22 thg 4, 2011

Nghề nghiệp 1: Xây dựng-Kiến trúc

Như hôm trước đã hứa, hôm nay tôi sẽ viết vài dòng tóm tắt về nhóm ngành Xây dựng-Kiến trúc (XD-KT) cho các bạn 12. Hi vọng chút thông tin này sẽ có ích cho các bạn trong việc định hướng và chọn nghề nghiệp của mình sau này.

Trước tiên, các bạn cần phân biệt giữa XD và KT. Thông thường, do không rành nên ở quê mình nhiều người hay nói nghề kỹ sư kiến trúc. Không có cái nghề này nghen các bạn! Kỹ sư là kỹ sư (KS), kiến trúc sư là kiến trúc sư (KTS), không có lẫn lộn nhau được. Tôi nói như thế này cho các bạn dễ hình dung, nếu các bạn muốn xây nhà mình có hình tròn hay hình vuông gì đó thì anh KTS sẽ làm việc đó, họ sẽ dựng nên hình ảnh của ngôi nhà với kích cỡ, vị trí các chi tiết ra sao, trang trí màu sắc thế nào. Phần việc của KS là làm sao cho cái nhà đó trở thành hiện thực. Nghĩa là họ sẽ tính toán xem kích thước của cây cột, cái đà, móng là bao nhiêu, bao nhiêu cây sắt bên trong mỗi cấu kiện đó, đặt ở vị trí nào,...để nó có thể thành hình và tồn tại được. Thông thường, một công trình đẹp thì người ta hay khen là anh KTS vẽ...đẹp quá, còn khi có sự cố gì xảy ra thì người ta rủa và đổ tội cho...KS! Tuy nhiên, anh KS còn vớt vát được một cái: ảnh là người tính toán và quyết định...giá thành của công trình!
KTS còn là người làm quy hoạch, tức là bố cục của một khu, thành phố, vùng,...(chỗ này cũng là chỗ bị thiên hạ rủa tan nát đây). 

Các bạn cũng cần phân biệt KS xây dựng chung chung và KS kết cấu. Tất cả các trường ở mình đều đào tạo KS xây dựng (civil engineer), tức là các bạn có thể thiết kế kết cấu công trình lẫn hệ thống cấp-thoát nước, hạ tầng (cầu đường,...),... còn KS kết cấu (structural engineer) thì chỉ tập trung sâu vô kết cấu không thôi. Tuy nhiên, hiện nay hai khái niệm (định nghĩa?) này thường được sử dụng lẫn lộn trong ngành, trên bản vẽ người ta toàn để KS kết cấu mặc dù trên văn bằng thì nghề nghiệp họ là KSXD (rất ít người phân biệt rõ hai cái này!).

Ở Sài Gòn hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành này: Bách khoa, Kiến trúc (hai trường này đều có cả hai ngành XD và KT trong đó), Giao thông vận tải, Công nghệ Sài Gòn,...Có lẽ ngành này nhu cầu xã hội cao và tương đối dễ tìm việc làm nên rất nhiều trường mở ngành XD. Theo hiểu biết của tôi, về lực lượng giảng dạy thì không có sự chênh lệch nhiều giữa các trường (đôi khi cứ nhiêu GV đó chạy qua chạy lại), chương trình học cũng như nhau nhưng chất lượng KS ra trường ở mỗi nơi thì mỗi khác, điều đó phần lớn là do chất lượng đầu vào của các bạn!

Như tôi đề cập ở trên, nếu bạn nào có khiếu vẽ vời, sáng tạo và tưởng tượng bay bổng một chút thì nên chọn ngành KT, còn thích tính toán thì chọn ngành XD. Trong ngành XD người ta lại chia ra thành nhiều chuyên ngành hẹp nữa. Tôi lấy BK làm chuẩn (vì trường này hiện nay đầy đủ các ngành nhất), sau giai đoạn đại cương (1.5 năm đầu) thì người ta phân ngành các bạn dựa trên kết quả học tập, theo thứ tự từ cao xuống thấp: XD dân dụng và công nghiệp (nhà cửa chung chung), cầu đường, thủy lợi, cảng-công trình biển, vật liệu xây dựng, trắc địa (các ngành đứng sau thì tôi không nhớ rõ, nhưng thứ tự hai ngành đầu thì tôi chắc chắn là chính xác). Tên của mỗi ngành phản ảnh lĩnh vực của nó, duy có ngành trắc địa thì chắc các bạn hơi lạ (tôi sẽ giải thích thêm nếu bạn nào có nhu cầu, ở đây tôi không thể viết tràng giang đại hải được). Thỉnh thoảng các bạn thấy dọc bên đường có mấy anh đứng ngắm ngắm sau một cái máy giống...máy chụp hình, có một người ở xa xa cầm cây thước (thuật ngữ chuyên môn gọi là mia) thì đó là kỹ sư trắc địa đó (bây giờ có máy hiện đại hơn). Thực ra trong ngành trắc địa, viễn thám này có một hướng mà khả năng ứng dụng rất cao là GIS (Geographic Information System). Người ta có thể tích hợp các dữ liệu về địa lý, kinh tế, xã hội trong phần mềm và người sử dụng có thể khai thác để phân tích, quản lý về sự biến động của đất đai, nguồn nước,...hay lựa chọn địa điểm tối ưu để xây dựng một công trình nào đó dựa trên các dữ liệu về địa lý, kinh tế, xã hội đã được tích hợp trong đó. Tuy nhiên, việc này ở ta hiện nay...chưa được phổ biến vì chúng ta chưa có bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp và nét chính của ngành này vẫn là...đo đạc!
Nói thêm chỗ này một chút, theo tôi thì hiện nay và trong vài năm sắp tới thì lĩnh vực quản lý dự án và đánh giá tác động môi trường (một cách chuyên nghiệp chứ không phải làm lấy lệ như hiện nay) sẽ có nhu cầu rất cao. Về mặt kĩ thuật, công nghệ chúng ta có thể còn lạc hậu nhưng chúng ta dễ dàng nắm bắt ngay khi nó du nhập vào và phù hợp nhưng về mặt quản lý thì chúng ta còn phải...xách dép chạy theo thiên hạ dài dài! Người ta làm gì cũng nghĩ tới "phát triển bền vững - sustainable development" còn mình thì cũng nói ra rả hằng ngày nhưng nhìn tới đâu là hỡi ôi tới đó! 

Với ngành XD, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về cơ học, học về ứng xử của vật liệu (đất, đá, bê tông, thép,...). Trên nền tảng đó các bạn sẽ học tiếp những nguyên lý tính toán và qui trình thiết kế, thi công cụ thể từng cấu kiện, công trình dưới tác động của trọng lượng bản thân kết cấu, gió, động đất,...Nói nôm na là các bạn phải hiểu được sức bền hay khả năng chịu đựng của từng loại vật liệu và có một cái nhìn tổng thể mà tiên đoán sự làm việc của công trình để tính toán ra kích thước và bố trí kết cấu dựa trên qui phạm trong ngành (được đúc kết từ cơ sở lý thuyết và thực nghiệm). Theo tôi, sự hiểu biết về cơ học và ứng xử của vật liệu là rất quan trọng đối với người KSXD (vì tính toán theo qui phạm thì công thức có sẵn, cái khó là phải phân tích đúng sự làm việc của kết cấu để mà chọn cách tính). Mà suy cho cùng thì vấn đề cơ học trong XD và ứng xử của vật liệu thì điểm chính là các bạn phải học về lực tương tác giữa các...phân tử cấu thành nên vật liệu đó! Yên tâm, tôi nói đây là căn nguyên của vấn đề chứ khi học XD thì thường các bạn sẽ phải tập trung vô một mớ công thức và nguyên tắc tính toán thôi. Thậm chí ngay khi các bạn đã đi làm, chưa chắc gì có bạn ngồi truy nguyên vấn đề này vì để làm thì các bạn chỉ việc áp dụng công thức có sẵn trong qui phạm, còn ở đâu ra qui phạm đó thì thường các bạn bỏ qua (là điều tôi nói). Tôi nói theo ngôn ngữ bình thường để các bạn dễ hình dung, điều cơ bản trong tính toán kết cấu của một công trình là làm sao cho nó tồn tại được, không bị sập. Mà, một vật thể muốn sập (nứt, gãy ra) thì nguyên nhân gây sập đó phải làm sao "bứt" được sự liên kết giữa các phần tử vật chất với nhau. Cho nên, như tôi nói, chung qui là trong ngành XD các bạn sẽ tập trung nghiên cứu về cơ học, vật liệu. Vì vậy, bạn nào có thích thú về Vật lý, chính xác là cơ học (lớp 10, 12) và Toán thì có thể chọn ngành này (các bạn học lên cao nữa thì đòi hỏi kiến thức Toán học càng cao). Ngoài ra, tôi hay nghe người ta nói vui với nhau là...mấy ông XD người nào cũng tưởng tượng nhiều hết, nhìn cái gì cũng thấy 3D! Tôi nghĩ cái này thì cần chung cho mọi ngành hết chứ không riêng gì XD (vì trong XD các bạn phải hình dung ra trong đầu mọi ngóc ngách của công trình trước khi nó tồn tại), nhưng nhớ, bạn nào thêm từ "bay bổng" đằng sau "tưởng tượng" thì nhớ học KT chứ đừng theo XD :) !

(Kỳ tới: Nhóm ngành Kinh tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét