Rồi thì nắng cũng hửng lên sau đợt rét dài. Mẹ tôi đã dậy từ 6 giờ sáng mở các cửa nhà cho không khí mới ùa vào rồi nấu ăn sáng và chuẩn bị cặp xách cho đứa cháu trai 4 tuổi đến trường. Bảy giờ sáng, cháu tôi dậy, hét lên từ trong chăn:
- Baaaaaaaaaaaà! Bà đâu rồiiiiiiii? Bàaaaaaaaaa…
Không có tiếng trả lời. Mẹ tôi có lẽ đang ở đầu ngõ mua thêm mớ hành, hoặc đang dở tay ngoài hiên trước. Anh trai và chị dâu tôi đi làm từ trước bảy giờ còn em trai tôi đang ngủ nướng sau khi thức đến 2 giờ sáng để chat trên mạng.
- Baaaaaaaaaaaà! Bà đâu rồiiiiiiiiiii? Bàaaaaaaaaa…
Tiếng “bà” cuối cùng đã có hơi hướng nước mắt. Rồi có tiếng chân đập xuống giường và tiếng hấm hích. Tôi tung chăn ngồi dậy. Nhưng đã có tiếng kẹt cửa ở tầng dưới và tiếng bố tôi:
- Đây đây, ông đây…
Tiếng đập chân to hơn trong khi những tiếng hấm hích biến thành tiếng khóc.
- Bà cơ… Bà đâu rồi? Bà ơi huhu…
- Bố mày! Bà đang ở dưới nhà. Ra đây ông xem nào. Đi tè nhá. Dậy đi tè rồi còn đi học.
- Bà cơ… Bà ơiiiiiiiiiiii…
Lần này tiếng “bà ơi” biến thành một tiếng gào. Và sau đó là náo loạn. Mẹ tôi chạy tất tả trên cầu thang; bố tôi vừa dỗ cháu vừa cười; em trai tôi gào lên từ cạnh phòng tôi: “Thằng Tu Ti im ngay không chú xuống cho mày một trận bây giờ”.
- Bà đâu rồi huhu – tiếng gào to hơn.
Mẹ tôi vừa vào phòng.
- Đây đây bà đây. Ui giời chết chết… bà vừa phải sang nhà ông Hùng xem thằng Bim không chịu dậy đi học nên ông Hùng phải gọi mấy chú công an vào khóa tay nó lôi đi. Gớm, ầm ỹ cả xóm kia kìa con kìa…
Tiếng khóc lập tức im bặt.
- Dậy đi tè nào. Con giỏi chứ lị… ai lại giống thằng Bim nhà ông Hùng. Con tự đi tè rồi xuống ăn sáng. Xong rồi ông chở hai bà con mình đi mẫu giáo… à, mẫu giáo gì nhỉ? Mẫu giáo Chim Non à?
- Mẫu giáo Hoa Sen chứ – giọng cháu tôi ráo hoảnh.
- Ừ đúng rồi, mẫu giáo Hoa Sen, bà quên mất… Ông lấy cho cháu cái áo mới đi. Đêm qua lại đổ mồ hôi ướt hết áo rồi. Chết thôi, bố mẹ thì cứ ngủ tì tì, con ướt hết cả áo cũng không thay. Có ngày nó cảm ngược cho…
- Thế thằng Bim làm sao rồi bà? Công an bắt đi xong rồi làm sao?
- À, ui giời… hai chú công an to cầm khóa tay đi vào. Một chú bảo “đâu rồi, nghe nói ở đây có thằng bé nào không chịu dậy đi học hả?”. Thế là ông Hùng phải quỳ xuống ôm lấy một chân chú công an “thôi, các anh tha cho cháu lần này, cháu nó biết lỗi rồi, bây giờ cháu sẽ đi học”. Con giơ tay lên để bà cởi áo nào…
- Xong rồi sao? Ông Hùng ôm chân xong rồi sao bà?
- Ừ, giơ tay lên con, giơ tay lên đã, cả hai tay… Xong rồi cả bà Hùng cũng xúm vào ôm lấy chân chú công an. Thế là các chú công an mới bảo “đâu rồi, thế thằng Bim đâu rồi, sao không ra đây xem mặt mũi đã rửa sạch chưa để còn đi học”. Nào, con đi dép vào rồi bà rửa mặt cho…
- Xong rồi sao nữa bà? Bà kể tiếp đi… Xong rồi chú công an bảo thế nào?
- Xong rồi chú công an bảo…
***
Tôi đã dậy từ 2 giờ sáng, rồi nằm đến 4 rưỡi sáng thì mở máy tính đọc Beyond Good And Evil của Nietzsche. Ở Boston lúc này đang là 4 rưỡi chiều – tôi sẽ đang thu dọn sách vở chuẩn bị về nhà. Ngay lúc này, dù biết bên ngoài bình minh đang lên, trong tôi vẫn là cảm giác một ngày sắp hết, tôi sẽ bắt xe buýt về nhà. Những giờ khắc cuối ngày vào mùa đông ở Boston luôn mang lại cảm giác lặng lẽ chờ đợi: ngày qua đi trong lúc bóng tối lấn dần những bậc thềm tôi ngồi chờ xe buýt bên ngoài tòa nhà khoa Triết và qua đi nhanh hơn trên những khuôn mặt sinh viên còn trẻ nhưng không ngăn được sự trầm cảm của mùa đông ở vùng đông bắc nước Mỹ.
Tôi về Hà Nội đã 2 tuần mà vẫn không quen được với việc lệch múi giờ. Không quen với nhiều thứ. Trong bữa tối hôm qua, anh trai tôi nói:
- Mày cứ mơ mộng hão huyền thế rồi thì khổ thôi em ạ. Học gì mà học lắm thế? Về nhà mà kiếm việc, kiếm tiền đi.
- Về làm gì vội – em tôi nói – Chị cứ ở đấy thêm hai năm nữa đi, sang năm viết thư mời em sang Mỹ chơi phát. Em tự lo vé.
- Về đi con ạ – mẹ tôi nói – về đi rồi còn lấy chồng đẻ con. Bên đấy một mình đau ốm làm gì có ai hả con? Thôi, có ra đến nước ngoài thế là biết đủ rồi, về đi con ạ, có bằng tiến sỹ cũng được mà không cũng được, mẹ cũng chẳng cần nữa.
Tôi nói… à, nhưng những lời tôi nói đều bị anh trai tôi cắt ngang:
- Mày vẫn thế nhỉ, ích kỷ, chả biết nghe ai bao giờ. Đã học tài chính thì không học cho xong đi, đùng đùng đổi sang học triết. Mày học triết rồi về nhà làm cái gì? Con gái học triết làm gì? Sao mày không sống bình thường như những đứa con gái khác cho bố mẹ nhờ?
- Anh nghĩ thế nào là sống bình thường? – tôi nói.
- Tao không lí luận những câu hỏi dở hơi như thế. Mày giờ giống hệt bọn trí thức chỉ biết lý thuyết suông. Xã hội này chả ai trọng cái bọn đấy đâu. Xem chị dâu mày đấy. Học thạc sỹ Hán Nôm bao năm trời, rồi phải bỏ; giờ đi dạy tiếng Anh.
Chị dâu tôi không nói gì, quay sang mẹ tôi:
- Bà để Tu Ti tự xúc cho quen, không đi nhà trẻ lại không biết tự xúc, hôm nào về cũng đói.
- Để nó tự xúc thì nó có ăn được miếng nào đâu. Con cứ ăn đi; mẹ cho nó ăn xong rồi mẹ ăn.
Bên dưới nhà, những tiếng ồn ào lắng dần. Cháu tôi vừa ăn sáng xong… vừa súc miệng… súc hai lần… vừa đi giày… vừa quàng khăn che mặt… vừa đội mũ bảo hiểm… Bố tôi mở cửa sắt lớn… dắt xe máy ra… mẹ tôi bế cháu… kéo cửa sắt lại… khóa. Dưới nhà không còn tiếng động nữa.
Tối hôm qua, tôi đã im lặng cho đến hết bữa ăn. Im lặng nghe tất cả mọi người – trừ bố – nói rằng họ lo lắng cho tôi. Bố không nói gì vì tai bố không còn nghe rõ từ lâu nay; trong nhà, bố chỉ còn nghe được tiếng của Tu Ti. Tối hôm qua, bố ngồi ăn cơm bình thường trong lúc anh tôi, em trai tôi, mẹ tôi, chị dâu tôi lần lượt thay nhau khuyên nhủ tôi. Cho đến lúc Tu Ti hét lên:
- Không nói nữaaaaaa… điếc tai quáaaaa…
Tôi bỏ đũa, đứng lên khỏi bàn ăn. Anh tôi cũng bỏ đũa xuống bàn.
- Mày khinh mọi người vừa thôi.
Tôi quay phắt lại nhìn anh tôi. Tôi muốn nói “Anh im đi”; nhưng tôi nhìn anh tôi xong thì không biết phải nói gì. Thực sự không biết phải nói gì. Tôi bước chậm lên từng bậc cầu thang; anh tôi và em tôi vẫn đang tiếp tục nói với theo nhưng những âm thanh của họ ở xa tít tắp; tôi không hề giận, không buồn, không trách ai. Tôi chỉ lên từng bậc cầu thang. Một bậc… hai bậc…
Nhưng hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy. Mắt tôi có nước. Tôi không hề mơ, tôi cũng không hề khóc lúc đi ngủ – chắc chắn là thế; nhưng khi tôi tỉnh dậy, mắt tôi có nước. Sau đó, tôi nằm chập chờn từ 2 giờ đến 4 giờ sáng. Trong đầu tôi chỉ có một hình ảnh duy nhất: cái bàn gỗ sồi lớn nằm gần cửa kính trong thư viện trường ở Boston. Cái bàn ở góc trong cùng, ngay bên dưới bức tượng bằng đồng tạc những hình người trần trụi vươn tay lên cao.
Tôi nằm từ 2 giờ đến 4 giờ sáng, vừa hình dung từng vân gỗ trên cái bàn đó vừa nghe con mèo hàng xóm động đực thảm thiết trên mái nhà. Từ xa vọng lại tiếng kèn đám ma một người già nào đó vừa chết vì đợt rét kéo dài nhất trong mấy chục năm qua. Hà Nội những ngày này quá nhiều người chết.
Bên phòng em trai tôi vừa có tiếng kẹt cửa… cửa nhà tắm vừa mở ra và đóng lại… rồi cửa nhà tắm lại vừa mở ra… Em tôi đang thò đầu vào phòng tôi. Nó mặc áo da đen có những dây xích to màu vàng, tóc nhuộm những vệt tím nhỏ, để dài quá tai, quần bò bó sát đôi chân khẳng khiu.
- Hôm nay chị có đi đâu không, em để xe ở nhà cho.
Tôi có đi đâu không? Tôi đã hẹn đi gặp một số bạn bè. Nhưng không, hôm nay tôi sẽ không đi gặp ai cả. Nếu hôm nay mà tôi gặp một ai đó, rất có thể tôi sẽ phát điên lên. Tôi sẽ nói những lời độc ác và bạc bẽo. Tôi sẽ nói những lời không ai hiểu và rồi tôi sẽ ân hận.
- Không, chị không đi đâu cả.
- Chị còn cái gì hay không, em cho bạn gái em. Sắp sinh nhật nó.
- Thích cái gì thì cứ lấy.
Em tôi mở vali của tôi, lục sục một lúc rồi ra khỏi phòng.
***
Bây giờ, tôi đang cố ngủ. Tôi đang cố ngủ bằng cách tập trung vào tiếng kèn đám ma và tiếng loa truyền thanh phường từ đầu ngõ vọng vào. Hai dải âm thanh đang dãn dài thành những vệt cảm giác đan xoắn vào nhau như những bậc thang xoáy trôn ốc. Tôi đang lên cao dần cao dần…
Vừa có một tiếng nổ lớn dưới nhà. Đúng là một tiếng nổ. “Bùm”. Tiếng nổ chập điện.
- Mẹ ơi?
Không có tiếng trả lời. Tôi chồm dậy, lao ra cầu thang. Tôi gọi với từ tầng ba xuống:
- Mẹ ơiiiiiiii…
Vẫn không có tiếng trả lời. Lồng ngực tôi co rút; choáng váng túm lấy toàn thân tôi. Tôi nhảy ba bậc cầu thang một xuống dưới nhà. Phòng khách tối om. Tôi lao vào bếp.
- Mẹ ơi. Mẹ đâu rồi?
Mẹ tôi đang đứng cạnh bếp điện, một tay mở vung nồi, một tay đưa thìa lên miệng nếm gì đó. Từ trong nồi, hơi nước bốc lên nghi ngút giữa những tiếng lục bục lớn.
- Ôi giời ơi… – tôi túm tay vào ngực áo, dựa vào tường nhà. Lồng ngực tôi vẫn đang co thắt, đau nhói.
Mẹ tôi quay ra nhưng không nhìn rõ tôi trong bóng tối:
- Hương hả? Mẹ đang định lên gọi con xuống ăn sáng.
- Ôi giời ơiiii…
- Mẹ rán bánh chưng rồi. Con muốn ăn gì nữa để mẹ đi mua? Chán quá, đang ninh nồi măng thì mất điện.
Tôi lảo đảo ra bàn ăn, rót đầy một cốc nước lớn, uống sạch. Bố tôi từ trên nhà đi xuống, tay cầm một cái chậu nhựa. Chắc bố vừa mang quần áo trong máy giặt lên phơi trên sân thượng.
- Sao lại tối om thế này? Mất điện rồi à?
Mẹ tôi đi lại gần, ghé vào tai bố tôi nói lớn:
- Cháy cầu chì rồi, anh xem lại xem thế nào.
- Hả?
- Cháy cầu chì rồi… anh xem lại xem. Vừa nổ bụp một cái.
- Hả, cứ để đấy, khi nào đói thì ăn.
Mẹ tôi đi lại bàn ăn, lấy tập giấy trắng vẫn để sẵn ở đó. Mẹ tôi viết lên giấy rồi mang lại cho bố. Bố tôi cầm, mang ra ngoài hiên đọc, rồi quay vào:
- Cháy cầu chì á? Cháy ở đâu? Làm sao cháy?
Mẹ tôi chỉ vào cái hộp điện ở gần bếp; rồi lại chỉ vào cái bếp điện bằng lò xo đang nằm trên nền nhà cạnh một viên than tổ ong chưa đốt.
- Biết ngay mà – bố ngao ngán – đã bảo bao nhiêu lần là không dùng cái đồ này mà vẫn cứ dùng. Chắc là lại để hai dây xoắn vào nhau… quá tải thì nổ cầu chì chứ gì.
Bố tôi đi lại tủ dụng cụ gần bếp, lấy đèn pin và hộp dụng cụ. Tôi đi lại gần, cầm lấy cái đèn pin từ tay bố. Tôi soi. Bố mở hộp điện nhìn vào trong:
- Cầu chì ở đây có nhảy đâu. Vẫn nguyên. Cầu chì này nhà mình xoắn đến 10 dây đồng, dòng lớn quá nó không đứt được ở đây thì nó nhảy cái áp-tô-mát ngoài cột điện rồi.
Giọng bố căng căng. Bố sập hộp điện lại.
- Đã bảo bao nhiêu lần là không dùng cái bếp điện đấy mà vẫn cứ dùng. Con Hương mang cái bếp ra đây.
Tôi mang cái bếp điện lại.
- Bà đâu rồi, đây… bà ra đây, phải nói lại thật kỹ cho bà không lần sau bà cứ tưởng đùa rồi giật điện lăn ra đấy…
Mẹ tôi nhìn tôi rồi tủm tỉm đi lại gần bố. Bố tôi lật ngửa cái bếp điện lên và chỉ vào hai sợi dây nhỏ phía dưới:
- Chắc là lại quấn quấn quấn quấn thế nào hai sợi này mới chập mẹ nó vào nhau chứ gì? Chập hai sợi này, coi như điện trở bằng không, dòng lên vô cùng nhưng cái dây may-so này nó không đứt được thì nó phải đứt ở cái cầu chì kia kìa. Nhưng cầu chì nhà mình quấn đến 10 dây, chắc quá nên nó phải nhảy cái áp-tô mát bên ngoài cột điện. Tôi nói cho bà biết, có ngày rồi nó cháy rụi đường dây đi ngầm trong tường này này rồi nó cháy cả nhà. Cháy nhà vì chập điện toàn là như thế đấy, bà nghe rõ chưa?
- Rồi rồi – mẹ tôi cười cười – biết rồi.
Bố ném cái bếp điện vào sọt rác.
- Vứt đi. Nhảy áp-tô-mát thì chịu rồi, ai mà trèo cột được. Đi mà gọi bọn thợ điện vào sửa.
Bố cầm hộp dụng cụ quẳng bừa vào trong tủ đựng đồ rồi ra ngoài hiên trước. Tôi nghe tiếng cái chậu nhựa bị lăng xuống nền xi măng trượt lạo xạo. Mẹ tôi vẫn cười cười:
- Đấy, bố bây giờ khó tính lắm. Từ hồi hỏng tai, hơi có việc gì là cáu lên ngay. Không dễ tính như hồi xưa đâu.
- Nhưng mà bố nói đúng đấy chứ – tôi nói – Mẹ cứ tiếc tiền, dùng mấy cái thứ bếp điện kiểu này rồi có ngày chết.
- Ừ ừ… mẹ biết rồi… mẹ cẩn thận chứ có phải không biết đâu. Mẹ dùng bao nhiêu lâu, còn lạ gì?
Còn lạ gì? Biết rồi, còn lạ gì? Tại sao ai cũng nói câu này với tôi? Tại sao ai cũng đủng đỉnh, ai cũng bảo họ biết mọi thứ, họ đang sống bình thường hơn tôi. Vậy mà cứ động vào đâu cũng thấy rơi, thấy vỡ, thấy nổ, thấy sập, thấy chen lấn xô đẩy, thấy thấp thỏm cuống cuồng. thấy khó hiểu mất lòng. Và chết. Ahhhhhhhhhhhhhhh… Tôi sắp phát điên lên rồi. Tôi đang phát điên…
- Mẹ lúc nào cũng thế… mẹ tiết kiệm thế này đáng bao nhiêu, rồi nhỡ có việc gì… Khiếp quá cơ, ở nhà động vào cái gì cũng ghê hết cả người. Thế này mà cứ bảo con về. Về sống thế này chả mấy rồi vỡ tim mà chết.
- Được rồi, được rồi, mẹ vứt hết đi cho con yên tâm, được chưa?
- Thôi, để mẹ đi gọi thợ điện.
Vòi nước ở ngoài hiên tiếp tục chảy xối xả. Mẹ tôi liếc ra ngoài hiên rồi đi ra phòng ngoài, lục tủ lấy hóa đơn điện hàng tháng. Tôi gắp bánh chưng từ trong chảo ra bát rồi ngồi xuống bàn ăn. Tôi đang ăn bánh chưng.
- Alô, sở điện lực Ba Đình phải không? Anh ơi, nhà tôi bị mất điện, anh làm ơn cho ai đến xem hộ tôi được không… Anh làm ơn giúp giùm cho…
Giọng của mẹ! Giọng của mẹ! Những hạt đỗ trong miệng tôi dính bết vào răng và cuống họng. Chúng đang dính bết vào răng và mẹ đang nói trên điện thoại:
- Có, nhà tôi xem rồi, cầu chì trong nhà không sao… chắc là cháy ngoài cột điện rồi. Anh… anh làm ơn cho ai vào xem hộ tôi cái… xin anh giúp tôi… tôi phải nấu cơm cho các cháu ăn trưa… anh làm ơn…
Tôi vừa đứng lên.
- Mẹ ơi…
Mẹ quay ra nhìn tôi.
- Bánh nguội rồi hả con? Để mẹ mang sang cô Thanh hâm lại cho.
Tôi không biết phải nói gì. Thực sự không biết tôi có thể nói gì với mẹ. Mẹ lại đang nói trên điện thoại:
- Không… anh nhà tôi già rồi, không trèo lên cột điện được, các cháu nhà tôi đều còn bé. Anh nhá, anh giúp giùm tôi đi… Vâng… vâng, cảm ơn anh… Anh cho người vào ngay được không? Vào ngay anh nhá… Vâng, tôi biết là không phải lỗi tại sở điện… Anh nhá, anh vào giúp tôi ngay nhá…
Tôi đang mở cửa chính và cửa sổ cho phòng khách sáng lên. Tay tôi đang kéo chốt… kéo… kéo nữa… kéo mạnh… rồi đẩy tung ra… Ánh sáng ùa vào từng lớp, từng lớp… tràn qua người tôi. Bố vừa từ ngoài hiên đi vào, nhìn mẹ đang bỏ điện thoại xuống:
- Gọi bọn thợ điện hả? Gớm, còn khướt chúng nó mới đến. Mới Tết ra…
- Đến ngay, đến ngay mà – mẹ cười, khoát tay – Họ bảo cho người đến ngay.
Bố không nói gì, đi thẳng lên gác. Mẹ bảo tôi:
- Con ở nhà trông xem họ có gọi điện thoại không. Mẹ ra đầu phố nhờ chú xe ôm trèo lên cột điện. Phải có điện để còn ninh nồi măng. Hết hôm nay nữa là hết bánh chưng.
Hết Tết rồi. Hết thật rồi. Lại một năm nữa. Tôi đi đã sáu năm. Sáu năm là bao nhiêu thời gian? Tôi chỉ nhớ cái mốc bắt đầu của nó. Sáu năm trước, tôi rời Hà Nội. Khi tôi đi, mọi thứ ở đây đều rõ ràng và chắc chắn. Anh trai tôi mới cưới vợ, lúc nào cũng cười. Em trai tôi mới vào đại học, vẫn còn là một thằng nhóc 17 tuổi đáng yêu vừa rời chuyên toán cùng một lũ bạn lúc nào cũng xộc xệch quần áo vì đá bóng; bệnh xoang của bố tôi còn chưa ảnh hưởng đến tai nghe, mẹ tôi còn đi làm, ngày nào cũng trang điểm rất kỹ. Tu Ti khi đó chưa có mặt trên đời, chưa có mặt trên đời. Lúc tiễn tôi ra sân bay, ai cũng mừng cho tôi, ai cũng tự hào vì tôi. Còn tối hôm qua, ai cũng nói rằng họ lo lắng vì tôi.
***
Mẹ vừa bước vào nhà với một người thanh niên trạc tuổi tôi. Anh ta đen đúa, nhỏ bé, quần áo lấm lem cát. Có lẽ là một người thồ xe cát cho căn nhà đang xây bên cạnh.
-Cháu cứ xem lại cầu chì cho cô. Chú bảo là không cháy nhưng cháu cứ xem lại cho cô cho chắc chắn. Cô nghe rõ nổ ở đây mà.
Người thanh niên mở hộp điện trong bếp, nhìn vào. Bố từ trên nhà đi xuống, tay cầm cái bay xây:
- Nhìn cái gì đấy? – bố nói – Đã bảo không cháy là không cháy mà. Nó nhảy cái áp-tô-mát ngoài cột điện kia kìa. Nhìn nhìn cái gì? Đi ra đi.
Người thanh niên nhìn mẹ tôi. Mẹ tôi khẽ gật đầu. Anh ta đi ra; mẹ cũng đi theo anh ta ra ngoài.
Bố lại gần hộp điện, sập lại rồi ra hiên trước. Tôi lại đang nghe tiếng nước xối xả và một âm thanh khác nữa… Phập… phập…Tiếng cái bay xây xới phầm phập vào gốc cây đậu ván.
Bố có một mơ ước. Mơ ước này tôi nghe thường xuyên trong những bữa cơm tối lúc tôi còn nhỏ, khi bố còn làm ở công ty điện lực Hà Nội. Mà không, tôi đã nghe nó từ trước đó, suốt những năm tôi còn nằm cũi và bố mới ở chiến trường miền Nam về. Sau gần một năm nằm dưỡng thương ở chiến trường Nam Lào toàn rừng khộp và nắng, bố hành quân ghép với các đơn vị khác vào đến Đà Lạt; lần đầu tiên bố nhìn thấy những đồi thông xanh và những thung lũng đầy hoa. Bố bảo khi nào để dành được nhiều tiền, bố sẽ vào Đà Lạt mua một miếng đất, xây một cái nhà nhỏ và làm trang trại trồng rau xanh. Khí hậu Đà Lạt tốt, bệnh xoang và khớp bắt nguồn từ những năm nằm rừng của bố có thể không cần chữa cũng sẽ tự khỏi.
Hơn 20 năm qua, lúc nào bố cũng chỉ có một mơ ước như thế. Bây giờ, cái ước mơ ấy dồn cả vào gốc đậu ván bố trồng ở hiên sau. Cây đậu ván leo từ tầng một lên sân thượng; hoa đậu ván nở suốt mùa đông, tím ngắt cả ba tầng nhà. Hôm tôi mới về, bố cầm rổ cho tôi và Tu Ti nhặt những quả đậu ván già trên sân thượng để luộc. Bố lại nói bố muốn có một trang trại trong miền Nam – không cần Đà Lạt vì đất Đà Lạt bây giờ đắt quá, chỉ cần chỗ nào đó ở đồng bằng sông Cửu Long, rẻ thôi, miễn là ấm áp. Chỉ cần vào đó trồng trọt thì tự khắc bệnh xoang, rồi bệnh khớp, rồi bệnh tiền đình sẽ khỏi hẳn. Có thể bố sẽ lại nghe lại được.
- Bố ạ, con tốt nghiệp đi làm bên đó, con sẽ để giành tiền cho bố mua đất trong Nam.
- Cô Hương cho con vào với ông nữa nhá. Con thích ở với ông cơ.
- Ừ, cô cho con vào ở với ông. Con giúp ông nhặt đậu ván nhé.
- Giờ chỉ có trồng trọt thì sẽ khỏe ra thôi con ạ. Chứ cứ sống thế này, đi ra đi vào toàn là tường nhà, không khí thì ô nhiễm, thức ăn thì hóa chất, làm gì chả bệnh. Tập thể dục cũng chả ăn thua. Bố cũng cố rồi đấy chứ, nhưng mà không ăn thua.
- Cô Hương ơi, ông bảo là cây đậu ván này là em. Nó mới một tuổi thôi, con bốn tuổi rồi.
- Thế thì con phải tốt với em nhé.
- Cái cây đậu ván này này… bố trồng từ mùa xuân năm ngoái. Gớm, lúc đầu bé bằng cái tăm, quặt quẹo, tưởng là chết rồi, thế mà giờ bằng này rồi đấy. Hồi đầu mùa đông, nó ra hoa kín cả sân này… tím ngắt… đẹp lắm… Trồng cái cây tự tay mình thích lắm con ạ. Cái gì tự tay mình làm, mình chăm nó, mình thấy nó lớn lên dần dần cũng thích. Thế nó mới phấn khởi; tinh thần nó thoải mái con ạ.
Tôi biết chứ. Giống như chương trình học của tôi bây giờ. Triết học. Kiến thức không có hình thù, không đem ra đếm được nhưng mà tôi đang lớn lên, lớn lên ở bên trong; điều ấy tôi biết rõ, tôi cảm nhận rõ. Hôm nay chưa thấy thành quả của nó nhưng còn ngày mai, ngày kia…
- Con sẽ mua đất cho bố làm trang trại trong Nam.
- Bỏ ra lúc đầu khoảng 300 triệu là được. Bố sẽ làm trang trại rồi trả lại tiền cho con.
Ba trăm triệu. Gần 20 ngàn đô. Em trai tôi và anh trai tôi đều đang chơi chứng khoán, có thừa gấp 5 lần, 10 lần như thế.
- Gớm – anh trai tôi nói - bố thì vẫn cứ mơ mộng bao nhiêu năm nay chứ làm làm sao được? Sống ở đây mấy chục năm có quan hệ với ai đâu, vào đấy rồi ai chăm, ốm đau thì sao? Ở đây suốt ngày có mẹ cơm nước mà còn ốm lên ốm xuống.
***
Điện thoại đang đổ chuông.
- Này, thế nhà ở đâu thế nhỉ? Nhà gì mà khó tìm thế em?
Tôi nói cho người thợ điện địa chỉ nhà. Tôi bảo anh ta cứ đến đầu ngõ lớn bên ngoài, mẹ tôi đang đứng đó chờ.
Bố từ ngoài hiên đi vào, tay cầm cái kéo lớn bố vẫn dùng tỉa những nhánh đậu ván. Bố đến gần cây đào lớn anh trai tôi được nhân viên biếu hôm trước Tết. Cây đào phai nhiều nụ rất đẹp nhưng đã không nở được đúng mấy ngày Tết vì trời xuống đến 7-8 độ. Anh tôi tưới nước nóng, hơ gốc suốt ngày mùng Một cũng không ăn thua. Đến hôm nay, trời ấm lên, những cánh hoa đột nhiên bung ra rực rỡ, rụng đầy quanh gốc.
- Hết Tết rồi – bố nói – chặt vứt đi cho đỡ rác nhà.
Bố lấy kéo cẩn thận cắt từng cành nhỏ ở phía bên ngoài trước, vừa cắt vừa nói:
- Thôi, hóa kiếp cho mày, kiếp sau có làm cây thì lên rừng mà sống.
Những cánh đào phai rụng lả tả xuống nền đá hoa màu trắng. Tôi đi lại gần, gỡ những quả cầu nhung đỏ và những tấm thiệp Phúc – Lộc – Thọ khỏi những cành cây.
Điện thoại lại vừa đổ chuông. Anh trai tôi đang nói:
- Hỏi bố xem bố có biết ai làm to to bên điện Phả Lại không thì cho tao địa chỉ.
- Bố đang bận rồi.
- Bố thì có việc gì mà bận? Viết ra giấy hỏi bố xem. Tao đang có vụ cổ phiếu của bọn này.
Tôi đang viết lên giấy: “Bố có biết ai ở điện Phả Lại không? Cổ phiếu cho anh Đức”. Bố đọc rồi xua tay:
- Không biết, không biết. Nó suốt ngày tiền với nong. Trẻ không tha, già không thương.
Tôi nói với anh trai tôi:
- Bố bảo không biết.
- Bố ngại nhờ người ta chứ gì? Mày bảo bố là tao làm được vụ này sẽ cho bố tiền mua đất trong Nam. Nhanh lên, tao còn phải trả lời khách là có mối hay không.
Những nhánh cây nhỏ đã cắt xong; chỉ còn lại thân chính. Bố đang đứng choãi hai chân, giữ lưng thẳng, rồi từ từ cúi người xuống, định nhấc chậu cây lên. Tôi chạm vào vai bố, ra hiệu cho bố đứng lùi lại. Tôi kéo chậu cây to lết trên nền nhà về phía cửa ra hiên trước.
- Ừ ừ đúng rồi, kéo thế cho đỡ nặng – bố nói và đi theo tôi ra cửa.
Tôi ra hiệu cho bố chờ tôi rồi quay lại điện thoại:
- Em hỏi rồi. Bố bảo bố không biết ai cả.
- Chả được tích sự gì. Thôi, để tối về tao nói chuyện.
Cái chậu cây chắn gần hết cửa ra hiên trước. Bố bước ra ngoài, lấy cái chậu nhựa đã cũ lại gần. Bố lấy cái bay xây dưới gốc cây đậu ván cẩn thận xúc từng bay đất từ chậu hoa đào bỏ vào chậu nhựa. Khi chậu đầy, tôi bê chậu đất ụp xuống gốc đậu ván. Bố vào bếp kiếm được một cái túi nilông lớn. Tôi nhấc cái gốc đào còn trơ rễ, đặt vào trong túi ni-lông. Bố buộc miệng túi lại cho tôi bê ra ngoài chỗ đổ rác dưới chân cột điện.
Tôi đi ra đống rác dưới chân cột điện ngoài ngõ. Mẹ tôi đang đứng đó, vừa chờ người thợ điện vừa nói chuyện với mấy người bán rau và bán gà. Giọng mẹ thanh thanh, rủ rỉ; giọng người bán gà cũng thủ thỉ. Mẹ nói:
- Tết nhất giờ có ăn mấy đâu, cứ nấu nướng bày biện ra đấy rồi có ăn đâu, cho vào tủ lạnh rồi lại đổ đi, mà không nấu thì lại áy náy.
Vầng, ngày Tết thì cứ phải có món lọ món kia ló mới ra ngày Tết bà ạ.
- Thế chị đi thế này thì ai ở nhà trông các cháu?
- Dạ, các cháu ở với bà ngoại; nhà em đang ở nhà cấy đợt lày nên cũng có người.
- Trời này mà lội ruộng thì khiếp lắm nhỉ. Hôm nay còn đỡ rồi chứ mấy hôm trước rét quá.
- Vầng, nhà quê thì thế, chả được sướng như các bác ở thành phố.
- Tôi ngày xưa cũng ở nông thôn chứ đâu. Lúc nhỏ cũng chăn trâu lội ruộng phát bờ phát bụi suốt.
- À thế ạ? Vầng, thế thì bà biết, khổ lắm chứ chả được sướng như ở thành phố.
- Ôi, cũng chả sung sướng gì đâu. Tôi trông thằng cháu thấy còn vất hơn đi cấy. Nghỉ hưu tưởng được nhàn hạ mà còn vất hơn đi làm.
- Vầng.
Tôi vào nhà. Bố đang gom những cành đào nhỏ trên sàn nhà thành một bó như bó củi. Bố đặt chúng lên một sợi dây. Những ngón tay bố run – những khớp xương nhức suốt những ngày rét đậm vừa rồi, ngón tay cái có lúc mất hết cảm giác.
Bố đang cố gắng ghì hai đầu sợi dây… bố thắt nút… một nút… một nút nữa… tuột rồi… Những ngón tay bố run mạnh vì gắng sức. Bố sắp lại những cành đào… bố lại kéo mạnh hai đầu sợi dây… bố thắt nút… một nút… một nút nữa… lại tuột rồi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh bố. Tôi cầm vào hai đầu sợi dây. Tôi đang cầm vào hai đầu sợi dây. Bố ngẩng lên nhìn tôi rồi bỏ tay ra, lùi lại phía sau. Tôi thả hai đầu sợi dây, xếp gọn những cành đào lại. Tôi tì đầu gối lên, ghì chúng xuống. Tôi vẫn đang cầm hai đầu sợi dây. Tôi xiết mạnh. Một nút. Tôi vẫn đang cầm chặt hai đầu sợi dây. Tôi thắt một nút nữa… Tôi xiết mạnh…
- Rồi, gớm đào điếc khiếp quá, thế là hết Tết – bố nói rồi đứng lên đi tìm cái chổi quét những cánh hoa đào còn vương trên nền nhà.
Tôi mang bó cành đào ra cột điện đầu ngõ.
Mẹ đang đứng dưới cột điện cùng với người thợ điện. Mẹ vừa đưa tiền cho anh ta. Anh ta đút tiền vào túi quần sau rồi lấy dây an toàn ra, vừa đeo quanh thắt lưng vừa giải thích gì đó với mẹ. Mẹ gật gật đầu.
Tôi đặt bó cành đào lên những túi nilông rác và những đám lông gà dưới chân cột điện. Vẫn còn một ít hoa đào còn tươi trên những nhánh cây, cánh hoa chưa hề dập nát. Mỗi khi có chiếc xe máy phóng qua, những cánh hoa lại bạt đi, một số rụng xuống, một số rung rinh khẽ.
Nắng mới đang lên nhanh. Mùi lông gà, mùi rác, mùi mặt đất đang ráo nước dần, mùi quần áo bay hơi ẩm, mùi mốc, mùi hoa cũ bị đem đi vứt, mùi nắng… lẫn vào mùi hương thoang thoảng của những cánh đào phai còn tươi cuối cùng đang phơ phất trên đỉnh đống rác. Tôi đang ngửi thấy mùi khói đốt vàng mã… mùi lá bánh chưng cũ… mùi bia còn sót lại trong các lon rỗng, đã hả… mùi vỏ bưởi… lại mùi khói… mùi vỏ dưa hấu đã chua… mùi bùn khô bên rìa ao rau muống… mùi hương trầm… mùi đám ma…
Lại thêm một bông hoa đào bị gió bạt đi…
Rồi thêm một bông nữa…
Một bông nữa…
Những cánh đào phai chấp chới, rụng dần…
Mẹ đang nói chuyện rủ rỉ với người bán gà. Người thợ điện đang trèo lên những nấc thang đầu tiên. Anh ta đang lên cao dần, cao dần trên đỉnh cột điện cạnh đống rác nơi tôi đang đứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét