23 thg 6, 2011

Tin buồn

Bữa nay nghe tin K mất. Bần thần sáng giờ. Ngẫm nghĩ mông lung thấy sao mệt quá trời đất! H đi thì cũng thình lình, thương tiếc nhưng không bị sốc dữ lắm. Tới lượt L thì mọi người đã biết trước một thời gian nên tiếp nhận cũng na ná còn lần này K thì...hong biết nói sao! Chuyện xảy ra thình lình, dồn dập và năm một nên thấy...lạnh xương sống! Mới nói chuyện ì xèo với nhau hai ba bữa trước thì...

Xin chia buồn với gia đình K! Mong các bạn được siêu thoát!

Ảnh: Internet

11 thg 6, 2011

Canon in D major


Ps: Đã tự nhủ là sẽ nghiêm chỉnh không đưa YouTube lên như thế này nữa, nhưng...chịu. Không còn cách nào khác :)

Rốt cuộc, viết làm gì?

Nguồn: http://lylan.blogspot.com/2011/06/rot-cuoc-viet-lam-gi.html

(Lý Lan)

Trước tiên, để bắt đầu một ngày, tôi mở máy tính. Một trang “word” mở ra trắng bóc. Tôi nhủ mình bắt đầu từ đây, từ chỗ không có gì. Tự nhủ vậy nhưng thực hành rất khó, vì hai lý do chết người:

Một thói quen đã hình thành từ khi tôi bắt đầu tập làm văn là hôm nay viết tiếp cái hôm qua. Năm tôi 10 hay 11 tuổi, ở lớp cuối bậc tiểu học, cô giáo thường cho đề bài về nhà làm. Tôi thường làm bài nháp buổi tối, đến sáng thức dậy sớm mới chép vào giấy nộp bài, vì cô chấm điểm cả giấy sạch chữ đẹp. Bài nháp không bao giờ là bài hoàn chỉnh. Sáng sớm đọc lại, chép lại, tôi vừa sửa vừa hoàn tất. Sau này đọc ai đó, hình như Hemingway, rằng bí quyết của nhà văn là luôn chừa lại cái đang viết để ngày hôm sau biết chắc công việc phải làm tiếp là gì, tôi càng củng cố thói quen bắt đầu hôm nay bằng cách xem lại và tiếp tục công việc hôm qua. Cách làm này đúng là có hiệu quả đối với tôi trong mấy chục năm.

Cho đến một hôm, trên chuyến bay vượt Thái Bình Dương, tôi đối diện cái chết. Đành rằng tôi chưa chết, nhưng thông điệp tôi nhận được là: cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không cần báo trước, không thể chuẩn bị. Sau chết là gì, tôi không biết. Dù sao tôi cũng đã đến tuổi không đến nỗi hoảng hốt khi hiểu là mình sẽ chết. Tôi tập thực hành câu “Việc gì làm được hôm nay, chớ nên để đến ngày mai hãy làm.” Hôm nay viết được cái gì, là coi như xong cái viết của hôm nay. Ngày mai là một trang viết khác. Có thể có, có thể không bao giờ.

Vậy là mỗi buổi sáng tôi đối diện với trang giấy trắng (trên màn hình). Thói quen là thứ duy nhứt không chịu chết thình lình. Bất kể tôi nhìn đằng trước hay đằng sau trang giấy, những điều dở dang, những câu chuyện cũ, những lời chưa bày tỏ hết cứ tự động hiện về như hồn ma. Tôi đã giết chúng cả ngàn lần. Nhưng cái hôm qua vẫn sống lại hôm nay. Tôi nhứt quyết bắt đầu mới cho đến lúc nhận ra mình vẫn đang lập lại mình. Và khốn nạn, biết là đang lập lại mình, mà không sao đừng lập lại.

Thì đừng viết nữa.

Mùa xuân Bellingham rất đẹp, hoa nở từ trên trời xuống mặt đất. Buổi sáng nấn ná trên giường nhìn ra cửa sổ, hoa đào nở trước tiên, rồi đến hoa mận, hoa lê, hoa táo, và đổ quyên lần lượt nở. Tuyết vừa tan trên mặt đất là hoa giọt tuyết, hoa nghệ tây, các loại hoa thủy tiên rồi đến uất kim hương thi nhau khoe sắc. Đó là lúc cỏ các thứ cũng tưng bừng mọc. Và chúng mọc nhanh hơn bất cứ thứ rau củ nào khác. Phải làm cỏ lúc này, nếu không thì trong nháy mắt chúng vươn rễ ra xa và vung vãi hột khắp nơi. Lụi hụi trong vườn, một buổi sáng qua rất nhanh. Một ngày cũng qua đi, không cần viết gì cả.

Có khi nhiều tháng tôi không viết gì hết. Không cảm thấy “bức xúc” hay nhớ tiếc, hay trăn trở gì cả. Chẳng qua cái thói quen hình thành mấy chục năm lì lợm không chịu chết trong vài tháng. Mùa hè đi chơi biển, đi leo núi, mùa thu hái rau trái, làm mứt, sấy khô hay ngâm giấm, lu bu hết ngày. Rồi cũng hết việc. Những trận sương giá tháng 11 giết nốt những gì còn sót trong vườn , gió bắc cực thổi về buốt xương tủy. Buổi sáng mở mắt ra, bất kể là sáu giờ, hay bảy hay tám giờ, trời vẫn âm u mờ mịt. Không thể cưỡng lại hành động mở máy tính ra. Đối diện trang giấy trắng. Hãy bắt đầu từ đây, ở đây.

Có cách nào đừng được? Khoảng trống không phải là cái cố định, mặc dù tôi nghe nói nó vĩnh hằng và vô tận. Cái khoảng trống mỗi ngày giống như cái hố đào trong vườn, nếu mình không trồng xuống cây gì và lấp đất lại, thì rồi cũng sẽ có cái gì đó lấp dần nó: nước trên trời hay trong đất chảy vô. Đất cát chung quanh hay đâu đó lắng tụ lại, rễ cây lá khô của cây cối bên cạnh lấn sang, rồi ắt có cây gì đó tự mọc lên, cùng với cỏ. A, cỏ! Mà thôi, đừng nhắc tới cỏ, kẻo tôi lại phát mệt.

Tôi đã, khá thành công, tập nhìn vào trang “word” trên máy tính không viết gì cả để tịnh tâm. Những ký hiệu tiện dụng để sẵn trên thanh công cụ nhắc tôi rằng viết ra, xóa đi, phục hồi (undo) và rồi mất sạch, là những điều hết sức dễ dàng. Thực tế là trong cái máy tính này từng chứa bao nhiêu thứ tôi viết ra trong đủ mọi tình huống và tâm trạng. Và mỗi lần bị virus tấn công hay sự cố kỷ thuật là bao nhiêu thứ bị xóa sạch sành sanh. Sau những cơn khủng khoảng và tuyệt vọng, tôi hiểu ra không có gì mất đi cả, vì đâu có gì thực sự tồn tại. Những “file” hàng ngàn chữ, hàng chục ngàn chữ, hàng trăm ngàn chữ… thực ra là gì? Những nỗi niềm suy tư trải nghiệm đã qua là đã qua. Hành động viết lại là trải nghiệm lại, hay nhai lại, một cái không còn là thực tế nữa. Cái “thế giới” mình tưởng là đang dựng lại hay sáng tạo ra nói cho cùng là sự bịa đặt.

Russell Banks là một nhà văn đương đại Mỹ nổi tiếng. Ông kể là năm 21 tuổi ông là một thanh niên bỏ học, thất tình, khánh kiệt, sống lây lất ở Boston, giao du với một gã du côn. Gã du côn ấy, hỗn danh Jocko, toan huấn luyện Banks thành một tay anh chị như gã, nhưng nổi cáu vì Banks quá bi lụy vì tình, bèn đuổi đi. Banks quảy ba lô đi vô định, rồi dừng chân ở Key West, mướn một phòng trọ trong một tòa nhà sắp sập, viết những truyện ngắn đầu tiên của đời mình. Trong những năm sau thành đạt, Banks đã rất coi trọng nghề nghiệp, biết ơn văn chương cứu vớt cuộc đời mình: nếu không trở thành nhà văn, ắt ông đã thành một tên du đãng. 

Trong một dịp trở lại Boston để giới thiệu sách mới xuất bản của mình, ông kể lại câu chuyện đó, vừa để hấp dẫn khán giả, vừa để tự đánh bóng mình. Cuối buổi nói chuyện và ký tặng sách, một người ông già tóc bạc, da xăm, trông rất lõi đời đến gặp Banks, và cả hai nhận ra bạn bè. Người đó là Jocko, trải mấy chục năm vẫn như xưa, tức là vẫn sống đời giang hồ tứ chiếng. Họ ôn chuyện cũ, cuộc trò chuyện sau này đã khiến Banks quyết định viết lại chương sách chính của đời mình. Cuối buổi hàn huyên đó, Banks hỏi Jocko tại sao hồi đó ông ta thích đàn đúm với giới nghệ sĩ nhà văn. Jocko nói: “Văn nghệ sĩ tụi mày giống bọn găngxtơ tụi tao lắm. Cả hai đều biết là văn bản tường thuật chính thức (official version), văn bản mà mọi người khác tin tưởng ấy, là bịa đặt.” Hay dối trá, chữ ông dùng là “lie”.

Có phải nghĩa là cái cuộc sống hào nhoáng chỉnh chu mọi người đang sống chỉ là dối trá? Hay văn nghệ sĩ “thoát” ra những luật lệ, lề thói, “hiện thực”, của cuộc sống qui củ nhàm chán vô nghĩa bằng sự bịa đặt mà người ta gọi là văn học nghệ thuật? Có phải nhà văn và nghệ sĩ thành đạt là người cung cấp cho công chúng sự bịa đặt hấp dẫn dưới hình thức những “bản tường thuật chính thức”, những bản được chấp nhận theo những mẫu mực tiêu chuẩn đánh giá của thời đại và xã hội đương thời, sao cho người ta cảm thụ như thật. Chỉ thâm tâm anh biết anh dối. Nhưng anh có dối lòng mình không? Đó là cái chết người thứ hai khi tôi muốn bắt đầu từ chỗ không có gì.

Tương tự Banks tôi đã từng tin rằng văn chương đã thay đổi cuộc đời tôi, ít ra đã mở cho tôi những chân trời khác hơn tấm bảng đen của một cô giáo tỉnh lẻ. Tôi sẽ viết lại chương chính của đời mình, hay viết tiếp chương cuối cùng, như thế nào?

Lãi suất, lạm phát...và những thứ lăng nhăng khác

Nguồn: http://www.gocnhinalan.com

(Alan Phan)

Dùng ngân sách để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiều.

Tôi yêu xứ Mỹ, nhưng tôi không tin về tương lai nước này. Các chánh phủ Mỹ trong 3 thập niên vừa qua đã làm mất niềm tin của tôi qua các hành xử luôn luôn đi ngược với những lời nói hoa mỹ cao thượng.

Một vài thí dụ về thành quả và chuẩn mực đạo đức của lãnh tụ xứ này:

Sự suy yếu của đồng dollar
Suốt 100 năm từ khi Hoa Kỳ trở thành đế chế số một thế giới, đồng US dollar luôn là biểu tượng của sự bền vững và thịnh cường của nền kinh tế. Chỉ trong 10 năm qua, với chánh sách tiêu xài quá đáng dẫn đến việc in tiền bừa bãi (dùng 1 danh từ mới là quantitative easing hay gói kích cầu) cùng việc vay mượn tối đa qua các trái phiếu, đã làm đồng dollar tuột dốc không phanh so với các bản vị khác và giá cả các nguyên liệu. Đây là lý do chính của nạn lạm phát mà các chuyên gia cũng như giới truyền thông cố tình bỏ qua vì lợi ích cá nhân của nghề nghiệp.

Sự nhào nặn các số liệu thống kê
Để che đậy cho sự cố lạm phát và thất nghiệp, chánh phủ đã ngụy tạo hay chỉnh sửa các số liệu thông kê nhằm giảm thiểu con số lạm phát cũng như ảnh hưởng trên công ăn việc làm của người dân. Ai cũng biết là chỉ số tiêu dùng (CIP) bao gồm nhiều thành phần và khi thay đổi tỷ lệ của chúng trên tổng số sẽ thay đổi CIP này theo ý muốn chánh trị. Chẳng hạn khi giá địa ốc hay may mặc xuống thấp, tăng phần trăm của địa ốc và may mặc lên 10% thay vì 5% sẽ làm CIP giảm đi gần 0.6%. Trong khi đó, giá cả thực phẩm, xăng dầu có leo thang và có ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hằng ngày của người dân, chánh phủ có quyền “tạm quên” vì trên nguyên tắc, chỉ số CIP vẫn còn thấp.

Cứu ngân hàng bằng tiền của dân
Dùng ngân sách (tiền của dân dù bằng tiền thuế hay bằng công nợ) để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiều (Hood là một tướng cướp lấy tiền của quan tham để tặng dân). Chánh phủ còn ngụy biện là làm vậy vì phải cứu nền kinh tế quốc gia; nhưng ai cũng biết rằng, để một vài ngân hàng lớn sụp đổ, là giải pháp tối ưu để tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô, như một con bệnh ung thư cần được giải phẫu chứ không phải chỉ cho uống thuốc giảm đau, để kéo dài sự tồn tại khập khễnh. Về lâu về dài, càng trì hoãn việc giãi phẫu, càng đưa bệnh nhân đến tình trạng không còn cứu chữa

Gia tăng thay vì giảm thiểu các đơn vị nhà nước
Lịch sử nhân loại đã chứng minh là lòng tham con người sẽ đạt đến đỉnh cao khi họ được giao quyền hành và tài sản không kiểm soát. Kinh tế tư nhân luôn luôn hiệu quả hơn mọi mô hình kinh doanh, vì đồng tiền liền khúc ruột. Cha chung không ai khóc là lý do của mọi lãng phí và tham nhũng. Bằng cách gia tăng thị phần và chi tiêu của các đơn vị nhà nước, các chánh phủ Mỹ đã vô tình hủy hoại gốc rễ của sự thịnh cường trong nền kinh tế quốc gia.

Khôn nhà dại chợ
Trong khi chánh phủ rất quyết liệt với những biện pháp về tăng thu thuế, về sự thực thi luật lệ với người dân mình (đôi khi quá đáng), thì đối ngoại, một chánh sách mềm dẻo và thân thiện đã làm Trung Quốc, mạnh lên để có thể trở thành một đối thủ đáng ngại cho tương lai. Chánh sách này hoàn toàn dựa trên lợi ích của phe nhóm thay vì quốc gia.

Nói và làm luôn luôn khác biệt
Khi tranh cử hay ra trước các diễn đàn quốc tế, các quan chức chánh phủ tỏ ra rất thức thời và ngọt ngào, rộng rãi với nhiều lời hứa đủ kiểu đủ loại. Nhưng khi bắt tay vào việc, thì cán cân quyết định thường nghiêng về lợi ích của cá nhân, của bè đảng, của các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến tương lai chánh trị của mình.

Yếu tố căn bản của mọi nền kinh tế: niềm tin
Khi người dân không tin vào đồng tiền quốc gia, tỷ giá sẽ suy thoái. Tiền suy thoái thì lạm phát gia tăng. Lạm phát tăng thì lãi suất tăng. Các hoạt động kinh tế sẽ hướng về phòng thủ (bảo vệ tài sản khỏi bị mất mát). Mọi sáng tạo, năng động và tham vọng của cá nhân hay tập thể cũng bị lùi bước, thu gọn… vì phải lo sống còn trước. Không ai muốn đầu tư thêm vào một nền kinh tế thui chột.

Dạy người dân thói quen tùy thuộc vào chánh phủ
Với những lời hứa hoàn toàn dựa trên lợi ích chánh trị, các chánh phủ đã giấu diếm những yếu điểm của quốc gia và cố tình làm người dân hiểu sai thực trạng về kinh tế, xã hội hay trách nhiệm của dân lẫn quan. Hậu quả là làm cho người dân ước muốn và đòi hỏi những gì “miễn phí” hay đến từ tiền người khác (OPM: other’s people money). Sự tham lam không cơ sở của người dân sẽ giúp chánh quyền kiểm soát hoạt động của dân và nhờ vậy, giữ quyền lực lâu dài hơn

Người bạn Trung Quốc
Tôi trình bày với nhiều chi tiết hơn về đề tài nói trên trong một buổi mạn đàm 2 tháng trước ở Đại Học Jiao Tong Shanghai. Một anh bạn doanh nghiệp nói với tôi, “Nghe ông mà tôi phát khiếp. Xã hội Mỹ dân chủ tự do mà còn bị vướng vào những vấn nạn của chánh phủ như vậy, thì các người dân ở các quốc gia khác đối phó ra sao với tình huống ?” Tôi không có câu trả lời.

Tôi kể ông nghe về lịch sử của Sparta vào trước thời đế chế La Mã. Sparta là một quốc gia nổi tiếng là anh hùng, đạt nhiều thành quả ấn tượng trên chiến trường. Vị lãnh tụ Lycargus được bơm thổi lên như một vị thánh của Sparta. Chiến thắng lớn nhất là đại thắng ở thành Troy của Hy Lạp. Họ ngạo mạn, coi thường đối thủ và nghĩ là khả năng chinh chiến bất bại của họ sẽ giúp họ vượt trội và thôn tính thế giới. Họ không quan tâm đến việc xây dựng một xã hội hài hòa, tôn trọng pháp luật, hay một nền kinh tế sáng tạo hiệu quả. Họ vung tay tiêu xài trong những cuộc liên hoan bất tận để mừng chiến thắng. Dần dà, chiến lợi phẩm không còn và các quốc gia đối thủ đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với kỹ năng quân sự của Sparta. Không còn chiến trường để thắng, không còn hậu phương để quay về sống trong ổn định, Sparta đã bị lịch sử chôn vùi và trở thành một tỉnh nhỏ của đế chế Achaea.

Tôi cũng chợt nhớ đến phần tựa của cuốn chuyện kiếm hiệp “Lộc Đỉnh Ký” của Kim Dung. Trong đó, tác giả nói về một cuộc săn nai hào hứng của một số đại gia quan lại. Sau bao thăng trầm của cuộc chiến, cuối cùng con nai bị bắt và xẻ thịt. Kim Dung kết luận là số phận người dân trong mọi xã hội cũng giống chú nai vàng. Dù khôn ngoan hay ngây thơ, định mệnh đã an bài là con nai sẽ trở thành món ăn chính của thực đơn trên bàn tiệc.

Do đó, tôi thích Tú Xương với nhân sinh quan thông minh của ông.

"Một trà, một rượu, một đàn bà.
Ba cái lăng nhăng nợ quấy ta."

Sau cả mấy trăm năm của tiến bộ, thật tội nghiệp khi người dân lại bị quấy rầy với lãi suất, tỷ giá và lạm phát …thay vì những cái lăng nhăng đáng yêu của Tú Xương. Người Tàu rất hứng thú với lời nói của Lão Tử “Khôn chết, dại chết. Chỉ biết mới sống”. Sống với rượu chè, hay đàn bà chắc chắn phải vui hơn là sống với lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Ba cái lăng nhăng có thể là giải pháp cho bài toán?

10 thg 6, 2011

Nghề nghiệp 2: Nhóm ngành Kinh tế (2)

3.
Nhóm ngành KẾ TOÁN-KIỂM TOÁN: đào tạo hai chuyên ngành cùng tên, đó là Kế toán và Kiểm toán. Bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào, cho dù là thuộc quản lý của nhà nước hay tư nhân, cũng phải cần đến bộ phận kế toán cho quá trình hoạt động của mình. Bộ phận kế toán sẽ theo dõi tình hình thu và chi, các khoản nợ và thuế của cơ quan. Hoạt động kiểm toán được hiểu nôm na là phân tích, đánh giá xem hoạt động kế toán của doanh nghiệp, của các tổ chức có phù hợp với quy định của pháp luật hoặc có đảm tính hợp lý hay không. Các doanh nghiệp và tổ chức có thể thành lập bộ phận kiểm toán riêng cho mình, hoặc thuê các công ty chuyên về kiểm toán.

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Như đã đề cập ở trên, bất cứ cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận kế toán nên đây là lĩnh vực thu hút đông sinh viên nhất nhì trong lĩnh vực kinh tế. Vì thế, người học cũng cần thể hiện một khả năng vượt trội để có được một vị trí tốt cùng với mức lương tốt khi cạnh tranh với các ứng viên khác. Ngoài ra, lĩnh vực kế toán còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận khi làm việc với các con số. Vì các con số này gắn liền với tiền bạc của doanh nghiệp.

4.
Nhóm ngành HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ gồm các chuyên ngành:

451. TOÁN KINH TẾ.
452. THỐNG KÊ.
453. TOÁN TÀI CHÍNH.
454. TIN HỌC QUẢN LÝ
455. THỐNG KÊ KINH DOANH.

Đây là nhóm ngành đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng tốt về toán và phân tích các con số. Người ta hay nói ví von rằng nhóm ngành này giúp cho các con số biết nói. Với chuyên ngành 452 (Thống kê), sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại Cục Thống Kê hoặc Tổng Cục Thống Kê. Các chính sách kinh tế của quốc gia thường được xây dựng dựa trên cơ sở các con số do hai cơ quan này khảo sát và cung cấp, ví dụ như GDP, lạm phát, thất nghiệp... Với doanh nghiệp, họ luôn đối mặt với bài toán nan giải là làm sao với một lượng vốn có hạn của mình, họ có thể tổ chức sản xuất và phân phối một cách hiệu quả nhất về chi phí. Một trong những cách để giúp họ giải quyết bài toán này là áp dụng các mô hình toán (chuyên ngành 451-Toán kinh tế) dựa trên các con số tổng hợp về vốn, đơn đặt hàng, tồn kho, năng lực sản xuất… của doanh nghiệp, các sinh viên từ chuyên ngành 455 (Thống kê kinh doanh) có thể đảm nhận việc tổng hợp các con số này. Các sinh viên học lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp (chuyên ngành 432) thường khá là “ngán” khi đối đầu với môn học liên quan đến toán tài chính, vốn dĩ là công cụ đắc lực để phân tích tài chính doanh nghiệp. Vì vậy, chuyên ngành 453 (Toán tài chính) thực sự là một thử thách nhưng cũng mở ra cơ hội tốt về sau nếu sinh viên nắm vững được các mô hình và công cụ của chuyên ngành này. Ngành 455 (Tin học quản lý) rất thiết thực khi mà công nghệ thông tin trở thành phổ cập trong tất cả các tổ chức và doanh nghiệp. Sinh viên học chuyên ngành này có thể giúp cơ quan tổ chức một hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu từ tất cả các phòng ban.

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Có lẽ do sự thử thách về khả năng phân tích cùng với nền tảng toán mà sinh viên kinh tế ít có khuynh hướng vào nhóm ngành này mặc dù sau một thời gian đi làm việc họ sẽ thấy được sự cần thiết cần phải bổ sung thêm các kiến thức của nhóm ngành này.

5.
Quay lại sơ đồ thu gọn nền kinh tế của một quốc gia ở ban đầu, mỗi thành phần trong nền kinh tế có vai trò riêng nhưng rất cần sự hài hòa trong quá trình vận hành của chúng. Nhóm ngành KINH TẾ chủ yếu tập trung vào nghiên cứu làm cách nào để các thành phần cùng vận hành một cách tốt nhất cho nền kinh tế của quốc gia. 

Chuyên ngành 411 (KINH TẾ HỌC) là chuyên ngành khó nhất và hay nhất trong lĩnh vực kinh tế nói chung vì các lý thuyết của chuyên ngành này là cơ sở để các quốc gia thiết lập các chính sách điều hành nền kinh tế. Chuyên ngành 412 (KINH TẾ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) nghiên cứu cách thiết lập, phân tích các kế hoạch, chính sách và dự án đầu tư và phát triển từ cấp độ doanh nghiệp cho đến tỉnh/thành phố. Chuyên ngành 414 (KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN) nghiên cứu về phát triển nông nghiệp và nông thôn vốn dĩ quan trọng với quốc gia khi khoảng 70% dân số đang sống nhờ vào nông nghiệp, ví dụ như tổ chức quản lý trang trại, kinh doanh nông sản. Chuyên ngành 415 (KINH TẾ THẨM ĐỊNH GIÁ) đào tạo con người cho các hoạt động thẩm định giá trị các loại tài sản của tổ chức và doanh nghiệp. Ví dụ: để vay tiền từ ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đi vay cần có tài sản thế chấp cho ngân hàng. Tài sản thế chấp này phải có giá trị không thấp hơn giá trị vay. Khi đó, cần người có chuyên môn để thẩm định giá trị tài sản thế chấp. Là một chuyên ngành mới thành lập vài năm gần đây, 416 (KINH TẾ BẤT ĐỘNG SẢN) hướng đến việc đào tạo sinh viên có khả năng phân tích, đánh giá về thị trường bất động sản (ví dụ: đất, nhà ở, cao ốc văn phòng…).

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Sinh viên theo học nhóm ngành này cần có một khả năng phân tích và tổng hợp tốt để tiếp thu các lý thuyết khác nhau và vận dụng trong phân tích thực tế. Đặc biệt, nhóm ngành này sẽ hướng sinh viên đến việc hình thành cách nhìn nhận vấn đề một cách bao quát và hệ thống. Sinh viên học chuyên ngành này có thể làm việc cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

(hết)

Nghề nghiệp 2: Nhóm ngành Kinh tế (1)

Tiếp tục kế hoạch hỗ trợ thông tin chọn ngành thi đại học cho các bạn 12 như hôm trước đã nói, hôm nay tôi xin đưa tiếp thông tin về nhóm ngành Kinh tế. Cảm ơn anh QD đã nhín chút thời gian giúp chúng tôi viết bài này.

*******

Mục tiêu của bài viết nhằm giới thiệu đến các bạn học sinh, sinh viên về các chuyên ngành trong lĩnh vực kinh tế. Nội dung giới thiệu này được viết một cách cô đọng và đơn giản nhất nhằm cung cấp cho người chưa có chuyên môn về kinh tế và chưa có kinh nghiệm làm việc một cái nhìn thoáng qua về các chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là các ngành được đào tạo tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM.



Mô hình thu gọn cho nền kinh tế của một quốc gia


Một cách đơn giản, nền kinh tế của một quốc gia được cấu thành từ các 3 thành phần chính: Hộ gia đình, Doanh nghiệp (còn gọi là công ty) và Nhà nước. Các thành phần khác bao gồm: ngân hàng, các công ty tài chính, công ty chứng khoán và đối tác nước ngoài. Vậy các ngành nghề nào trong lĩnh vực kinh tế sẽ liên quan trực tiếp đến từng thành phần nói trên?

Trước tiên, cần tâm niệm một điều rằng sự phân chia ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế thực chất chỉ mang tính tương đối. Nghĩa là không nhất thiết người học ngành kế toán thì chỉ có thể làm được công việc kế toán mà thôi. Hay người học về ngân hàng thì suốt đời chỉ có thể làm việc ở ngân hàng. Thực tế, các sinh viên thuộc các chuyên ngành khác nhau trong kinh tế học các môn giống nhau trong khoảng 3/4 thời gian ở giảng đường đại học. Để có thể thành công trong công việc, sinh viên cũng cần phải rèn luyện các kỹ năng về ngoại ngữ, máy tính và giao tiếp.

Năm 2010, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đại học chính quy 7 nhóm ngành sau (theo thông báo trên website của trường Đại học Kinh tế TP.HCM):

1) NGÀNH KINH TẾ
2) NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
3) NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
4) NGÀNH KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN GỒM
5) NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ
6) NGÀNH KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC - Mã ngành: 461
7) NGÀNH LUẬT HỌC - Mã ngành: 501. Gồm 1 chuyên ngành: LUẬT KINH DOANH.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến năm nhóm ngành đầu tiên.

1.
Nhóm ngành được nhiều người biết đến nhất trong các ngành kinh tế đó là nhóm ngành số 2, NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

421. QUẢN TRỊ KINH DOANH TỔNG HỢP
422. QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG
423. THƯƠNG MẠI
424. KINH DOANH QUỐC TẾ.
425. NGOẠI THƯƠNG
426. DU LỊCH
427. MARKETING

Nhóm ngành này đào tạo những con người làm việc trong thành phần doanh nghiệp trong sơ đồ nền kinh tế ở trên. Với doanh nghiệp, có hai hoạt động chính, đó là SẢN XUẤT và BÁN HÀNG. Ngành 422 (Quản trị chất lượng) đảm nhận trực tiếp việc quản lý chất lượng sản phẩm ở khâu sản xuất. Ngành 423 (Thương mại), 424 (Kinh doanh quốc tế) và 425 (Ngoại thương) đảm nhận việc bán hàng cho khách hàng trong và ngoài nước. Ngành 427 (Marketing) có vai trò hai chiều trong việc phối hợp giữa sản xuất và bán hàng. Hiểu một cách đơn giản, ngành Marketing có nhiệm vụ tìm hiểu sở thích thị hiếu của khách hàng, sau đó phản hồi lại cho bộ phận sản xuất hoặc bộ phận quản lý (ngành 421 Quản trị kinh doanh tổng hợp) để doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức sản xuất và bán hàng thành công. Ngành 426 (Du lịch) đào tạo con người cho một hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của con người, ví dụ: quản lý khách sạn-nhà hàng, tổ chức tour du lịch.

Chú ý: Sẽ thật sai lầm nếu quan niệm rằng “học ngành quản trị thì nhất định phải làm sếp hay sẽ làm sếp”. 

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Chừng nào trong nền kinh tế còn sự tồn tại của các doanh nghiệp thì nhu cầu với nhóm ngành này vẫn còn. Điều này cho thấy sự phổ biến của nhóm ngành này trong công việc. Sự phổ biến của nó mạnh tới mức không ít người nhầm lẫn rằng học kinh tế nghĩa là học quản trị kinh doanh. Có người cho rằng học nhóm ngành quản trị sẽ dễ tìm việc làm hơn vì tính phổ biến của nó. Tuy nhiên, cần thận trọng vì sự phổ biến của ngành này khiến nhiều người đăng ký học, do đó mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi tìm việc làm. Vì vậy, để có được chỗ đứng tốt và mức lương tốt trong nhóm ngành này, cần thể hiện sự vượt trội của bản thân khi cạnh tranh với nhiều người khác.

2.
Nhóm ngành TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG gồm các chuyên ngành:

431. TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC
432. TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
433. KINH DOANH BẢO HIỂM
434. NGÂN HÀNG
435. CHỨNG KHOÁN

Chuyên ngành 431 (Tài chính nhà nước) đào tạo nhân lực có chuyên môn liên quan đến hoạt động quản lý thu chi của ngân sách nhà nước. Người tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc trong các cơ quan quản lý tài chính của nhà nước, ví dụ như: Sở tài chính, Cục thuế. Chuyên ngành 432 (Tài chính doanh nghiệp) đào tạo nhân viên phân tích và đánh giá mức độ rủi ro hay sinh lời từ các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyên ngành 433 (Kinh doanh bảo hiểm) đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ (bảo hiểm tai nạn xe cộ, tàu thuyền…). Một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam có thể liệt kê như: Bảo Việt, Bảo Minh, Viễn Đông, Prudential, AAA. Chuyên ngành 434 (Ngân hàng) có lẽ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong vài năm qua. Có lẽ bản thân tên của chuyên ngành này đã cho biết rõ ràng về nơi mà sinh viên có thể làm việc sau khi tốt nghiệp. Ngân hàng hoạt động trên cơ sở đi vay tiền của người dân thông qua hình thức huy động tiết kiệm, rồi cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân khác vay lại (gọi là tín dụng). Do đó, tín dụng là hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng, và cũng là công việc mà đa phần sinh viên hay hướng đến. Ngoài ra, ngân hàng còn có chức năng thanh toán quốc tế. Đây là chức năng giúp doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có thể thanh toán tiền cho các giao dịch với nhau. Đây là nghiệp vụ không thể tách rời khỏi hoạt động ngoại thương của doanh nghiệp. Chuyên ngành có tuổi đời trẻ nhất trong các chuyên ngành có lẽ là 435 (Chứng khoán). Chuyên ngành này hình thành kể sau khi thị trường chứng khoán ở Việt Nam được thành lập từ khoảng hơn 10 năm trước. Hoạt động tiêu biểu của người tốt nghiệp chuyên ngành chứng khoán là môi giới chứng khoán. Đây là hoạt động cầu nối giữa người bán và người mua các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu do cách doanh nghiệp phát hành, hiểu một cách nôm na là một cách huy động tiền từ công chúng. Ví dụ, một doanh nghiệp có tổng vốn là 100 tỷ đồng, muốn huy động thêm 10 tỷ đồng từ công chúng. Doanh nghiệp này có thể phát hành 1 triệu cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có mệnh giá 10 ngàn đồng. Công chúng có thể mua 1 triệu cổ phiếu này, trở thành người góp vốn cho doanh nghiệp. Sau khi mua các cổ phiếu này, mọi người có thể mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán.

Nhận xét chung về nhu cầu của xã hội với nhóm ngành này:

Khủng hoảng kinh tế thế giới trong vài năm qua đã kéo theo một số khó khăn nhất định cho lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Dễ thấy nhất là lĩnh vực chứng khoán khi mà hoạt động của các công ty chứng khoán đã không còn sôi động như một vài năm trước đây. Hoạt động ngân hàng, tài chính doanh nghiệp vẫn là hoạt động gắn liền với các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Điều này cho thấy rằng cơ hội việc làm cho lĩnh vực này cũng khá nhiều. Tuy nhiên, chính vì thế mà số lượng sinh viên đăng ký theo học lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng rất đông. Vì vậy, để thành công trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương phù hợp, sinh viên cũng phải phấn đấu hết mình để cạnh tranh với các ứng viên khác trong thị trường lao động.

(còn tiếp)

8 thg 6, 2011

Ngậm tăm

Ngày trước làm ở khu "phố Wall Sài Gòn", thỉnh thoảng đi ăn sáng tôi thấy nhiều bạn ăn mặc rất bảnh bao (dân cổ cồn mà) nhưng ăn xong lại ngậm tăm trong miệng và vô tư nói chuyện, tệ hơn còn có người vừa đi về văn phòng vừa lủng lẳng cây tăm tre trên miệng nữa. "Ghét của nào trời trao của đó" thiệt, văn phòng của tôi lại có một bạn cứ ăn xong là xỉa răng cộc cộc (tăm nhựa), chép chép miệng và ngậm một bên mép! Nhìn thấy ngán và...ứa gan :) !

Gần đây, sau vụ sóng thần và động đất thì mọi người ở nhà mình coi bộ ca tụng người Nhật tận mây xanh. Với tôi, tôi nể nhất là tinh thần "chuyên nghiệp" của người Nhật, Mĩ, và Đức nhưng nói như kiểu truyền thông của mình đưa thì...thấy chán quá! Thấy ưu điểm của người ta thì tán đến tận mây xanh nhưng cũng chỉ nói cho...có nói mà thôi. Làm việc, cư xử hằng ngày thì...! Thậm chí, ai mà "chuyên nghiệp" thì cũng bị "ném ám khí" tơi tả, và được cho là khó tính. Tôi đã định viết một bài về vấn đề này rồi nhưng nghĩ lại khi lập ra trang này tụi tôi đã xác định là hạn chế đến mức tối đa việc bàn luận những vấn đề chính trị, xã hội nên thôi. Bữa nay tôi đọc bài này thấy người ta có nói đến một chi tiết liên quan đến người Nhật, cây tăm và đôi điều ý nhị khác nên tôi (trích) đem về đây, bạn nào rảnh đọc chơi.

******

Nguồn: http://kimsilverspoon.blogspot.com/2011/06/tam-tre.html

...Ta nói người Nhật họ điềm đạm, mực thước, ứng xử với nhau có văn hóa... đáng để học hỏi (nói vậy cũng có những vấn đề tiêu cực không đáng học tí nào. Chuyện này để sau này kể). Bây giờ chỉ nghĩ đến chuyện cây tăm. Người Nhật không thích ta cắt trái cây rồi cắm cây tăm lên những miếng trái cây đã cắt sẵn (trường hợp không có xiên thấy nhiều người hay dùng tăm để ghim vô những miếng trái cây). 

Lâu nay làm việc chung với Nhật, tình yêu cũ cũng đến từ Nhật Bổn, hiện giờ đồng nghiệp người Nhật có gần chục người trong công ty, nhờ vậy thỉnh thoảng được các bạn chia sẻ một số đặc điểm văn hóa dân tộc để bổ sung kiến thức. Các bạn này tiết lộ lý do họ không thích được mời dùng thức ăn có tăm ghim chung vì hình ảnh này tượng trưng cho sự chửi/chê/coi thường của người Nhật. Đi ăn nhà hàng, trả tiền mắc, thức ăn dở, ăn không được, phục vụ kém, khi ra về người Nhật có thể lấy cây tăm ghim thẳng xuống chén bên trong còn thức ăn dư thừa, hoặc ghim đầy tăm vô đĩa thức ăn còn bỏ dở. Chủ nhà hàng người Nhật khi nhìn hình ảnh đó sẽ biết thông điệp của khách chuyển đến là gì, nhưng chủ nhà hàng người Việt có thể cho rằng bọn đó hết chuyện làm, lấy tăm cắm đầy lên thức ăn trên bàn. 

Người Nhật rất không thích ai ba hoa chích chòe, một năm ăn chưa tới chục bữa sushi, thậm chí chưa biết hết tất cả những loại sushi tầm thường thôi, chưa sống chung với người Nhật một ngày, chưa học tiếng Nhật để nói cho được một câu, ấy vậy mà đòi hiểu cả dân tộc Nhật Bản, Nhật Bản là thế này, Nhật Bản là thế nọ, không hiểu được tại sao người Nhật Bản lại hay đến thế...??? Làm sao mà hiểu được, nguyên một bề dày văn hóa của người Nhật còn đánh đố ngay cả dân Nhật thì ai không phải là người Nhật đừng nên lăm le ôm tí ti kiến thức lượm lặt được để đòi hiểu người ta. Khiêm tốn tiếp thu kiến thức, biết thêm được 1 chút gì đó từ nước bạn là tốt lắm rồi. Ngồi rượu, trà, sushi... với Nhật kỹ tính, đâu ra đó, ai không biết cứ ôm cái kiểu bla bla bla tỏ ra "biết" Nhật Bản thì chẳng ai phản đối gì đâu. Họ sẽ không chửi, không phê bình, thường thì im im cười nhẹ. Nhưng sau khi ăn, họ sẽ cầm tăm ghim xuống bất kỳ miếng thức ăn nào còn sót lại trên bàn. Ghim như vậy thay vì nói thẳng: "đã ngu lại còn lố bịch!".

1 thg 6, 2011

Mẹ Tơm










(Tố Hữu)

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát...

Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?

Hòn Nẹt ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục con thu?
Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?

Tôi lại về đây, hỡi các anh
Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh
Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng
Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành!

Như đứa con đi, biệt xóm làng
Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương
Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm
Bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường...

Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm

Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?

Ngơ ngác trông quanh, lạ mấy lần
Hỏi thăm cô gái má bồ quân
Mái đầu tóc xõa xanh bên giếng
- Vâng đúng nhà em, bác nghỉ chân

- Ô kìa, cô bé nói hay sao!
Nhà của tôi, ai lại hỏi chào
Như thể khách đường xa gác lại
Bố đi đâu, hĩm, mẹ đâu nào?
Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
- Hai mươi
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!
- Ông mất năm nao, ngày độc lập
Buồm cao đỏ sóng bóng cờ sao
Bà "về" năm đói, làng treo lưới
Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào...

Bâng khuâng chuyện cũ: Một chiều thu
Mười chín năm xưa, mấy bạn tù
Vượt ngục, băng rừng, tìm mối Đảng
Duyên may, dây nối, đất Hanh Cù.

Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm;
Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm
Hai đứa trai ngày đi cúp dạo
Nồi khoai sớm tối lót thay cơm.

Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật
Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?
Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn...

Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh
Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh
Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh...

Sóng hãy gầm lên, gió thét lên!
Triều dâng. Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền!
Vui chăng, hỡi Mẹ, đời vui đó:
Cờ đỏ ta lay động mọi miền!

Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn
Lính về, lính trói cả hai con
Máu con đỏ cát đường thôn lạnh
Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!

Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi.
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!

Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...

(7-1961)