viết theo hiểu biết của tôi về các vấn đề liên quan đến mảng này cho các bạn học sinh chuẩn bị thi vào đại học và đang học mấy năm đầu đại học (nên bạn nào đã qua rồi thì khỏi coi, mà có lỡ coi cũng...đừng rủa vì tôi nói mấy cái này với các bạn như múa rìu qua mắt thợ). 

Vấn đề đầu tiên tôi sẽ nói là sơ lược về việc định hướng nghề nghiệp. Theo tôi biết, hiện nay vào mùa tuyển sinh thì một số trường đại học cũng đến trường PTTH Cần Giuộc để tư vấn nhưng tôi chắc họ cũng không có thời gian nhiều để nói cặn kẽ hết nhiều thứ tổng quan cho các bạn hơn là tập trung giới thiệu về trường họ. Tuy nhiên, theo tôi thì việc này (hướng nghiệp) rất quan trọng. Chọn ngành nghề thi đại học là một bước ngoặc quyết định và có ảnh hưởng đến phần nhiều cuộc sống, nghề nghiệp của các bạn sau này. Các bạn có học giỏi đến mấy suốt 12 năm phổ thông nhưng nếu các bạn chọn trường, ngành chưa phù hợp với mình (do không có thông tin) thì cả phần đời còn lại bạn phải theo nó (dù không ít bạn học một đàng nhưng làm một nẻo), như thế thì chưa trọn vẹn, mà tới hồi các bạn tốt nghiệp đại học rồi thì khó có cơ hội...đi thi và học lại được! Gia đình bạn nào có anh chị đi trước thì đỡ, còn không thì sẽ rất khó trong lúc làm hồ sơ thi. Tôi nhớ ngày xưa tụi tui chọn ngành nhiều lúc cũng cảm tính lắm! Bài đầu tiên này tôi sẽ giới thiệu sơ với các bạn về các cấp đào tạo trên phổ thông ở nước ta hiện nay để các bạn có cái nhìn xuyên suốt về các bậc học (tôi tập trung vô mảng kĩ thuật).

1. Đại học: đây là chương trình đào tạo nghề, thường là 4-5 năm tùy theo trường (riêng trường Y thì hình như là 6 năm?). Ở các trường kĩ thuật, những năm đầu đại học các bạn sẽ được học một số môn bắt buộc như Toán nâng cao, Vật lý, Hóa, Triết học,....nôm na là một số môn học trang bị cho các bạn về lý luận, kĩ năng chung (không học những môn như Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học,...như ở phổ thông nữa – nhắc lại là tôi đang nói về nhóm trường kĩ thuật). Giai đoạn này thường kéo dài 1.5 năm, thời gian còn lại các bạn sẽ tập trung vô những môn học phục vụ cho nghề nghiệp cụ thể sau này. Tôi ví dụ, nếu các bạn học ngành Xây dựng thì các bạn sẽ được học về ứng xử của vật liệu (bê tông, đất, đá,...), về các nguyên tắc và cách tính toán để làm sao người ta có thể xây nên một ngôi nhà, cái cầu,...còn học về ngành Y thì sẽ học cách chữa từng loại bệnh, cách sử dụng thuốc ra sao,...(tôi sẽ có bài viết cụ thể về từng ngành sau này). Tôi nói mấy điều cơ bản này vì sao? Tôi nhớ ngày xưa bản thân tôi vô đại học rồi mà tôi còn không biết trên đại học mình sẽ được học những môn gì, tôi hỏi một anh khóa trước là có phải học tiếp mấy môn giống giống như phổ thông không, kiểu như lớp 10 học 10 môn thì lớp 11, 12 cũng chừng đó tên môn học thì vô đại học chắc cũng na ná vậy nhưng kiến thức sâu hơn (cù lần hết biết!)? Nói như thế để các bạn có một hình dung sơ sơ về việc học ở đại học và căn cứ vào sở thích, kĩ năng của mình mà chọn trường, chọn ngành cho phù hợp. Điểm khác biệt chính giữa việc học đại học và sau đại học (phần sau) là: ở bậc đại học các bạn chỉ cần học thuộc và vận dụng tốt kiến thức trong một vài cuốn sách (đã được thống nhất) là coi như chúng ta đạt được yêu cầu và mục đích của môn học; còn ở bậc sau đại học là các bạn tập trung nghiên cứu một vấn đề nhỏ nào đó nhưng mới mẻ trong chuyên ngành hẹp của các bạn, hoặc sử dụng kiến thức mới giải quyết một vấn đề cũ, nói nôm na là phải có cái gì “mới”, và lượng thông tin các bạn tiếp cận không phải từ sách không mà phần lớn là từ các bài báo khoa học, bài báo hội nghị chuyên ngành (sẽ có bài riêng cho phần này trong thời gian tới).

2. Cao học (Thạc sĩ, sau đại học): Ở một số nước thì chương trình ThS thường có hai loại (1) học một số môn nhất định trong 1 năm là tốt nghiệp và (2) ThS nghiên cứu thì một năm đầu học một số môn trong chuyên ngành hẹp của mình và năm cuối cùng thì làm luận văn về một đề tài nào đó. Việt Nam hiện đang theo loại hình 2. Mở ngoặc thêm chỗ này, theo hiệp ước Boglona, tiến trình chung cho các đại học Châu Âu là 3+5+8 (nhưng tôi nhớ hồi xưa thầy tôi nói 3+5+7, tôi chưa có thời gian tra trên mạng, bạn nào rành thì tuýt còi để tôi sửa lại); nghĩa là 3 năm cho đại học, học thêm 2 năm nữa là ThS, tiếp 3 năm nữa là TS (nhưng hiện nay ở Anh và một số nước vẫn tồn tại nhiều chương trình ThS 1 năm, tức là học courses). Thời gian gần đây thì học ThS trông có vẻ là mốt ở Sài Gòn. Tụi tôi nhiều lúc hay nói chơi với nhau “quăng một cục đá ra đường chết ba bốn ông ThS” :) ! Với kinh nghiệm và cách nhìn của tôi, tôi thấy nếu chúng ta làm việc ở môi trường nghiên cứu thì cần phải học thêm, còn để đi làm thì tôi thấy đại học là làm tốt rồi. Có điều kiện thì học để biết thêm cũng tốt, nhưng tôi thấy nếu chúng ta học hai năm thì vừa mất thời gian, tiền của, sức lực mà học xong rồi cũng làm những công việc...như trước thôi! Với lại, kiến thức ở bậc học này phần lớn là dành cho việc nghiên cứu hàn lâm, tính ứng dụng rất ít trong điều kiện chung của ta hiện nay (nên học thì sẽ hiểu được vài vấn đề sâu hơn thôi). Với lại, với thực trạng đào tạo của mình, trong mảng kĩ thuật, theo tôi thì còn-rất-lạc-hậu và...vô-cùng-kém-chất-lượng!!!

3. Tiến sĩ: Đây là bậc cao nhất trong hệ thống học vị, thời gian học (nghiên cứu) từ 3-4 năm (thường là 3.5 năm). Riêng làm TS ở Mĩ thì phải ngoài 4 năm, thường là 5 năm; làm ở Hàn Quốc thì cũng mịt mù luôn, tùy vào GS hướng dẫn, nghe nói họ thường muốn ghìm nghiên cứu sinh ở lại làm với họ càng lâu càng tốt, và ở Hàn và Nhật thì GS có quyền rất lớn, họ nói xong là...xong (?). Hồi xưa học ở đại học tôi cũng có nhiều ngộ nhận, thực ra TS chỉ nghiên cứu một vấn đề nhỏ trong chuyên ngành hẹp của mình thôi. Tôi nhấn mạnh là vấn đề đã nhỏ mà lại còn nằm trong một chuyên ngành hẹp nữa! Cho nên, tôi thấy cái được nhất là trong quá trình nghiên cứu tìm tòi cách giải quyết vấn đề của mình thì một người làm TS sẽ phải đọc và phân tích nhiều kiến thức liên quan (trong ngành) để tìm ra cách tiếp cận tối ưu nhất thì họ sẽ tích lũy được nhiều kiến thức (dù có thể không áp dụng kiến thức đó cho vấn đề của họ đang giải quyết) và biết mình đang đứng ở đâu trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Dần dần, với những kiến thức đó cộng với kĩ năng làm việc độc lập mà họ được rèn luyện thì họ có thể tự mình phát hiện ra những vấn đề nào tồn tại trong chuyên ngành cần nghiên cứu  cũng như những cách có thể giải quyết những vấn đề đó. Nói nôm na là biết kết nối kiến thức chuyên ngành để tìm ra ý tưởng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận nó. Cũng như việc học ThS, theo thiển ý của tôi thì việc học ở bậc này càng phí thời gian, sức lực và tiền bạc hơn nếu chúng ta không làm trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Tóm lại là nếu đi làm, tôi thấy học đại học xong là được rồi, cần thì học thêm mấy lớp về quản lý tài chính và điều hành nữa là ổn.  

Xong TS, nếu ai tìm được công việc nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu thì người ta gọi là postdoc, tôi tạm gọi là làm sau TS. Nói sau TS nghe rất oách nhưng thực ra là...đi làm như một công việc vậy thôi. Cái khác là họ làm...nghiên cứu và học xong TS rồi nên người ta qui ước với nhau đó là chức danh khoa học...sau TS, thế thôi :) !   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét