2 thg 1, 2011

Xin việc (Phần 1)

Hôm qua tôi vừa mới nói chuyện với người thân về chuyện xin việc thì trời run rủi sao bữa nay tôi bắt được bài viết này. Ở thời  buổi này, sách báo viết về các kĩ năng mềm nhiều vô số kể, chắc hẳn một số bạn cũng đã được học, hoặc đọc qua khi còn ngồi học trên giảng đường. Các bạn bây giờ có lợi thế là trẻ trung, thông minh, năng động, được tiếp cận nhiều kĩ thuật, công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của tôi (và hiển nhiên dưới cách nhìn của bản thân tôi) thì các kĩ năng giao tiếp, kiến thức xã hội tổng hợp của các bạn có phần...giới hạn nhiều so với kiến thức chuyên môn (ngày xưa tôi cũng thế thôi). Những điều tôi sắp chép về dưới đây có thể một số bạn học bên khối kinh tế và nhân văn đã biết rồi nhưng tôi nghĩ đâu đó cũng có người chưa quan tâm lắm. Thôi thì, tôi đem về đây, bạn nào thích thú thì đọc cho biết!

*******

Xin việc (Phần 1)

(Đàm Hà Phú)

Trong bài: Tôi đã từng viết một cuốn sách, tôi có trích phần lời bạt, nay xin trích lại như sau:

“Trong suốt những năm làm quản lý cho các công ty nước ngoài, tôi đã tham dự rất nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Chúng tôi, với tư cách là nhà tuyển dụng luôn mong chờ những bạn ứng viên trẻ tuổi, thông minh và đầy tự tin, nhưng thật lòng mà nói, hầu hết những bạn sinh viên mới tốt nghiệp đều thiếu một trong những tố chất đó. Nhà tuyển dụng thực sự không đòi hỏi kinh nghiệm, vì các công ty đều có hệ thống đào tạo để thành viên mới bắt nhịp cùng công việc, nhưng kinh nghiệm mà họ thường yêu cầu trên các thông báo tuyển dụng, chính là để tìm những ứng viên tự tin và ít nhiều đã học được cách giao tiếp, ứng xử trong môi trường công việc, điều mà các tân Cử nhân thường không tự trang bị cho mình.

Không thể chối cãi rằng kiến thức là vô cùng quí giá đối với một tân Cử nhân, nhưng có lẽ chúng ta đã không chú ý đến yếu tố con người ở đây, bởi vì khi bước chân ra đời và bắt đầu một công việc thì chính các bạn mới là đối tác của mọi quan hệ, chứ không phải tấm bằng cử nhân của các bạn”

...

Cuốn sách là một dự án thất bại của tôi, và theo các bạn khác, thì tôi thực sự đã ngông cuồng khi nghĩ rằng mình có thể dạy dỗ đám trẻ. Nhưng lúc đó tôi không nghĩ vậy, nỗi bức xức trước sự ngu ngơ của một em cử nhân cầm hồ sơ đi xin việc làm tôi muốn làm một việc gì đó, viết một thức gì đó để các em hiểu mình cần chuẩn bị gì khi bước vào đời.

Nhân có một bloger khác bức xúc về việc này, tôi xin phép viết riêng một chuyên mục “xin việc” đứng từ nhiều góc độ để rộng đường dư luận, để các em có thể xem và tự nhìn lại mọi vấn đề (dĩ nhiên là theo con mắt của tôi).

Trước hết, ngay trong kiến thức chuyên môn, các em cũng nắm bắt phần lý thuyết, một thứ lý thuyết mơ hồ và xa rời thực tế. Không thể tin rằng có em cử nhân hóa lại không biết các ứng dụng của Liquid Nitrogen, một em kế toán lại không rành cách sử dụng MS Excel, một cử nhân Anh Văn đến một nhà máy và thắc mắc tại sao ở đây lại có phòng mổ (Operation Room)…Ít nhất thì các em, cho dù không được đào tạo, phải trang bị cho mình một số kiến thức và kỹ năng cơ bản liên quan đến ngành học của mình, nghề nghiệp của mình.

Sau nữa kiến thức về giao tiếp thì thực sự là nỗi bức xúc của tôi, các em không phân biệt được trang phục công sở và trang phục học đường, các em không biết cách bắt tay, không biết cách trao và nhận một danh thiếp, hầu hết các em viết thư xin việc và CV theo mẫu mà không biết tại sao phải như thế, các em còn không biết giao tiếp qua email….Thực sự, kiến thức về giao tiếp tuy không có chuẩn nhưng lại thể hiện chính con người, tính các của các em, mà như đã nói ở trên, là đối tác của mọi quan hệ.

Kiến thức về xã hội là một lổ hổng rất lớn. Có lần, để tuyển một nhân viên marketing, tôi soạn ra các câu hỏi rất đơn giản như:
- Cho biết số phỏng đoán về dân số Tp.HCM
- Kể tên ít nhất 5 bộ và tên vị bộ trưởng của nước ta
- Cho biết giá xăng hôm nay

Bạn có thể thay thế câu hỏi khác nếu không thể trả lời những câu hỏi trên, ví dụ bạn có thể thay giá xăng bằng giá vàng hoặc tỉ giá VNĐ/USD.

Thật ngạc nhiên là không ai trả lời hoàn toàn đúng, chỉ có 2/50 bạn trả lời gần đúng, vì không thể kể tên 5 vị bộ trưởng. Điều ngạc nhiên hơn là không một ai dám tự ý đổi câu hỏi. Các bạn ơi, trường đời mới là một trường học lớn, kiến thức về xã hội mới là kiến thức giúp ta nổi bật hơn người khác và giúp ta thành công dễ dàng hơn.

Khi đi phỏng vấn thì các câu trả lời của các em luôn nặng tính lý thuyết mà không thực lòng. Ví dụ như khi hỏi về mục tiêu phấn đấu của bạn, thì đa phần các bạn mong muốn học hỏi, đóng góp cho công ty, giúp công ty phát triển mạnh mẽ, toàn cầu…Câu trả lời tôi cần là: Tôi muốn kiếm nhiều tiền, tôi muốn làm ở vị trí quản lý và tôi muốn hưởng nhiều khoản thưởng hơn từ đóng góp của tôi, tôi muốn mua xe hơi, tôi muốn xây biệt thự, tôi muốn đi du lịch Châu Âu... Tại sao lại không thể nói thật những điều mình muốn và hướng đến nhỉ. Người giỏi thường có nhiều tham vọng, chỉ có kẻ tầm thường mới trả lời những câu sáo rỗng nặng phần lý thuyết như trên.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét