Nhóm ngành KẾ TOÁN-KIỂM TOÁN: đào tạo hai chuyên ngành cùng tên, đó là Kế toán và Kiểm toán. Bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào, cho dù là thuộc quản lý của nhà nước hay tư nhân, cũng phải cần đến bộ phận kế toán cho quá trình hoạt động của mình. Bộ phận kế toán sẽ theo dõi tình hình thu và chi, các khoản nợ và thuế của cơ quan. Hoạt động kiểm toán được hiểu nôm na là phân tích, đánh giá xem hoạt động kế toán của doanh nghiệp, của các tổ chức có phù hợp với quy định của pháp luật hoặc có đảm tính hợp lý hay không. Các doanh nghiệp và tổ chức có thể thành lập bộ phận kiểm toán riêng cho mình, hoặc thuê các công ty chuyên về kiểm toán.
Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:
Như đã đề cập ở trên, bất cứ cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận kế toán nên đây là lĩnh vực thu hút đông sinh viên nhất nhì trong lĩnh vực kinh tế. Vì thế, người học cũng cần thể hiện một khả năng vượt trội để có được một vị trí tốt cùng với mức lương tốt khi cạnh tranh với các ứng viên khác. Ngoài ra, lĩnh vực kế toán còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận khi làm việc với các con số. Vì các con số này gắn liền với tiền bạc của doanh nghiệp.
4.
Nhóm ngành HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ gồm các chuyên ngành:
451. TOÁN KINH TẾ.
452. THỐNG KÊ.
453. TOÁN TÀI CHÍNH.
454. TIN HỌC QUẢN LÝ
455. THỐNG KÊ KINH DOANH.
Đây là nhóm ngành đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng tốt về toán và phân tích các con số. Người ta hay nói ví von rằng nhóm ngành này giúp cho các con số biết nói. Với chuyên ngành 452 (Thống kê), sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại Cục Thống Kê hoặc Tổng Cục Thống Kê. Các chính sách kinh tế của quốc gia thường được xây dựng dựa trên cơ sở các con số do hai cơ quan này khảo sát và cung cấp, ví dụ như GDP, lạm phát, thất nghiệp... Với doanh nghiệp, họ luôn đối mặt với bài toán nan giải là làm sao với một lượng vốn có hạn của mình, họ có thể tổ chức sản xuất và phân phối một cách hiệu quả nhất về chi phí. Một trong những cách để giúp họ giải quyết bài toán này là áp dụng các mô hình toán (chuyên ngành 451-Toán kinh tế) dựa trên các con số tổng hợp về vốn, đơn đặt hàng, tồn kho, năng lực sản xuất… của doanh nghiệp, các sinh viên từ chuyên ngành 455 (Thống kê kinh doanh) có thể đảm nhận việc tổng hợp các con số này. Các sinh viên học lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp (chuyên ngành 432) thường khá là “ngán” khi đối đầu với môn học liên quan đến toán tài chính, vốn dĩ là công cụ đắc lực để phân tích tài chính doanh nghiệp. Vì vậy, chuyên ngành 453 (Toán tài chính) thực sự là một thử thách nhưng cũng mở ra cơ hội tốt về sau nếu sinh viên nắm vững được các mô hình và công cụ của chuyên ngành này. Ngành 455 (Tin học quản lý) rất thiết thực khi mà công nghệ thông tin trở thành phổ cập trong tất cả các tổ chức và doanh nghiệp. Sinh viên học chuyên ngành này có thể giúp cơ quan tổ chức một hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu từ tất cả các phòng ban.
Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:
Có lẽ do sự thử thách về khả năng phân tích cùng với nền tảng toán mà sinh viên kinh tế ít có khuynh hướng vào nhóm ngành này mặc dù sau một thời gian đi làm việc họ sẽ thấy được sự cần thiết cần phải bổ sung thêm các kiến thức của nhóm ngành này.
5.
Quay lại sơ đồ thu gọn nền kinh tế của một quốc gia ở ban đầu, mỗi thành phần trong nền kinh tế có vai trò riêng nhưng rất cần sự hài hòa trong quá trình vận hành của chúng. Nhóm ngành KINH TẾ chủ yếu tập trung vào nghiên cứu làm cách nào để các thành phần cùng vận hành một cách tốt nhất cho nền kinh tế của quốc gia.
Chuyên ngành 411 (KINH TẾ HỌC) là chuyên ngành khó nhất và hay nhất trong lĩnh vực kinh tế nói chung vì các lý thuyết của chuyên ngành này là cơ sở để các quốc gia thiết lập các chính sách điều hành nền kinh tế. Chuyên ngành 412 (KINH TẾ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) nghiên cứu cách thiết lập, phân tích các kế hoạch, chính sách và dự án đầu tư và phát triển từ cấp độ doanh nghiệp cho đến tỉnh/thành phố. Chuyên ngành 414 (KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN) nghiên cứu về phát triển nông nghiệp và nông thôn vốn dĩ quan trọng với quốc gia khi khoảng 70% dân số đang sống nhờ vào nông nghiệp, ví dụ như tổ chức quản lý trang trại, kinh doanh nông sản. Chuyên ngành 415 (KINH TẾ THẨM ĐỊNH GIÁ) đào tạo con người cho các hoạt động thẩm định giá trị các loại tài sản của tổ chức và doanh nghiệp. Ví dụ: để vay tiền từ ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đi vay cần có tài sản thế chấp cho ngân hàng. Tài sản thế chấp này phải có giá trị không thấp hơn giá trị vay. Khi đó, cần người có chuyên môn để thẩm định giá trị tài sản thế chấp. Là một chuyên ngành mới thành lập vài năm gần đây, 416 (KINH TẾ BẤT ĐỘNG SẢN) hướng đến việc đào tạo sinh viên có khả năng phân tích, đánh giá về thị trường bất động sản (ví dụ: đất, nhà ở, cao ốc văn phòng…).
Sinh viên theo học nhóm ngành này cần có một khả năng phân tích và tổng hợp tốt để tiếp thu các lý thuyết khác nhau và vận dụng trong phân tích thực tế. Đặc biệt, nhóm ngành này sẽ hướng sinh viên đến việc hình thành cách nhìn nhận vấn đề một cách bao quát và hệ thống. Sinh viên học chuyên ngành này có thể làm việc cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
(hết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét