30 thg 4, 2011

Nói thêm về kiến trúc, qui hoạch

Nét quê. Ảnh: Internet
Long An, miền Tây! Thỉnh thoảng khi trà dư tửu hậu bạn bè hỏi quê quán ở đâu tôi cũng trả lời ngon lành vậy nhưng khi người ta hỏi tiếp về nước lũ, về cây trái miền Tây,… thì thú thiệt nhiều lúc tôi cũng…ngậm hột thị! Cần Giuộc mình nửa chợ nửa quê, chợ thì ít mà nét quê thì nhiều! Nói vầy nhiều khi chắc cũng tội cho mấy bạn “ở chợ”, chắc tại tôi sống ở xứ hóc bà tó nên mới nói vậy thôi. Dông dài như vầy để nói về kiến trúc ở Cần Giuộc cho nó có căn nguyên chút xíu (quê). Thiệt ra thì nói kiến trúc cho ra vẻ chuyên môn một tí, chứ tạp nham như xứ mình thì có ai quan tâm tới kiến trúc kiến tre gì nhiều.

Kiến trúc liên quan tới cái đẹp, mà hễ đẹp là hơi…trừu tượng chút, tùy cảm nhận của chủ thể. Như tôi nói hôm trước, mấy bạn KTS thường bay bướm, lãng mạn và đa tài lắm (lắm lúc cũng đa tình). Có điều, KTS thứ thiệt như vậy thời buổi bây giờ tìm cũng đỏ con mắt. Tôi thì chưa dám có ý kiến gì nhưng có lần tôi nghe thầy tôi, một người cũng có vai vế trong ngành phán như vầy: “KTS bây giờ chỉ được cái là vẽ xanh xanh đỏ đỏ”! Phán xét như thế nào tùy các bạn, riêng tôi, tôi thấy nhiều KTS bây giờ thiệt cũng vẽ…xanh xanh đỏ đỏ nhiều quá (nhưng người ngoài ngành nhìn cũng ngán lắm, đâu biết ất giáp gì). KS thì liên quan đến qui phạm, những chuyện thuộc về nguyên tắc nên tôi không đề cập tới. Cũng xin nói luôn, tôi đang bàn về cái đẹp – chuyện của KTS – chứ tôi không có ý phê phán gì ai ở đây cả, tôi chỉ muốn nêu lên vài điều với hi vọng chúng ta sẽ làm tốt đẹp hơn trong tương lai. Với lại, xã hội thì có người vầy người khác mà!

Vậy đó, KTS mà làm không ngon lành thì di chứng của nó sẽ tồn tại lâu dài, dai dẳng. Tôi sẽ bàn về vài điều trông thấy ở Cần Giuộc để chúng ta nghĩ thêm về kiến trúc, KTS và sự cảm thụ kiến trúc, văn hóa của chúng ta (trong đó có tôi).

Chuyện thứ nhất: dãy phố chỗ hồ nước ngày trước. Mỗi lần từ Sài Gòn về nhà, chạy ngang khu đó là tôi cứ tiếc hùi hụi. Giá mà những nhà làm chính sách cải tạo lại cái hồ và qui hoạch lại dân cư xung quanh cho gọn gàng, đẹp đẽ hơn thì tốt biết mấy. Cái hồ như là trung tâm của thị trấn, người ta có thể trồng cây và làm đường đi bộ xung quanh. Nghĩ không mà cũng đã thấy đã, tôi nhớ mình còn tưởng tượng một ngày nào đó sẽ được ngồi uống cà phê ở đó nhìn ra hồ nước lung linh trong một đêm trăng sáng (khi ghé nhà T)! Ai dè, đùng một cái người ta lấp mất tiêu và xây lên đó mấy khối bê tông thô kệch! Dù biết có nhiều vấn đề dây mơ rễ má đằng sau nhưng tôi cũng không thể nào nén được tiếng thở dài tiếc nuối mỗi khi có dịp đi ngang dãy nhà trông hơi dị hợm này. Kiến trúc của thị trấn đã tệ rồi, nay mai trên đà phát triển người ta xây cất loạn xạ thì nó còn tệ hơn nữa, có cái hồ nước giữa trung tâm vô cùng quí thì chúng ta không giữ mà đem chia năm xẻ bảy đi mất tiêu. Trong chuyện này, ngoài vấn đề quản lý vĩ mô tôi không bàn (dù đó là lý do chính) thì KTS có phần trong đó đấy. Một KTS tồi thì có thể tiếp tay làm cho bộ mặt của đô thị xấu đi nhanh hơn là nó có thể! 

Chùa Vĩnh Long (Tân Kim). Ảnh: Internet
Chuyện thứ hai là việc bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử. Nhìn cái hình chùa Vĩnh Long ở trên mà hỡi ôi làm sao! Ai đời lại đi đổ hàng khối bê tông vô cái chùa và tô xanh xanh đỏ đỏ chói con mắt như vậy. Chuyện này thì tôi bảo đảm với các bạn rằng trên 90% là tội của KTS! Phối màu như thế nào, dùng vật liệu (trang trí) gì là chuyện của mấy bạn này. Vô chùa người ta tìm cảm giác thảnh thơi nhưng nhìn cái chùa (trùng tu) này tôi mệt thêm, nặng nề và diêm dúa hết sức. Ở quê thiếu gì ngói ta (ngói đỏ) mà lại đi xài ba cái ngói xanh xanh đó, nguyên bản nó đâu có phải màu này! 

Nói nào ngay, vấn đề này không phải riêng gì ở cái chùa này mà tôi thấy nhiều nơi lắm. Cũng không riêng gì ở quê mình, đi dọc quốc lộ 1A nhiều lúc tôi không hiểu sao người ta lại bắt chước một cách vô tội vạ như vậy, nhà ở quê lọt thỏm trong vườn/đồng mà lợp ngói một màu đỏ chót hoặc xanh lè như vầy. Xứ người ta khí hậu, thời tiết nó khác nên người ta làm thế, còn ở mình là xứ nhiệt đới và ở quê thì bê nguyên mấy cái đó vô nhìn lai căng và không ra cái gì hết. Còn nữa, ở tuốt trong đồng mà nhiều lúc tôi thấy cất nhà mái bằng chơi vơi, cũng may là chưa có nhà kiểu “củ hành, củ tỏi”! 

Mấy năm trước tôi có thấy người ta đang sửa lại chùa Thái Bình (ngay chỗ tiệm hủ tiếu chay), nghe nói nhà thầu cũng là một KTS được nhiều người ở Cần Giuộc khen lắm, hi vọng chùa này không giống như chùa Vĩnh Long trên! Cần Giuộc còn có nhiều chùa khác rất nổi tiếng, chùa Núi (Đông Thạnh), chùa Thới Bình (Phước Lại), chùa Tôn Thạnh (Mỹ Lộc) là những danh lam lâu đời và nổi tiếng hình như cũng đã được trùng tu lại, tôi chưa có dịp ghé thăm lại nên không biết thế nào nhưng hi vọng mấy bạn KTS khi tham gia mấy dự án này sẽ nghĩ kĩ kĩ lại một chút khi đặt bút vẽ. Cái gì đã làm xong rồi thì khó sửa lắm, mai này có tiếc cũng không tìm lại được nét xưa! 

Chuyện thứ ba là vấn đề mấy khu công nghiệp. Đây là đề tài nóng thời điểm này, lên google gõ tên mấy vùng khỉ ho cò gáy của Cần Giuộc thì nó hiện ra đầy nhóc bảng rao chuyển nhượng đất! Tôi chưa có số liệu trong tay về các khu công nghiệp này nên tôi chưa thể có ý kiến cụ thể nhưng tôi chắc một điều rằng các dự án này đã, đang và sẽ phá nát hệ sinh thái môi trường, cơ cấu sản xuất, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt của đại đa số người dân ở những vùng đó (chuyện này cũng xưa như trái đất). Lối chừng 20 năm nữa hỏng chừng quê ta toàn vô sản chính cống hết! Nông dân không ruộng, không đất thì chỉ có nước đi làm công nhân sống đắp đổi, tiền đền bù (nhỏ nhoi) thì xài đôi ba năm cũng theo gió theo mây. Trái banh này đang trong chân các nhà hoạch định chính sách, những nhà qui hoạch (KTS) cũng chỉ liên đới về mặt chuyên môn nên ngừng ở đây thôi, nói nhiều quá các bạn này rủa chết :).  

Chúng ta cần phát triển kinh tế, và phải công tâm mà nói thì ta đã làm được khá nhiều việc nhưng chúng ta đừng lờ đi những chuyện này để rồi ngày sau ta lại hì hụi sữa, mệt lắm! Chuyện nữa, sự dễ dãi trong cảm thụ kiến trúc (mà sâu xa là văn hóa, nghệ thuật) của chúng ta theo những chiều hướng tôi nói trên cũng đang góp phần phá nát nét quê của mình (trong khi vẫn chưa thể thành chợ được). Đừng để giống cảnh người (sống ở) Sài Gòn, thịt cá chán chê giờ quay lại tìm vui với rau lang, bông bí,…!  

26 thg 4, 2011

Thực chất và biến dạng của các món ăn Nam bộ

Hổm rày đưa linh tinh lang tang chắc các bạn cũng ngán rồi. Bữa nay đổi món, nhai cầm hơi đỡ bài này của "Ông già Nam bộ" trong khi chờ bài mới :)

*******

Nguồn: Thực chất và biến dạng của các món ăn Nam bộ

(Sơn Nam)


Cá kho, nay gọi cá kho tộ, ban đầu là kho trong cái mẻ kho, nôm na là cái tô bể ngoài vành, dùng kho cá kiểu tạm bợ, lắm khi để trên than lửa của cái cà-ràn. Ăn còn dư cứ để dành, hôm sau ăn trở lại. Cá kho trong tô thường là cá vụn của nhà nghèo, ăn còn lại, tiết kiệm nhưng nếu có nước mắm ngon, kho tới lui nhiều lần thì nước mắm cá biển sẽ hòa quyện với cá kho, toát lên hương vị đặc biệt. 

Canh chua cá lóc. Nguồn: Internet

"Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi "


Món ăn Nam bộ rất đa dạng, thay đổi tùy giai đoạn ngắn dài, thử đúc kết lại vài nét lớn là điều không đơn giản. Qua thời gian, ta thử nêu lên vài nét định hình: 


- Ăn sáng lót lòng còn gọi là điểm tâm không nằm trong đề mục cốt yếu của món ăn. Nếu là nhà nông hoặc gia đình không khá giả, người lao động thường ăn ba bữa: sáng, trưa xế và tối, bằng không chỉ 2 bữa thôi, buổi sáng thường thả nổi cho từng người liệu định. 

- Hồi trước 1945, nhiều gia đình khá giả còn duy trì kiểu lót chiếu, ngồi ăn trên đất, có lẽ theo ảnh hưởng người Chăm. Kiểu ăn trên bộ ván, ngồi xếp bằng gần như chẳng còn thấy ở gia đình trung lưu miền quê. Ngồi trên bộ ván thì phải theo tư thế xếp bằng, quen thói nên khi ngồi trên ghế dễ mỏi chân. Vả lại, bộ ván ngày nay đắt tiền, đi-văng thì quá nhỏ hẹp. 

- Tuy tiếp xúc với Tây phương từ cuối thế kỷ thứ 19, người Việt vẫn bảo lưu cách ăn cơm với đũa, nếu cần chan hoặc húp thì dùng muổng riêng hoặc công cộng. Nước mắm thường chấm chung một chén cho nhiều người trong khi người Hoa rất kỵ dùng cái muỗng cong cong, tha hồ thọc đũa của nhiều người trong tô canh, nhưng chan húp thì mỗi người một muỗng riêng. 

- Không thích dùng nĩa, ngoại trừ dùng nĩa nhỏ để ghim những miếng trái cây như soài đã gọt sẵn. Gần như tuyệt đối không dùng tới cây dao nhỏ để cắt thịt. Con vật đã bị giết, cắt ra từng miếng, pha chế rồi lại bị cắt thì quả là tàn ác và còn thô thiển đối với người ngồi bên cạnh. Nếu cần thì cắt sẵn trước khi đem ra đĩa như trường hợp thịt bò lúc lắc. 

- Ảnh hưởng Tây phương chỉ thấy trong trường hợp ăn cơm tấm, cơm bì vào buổi sáng gọi nôm na là cơm đĩa. Dùng cái đĩa trẹt và to của Tây phương với muỗng và nĩa. Theo tôi hiểu, đây là kiểu trình bầy gọn do người Hải Nam bày ra từ trước năm 1945, gọi cơm xào. Người Hải Nam hồi thế kỷ thứ 19 vì ở hải đảo gần Hương Cảng đã chọn nghề nấu bếp cho tàu buôn Tây phương, đi theo tàu biển. 

VỀ MÓN ĂN Ở NAM BỘ THEO NGHĨA VÙNG SÀI GÒN VÀ PHÍA ĐỒNG BẰNG, CÓ THỂ CHIA RA BA LOẠI.

Món cúng ông bà hoặc thần thánh, món nhậu và món ăn cơm 

1. Món cúng 

Trên lý thuyết phải có 4 món cơ bản. Nếu ở đồng bằng sông Hồng có món: Giò, Nem, Ninh, Mọc thì ở Nam bộ cũng tuân thủ 4 món, tương ứng ở phía Bắc kiểu giò, nem, ninh, mọc.

- Dịp cúng giỗ tổ tiên, chẳng ai hiểu rõ ông bà thời xa xưa khi vào Nam thích ăn món gì, chế biến các vật tư ra sao, nhưng tùy hoàn cảnh mà có bốn món: Hầm, Thịt luộc, Xào, Kho. Nên hiểu không phải là dâng cúng cho cha mẹ đã quá cố nhưng là cho tổ tiên đời ông cố của gia chủ, hiểu ngầm rằng những bà con xa gần thời xa xưa cũng được tham dự, vì vậy, nếu cúng 3 mâm ở 3 bàn thờ (giữa, bên trái, bên mặt), hoặc 1 bàn thờ, thì thức ăn phải giống nhau. Món hầm, tức là thịt heo hầm, thường là giò heo hầm măng tre Mạnh Tông, loại măng ngon nhất của Nam bộ (gợi tích ông Mạnh Tông trong Nhị thập tứ hiếu). Món thịt luộc là thịt ba chỉ, xắt mỏng. Xào là món thịt bị câu thúc về hình thức: xào chua, xào mặn, với rau cải đồ lòng, hoặc tôm, gần như tuyệt đối không dùng thịt rừng. Món kho thường là thịt heo, cá lóc, kho với nước dừa để gợi phong vị miền Nam. Ở miền quê, ngày xưa bày đám giỗ linh đình với quá nhiều món khác nhau, lắm khi ăn không hết đủ món, nhưng cơ bản phải đủ 4 món cổ truyền như trên, có thể gọi là nghi thức thống nhất cả nước. Nhiều món phụ, có thể dọn chung với 4 món chính như rau, bì cuốn, nem chua. Ngoài ra còn để dành ở một bàn riêng, không cúng trên bàn thờ vốn đã chật chội, chờ khi đãi khách sẽ dọn ra như thịt bò xào, bánh mì cà-ri, chả giò... Thời xưa ông bà ta không có kiểu ăn tráng miệng như người Tây phương, vả lại trái cây đã được chưng sẵn từ trước trên bàn thờ rồi. 

Rượu phải là rượu đế, vì tổ tiên ta không biết rượu Tây, Tàu. 

Dự đám giỗ của gia đình, của bạn thân là dịp ăn uống vừa phải, quan trọng nhất là nói chuyện thân mật. Ăn là để hưởng phước của ông bà, vì món ăn đã được ông bà chứng giám rồi.

Lắm khi ở quê, ở gia đình nhà vườn, có bày ra tiệc nhậu lai rai ở trước sân, bên vườn cây ăn trái, nhằm cầm giữ những người khách đến quá sớm, thường là nhậu với vài miếng thịt gà, đồ lòng, đơn sơ, nhất là không có những món hoang dã, như rùa rắn. Vài món đặc sản như chả cua, gà quay, cà-ri, heo quay bánh hỏi có thể dọn cúng, ở gia đình nửa quê nửa chợ. 

Gần như tuyệt đối không cúng những món đồ chế biến sẵn, đựng trong hộp, lắm gia đình vì hoàn cảnh đã đặt buổi tiệc giỗ ở nhà hàng; đến giờ, nhà hàng đem đến, như vậy mất vẻ nghiêm túc. Trường hợp này, người trong gia đình nên tự pha chế một vài món, như khổ qua hầm thịt, thịt kho để cúng trên bàn thờ còn những món đặt ở nhà hàng thì chỉ để dành đãi bạn bè. 

Theo sự quan sát của chúng tôi, gần như vắng mặt món mắm. Ở phía Nam, phải chăng đó là dấu ấn của người Chăm, người Khơ-me, người Việt chỉ muốn giữ những gì thuần túy của ông bà từ nhiều thế hệ trước , chứng tỏ gia đình mình đã ổn định, có nề nếp chớ không còn ở trong thời kỳ du canh du cư lúc mới khẩn hoang.

2. Món ăn cơm 

Cơm ngày hai bữa, theo lệ Việt Nam. Ăn mặn uống đậm, tùy hoàn cảnh địa phương và mức sống gia đình. Định hình nhất vẫn là canh chua, cá kho, hai món này mãi đến nay vẫn còn đứng vững - qua thế kỷ thứ 21. Canh chua nấu với trái me chín, đặc sản vùng nhiệt đới. Theo khẩu vị của người lớn tuổi, việc quan trọng nhất là người đứng bếp cần điều tiết cho hài hòa, húp một chút nước canh chua đang sôi, nhủ thầm bốn tiếng : chua, cay, mặn, ngọt. Không để cho vị chua lấn vị cay, không quá mặn nhưng cái hậu thì ngọt. Tùy địa phương, lựa loại cá nào rẻ nhất mà mua, như cá tra sông rạch thiên nhiên hoặc cá lóc ở đồng ruộng, nước ruộng có chút ít phèn ngon đặc biệt là cá ở rừng tràm. Cá lóc to con quá, thịt có thớ, không ngon; ngược lại, cá còn non thịt ăn nhão. Cá tra, cá bông lau, lựa con không quá lớn. Cá ba-sa có 3 lớp mỡ sa ở bụng, mỡ nhiều nhưng ăn không ngán như mỡ heo. Những món độn thường là cọng bạc hà, giá, đậu bắp, nhưng không nên độn quá nhiều, sau này thêm cà tô-mát, tùy khẩu vị. Canh chua phải đậm đà để giải nhiệt, nhất là vào mùa nắng. Buổi trưa, vì uống nước quá nhiều nên khó "nuốt cơm ". Húp canh chua vào, thấy trơn cổ, thèm ăn. Khẩu vị thường thay đổi... Nhiều người chê cá lóc vị lạt, cũng như cá tra, cá bông lau cũng lạt. Vì vậy, có người nấu "súp" xương heo pha vào nước canh chua, pha lén, người ăn thấy như ngon hơn. Nên có ớt xắt từng lát khá dầy, loại ớt truyền thống. Nhiều người lại thích ăn canh chua chấm với nước mắm nguyên chất hoặc cầu kỳ hơn, chấm với muối ớt. 

Cá kho, nay gọi cá kho tộ, ban đầu là kho trong cái mẻ kho, nôm na là cái tô bể ngoài vành, dùng kho cá kiểu tạm bợ, lắm khi để trên than lửa của cái cà-ràn. Ăn còn dư cứ để dành, hôm sau ăn trở lại. Cá kho trong tô thường là cá vụn của nhà nghèo, ăn còn lại, tiết kiệm nhưng nếu có nước mắm ngon, kho tới lui nhiều lần thì nước mắm cá biển sẽ hòa quyện với cá kho, toát lên hương vị đặc biệt. Vì tô bể phải để nghiêng nghiêng trên than lửa không nhiều nước. "Thạch sùng còn thiếu mẻ kho", phải chăng đó là cái tô bể để kho cá vụn, hôm trước ăn còn dư, cứ để dành, nếu không còn cá thì còn nước sền sệt trong tô dùng đũa mà "quệt" cũng ăn tạm được bữa cơm nghèo. Muốn được ngon, nên bỏ nhiều tiêu sọ. 

Nước mắm ngon đem kho cho đặc sệt, quyện với cá thì ngon gấp bội, phải là cá đồng để hài hòa, với nước mắm cá biển, đậm đặc. 

Canh chua ăn với cá kho tộ quả là hài hòa, cả hai món đều cay. Sáng kiến kho cá đồng, đặc biệt là cá rô với nước mắm ngon, trình bày trong kiểu bao bì bằng gốm thô đen đúa - ( cái mẻ kho ) được thay thế bằng cái tộ đặt hàng sẵn ở lò gốm cho có vẻ sạch sẽ; lần đầu tiên đâu từ sau năm 1960 ở quán Cây Dừa, đường Lê Lai gây sự hấp dẫn đối với khách sành điệu Sài Gòn rồi phổ biến trở lại các tỉnh phía đồng bằng. Lý tưởng nhất là lựa cá rô ngon, còn tươi, chưa có cá rô mập béo thì tạm kho cá trê, cá lóc. Theo "điệu nghệ", bữa cơm ở quán được giới thiệu trước vài món ăn chơi, như gỏi ngó sen và bao tử heo. Ăn cá kho, lắm người đòi thêm dưa cải. 

Vẫn là món ăn cơm thường lệ trong gia đình, còn mắm chưng, tép kho, hoặc món bí rợ (bí đỏ) hầm với nước cốt dừa. Có thể dùng món cá trê nướng chấm nước mắm gừng, thêm canh bí đao nấu thịt heo, canh bầu nấu với cá trê, cá bống kèo kho (miền nước lợ). Cá tôm đa dạng, vừa cá biển vừa cá đồng giúp cho bữa ăn của giới bình dân tạm gọi là "qua buổi ", thí dụ như cá chốt, cá linh kho tiêu làm thức ăn chính yếu. Lại còn món cá khô, thí dụ như khô cá lóc, khô cá tra, cá đuối ăn thêm chút ít cho vui miệng. 

Cá biển có thực đơn riêng, tùy vùng, thêm tôm cua ngày nay giá quá cao. Nói chung cá biển rất ngon, nhưng đòi hỏi cách pha chế rất thích hợp, trừ trường hợp cá thu kho, thì cá biển chỉ ăn ngon ở lửa đầu, nếu dư, để dành hâm nóng lại thì mất hương vị. Bởi vậy, ta thấy nhiều miền biển vẫn thèm thịt heo, thịt bò, cá đồng, cá vùng nước ngọt.

3. Món nhậu 

Bánh xèo. Nguồn: Internet
Nhậu là tiếng thanh, không gợi ý thô tục; xem tự vị của Huỳnh Tịnh Của 1896 Nhậu ghi là uống! Ăn nhậu tức là ăn uống, nhậu rượu là uống rượu và "nhậu nước" là uống nước. Uống rượu chẳng có gì xấu chỉ xấu khi đi đến mức thái quá, lãng phí tiền bạc và sức khỏe. Ngày nay quán nhậu mọc lên khá nhiều , nơi sang trọng, nơi giá cao thì xưng là "Cửa hàng đặc sản" để gợi vẻ văn minh và đạo lý. Ở thôn quê, tiệc nhậu là chuyện bình thường, giữa bạn thân với nhau, sau mùa gặt hái thành công, chăn nuôi có lợi (như đàn vịt, ao cá ...). Nhậu ngoài sân, ngoài vườn, lấy khung cảnh mát mẻ thiên nhiên làm bối cảnh, đồng thời tránh khỏi sự tò mò của trẻ con, sợ gây tác hại. Nhậu phải có rượu nhậu, như ở Nam bộ, rượu không quan trọng bằng "mồi nhậu". Mồi nhậu đơn giản như một con vịt luộc, hay con cá lóc, chủ nhà thường tự trọng, không muốn làm phiền vợ con ở nhà. Món ăn phải gọn, một món là đủ, để thưởng thức hương vị của món ấy mà thôi. Thí dụ như thịt chuột không thể nhậu xen với thịt rắn, cua. Nhậu đòi hỏi hài hòa hữu cơ giữa rượu, món ăn, cọng rau, nước chấm, dĩ nhiên có bạn tri âm, tri kỷ. Người này thích ba khía, trái me, người kia thích con cua lột đầu mùa, có kẻ nhớ và thèm món cua đồng xào với cọng lá mái đàn, lại thèm mắm sống với soài chua đầu mùa. Món ngon đệ nhất, đến bậc vua chúa còn thèm là "Con đuông chà là", chữ gọi "Hồ đa tử", "Hồ đa" là cây dừa rừng tức cây chà là hoang dại miền nước mặn, giống như cây cau trồng làm kiểng, trái nhỏ tạm hái để ăn trầu nhưng bên trong củ hũ (đọt non), đến mùa sau Tết thường có con đuông. Con đuông này nhỏ hơn đuông ăn đọt dừa, trứng đẻ vào bẹ lá non, lớn lên nở ra con đuông (như con nhộng) dừa rừng. Phải bắt con đuông này trước khi nó nở ra con bướm. Đuông to và mập, mỗi đọt cây chà là chỉ có một con đuông mà thôi. Đem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo rồi ăn, chấm nước nhĩ nguyên chất. Con đuông non béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ chà là. Nay thấy ở vài quán nhậu bày bán với giá 8 000 đồng một con Các món nhậu vừa sang trọng, vừa dân dã này không kể hết, lắm khi quái đản, ít phổ biến. Vũ Bằng (đã quá cố) ghi lại các món lạ, có thể có, nhưng lắm khi không phổ biến, nào đem miếng thịt bò tươi treo ở vườn quít, cho kiến vàng bu lại, "đái" vào, nước đái con kiến vàng khá chua, vì vậy mà tác động nhanh khiến thịt bò sống trở thành thịt tái . Cháo cóc khá nguy hiểm, ăn có thể ngộ độc nếu gặp một loại cóc gọi là con kiết. Cháo dơi thêm máu con "dơi quạ" ở các cù lao sông Cả, hoặc ở ven rừng được khen là ngon và bổ vì đỏ tươi màu hồng huyết cầu. Ngày nay, món nhậu bớt cầu kỳ hơn, có thể là con chuột mập béo đầu mùa, sống ngoài đồng lúa chín, chuột khá sạch sẽ, trời sa mưa chuột ăn toàn cỏ non, không như chuột ở cống rãnh thành phố. Chuột rô ai ăn với xoài chua đầu mùa băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi chuột. Lại còn món tép sống lột vỏ, chấm nước dừa tươi, nước dừa làm biến đổi màu con tép sống, trông đỏ hồng như vừa luộc. Món nhậu thời kinh tế thị trường, phải mang tính phổ biến, ít nhất cũng lên tít thị thành công ở Sài Gòn, nơi tập trung dân nhậu sành điệu của cả nước và Đông Nam Châu Á. Nhiều người thích nhậu với món tép, thịt heo luộc xắt mỏng (kiểu Gò Công). Dám treo bảng hiệu lắm người làm giàu nhờ món lẩu mắm: mắm kho, lấy nước cốt, mắm sôi lên, bốc mùi thơm (hoặc không thơm, khó ngửi), lại thêm thịt xắt mỏng luộc, cá ba sa ... nấu chung trong cái lẩu, múc ra ăn tùy thích. Mục đích của người ăn lẩu mắm là tận hưởng các loại "rau rừng" với mùi vị chát, đắng, lại còn món ăn cho mát lưỡi như bông súng, lá tai tượng, cọng bông súng xốp, rút nước mắm kho. Có người nếm thử, thấy lẩu mắm ăn với trên 20 loại rau rừng khác nhau, nào đọt xoài, đọt chùm ruộc, đọt chiếc hoặc đọt bưởi chua. Ăn nhiều loại rau hoang dã là dấu ấn thời khẩn hoang xa xưa, thấy chát, đắng hoặc chua là bảo đảm "không chết", thí dụ như đọt cơm nguội, cọng rau dừa chỉ. Lẩu mắm là món ăn tập thể, năm sáu người bạn quây quần chung quanh cái lẩu, (lô, tiếng Quảng Đông cái lò lửa), thêm bún, cơm là no, dĩ nhiên có rượu. Nay bày thêm lẩu cá bống kèo, lẩu cá trê trắng, trong tương lai, còn nhiều thứ lẩu khác, hoang dã. Con lươn làm lẩu canh chua nay vẫn chưa lỗi thời, ếch thì chiên bơ, rắn thì ngày càng đắt tiền, xưa nổi danh hiệu "Tri kỷ", uống máu rắn pha rượu Tây, ăn món rắn xào, rắn nấu cháo đậu xanh. Lại còn con cá chìa vôi vùng nước lợ Nhà Bè, ăn tại chỗ, với bạn bè cũng ngon như con cá chẽm. Món cháo vịt Thanh Đa nổi danh từ lâu, giá bình dân. "Lươn, rùa, ếch, rắn" là 4 món hoang dã nhắc lại thời khẩn hoang xưa, sang trọng hơn thịt bò, thịt gà. Nay lại bày ra món cua rang me, thịt bò "tùng xẻo" gẫm lại không mới lạ. 

Bánh xèo không thể ăn sáng nhưng ăn buổi chiều, buổi tối thay thế cho cơm. Bánh xèo trở nên to, nhiều nhân bên trong, bán giá cao kiểu bánh khoái của Huế cải biến. Nên kể thêm những loại chè, như chè khoai môn nước cốt dừa, chè hột sen, chè đậu xanh đường cát (gọi tàu thưng, đậu và đường, tiếng Quảng Đông âm lại). 

Các món ăn còn thay đổi, gẫm lại tự thân nó, món nào cũng ngon nếu thỉnh thoảng ta muốn ăn trở lại một lần. Lâm Ngữ Đường bảo : "Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi "

(Văn nghệ sông Cửu Long)


22 thg 4, 2011

Nghề nghiệp 1: Xây dựng-Kiến trúc

Như hôm trước đã hứa, hôm nay tôi sẽ viết vài dòng tóm tắt về nhóm ngành Xây dựng-Kiến trúc (XD-KT) cho các bạn 12. Hi vọng chút thông tin này sẽ có ích cho các bạn trong việc định hướng và chọn nghề nghiệp của mình sau này.

Trước tiên, các bạn cần phân biệt giữa XD và KT. Thông thường, do không rành nên ở quê mình nhiều người hay nói nghề kỹ sư kiến trúc. Không có cái nghề này nghen các bạn! Kỹ sư là kỹ sư (KS), kiến trúc sư là kiến trúc sư (KTS), không có lẫn lộn nhau được. Tôi nói như thế này cho các bạn dễ hình dung, nếu các bạn muốn xây nhà mình có hình tròn hay hình vuông gì đó thì anh KTS sẽ làm việc đó, họ sẽ dựng nên hình ảnh của ngôi nhà với kích cỡ, vị trí các chi tiết ra sao, trang trí màu sắc thế nào. Phần việc của KS là làm sao cho cái nhà đó trở thành hiện thực. Nghĩa là họ sẽ tính toán xem kích thước của cây cột, cái đà, móng là bao nhiêu, bao nhiêu cây sắt bên trong mỗi cấu kiện đó, đặt ở vị trí nào,...để nó có thể thành hình và tồn tại được. Thông thường, một công trình đẹp thì người ta hay khen là anh KTS vẽ...đẹp quá, còn khi có sự cố gì xảy ra thì người ta rủa và đổ tội cho...KS! Tuy nhiên, anh KS còn vớt vát được một cái: ảnh là người tính toán và quyết định...giá thành của công trình!
KTS còn là người làm quy hoạch, tức là bố cục của một khu, thành phố, vùng,...(chỗ này cũng là chỗ bị thiên hạ rủa tan nát đây). 

Các bạn cũng cần phân biệt KS xây dựng chung chung và KS kết cấu. Tất cả các trường ở mình đều đào tạo KS xây dựng (civil engineer), tức là các bạn có thể thiết kế kết cấu công trình lẫn hệ thống cấp-thoát nước, hạ tầng (cầu đường,...),... còn KS kết cấu (structural engineer) thì chỉ tập trung sâu vô kết cấu không thôi. Tuy nhiên, hiện nay hai khái niệm (định nghĩa?) này thường được sử dụng lẫn lộn trong ngành, trên bản vẽ người ta toàn để KS kết cấu mặc dù trên văn bằng thì nghề nghiệp họ là KSXD (rất ít người phân biệt rõ hai cái này!).

Ở Sài Gòn hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành này: Bách khoa, Kiến trúc (hai trường này đều có cả hai ngành XD và KT trong đó), Giao thông vận tải, Công nghệ Sài Gòn,...Có lẽ ngành này nhu cầu xã hội cao và tương đối dễ tìm việc làm nên rất nhiều trường mở ngành XD. Theo hiểu biết của tôi, về lực lượng giảng dạy thì không có sự chênh lệch nhiều giữa các trường (đôi khi cứ nhiêu GV đó chạy qua chạy lại), chương trình học cũng như nhau nhưng chất lượng KS ra trường ở mỗi nơi thì mỗi khác, điều đó phần lớn là do chất lượng đầu vào của các bạn!

Như tôi đề cập ở trên, nếu bạn nào có khiếu vẽ vời, sáng tạo và tưởng tượng bay bổng một chút thì nên chọn ngành KT, còn thích tính toán thì chọn ngành XD. Trong ngành XD người ta lại chia ra thành nhiều chuyên ngành hẹp nữa. Tôi lấy BK làm chuẩn (vì trường này hiện nay đầy đủ các ngành nhất), sau giai đoạn đại cương (1.5 năm đầu) thì người ta phân ngành các bạn dựa trên kết quả học tập, theo thứ tự từ cao xuống thấp: XD dân dụng và công nghiệp (nhà cửa chung chung), cầu đường, thủy lợi, cảng-công trình biển, vật liệu xây dựng, trắc địa (các ngành đứng sau thì tôi không nhớ rõ, nhưng thứ tự hai ngành đầu thì tôi chắc chắn là chính xác). Tên của mỗi ngành phản ảnh lĩnh vực của nó, duy có ngành trắc địa thì chắc các bạn hơi lạ (tôi sẽ giải thích thêm nếu bạn nào có nhu cầu, ở đây tôi không thể viết tràng giang đại hải được). Thỉnh thoảng các bạn thấy dọc bên đường có mấy anh đứng ngắm ngắm sau một cái máy giống...máy chụp hình, có một người ở xa xa cầm cây thước (thuật ngữ chuyên môn gọi là mia) thì đó là kỹ sư trắc địa đó (bây giờ có máy hiện đại hơn). Thực ra trong ngành trắc địa, viễn thám này có một hướng mà khả năng ứng dụng rất cao là GIS (Geographic Information System). Người ta có thể tích hợp các dữ liệu về địa lý, kinh tế, xã hội trong phần mềm và người sử dụng có thể khai thác để phân tích, quản lý về sự biến động của đất đai, nguồn nước,...hay lựa chọn địa điểm tối ưu để xây dựng một công trình nào đó dựa trên các dữ liệu về địa lý, kinh tế, xã hội đã được tích hợp trong đó. Tuy nhiên, việc này ở ta hiện nay...chưa được phổ biến vì chúng ta chưa có bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp và nét chính của ngành này vẫn là...đo đạc!
Nói thêm chỗ này một chút, theo tôi thì hiện nay và trong vài năm sắp tới thì lĩnh vực quản lý dự án và đánh giá tác động môi trường (một cách chuyên nghiệp chứ không phải làm lấy lệ như hiện nay) sẽ có nhu cầu rất cao. Về mặt kĩ thuật, công nghệ chúng ta có thể còn lạc hậu nhưng chúng ta dễ dàng nắm bắt ngay khi nó du nhập vào và phù hợp nhưng về mặt quản lý thì chúng ta còn phải...xách dép chạy theo thiên hạ dài dài! Người ta làm gì cũng nghĩ tới "phát triển bền vững - sustainable development" còn mình thì cũng nói ra rả hằng ngày nhưng nhìn tới đâu là hỡi ôi tới đó! 

Với ngành XD, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về cơ học, học về ứng xử của vật liệu (đất, đá, bê tông, thép,...). Trên nền tảng đó các bạn sẽ học tiếp những nguyên lý tính toán và qui trình thiết kế, thi công cụ thể từng cấu kiện, công trình dưới tác động của trọng lượng bản thân kết cấu, gió, động đất,...Nói nôm na là các bạn phải hiểu được sức bền hay khả năng chịu đựng của từng loại vật liệu và có một cái nhìn tổng thể mà tiên đoán sự làm việc của công trình để tính toán ra kích thước và bố trí kết cấu dựa trên qui phạm trong ngành (được đúc kết từ cơ sở lý thuyết và thực nghiệm). Theo tôi, sự hiểu biết về cơ học và ứng xử của vật liệu là rất quan trọng đối với người KSXD (vì tính toán theo qui phạm thì công thức có sẵn, cái khó là phải phân tích đúng sự làm việc của kết cấu để mà chọn cách tính). Mà suy cho cùng thì vấn đề cơ học trong XD và ứng xử của vật liệu thì điểm chính là các bạn phải học về lực tương tác giữa các...phân tử cấu thành nên vật liệu đó! Yên tâm, tôi nói đây là căn nguyên của vấn đề chứ khi học XD thì thường các bạn sẽ phải tập trung vô một mớ công thức và nguyên tắc tính toán thôi. Thậm chí ngay khi các bạn đã đi làm, chưa chắc gì có bạn ngồi truy nguyên vấn đề này vì để làm thì các bạn chỉ việc áp dụng công thức có sẵn trong qui phạm, còn ở đâu ra qui phạm đó thì thường các bạn bỏ qua (là điều tôi nói). Tôi nói theo ngôn ngữ bình thường để các bạn dễ hình dung, điều cơ bản trong tính toán kết cấu của một công trình là làm sao cho nó tồn tại được, không bị sập. Mà, một vật thể muốn sập (nứt, gãy ra) thì nguyên nhân gây sập đó phải làm sao "bứt" được sự liên kết giữa các phần tử vật chất với nhau. Cho nên, như tôi nói, chung qui là trong ngành XD các bạn sẽ tập trung nghiên cứu về cơ học, vật liệu. Vì vậy, bạn nào có thích thú về Vật lý, chính xác là cơ học (lớp 10, 12) và Toán thì có thể chọn ngành này (các bạn học lên cao nữa thì đòi hỏi kiến thức Toán học càng cao). Ngoài ra, tôi hay nghe người ta nói vui với nhau là...mấy ông XD người nào cũng tưởng tượng nhiều hết, nhìn cái gì cũng thấy 3D! Tôi nghĩ cái này thì cần chung cho mọi ngành hết chứ không riêng gì XD (vì trong XD các bạn phải hình dung ra trong đầu mọi ngóc ngách của công trình trước khi nó tồn tại), nhưng nhớ, bạn nào thêm từ "bay bổng" đằng sau "tưởng tượng" thì nhớ học KT chứ đừng theo XD :) !

(Kỳ tới: Nhóm ngành Kinh tế)

19 thg 4, 2011

Hiệu ứng bươm bướm

Khoảng đâu sáu năm về trước tôi có dự một lớp hỗ trợ kĩ năng do cô BH bên Đại học sư phạm phụ trách. Trong một lần nói chuyện tôi nghe cô này nhắc tên một hiệu ứng gọi là "hiệu ứng bươm bướm". Lúc đó tôi ngẩn tò te nhưng lịch làm việc đã lên kín từ trước cho nên tôi cũng không có thời gian và cơ hội hỏi coi hiệu ứng này như thế nào. Thú thật, điều này văng vẳng trong đầu tôi hoài kể từ đó đến nay nhưng công việc cứ bất tận ngày này qua tháng nọ và cái này cũng chỉ là tri thức để biết cho...biết thôi chứ không ảnh hưởng gì tới công việc nên tôi cũng không ráo riết tìm hiểu. Mãi cho tới hôm nay, tôi đang ngồi suy nghĩ về các kết quả của công việc mình làm, có một số chuyện dính tới lý thuyết hỗn độn (Theory of chaos) nên tôi lên mạng tra lý thuyết này tham khảo. Ai dè, truy cập vô một trang ngẫu nhiên thì tôi thấy có mục "hiệu ứng bươm bướm" (The butterfly effect), mừng húm! Vậy là cuối cùng tôi cũng có lời giải cho một thắc mắc nhiều năm về trước. Tôi chép về đây, bạn nào thích thú thì tham khảo cho biết. Người ta chỉ giới thiệu sơ về hiệu ứng này nhưng tôi nghĩ ít ra nó cũng cung cấp cho chúng ta biết...hiệu ứng này là gì, xuất xứ của nó ra sao. Bạn nào có thời gian thì lên mạng tìm, tôi nghĩ có nhiều bài chi tiết hơn.

*******

Nguồn: http://www.stsci.edu/~lbradley/seminar/butterfly.html


Weather prediction is an extremely difficult problem. Meteorologists can predict the weather for short periods of time, a couple days at most, but beyond that predictions are generally poor. 

Edward Lorenz was a mathematician and meteorologist at the Massachusetts Institute of Technology who loved the study of weather. With the advent of computers, Lorenz saw the chance to combine mathematics and meteorology. He set out to construct a mathematical model of the weather, namely a set of differential equations that represented changes in temperature, pressure, wind velocity, etc. In the end, Lorenz stripped the weather down to a crude model containing a set of 12 differential equations. 

On a particular day in the winter of 1961, Lorenz wanted to re-examine a sequence of data coming from his model. Instead of restarting the entire run, he decided to save time and restart the run from somewhere in the middle. Using data printouts, he entered the conditions at some point near the middle of the previous run, and re-started the model calculation. What he found was very unusual and unexpected. The data from the second run should have exactly matched the data from the first run. While they matched at first, the runs eventually began to diverge dramatically — the second run losing all resemblance to the first within a few "model" months. A sample of the data from his two runs in shown below:
Lorenz's Sample Data
At first Lorenz thought that a vacuum tube had gone bad in his computer, a Royal McBee — an extremely slow and crude machine by today's standards. After discovering that there was no malfunction, Lorenz finally found the source of the problem. To save space, his printouts only showed three digits while the data in the computer's memory contained six digits. Lorenz had entered the rounded-off data from the printouts assuming that the difference was inconsequential. For example, even today temperature is not routinely measured within one part in a thousand. 

This led Lorenz to realize that long-term weather forecasting was doomed. His simple model exhibits the phenomenon known as "sensitive dependence on initial conditions." This is sometimes referred to as the butterfly effect, e.g. a butterfly flapping its wings in South America can affect the weather in Central Park. The question then arises — why does a set of completely deterministic equations exhibit this behavior? After all, scientists are often taught that small initial perturbations lead to small changes in behavior. This was clearly not the case in Lorenz's model of the weather. The answer lies in the nature of the equations; they were nonlinear equations. While they are difficult to solve, nonlinear systems are central to chaos theory and often exhibit fantastically complex and chaotic behavior. 

*******
Đây là một bài khác bằng Tiếng Việt nhưng tôi thấy bố cục...lan man quá! Mặc khác, một số thông tin tham khảo lại được lấy từ...Wikipedia nữa!

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Khoa-Hoc/Hieu_ung_con_buom/

16 thg 4, 2011

Thông tin hướng nghiệp

Những vấn đề trong mảng giáo dục là một trong những tiêu chí chúng tôi định chia sẻ khi lập ra trang này nhưng lần lựa mãi tới hôm nay tôi mới bắt đầu viết được một chút. Tôi sẽ lần lượt viết theo hiểu biết của tôi về các vấn đề liên quan đến mảng này cho các bạn học sinh chuẩn bị thi vào đại học và đang học mấy năm đầu đại học (nên bạn nào đã qua rồi thì khỏi coi, mà có lỡ coi cũng...đừng rủa vì tôi nói mấy cái này với các bạn như múa rìu qua mắt thợ). 

Vấn đề đầu tiên tôi sẽ nói là sơ lược về việc định hướng nghề nghiệp. Theo tôi biết, hiện nay vào mùa tuyển sinh thì một số trường đại học cũng đến trường PTTH Cần Giuộc để tư vấn nhưng tôi chắc họ cũng không có thời gian nhiều để nói cặn kẽ hết nhiều thứ tổng quan cho các bạn hơn là tập trung giới thiệu về trường họ. Tuy nhiên, theo tôi thì việc này (hướng nghiệp) rất quan trọng. Chọn ngành nghề thi đại học là một bước ngoặc quyết định và có ảnh hưởng đến phần nhiều cuộc sống, nghề nghiệp của các bạn sau này. Các bạn có học giỏi đến mấy suốt 12 năm phổ thông nhưng nếu các bạn chọn trường, ngành chưa phù hợp với mình (do không có thông tin) thì cả phần đời còn lại bạn phải theo nó (dù không ít bạn học một đàng nhưng làm một nẻo), như thế thì chưa trọn vẹn, mà tới hồi các bạn tốt nghiệp đại học rồi thì khó có cơ hội...đi thi và học lại được! Gia đình bạn nào có anh chị đi trước thì đỡ, còn không thì sẽ rất khó trong lúc làm hồ sơ thi. Tôi nhớ ngày xưa tụi tui chọn ngành nhiều lúc cũng cảm tính lắm! Bài đầu tiên này tôi sẽ giới thiệu sơ với các bạn về các cấp đào tạo trên phổ thông ở nước ta hiện nay để các bạn có cái nhìn xuyên suốt về các bậc học (tôi tập trung vô mảng kĩ thuật).

1. Đại học: đây là chương trình đào tạo nghề, thường là 4-5 năm tùy theo trường (riêng trường Y thì hình như là 6 năm?). Ở các trường kĩ thuật, những năm đầu đại học các bạn sẽ được học một số môn bắt buộc như Toán nâng cao, Vật lý, Hóa, Triết học,....nôm na là một số môn học trang bị cho các bạn về lý luận, kĩ năng chung (không học những môn như Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học,...như ở phổ thông nữa – nhắc lại là tôi đang nói về nhóm trường kĩ thuật). Giai đoạn này thường kéo dài 1.5 năm, thời gian còn lại các bạn sẽ tập trung vô những môn học phục vụ cho nghề nghiệp cụ thể sau này. Tôi ví dụ, nếu các bạn học ngành Xây dựng thì các bạn sẽ được học về ứng xử của vật liệu (bê tông, đất, đá,...), về các nguyên tắc và cách tính toán để làm sao người ta có thể xây nên một ngôi nhà, cái cầu,...còn học về ngành Y thì sẽ học cách chữa từng loại bệnh, cách sử dụng thuốc ra sao,...(tôi sẽ có bài viết cụ thể về từng ngành sau này). Tôi nói mấy điều cơ bản này vì sao? Tôi nhớ ngày xưa bản thân tôi vô đại học rồi mà tôi còn không biết trên đại học mình sẽ được học những môn gì, tôi hỏi một anh khóa trước là có phải học tiếp mấy môn giống giống như phổ thông không, kiểu như lớp 10 học 10 môn thì lớp 11, 12 cũng chừng đó tên môn học thì vô đại học chắc cũng na ná vậy nhưng kiến thức sâu hơn (cù lần hết biết!)? Nói như thế để các bạn có một hình dung sơ sơ về việc học ở đại học và căn cứ vào sở thích, kĩ năng của mình mà chọn trường, chọn ngành cho phù hợp. Điểm khác biệt chính giữa việc học đại học và sau đại học (phần sau) là: ở bậc đại học các bạn chỉ cần học thuộc và vận dụng tốt kiến thức trong một vài cuốn sách (đã được thống nhất) là coi như chúng ta đạt được yêu cầu và mục đích của môn học; còn ở bậc sau đại học là các bạn tập trung nghiên cứu một vấn đề nhỏ nào đó nhưng mới mẻ trong chuyên ngành hẹp của các bạn, hoặc sử dụng kiến thức mới giải quyết một vấn đề cũ, nói nôm na là phải có cái gì “mới”, và lượng thông tin các bạn tiếp cận không phải từ sách không mà phần lớn là từ các bài báo khoa học, bài báo hội nghị chuyên ngành (sẽ có bài riêng cho phần này trong thời gian tới).

2. Cao học (Thạc sĩ, sau đại học): Ở một số nước thì chương trình ThS thường có hai loại (1) học một số môn nhất định trong 1 năm là tốt nghiệp và (2) ThS nghiên cứu thì một năm đầu học một số môn trong chuyên ngành hẹp của mình và năm cuối cùng thì làm luận văn về một đề tài nào đó. Việt Nam hiện đang theo loại hình 2. Mở ngoặc thêm chỗ này, theo hiệp ước Boglona, tiến trình chung cho các đại học Châu Âu là 3+5+8 (nhưng tôi nhớ hồi xưa thầy tôi nói 3+5+7, tôi chưa có thời gian tra trên mạng, bạn nào rành thì tuýt còi để tôi sửa lại); nghĩa là 3 năm cho đại học, học thêm 2 năm nữa là ThS, tiếp 3 năm nữa là TS (nhưng hiện nay ở Anh và một số nước vẫn tồn tại nhiều chương trình ThS 1 năm, tức là học courses). Thời gian gần đây thì học ThS trông có vẻ là mốt ở Sài Gòn. Tụi tôi nhiều lúc hay nói chơi với nhau “quăng một cục đá ra đường chết ba bốn ông ThS” :) ! Với kinh nghiệm và cách nhìn của tôi, tôi thấy nếu chúng ta làm việc ở môi trường nghiên cứu thì cần phải học thêm, còn để đi làm thì tôi thấy đại học là làm tốt rồi. Có điều kiện thì học để biết thêm cũng tốt, nhưng tôi thấy nếu chúng ta học hai năm thì vừa mất thời gian, tiền của, sức lực mà học xong rồi cũng làm những công việc...như trước thôi! Với lại, kiến thức ở bậc học này phần lớn là dành cho việc nghiên cứu hàn lâm, tính ứng dụng rất ít trong điều kiện chung của ta hiện nay (nên học thì sẽ hiểu được vài vấn đề sâu hơn thôi). Với lại, với thực trạng đào tạo của mình, trong mảng kĩ thuật, theo tôi thì còn-rất-lạc-hậu và...vô-cùng-kém-chất-lượng!!!

3. Tiến sĩ: Đây là bậc cao nhất trong hệ thống học vị, thời gian học (nghiên cứu) từ 3-4 năm (thường là 3.5 năm). Riêng làm TS ở Mĩ thì phải ngoài 4 năm, thường là 5 năm; làm ở Hàn Quốc thì cũng mịt mù luôn, tùy vào GS hướng dẫn, nghe nói họ thường muốn ghìm nghiên cứu sinh ở lại làm với họ càng lâu càng tốt, và ở Hàn và Nhật thì GS có quyền rất lớn, họ nói xong là...xong (?). Hồi xưa học ở đại học tôi cũng có nhiều ngộ nhận, thực ra TS chỉ nghiên cứu một vấn đề nhỏ trong chuyên ngành hẹp của mình thôi. Tôi nhấn mạnh là vấn đề đã nhỏ mà lại còn nằm trong một chuyên ngành hẹp nữa! Cho nên, tôi thấy cái được nhất là trong quá trình nghiên cứu tìm tòi cách giải quyết vấn đề của mình thì một người làm TS sẽ phải đọc và phân tích nhiều kiến thức liên quan (trong ngành) để tìm ra cách tiếp cận tối ưu nhất thì họ sẽ tích lũy được nhiều kiến thức (dù có thể không áp dụng kiến thức đó cho vấn đề của họ đang giải quyết) và biết mình đang đứng ở đâu trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Dần dần, với những kiến thức đó cộng với kĩ năng làm việc độc lập mà họ được rèn luyện thì họ có thể tự mình phát hiện ra những vấn đề nào tồn tại trong chuyên ngành cần nghiên cứu  cũng như những cách có thể giải quyết những vấn đề đó. Nói nôm na là biết kết nối kiến thức chuyên ngành để tìm ra ý tưởng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận nó. Cũng như việc học ThS, theo thiển ý của tôi thì việc học ở bậc này càng phí thời gian, sức lực và tiền bạc hơn nếu chúng ta không làm trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Tóm lại là nếu đi làm, tôi thấy học đại học xong là được rồi, cần thì học thêm mấy lớp về quản lý tài chính và điều hành nữa là ổn.  

Xong TS, nếu ai tìm được công việc nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu thì người ta gọi là postdoc, tôi tạm gọi là làm sau TS. Nói sau TS nghe rất oách nhưng thực ra là...đi làm như một công việc vậy thôi. Cái khác là họ làm...nghiên cứu và học xong TS rồi nên người ta qui ước với nhau đó là chức danh khoa học...sau TS, thế thôi :) !   

Họp mặt Cựu học sinh Cần Giuộc 17-4-2011


Hôm rồi trên Facebook hình như các bạn khóa sau có đưa tin về việc Cựu học sinh Cần Giuộc sẽ họp mặt vào chủ nhật tới? Tôi nghe phong phanh thì có vẻ như như thông tin họp mặt này không được nhiều người biết lắm. Tôi cũng chưa biết tiêu chí và phương thức hoạt động của Hội như thế nào. Tóm lại là không một chút thông tin, thậm chí là sự tồn tại của Hội! 

Theo tin một số bạn nói thì hôm đó mọi người sẽ bàn về quĩ học bổng cho học sinh Cần Giuộc. Tôi được nghe nói là bổng này sẽ xét và tài trợ học bổng cho các bạn trong suốt quá trình học đại học. Tiêu chí để xét là học sinh phải học khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn và điểm học tập từng kì ở đại học phải trên 8.0? Bạn nào có về và nếu được thì xin các bạn làm rõ giùm một số thông tin sau:

1. Hội hoạt động thế nào, tiêu chí ra sao (ngoài việc học bổng thì chúng ta còn quan tâm đến vấn đề nào nữa)? Theo tôi, nếu được thì trong Ban liên lạc nên có một vài bạn các khóa sau để các bạn xông xáo và thông tin kịp thời cho các khóa. Lý tưởng nhất là mỗi khóa nên có một bạn nào đó đứng ra liên lạc giùm cho khóa đó. Thời buổi “thế giới phẳng” này mà thông tin của Hội không đến được với nhiều người thì tôi thấy chúng ta chưa tận dụng được các phương tiện thông tin trên mạng!

2. Cá nhân tôi thì tôi tán thành việc duy trì bổng liên tục cho đến khi các bạn tốt nghiệp nhưng tôi thấy tiêu chí điểm trung bình học kì từ 8.0 trở lên thì hơi khó quá. Nên chăng bắt đầu từ 7.5 trở lên?

3. Qui trình và tiêu chí xét học bổng cụ thể thế nào, ai phụ trách,...thì chúng ta nên đưa lên các trang mạng để nhiều người biết đến hơn (đây là cách tạm thời vì Hội chưa có trang riêng, và nếu bạn nào gửi thông tin cho tôi thì tôi sẵn lòng đưa lên trang này ngay). Theo tôi biết thì có nhiều anh chị khóa trước rất sẵn lòng tham gia chuyện này nhưng họ chưa rõ qui trình và phương thức làm việc của những người tổ chức nên mọi việc chỉ dừng lại ở việc...quan tâm! Cho nên, tôi nghĩ điều cần thiết bây giờ là làm sao thông tin kịp thời, cụ thể, rõ ràng cho người ta biết như tôi đã nói ở trên.

4. Gửi 12A1-K98: trước giờ lớp mình có tham gia chuyện này nhưng với tư cách của riêng lớp, bây giờ có Hội rồi thì nên chăng chúng ta hợp nhất cùng một đầu mối cho tiện? Hôm đó bạn nào sắp xếp được thì nên tham gia để rõ hơn tình hình???

Cảm ơn và chúc mọi người về họp mặt có những khoảnh khắc gặp gỡ thầy trò, bạn bè vui vẻ!