10 thg 6, 2011

Nghề nghiệp 2: Nhóm ngành Kinh tế (1)

Tiếp tục kế hoạch hỗ trợ thông tin chọn ngành thi đại học cho các bạn 12 như hôm trước đã nói, hôm nay tôi xin đưa tiếp thông tin về nhóm ngành Kinh tế. Cảm ơn anh QD đã nhín chút thời gian giúp chúng tôi viết bài này.

*******

Mục tiêu của bài viết nhằm giới thiệu đến các bạn học sinh, sinh viên về các chuyên ngành trong lĩnh vực kinh tế. Nội dung giới thiệu này được viết một cách cô đọng và đơn giản nhất nhằm cung cấp cho người chưa có chuyên môn về kinh tế và chưa có kinh nghiệm làm việc một cái nhìn thoáng qua về các chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là các ngành được đào tạo tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM.



Mô hình thu gọn cho nền kinh tế của một quốc gia


Một cách đơn giản, nền kinh tế của một quốc gia được cấu thành từ các 3 thành phần chính: Hộ gia đình, Doanh nghiệp (còn gọi là công ty) và Nhà nước. Các thành phần khác bao gồm: ngân hàng, các công ty tài chính, công ty chứng khoán và đối tác nước ngoài. Vậy các ngành nghề nào trong lĩnh vực kinh tế sẽ liên quan trực tiếp đến từng thành phần nói trên?

Trước tiên, cần tâm niệm một điều rằng sự phân chia ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế thực chất chỉ mang tính tương đối. Nghĩa là không nhất thiết người học ngành kế toán thì chỉ có thể làm được công việc kế toán mà thôi. Hay người học về ngân hàng thì suốt đời chỉ có thể làm việc ở ngân hàng. Thực tế, các sinh viên thuộc các chuyên ngành khác nhau trong kinh tế học các môn giống nhau trong khoảng 3/4 thời gian ở giảng đường đại học. Để có thể thành công trong công việc, sinh viên cũng cần phải rèn luyện các kỹ năng về ngoại ngữ, máy tính và giao tiếp.

Năm 2010, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đại học chính quy 7 nhóm ngành sau (theo thông báo trên website của trường Đại học Kinh tế TP.HCM):

1) NGÀNH KINH TẾ
2) NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
3) NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
4) NGÀNH KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN GỒM
5) NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ
6) NGÀNH KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC - Mã ngành: 461
7) NGÀNH LUẬT HỌC - Mã ngành: 501. Gồm 1 chuyên ngành: LUẬT KINH DOANH.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến năm nhóm ngành đầu tiên.

1.
Nhóm ngành được nhiều người biết đến nhất trong các ngành kinh tế đó là nhóm ngành số 2, NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

421. QUẢN TRỊ KINH DOANH TỔNG HỢP
422. QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG
423. THƯƠNG MẠI
424. KINH DOANH QUỐC TẾ.
425. NGOẠI THƯƠNG
426. DU LỊCH
427. MARKETING

Nhóm ngành này đào tạo những con người làm việc trong thành phần doanh nghiệp trong sơ đồ nền kinh tế ở trên. Với doanh nghiệp, có hai hoạt động chính, đó là SẢN XUẤT và BÁN HÀNG. Ngành 422 (Quản trị chất lượng) đảm nhận trực tiếp việc quản lý chất lượng sản phẩm ở khâu sản xuất. Ngành 423 (Thương mại), 424 (Kinh doanh quốc tế) và 425 (Ngoại thương) đảm nhận việc bán hàng cho khách hàng trong và ngoài nước. Ngành 427 (Marketing) có vai trò hai chiều trong việc phối hợp giữa sản xuất và bán hàng. Hiểu một cách đơn giản, ngành Marketing có nhiệm vụ tìm hiểu sở thích thị hiếu của khách hàng, sau đó phản hồi lại cho bộ phận sản xuất hoặc bộ phận quản lý (ngành 421 Quản trị kinh doanh tổng hợp) để doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức sản xuất và bán hàng thành công. Ngành 426 (Du lịch) đào tạo con người cho một hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của con người, ví dụ: quản lý khách sạn-nhà hàng, tổ chức tour du lịch.

Chú ý: Sẽ thật sai lầm nếu quan niệm rằng “học ngành quản trị thì nhất định phải làm sếp hay sẽ làm sếp”. 

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Chừng nào trong nền kinh tế còn sự tồn tại của các doanh nghiệp thì nhu cầu với nhóm ngành này vẫn còn. Điều này cho thấy sự phổ biến của nhóm ngành này trong công việc. Sự phổ biến của nó mạnh tới mức không ít người nhầm lẫn rằng học kinh tế nghĩa là học quản trị kinh doanh. Có người cho rằng học nhóm ngành quản trị sẽ dễ tìm việc làm hơn vì tính phổ biến của nó. Tuy nhiên, cần thận trọng vì sự phổ biến của ngành này khiến nhiều người đăng ký học, do đó mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi tìm việc làm. Vì vậy, để có được chỗ đứng tốt và mức lương tốt trong nhóm ngành này, cần thể hiện sự vượt trội của bản thân khi cạnh tranh với nhiều người khác.

2.
Nhóm ngành TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG gồm các chuyên ngành:

431. TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC
432. TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
433. KINH DOANH BẢO HIỂM
434. NGÂN HÀNG
435. CHỨNG KHOÁN

Chuyên ngành 431 (Tài chính nhà nước) đào tạo nhân lực có chuyên môn liên quan đến hoạt động quản lý thu chi của ngân sách nhà nước. Người tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc trong các cơ quan quản lý tài chính của nhà nước, ví dụ như: Sở tài chính, Cục thuế. Chuyên ngành 432 (Tài chính doanh nghiệp) đào tạo nhân viên phân tích và đánh giá mức độ rủi ro hay sinh lời từ các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyên ngành 433 (Kinh doanh bảo hiểm) đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ (bảo hiểm tai nạn xe cộ, tàu thuyền…). Một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam có thể liệt kê như: Bảo Việt, Bảo Minh, Viễn Đông, Prudential, AAA. Chuyên ngành 434 (Ngân hàng) có lẽ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong vài năm qua. Có lẽ bản thân tên của chuyên ngành này đã cho biết rõ ràng về nơi mà sinh viên có thể làm việc sau khi tốt nghiệp. Ngân hàng hoạt động trên cơ sở đi vay tiền của người dân thông qua hình thức huy động tiết kiệm, rồi cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân khác vay lại (gọi là tín dụng). Do đó, tín dụng là hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng, và cũng là công việc mà đa phần sinh viên hay hướng đến. Ngoài ra, ngân hàng còn có chức năng thanh toán quốc tế. Đây là chức năng giúp doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có thể thanh toán tiền cho các giao dịch với nhau. Đây là nghiệp vụ không thể tách rời khỏi hoạt động ngoại thương của doanh nghiệp. Chuyên ngành có tuổi đời trẻ nhất trong các chuyên ngành có lẽ là 435 (Chứng khoán). Chuyên ngành này hình thành kể sau khi thị trường chứng khoán ở Việt Nam được thành lập từ khoảng hơn 10 năm trước. Hoạt động tiêu biểu của người tốt nghiệp chuyên ngành chứng khoán là môi giới chứng khoán. Đây là hoạt động cầu nối giữa người bán và người mua các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu do cách doanh nghiệp phát hành, hiểu một cách nôm na là một cách huy động tiền từ công chúng. Ví dụ, một doanh nghiệp có tổng vốn là 100 tỷ đồng, muốn huy động thêm 10 tỷ đồng từ công chúng. Doanh nghiệp này có thể phát hành 1 triệu cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có mệnh giá 10 ngàn đồng. Công chúng có thể mua 1 triệu cổ phiếu này, trở thành người góp vốn cho doanh nghiệp. Sau khi mua các cổ phiếu này, mọi người có thể mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán.

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Khủng hoảng kinh tế thế giới trong vài năm qua đã kéo theo một số khó khăn nhất định cho lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Dễ thấy nhất là lĩnh vực chứng khoán khi mà hoạt động của các công ty chứng khoán đã không còn sôi động như một vài năm trước đây. Hoạt động ngân hàng, tài chính doanh nghiệp vẫn là hoạt động gắn liền với các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Điều này cho thấy rằng cơ hội việc làm cho lĩnh vực này cũng khá nhiều. Tuy nhiên, chính vì thế mà số lượng sinh viên đăng ký theo học lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng rất đông. Vì vậy, để thành công trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương phù hợp, sinh viên cũng phải phấn đấu hết mình để cạnh tranh với các ứng viên khác trong thị trường lao động.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét