Ngày trước làm ở khu "phố Wall Sài Gòn", thỉnh thoảng đi ăn sáng tôi thấy nhiều bạn ăn mặc rất bảnh bao (dân cổ cồn mà) nhưng ăn xong lại ngậm tăm trong miệng và vô tư nói chuyện, tệ hơn còn có người vừa đi về văn phòng vừa lủng lẳng cây tăm tre trên miệng nữa. "Ghét của nào trời trao của đó" thiệt, văn phòng của tôi lại có một bạn cứ ăn xong là xỉa răng cộc cộc (tăm nhựa), chép chép miệng và ngậm một bên mép! Nhìn thấy ngán và...ứa gan :) !
Gần đây, sau vụ sóng thần và động đất thì mọi người ở nhà mình coi bộ ca tụng người Nhật tận mây xanh. Với tôi, tôi nể nhất là tinh thần "chuyên nghiệp" của người Nhật, Mĩ, và Đức nhưng nói như kiểu truyền thông của mình đưa thì...thấy chán quá! Thấy ưu điểm của người ta thì tán đến tận mây xanh nhưng cũng chỉ nói cho...có nói mà thôi. Làm việc, cư xử hằng ngày thì...! Thậm chí, ai mà "chuyên nghiệp" thì cũng bị "ném ám khí" tơi tả, và được cho là khó tính. Tôi đã định viết một bài về vấn đề này rồi nhưng nghĩ lại khi lập ra trang này tụi tôi đã xác định là hạn chế đến mức tối đa việc bàn luận những vấn đề chính trị, xã hội nên thôi. Bữa nay tôi đọc bài này thấy người ta có nói đến một chi tiết liên quan đến người Nhật, cây tăm và đôi điều ý nhị khác nên tôi (trích) đem về đây, bạn nào rảnh đọc chơi.
******
Nguồn: http://kimsilverspoon.blogspot.com/2011/06/tam-tre.html
...Ta nói người Nhật họ điềm đạm, mực thước, ứng xử với nhau có văn hóa... đáng để học hỏi (nói vậy cũng có những vấn đề tiêu cực không đáng học tí nào. Chuyện này để sau này kể). Bây giờ chỉ nghĩ đến chuyện cây tăm. Người Nhật không thích ta cắt trái cây rồi cắm cây tăm lên những miếng trái cây đã cắt sẵn (trường hợp không có xiên thấy nhiều người hay dùng tăm để ghim vô những miếng trái cây).
Lâu nay làm việc chung với Nhật, tình yêu cũ cũng đến từ Nhật Bổn, hiện giờ đồng nghiệp người Nhật có gần chục người trong công ty, nhờ vậy thỉnh thoảng được các bạn chia sẻ một số đặc điểm văn hóa dân tộc để bổ sung kiến thức. Các bạn này tiết lộ lý do họ không thích được mời dùng thức ăn có tăm ghim chung vì hình ảnh này tượng trưng cho sự chửi/chê/coi thường của người Nhật. Đi ăn nhà hàng, trả tiền mắc, thức ăn dở, ăn không được, phục vụ kém, khi ra về người Nhật có thể lấy cây tăm ghim thẳng xuống chén bên trong còn thức ăn dư thừa, hoặc ghim đầy tăm vô đĩa thức ăn còn bỏ dở. Chủ nhà hàng người Nhật khi nhìn hình ảnh đó sẽ biết thông điệp của khách chuyển đến là gì, nhưng chủ nhà hàng người Việt có thể cho rằng bọn đó hết chuyện làm, lấy tăm cắm đầy lên thức ăn trên bàn.
Người Nhật rất không thích ai ba hoa chích chòe, một năm ăn chưa tới chục bữa sushi, thậm chí chưa biết hết tất cả những loại sushi tầm thường thôi, chưa sống chung với người Nhật một ngày, chưa học tiếng Nhật để nói cho được một câu, ấy vậy mà đòi hiểu cả dân tộc Nhật Bản, Nhật Bản là thế này, Nhật Bản là thế nọ, không hiểu được tại sao người Nhật Bản lại hay đến thế...??? Làm sao mà hiểu được, nguyên một bề dày văn hóa của người Nhật còn đánh đố ngay cả dân Nhật thì ai không phải là người Nhật đừng nên lăm le ôm tí ti kiến thức lượm lặt được để đòi hiểu người ta. Khiêm tốn tiếp thu kiến thức, biết thêm được 1 chút gì đó từ nước bạn là tốt lắm rồi. Ngồi rượu, trà, sushi... với Nhật kỹ tính, đâu ra đó, ai không biết cứ ôm cái kiểu bla bla bla tỏ ra "biết" Nhật Bản thì chẳng ai phản đối gì đâu. Họ sẽ không chửi, không phê bình, thường thì im im cười nhẹ. Nhưng sau khi ăn, họ sẽ cầm tăm ghim xuống bất kỳ miếng thức ăn nào còn sót lại trên bàn. Ghim như vậy thay vì nói thẳng: "đã ngu lại còn lố bịch!".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét