Sắp Tết rồi. Đầu hôm tôi nhận được bài này của bạn KA, cựu học sinh Trường Cần Giuộc (không biết khóa nào). KA đang học ở Nga, chuyện viết về Ông nội của mình (KA). Bài được đăng trong mục "Xuân quê hương" của báo VnExpress. Nội dung thế nào thì các bạn đọc xong rồi tự cho nhận xét, tôi đưa lên đây coi như chút gì đó "cây nhà lá vườn" đón...Ông Táo (thực ra cái tôi mong chính là sự đóng góp của các bạn!). Chúc mọi người...đi chợ Tết vui vẻ! Ai có đi thì cho tôi gửi mua một chút...kỉ niệm tuổi thơ :)
******
Giao thừa cuối tôi còn có nội
(Trần Mỹ Kim An - Tomsk, Liên bang Nga)
Nguồn:
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Xuan-Que-huong/2011/01/3BA25C45/
Năm đó tôi may mắn được chúc Tết nội đầu tiên, dĩ nhiên ông phải cho tiền lì xì rồi. Nhưng vẫn thích hơn nhiều cái cảm giác được ngồi cùng ông nhấp rượu. Là con gái nhưng được cho uống rượu, mà lại được uống với nội vào lúc giao thừa.
Giả sử thời gian có quay trở lại, tôi ước mình được về lại với không khí tết của 3 năm về trước - cái Tết gần đây nhất mà mình còn ở Việt Nam.
Một năm đầy biến động đối với tất cả mọi người trong gia tộc khi bà tôi đột ngột qua đời. Mọi sự ngỡ ngàng cùng với nỗi đau không tả lại càng ám ảnh từng người, từng người khi không khí Tết càng đến gần. Mà đau nhất chắc là ông tôi. Hơn 60 năm trời gắn bó, giờ ông chỉ còn lại một mình với một khoảng trống mênh mông.
Ừa rồi thì cũng phải lo mà đón Tết. Năm ấy mọi người về đông đủ và thường xuyên hơn, chắc vì muốn xoa dịu bớt phần nào sự tĩnh lặng của không gian khi vắng bóng bà.
Sáng 30 thì mẹ đã đi chợ Tết xong xuôi. Cha trưng xong mấy bình bông lớn. Chủ đạo vẫn là những bông hoa vạn thọ. Màu vàng, màu da cam với dáng tròn tròn đầy đặn của những đóa hoa cùng mùi hương nhẹ nhẹ làm không gian trong nhà sáng bừng lên và trở nên dịu mát. Ở bàn thờ chính thì một cái độc bình lớn đầy những hoa là hoa. Rồi trên đó còn trưng hai trái dưa hấu to đùng có dán tờ giấy đỏ mà lũ nhỏ chúng tôi đâu hiểu đó là chữ gì. Rồi mứt dừa, hạt dưa, thèo lèo, mứt bí với cả món mứt cà mà ở nhà mẹ tự làm trưng lên đó. Trắng, đỏ, xanh, vàng, đen... nhiều màu sắc, nhìn vui lắm.
Không ai cho ông làm gì, nhưng ông cũng đi vòng vòng để quan sát và chỉ đạo vài việc có liên quan đến vẫn đề tâm linh. Mắt ông vẫn mờ mờ, ngân ngấn nước. Không hiểu ông nghĩ gì hay tại mắt ông vốn yếu từ hồi đó tới giờ. Trong nhà phản phất mùi nhang trầm, lúc thì nghe gắt gắt lúc thì nghe thoang thoảng hương, cảm giác không khí trở nên trang nghiêm hơn và quyện với mùi hoa, với những làn gió mát nhẹ từ ngoài vườn mai nở đầy - đúng là Tết.
Chuẩn bị nhộn nhịp từ giữa trưa, mà tới gần xế chiều mới bắt tay vào gói bánh. Mọi người về đông đủ rồi, ngồi xoay lại thành một vòng tròn trong bếp, chính giữa bày đầy gạo nếp, nhân bánh, lá chuối và dây lạt... Nội thì ngồi trên cái võng gần đó mà quan sát. Năm ấy chỉ ưu tiên cho những ai thuộc hàng dâu con của nội mới được gói. Mọi người muốn tạo lại hình ảnh của những ngày còn thơ ở nhà với ông bà thì phải. Cũng tị nạnh, cũng phân bì, so sánh hơn thua, ai gói đẹp xấu, cũng cười nhau khi ai đó lỡ tay tạo ra được một đòn bánh tét hơi bị meo méo, cũng khoe với nội khi có được một tác phẩm đẹp hay cầu cứu ông khi bị mọi người nói hơi lâu. Nội cũng bình phẩm theo, cũng khen ngợi hay chê thẳng tay khi thấy “xấu không chịu nổi”. Cảm giác hình như những người lớn hôm ấy đều quay lại thành trẻ con, và trong mắt nội ánh lên những tia cười quý báu.
Mẹ thì không tham dự vào cuộc thi gói bánh đó, vì mẹ phải lo nấu ăn. Mẹ bận đến mức gần như quay quay cả chiều tối. Rất nhiều món ăn ngày Tết được chuẩn bị sẵn để cúng giao thừa và dành cho bữa ăn tất niên. Những trái khổ qua dồn thịt no căng với những sợi hành vắt ngang hờ hững, món hột vịt kho thịt thì bóng lên nhờ những váng mỡ cùng với màu nâu nhạt của nước màu làm bụng dạ cứ cồn cào mỗi khi nhìn thấy, còn món gỏi vịt thì dậy lên vị chua thanh thanh của chanh, của giấm, mùi thơm của quế, của nước mắm gừng... giờ nghĩ lại vẫn thấy nao nao trong lòng. Còn nhiều món nữa, nhưng nhớ nhất là đĩa rau sống với những loại rau do chính nội trồng trong vườn: dấp cá, quế, ngò gai, cải bèo với những lát khế như hình sao năm cánh... Có lẽ nhờ những cọng rau ấy mà tôi cảm thấy thương khu vườn nhà nhiều hơn. Đến bây giờ đã có thể nói là quen với cuộc sống lạnh giá ở vùng Siberia của Nga này, thì đã chấp nhận được sự thật là cái ước muốn được ngửi thấy mùi rau trên chỉ có thể thực hiện trong mơ hoặc là phải chờ thêm 2-3 năm nữa...
Bánh gói xong rồi thì được xếp vào nồi, rồi bắt một cái bếp thật lớn ở sân sau để nấu. Cắm một cây nhang cạnh nồi để canh thời gian, việc còn lạ là lâu lâu coi nước cạn nồi chưa để đổ vô cho ngập bánh. Cả nhà tôi đều lên nhà trước, ngồi uống trà, và trò chuyện, có vẻ như là nói ở đó thì ông bà tổ tiên nghe rõ hơn hay thật ra đơn giản chỉ vì trên đó đủ chỗ và tiện hơn.
Ngồi một hồi lâu lâu thì mọi người kể cả cha mẹ tôi được nội "đuổi" đi về hết vì “ở đây xong việc rồi, tụi bây về mà lo cúng kiếng trong nhà trong cửa cho đàng hoàng, năm mới năm mẻ không được để nhà lạnh lẽo...”. Rồi thì may mắn còn tôi ở được lại. Một sự may mắn mà trong đời đã không thể còn có lần thứ hai.
Cái nồi bánh cứ sôi sùng sục ở sân sau, nội nói lâu lâu chạy xuống coi là được nhưng vì là năm đầu tiên được giao việc trọng đại này tôi nhất định đòi ngồi coi cái nồi thường trực (vì muốn giống trên tivi, tôi kéo cái võng xếp ra nằm cạnh đó mà ngắm bếp lửa và nhắn tin quậy phá bạn bè). Nội cũng đi lên đi xuống, nhưng thật ra là coi chừng tôi, vì ông sợ tối rồi, nằm ngoài trời thì bị lạnh. Nội đành cầm cho cái mềnh mà quấn. Nội một mình ở nhà trên. Không biết lúc đó ông nghĩ gì, giờ nhớ lại mới biết mình thiệt tệ. Phải chi lúc đó đeo sát bên nội để ông không phải đối mặt với sự lặng lẽ của căn nhà, của khoảng trống mà vào năm trước, bà tôi còn ở đó...
Gần tới giao thừa mới có thể vớt bánh ra. Nội biểu lấy cái chậu, đổ đầy nước, lấy bánh ra thì nhúng ngay vào đó rồi treo lên. Nội có giải thích làm như vậy để làm gì, nhưng giờ quên mất tiêu rồi. Một hàng bánh tét, từng đòn, từng đòn treo lủng lẳng trên cái sào bắt ngang kệ chén và cái bàn trong bếp. Tự nhiên cảm thấy nhà mình giàu có lạ.
Gần 12h đêm rồi, lên nhà trước bưng mâm trái cây với bình bông huệ đỏ ra sân để nội cúng giao thừa. Rồi cùng nội đi thắp nhang tất cả bàn thờ trong nhà. Không giống như mọi người thường nói, nhà tôi không trưng dừa, chỉ "cầu đủ vàng xài" (mãn cầu, đủ đủ màu vàng, xoài và một số loại quả đẹp mắt khác). Thật ra ý là mong muốn "làm ăn phát đạt để mà có dư giả về sau, chứ vừa đủ xài hoài thì chừng nào mới khá lên nổi", mẹ tôi giải thích thế.
Đúng giao thừa thì trên TP HCM có bắn pháo hoa, nhà tôi ở vùng giáp ranh thành phố của tỉnh Long An nên mỗi năm tôi có được cái may mắn biết được năm nay thành phố đốt pháo lâu hay nhanh. Chưa lần nào trong đời tôi được xem tận mắt, Tết đến, lại nôn nao hướng về cái góc trời cứ chớp nhoáng lên ánh sáng của những đợt pháo mà lắng nghe. Năm nay thì được nghe với nội. Mắt nội thì hơi yếu, tại hồi đó phải mổ thủy tinh thể, còn bà nội hồi xưa thì hơi lãng tai. Nhưng trước đó, chẳng bao giờ tôi quan tâm tới việc ông bà có để ý tới pháo hoa ngày Tết không. Năm bà còn, tôi nói với mẹ về đón giao thừa với ông bà, nhưng lại bám gót mấy anh chị em họ, đi ra mé bờ sông để coi pháo hoa cho rõ, chán chê rồi thì lủi thủi trở về nhà nội mà ngủ. Ông bà cũng không nói gì, vì biết cái sự ham hố cùa con tụi cháu mình. Ước gì ngày đó tôi đủ lớn để biết những gì trong đời là quý giá, là thiêng liêng và không thể lặp lại bao giờ...
Năm nay tôi may mắn, được chúc Tết nội đầu tiên, dĩ nhiên ông phải cho tiền lì xì rồi. Nhưng giờ vẫn thích hơn nhiều cái cảm giác được ngồi cùng ông nhấp rượu. Là con gái nhưng được cho uống rượu, mà lại được uống với nội vào lúc giao thừa. Cứ cười hí hửng cười với khái niệm ly rượu đầu năm, ngồi chung mâm với nội. Rượu cay nồng, khó uống lắm, nhưng cũng ráng làm cho xong cái chung nhỏ để sáng mai còn khoe với mọi người. Không cho nội uống nhiều, vì cả ngày nay ông cũng đã mệt rồi.
Hỏi ông tại sao lại uống rượu khi mà nó chẳng ngon lành gì, rồi hỏi về Tết hồi đó, về cuộc sống hồi xưa, về bà con họ hàng... Hỏi nhiều lắm, mà hình như lúc đó thấm rượu hay do buồn ngủ mà giờ không rõ là mình nhớ được bao nhiêu. Nội nhìn mặt chắc cũng hiểu, nên biểu dọn dẹp sơ đồ vào nhà, rồi đóng cửa đi ngủ. Nhảy lên giường, ôm lấy cái mềnh, vậy là xong một ngày lăng xăng giữa hai năm cũ - mới. Hình như trong chập chờn giấc ngủ nghe tiếng võng đưa vọng từ nhà trên và mùi nhang thơm ngày Tết...
Năm nay là cái Tết thứ ba tôi xa nhà. Tôi thi vào Đại học Sư phạm, rồi nhận được học bổng đi Nga. Ngày đi thì vẫn chưa mãn tang bà nội, ông biểu cha mẹ tôi làm mâm cơm, rồi ông thắp nhang xin bà cho tôi được tháo bỏ vành khăn mà nhẹ nhàng hơn để đi học xa. Mất mát một lần trong đời giúp tôi hiểu được nỗi đau sinh tử. Ông biết tôi lo sợ gì nên cứ nhắc đi nhắc lại “Ông đợi con về...”. Nhưng sự thật là cuộc đời đâu phải lúc nào cũng như người ta mong đợi. Ông ở lại đón một cái giao thừa khác mà lúc đó tôi đã phải vất vả vô cùng với chính mình và nỗi nhớ nhà, nhớ ông trên vùng đất Siberia. Lần cuối cùng nội đón Tết và cũng là cái giao thừa cuối mà tôi còn có ông.
Thời gian thì cứ trôi và không làm sao ngăn lại được nhưng trong tôi có những phút giây đã đứng lại và quá khứ sẽ mãi đồng hành cùng tôi. Một tuổi thơ dại khờ đã nhiều lần để vụt qua những cơ hội được gần gũi, được yêu thương những người thân. Cái ước muốn "giá như được sống lại những ngày ấy, để ..." tôi biết rằng là không thể, giờ tôi chỉ có thể nhớ về những ngày đó và biết rằng mình đã luôn được yêu thương. Cuộc sống vẫn cứ đi về phía trước, ngày hôm qua giúp tôi hiểu rằng tôi đã nhận được nhiều, và tôi cần phải xứng đáng hơn với những niềm tin yêu ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét