29 thg 1, 2011

Mùa xuân ơi !

(Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện)

"Xuân, xuân ơi, xuân đến rồi! Cánh én bay về cho tim mình nao nức..."




Ảnh: Internet
Xuân Tân Mão 2011. Kính chúc nhà nhà an khang thịnh vượng !

Mẹo vặt bếp núc

Mấy ngày này chắc chị em phụ nữ tất bật với việc bếp núc chuẩn bị đón Tết. Chị em mình nấu nướng thì chắc ngon lành rồi nhưng tôi cũng xin chép về đây vài mẹo vặt đăng trên blog của Hiệu Minh, coi như...lì xì sớm cho các chị. Nấu ăn là một nghệ thuật [tôi nghe một người bạn nói vậy :) ], hì hì, có dịp vào bếp mới thấy thương chị em mình biết mấy! Ngồi đọc mấy dòng này mà tôi không thể ngăn được cười khi nhớ lại những lần vô bếp chiên xào nhưng dầu ăn bốc lửa tùm lum! Rồi những lúc kho thịt bị cháy khét lẹt, khói bay đầy nhà, nhà có bao nhiêu cửa mẹ cửa con đều mở hết và tranh nhau quạt, mắt thì canh cái còi báo cháy mà đổ mồ hôi hột :).
*******
Mẹo vặt bếp núc
(Hiệu Minh sưu tầm)


Cách cán bột không bị dính Lúc nhào bột, cán bột để làm bánh, bột hay bị dính vào bàn rất khó chịu. Khi ấy ngoài cách rắc một lớp bột áo trên bàn, bạn có thể làm theo cách sau: để bột vào trong một cái tô, đậy một lớp nylon kín rồi cho vào tủ lạnh khoảng 1 giờ. Lúc cán bột làm bánh bột sẽ không bị dính nữa.
Cách xào thịt bò Khi xào thịt bò muốn cho thịt mềm, sau khi ướp thịt xong, bạn hãy cho 2-3 muỗng cà phê dầu ăn vào trộn đều ướp cùng, để khoảng 20-30 phút. Lúc xào thịt hãy để lửa to đảo nhanh tay. Xào xong cho thịt ra khỏi chảo ngay. Món thịt bò xào sẽ rất mềm, vị đậm đà mà lại không dai.
Luộc trứng không bị vỡ nứt Khi luộc trứng gà, trứng vịt thường hay bị nứt vỏ làm cho nước vào trong trứng gây ra mùi tanh và không đẹp. Muốn chúng không bị nứt khi luộc bạn chỉ cần cho muối vào luộc. Trứng sẽ chín ngon và không bị nứt và dễ bóc vỏ.
Rửa sạch bình thủy tinh Những bình thủy tinh có miệng bé muốn rửa sạch bên trong rất khó. Xin mách bạn một cách để làm cho bình thủy tinh sáng bóng như mới. Bạn hãy cho vào bình một nắm gạo, đổ một ít nước sôi vào đậy nắp kín đóng lại và lắc mạnh. Sau vài lần, bình thủy tinh của bạn sẽ sạch bóng dễ dàng.
Dầu ăn trong nồi bốc lửa Khi bạn xào nấu với ngọn lửa to có lúc dầu ăn trong nồi bị bốc lửa. Chỉ cần đậy vung lại hoặc đắp khăn ướt lên, lửa sẽ lập tức bị dập tắt. Trong trường hợp đó, không nên cho nước vào dầu ăn nhẹ hơn nước sẽ làm lửa bùng to hơn và dầu bắn ra bốn phía.
Cách vắt chanh được nhiều nước Muốn vắt được nhiều nước chanh hơn thì trước khi vắt, bạn hãy đem chanh ngâm vào nước nóng vài phút.
Cách khử cay ở tay Khi bạn cắt tỉa ớt, tay bị dính sẽ rất nóng, cay. Bạn hãy khử bằng cách: Lấy một ít đường cát xoa vào tay, rồi rửa sạch; hoặc xoa vào tay một ít giấm hay rượu; bạn cũng có thể ngâm tay vào nước ấm một lát rồi rửa sạch thì tay sẽ không bị cay, nóng nữa.
Cách làm chuối xanh không bị nát và thâm Khi làm món ăn với chuối xanh, bạn gọt vỏ, bổ thành miếng nhỏ, rồi ngâm vào nước có pha chanh và muối, chuối sẽ trắng, không bị nhựa, không nát mà chất chát cũng giảm rất nhiều.
Cách chữa cơm sống Khi bỏ cơm ra ăn mà cơm bị sống, nhiều người đổ thêm nước vào nồi và bắc lên bếp hong lại cho đến khi chín hoặc bỏ đi. Để tránh lãng phí và mất thời gian nhưng lại hiệu quả và đơn giản, bạn hãy làm theo cách sau: Xới cơm sống cho tơi ra, rưới rượu vào nồi theo tỷ lệ cứ nửa cân gạo là một phần ba chén rượu. Đun nhỏ lửa cho đến khi rượu bốc hơi hết, cơm sẽ chín mà lại không để lại mùi rượu.
Cách Làm Lươn Lươn mua về còn sống cho vào soong hoặc thau, lấy rổ đậy kín rồi cho vào một chén giấm chua. Lươn sẽ quẫy rất mạnh vì vậy bao nhiêu nhớt sẽ theo ra hết. Khi thấy lươn yếu dần, không còn quẫy nữa thì đem ra vuốt bằng muối rồi rửa lại bằng nước lạnh vài lần sẽ sạch.
Cách Làm Ốc Muốn làm ốc sạch để làm ốc nhồi thì đừng đập bể trôn ốc vì khi đập bể trôn ốc, khi nhồi ốc vào hấp, nước ngọt sẽ chảy ra hết. Lấy dao nhỏ khẽ cạy miệng ốc ra, rồi lấy một chiếc đũa đẩy ốc thụt vào trong một lúc, cầm con ốc vẩy mạnh. Ốc sẽ rơi ra hết. Bỏ phần ốc bùn phía cuối. Phần ốc còn lại, cho vào giấm bóp kỹ rồi rửa lại bằng nước lạnh cho sạch.
Cách Làm Cá Cá bán ở chợ thường chưa được đánh vẩy. Muốn làm cá mà không bị vẩy văng ra tứ phía, hãy ngâm cá vào nước sôi thì việc đánh cá sẽ dễ dàng.
Chiên Cá Khi chiên cá, muốn không bị sát chảo, hãy lăn cá vào bột trước khi cho vào chảo dầu nóng.
Nướng Cá Không Bị Tróc Da Thoa một lớp dầu ăn ngoài da để da cá không bị dính vào vỉ nướng. Khi nướng, lúc đầu để lửa lớn để lớp da bên ngoài se lại ngay, như vậy sức nóng làm cho chất mỡ trong cá tan ra nhưng không thoát ra ngoài được. Do đó da cá sẽ vàng mà thịt cá vẫn thơm ngon và không bị mất đi các dưỡng chất.
Nướng Bánh Mì Lại Cho Dòn Bánh mì cũ, nhúng vào nước trước khi nướng, bánh sẽ dòn.
Chiên Khoai Tây Khoai tây ngâm trong nước có pha một chút muối và chanh hoặc giấm để khoai được trắng. Rửa sạch khoai lại rồi thái khoai thành từng lát dày độ 1 cm theo chiều dọc của củ khoai. Vớt khoai để ráo, lau khô từng miếng. Sau đó phết sơ một lớp dầu lên khoai để khi chiên, mặt khoai không bị nhăn. Cho khoai vào chảo dầu chiên cho vàng. Khi chiên, khoai sẽ phông lên, lấy khoai ra cho vào rổ nhôm, rắc lên một chút muối và xốc đều.
Giữ Khoai Không Rã Khi Nấu Rửa khoai thật sạch trước khi gọt vỏ. Gọt vỏ xong, đem ngâm trong nước có pha một chút muối để khoai không bị đen và khi nấu khoai không bị rã.
Khử Mùi Hôi Của Dầu Phộng Đun dầu cho thật sôi đến khi không còn nghe thấy tiếng kêu riu riu nữa. Cho vào vài củ hành tím đập dập. (Có thể dùng tỏi hay củ xả đập dập hoặc lá dứa thơm cũng được).
Khử Mùi Hôi Của Thịt Bò Nướng chín một củ gừng, cạo bỏ lớp vỏ cháy đen, giã gừng thật nhuyễn, rắc lên thịt.
Tẩy Mùi Hôi Lông Của Gà, Vịt Khi nhổ lông xong, dùng muối hoặc gừng giã nhuyễn chà xát lên mình con vịt hoặc gà, để độ 5 phút, rửa sạch lại rồi mới mổ ruột.
Tẩy Mùi Xào Nấu, Mùi Thịt Cá Đốt một miếng đường lên bếp. Trong khi chờ cá chín, mùi đường cháy sẽ phá tan mùi tanh của cá. Để cho mùi hôi của bắp cải chín mất đi, hãy cho vào soong đang luộc rau một miếng ruột bánh mì.
Chậu rửa bát vừa ăn xong, dùng vỏ chanh đã vắt nước chà xát chung quanh chậu, mùi tanh của cá sẽ hết.
Tẩy Một Số Mùi Khó Bay Mùi hành tỏi: Dùng bã café để chà xát.
Mùi Eau de Javel: Lấy giấm rửa tay, rửa lại bằng nước ấm và thoa lại bằng một chút dầu thơm.
Vết vàng khói thuốc dính trên ngón tay: Rửa tay bằng Eau de Javel hơi ấm.
Luộc Rau Xanh Màu: Cho vào soong nước luộc vài giọt chanh hoặc giấm, đợi nước thật sôi mới cho rau vào.
Nấu Nước Dùng Cho Trong Nấu nước thật sôi mới cho thịt hoặc xương vào, không được đậy vung soong. Khi nước sôi lại thì bớt lửa và vớt bọt thường xuyên. Cho vào đó một củ hành tím đã nướng chín. Nếu lỡ nước không trong thì dùng một khăn vải mỏng sạch lược lại, cho sang soong khác nấu sôi trở lại. Lấy một tròng trắng trứng đánh cho thật nổi đổ úp vào soong nước dùng, các bọt trong nước dùng sẽ cuốn vào trong lòng trắng trứng. Khi được, vớt tròng trắng trứng ra bỏ. Nếu nấu nước thật sôi rồi bỏ thịt hoặc xương vào, như vậy thì chất ngọt còn giữ lại trong thịt, xương. Nếu cho thịt vào nước lạnh rồi mới nấu thì chất ngọt của thịt và xương sẽ hoà vào nước dùng.
Đánh Trứng Gà Không Dính Vào Tô Trước khi đánh trứng vào tô, hãy tráng qua tô một lớp nước lã.
Muốn Trứng Chiên Được Nổi Phồng: Cho vào trứng một chút bột nổi rồi đánh trứng cho đều, nhớ đánh theo một chiều.
Quết Tôm Cho Dai Rửa tôm sạch, lau khô tôm trước khi quết. Khi tôm đã được quết nhuyễn thì nêm gia vị và cho vào một tròng trắng trứng, trộn đều và quết thêm một lúc cho tôm và trứng lẫn đều nhau.
Tẩy Mùi Cơm Khê Nếu cơm lỡ bị khê, ta nên cho vào cơm một cục than đang cháy hồng hoặc lấy một cái ca nhôm, nhúng nước rồi úp lên soong cơm.
Hấp Cơm Nguội Cho Ngon Cơm nguội còn lại, không bị hư, muốn hấp lại, phải dùng tay ướt bóp cho hột cơm rời ra. Khi soong cơm mới nấu gần chín mới cho cơm nguội vào hấp (cơm nguội để hấp phải ít hơn lượng gại để nấu cơm).
Hấp được một lúc thì xới cơm dưới lên, trộn cơm nóng và cơm nguội đều nhau rồi để trên bếp một lúc nữa cho cơm chín hẳn.
Cách Luộc Thịt Muốn luộc thịt cho trắng, dai, ngon thì khi bắc nước sôi, ta cho vào một muỗng soup giấm chua.
Có nhiều loại thịt rất dai như thịt heo nái, gà, vịt đã đẻ nhiều. Muốn luộc cho mềm thì trước khi cho vào soong, nhớ lấy lá đủ đủ bọc kín.
Làm Cho Lòng Heo Được Trắng Và Giòn Khi luộc lòng heo, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào. Khi lòng đã chín tới thì vớt ra đem nhúng ngay vào chậu nước có pha một chút phèn chua (nước phèn này đã được đun sôi để nguội). Làm như thế, lòng sẽ trở nên trắng trẻo, giòn.
Ram Thịt Cho Mềm Và Ngọt Khi ram thịt phải chờ cho chảo thật nóng, đổ dầu vào đợi cho sôi. Cho thịt vào chiên một mặt cho vàng rồi mới trở qua mặt khác. Lửa phải to và đều. Khi thấy thịt đã vàng đều thì cho lửa nhỏ dần, cho vào thịt một ít nước, đậy vung thật kín, để lửa riu riu. Khi xiên vào miếng thịt không thấy máu chảy ra là được. Làm cách này thịt sẽ ngon và mềm.
Rán Mỡ Để Được Lâu Khi rán mỡ, đừng để quá lâu trên bếp. Nếu để cho mỡ vàng quá, mỡ sẽ mau có mùi khét.
Rán Mỡ Không Bị Bắn Tứ Tung Cho một chút muối vào chảo mỡ khi rán. Rán cá, đậu, thịt gì cũng làm theo cách trên sẽ tránh được cảnh bị mỡ bắn phỏng tay chân, mặt mũi.
Giữ Khoai Cho Trắng Khi luộc khoai, nên vắt vào vài giọt chanh trong lúc nước đang sôi để khoai không bị biến màu và có mùi vị đặc biệt. Trong lúc gọt khoai trước khi luộc, nên ngâm vào nước có vắt vài giọt chanh và tránh để khoai ngoài gió.
Để Bắp Chuối Và Chuối Xanh Không Xám Khi bào bắp chuối hoặc gọt chuối xanh, nên ngâm vào thau nước có vắt một trái chanh để không bị xám đen.
Xắt Hành Không Cay Mắt Khi xắt hành, nên để thau nước bên cạnh để tránh bị cay mắt.
Để Dao Khỏi Tanh Dùng một lát chanh hoặc một lát cà rốt chùi lên lưỡi dao.
Giảm Bớt Vị Mặn Của Thức Ăn Khi làm thức ăn, nếu lỡ bị mặn thì đừng đổ nước mà hãy thêm đường vào. Đường sẽ rút bớt chất mặn.
Nấu Món Ăn Có Pha Rượu Chia lượng rượu muốn cho vào thức ăn làm hai. Một phần cho vào thức ăn khi đang nấu, phần còn lại, khi thức ăn đã chín, sắp ăn mới cho vào, như vậy mới giữ được mùi thơm của rượu.
Khi Nấu Món Ăn Có Bơ Khi nấu không cần phải cho bơ ngay từ đầu. Khi chiên xào, ta dùng dầu hay mỡ, sau đó mới cho bơ nằm trên mặt dĩa thức ăn khi sắp ăn, như vậy mới giữ được mùi thơm của bơ.
Thử Bơ Hoặc Pho Mát Cắt mốt miếng bơ hay pho mát nhỏ, cho vài giọt Iode. Nếu phó mát hay bơ có pha khoai lang hay bột gạo thì nó sẽ biến thành màu xanh biếc.
Để Có Cháo Ăn Sáng Thật Mau Vo gạo chung với nếp để chừng 15-20 phút cho ráo nước. Đổ gạo vào bình thủy, đun nước thật sôi, chế vào đậy kỹ nước để trong một đêm. Sáng ra cháo sẽ chín nhừ. Nấu cháo đặc hay loãng tuỳ ý mà cho gạo theo ý muốn.
Giữ Sữa Tươi Không Bị Đóng Váng Sữa tươi để từ sáng đến chiều có thể bị đóng váng vì trong sữa có chất Acide Lactique. Muốn cho sữa khỏi bị đóng váng, hãy cho vào chai sữa bột một ít thuốc muối (Bicarbonate de Soude). Thuốc muối có đặc tính đánh tan chất Acide Lactique.
Bánh Gateâu Chưa Chín Kỹ Khi lỡ lấy bánh ra khỏi khuôn mà bánh chưa được chín kỹ, đừng chần chừ, hãy nhúng bánh thật nhanh vào sữa lạnh rồi đặt bánh vào trong lò hấp lại một lúc cho bánh chín.
Chữa Bột Quá Nhão Khi nhồi bột làm bánh, nếu lỡ bột quá nhão mà không muốn cho thêm bột khô, hãy lấy một cách khăn sạch, khô quấn bột vào đó và gói lại để khoảng 15-20 phút. Nếu bột quá nhão, bạn có thể để lâu hơn nữa hoặc có thể đem gói vào một cái khăn khác. Vì trong khi gói vào khăn, nước dư trong bột sẽ thấm vào cái khăn và bị bốc hơi bớt.
Chiên Bánh Không Bị Cháy Thái nhỏ một ít khoai tây chiên trước trong khi chảo mỡ (hay dầu) sau đó hãy chiên bánh.
Cắt Khoai Tây Thành Lát Không Vỡ Khi cắt khoai tây, hãy nhúng lưỡi dao vào nước sôi trước khi cắt.
Luộc Khoai Sọ, Khoai Môn, Khoai Mì Khi luộc khoai sọ, khoai môn, khoai mì nên ngâm vài giờ trước khi luộc cho các độc tố trong khoai tan hết ra nước, sau đó luộc thật kỹ, không nên nướng. Đối với khoai mì, nên cắt bỏ hai đầu rồi mới bóc vỏ đem ngâm.
Khoai Tây Chiên Không Bị Cháy Trước khi chiên, hãy nhúng khoai tây vào nước muối pha loãng trong vài phút. Khi sử dụng khoai tây, nên nhớ không nên ngâm lâu trong nước vì như thế sẽ làm hủy đi sinh tố C chưá trong khoai tây. Nếu để dành khoai tây quá lâu, khoai cũng mất đi sinh tố này.
Sử Dụng Khoai Lang Như Thế Nào? Khoai lang có nhiều sinh tố A và C. Có thể sử dụng khoai lang như khoai tây. Muốn giữ khoai lang để lâu mà không bị hư nên vùi khoai xuống cát và che mưa nắng. Khoai xắt lát, muốn để dành lâu, hãy lót khoai bằng trấu và bao quanh bằng phên tre cẩn thận.
Luộc Rau Đúng Cách Nấu nước sôi, cho vào một chút muối rồi thả rau vào ngay khi nước đang sôi. Nước sôi trở lại là vớt rau ra ngay, không nên luộc rau quá lâu, rau sẽ bị nhão và đỏ không ngon.
Hầm Đậu Rau Mềm Rửa đậu sạch và ngâm đậu trong nước. Sau đó rửa đậu lại cho sạch rồi cho vào soong, đổ nước ngập đậu rồi nấu. Lúc đầu để lửa lớn, khi sôi, đậy nắp kín, để lửa riu riu và lửa phải cháy đều. Từ đó không nên mở nắp soong hay khuấy đảo trong soong nữa.
Chiên Thức Ăn Khi chiên thức ăn, cần phải đun dầu (mỡ) cho thật sôi mới cho thức ăn vào để chiên. Muốn chiên giòn những món ăn có nhiều bột như cá, tôm, cua lăn bột, khoai tây… cần phải để dầu, mỡ ngập thức ăn; để lửa vừa phải.
Kho Thức Ăn: Khi kho thức ăn nên đậy vung kín và để lửa riu riu. Khi kho cá, cần đun lâu hơn thịt.
Lột Vỏ Trái Cây Dễ Dàng Chỉ cần nhúng trái cây vào nước nóng và vớt ra ngay, trái cây sẽ dễ lột vô cùng.
Thử Giấm Lấy một chút giấm cho vào chén rồi nhúng miếng giấy thấm màu trắng vào, nếu chuyển thành màu vàng là giấm tốt.
Giữ Mỡ Lâu Hư Phải để mỡ trong hũ thủy tinh, đậy kỹ, không cho nước lẫn vào mỡ. Khi mỡ được đổ vào hũ, cần phải đổ đầy, đừng để có khoảng trống cho không khí len vào.
Giữ Bánh Mì Được Lâu Gói bánh mì vào bao nylon bọc kín rồi để vào ngăn đông lạnh của tủ lạnh. Giữ bằng cách này có thể để bánh mì lâu cả tháng.
Muốn Khế Bớt Chua Xắt khế thành lát ngâm vào nước muối, sau đó vớt ra, cho vào chậu nước có pha một ít bột nở. Cuối cùng, rửa khế lại nhiều lần với nước.
Giữ Cho Dưa Chuột Được Tươi Lâu Lấy một cái tô đựng nước rồi cắm phần cuống trái dưa xuống nước ngập độ 1/3 trái dưa. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần.
Giữ Cam, Chanh, Bưởi Ðược Lâu Với các loại quả này, phải chọn quả còn cả cuống, bôi vôi lên đầu cuống và để vào chỗ thoáng mát.
Khử Mùi Hôi Của Soong, Chảo Soong, chảo nấu thức ăn, khi rửa sạch, vẫn thường để lại một mùi hôi. Chỉ cần dùng chanh, bã trà, bã café để chùi rửa mùi hôi sẽ hết.
Khử Mùi Hôi Của Tỏi, Hành Trong Miệng Ăn cơm xong, trong miệng nếu còn mùi hôi của tỏi hành rất khó chịu. Hãy nhai một ít bã trà, mùi hôi sẽ hết.
Muối Dính Dầu Hôi Ðem muối bỏ vào chảo để rang, dầu hôi sẽ bay hơi hết.
Ðánh Trứng Mau Nổi Khi đánh trứng, muốn cho mau nổi, chỉ cần cho vào một chút muối.
Chiên Bánh Phồng Tôm Cho Giòn Muốn chiên bánh phồng tôm cho giòn, phải để dầu thật sôi, và đợi khi gần ăn hãy chiên. Nếu chiên quá sớm phải cho vào bao nylon cột kỹ lại.
Tỏi Dùng Như Thế Nào Tỏi là một gia vị rất tốt, có thể làm vị thuốc cho một vài loại bệnh thông thường. Muốn sử dụng tỏi đúng cách thì nên giã nhuyễn tỏi để ăn chứ đừng nên xắt lát.
Lấy Bánh Bông Lan Sao Cho Dễ Muốn lấy bánh bông lan ở khuôn ra một cách dễ dàng và không làm bể bánh, bạn hãy để khuôn bánh vào nước lạnh, rồi đậy lên trên bánh một cái khăn ẩm. Khoảng 10 phút sau có thể lấy bánh ra nguyên vẹn một cách dễ dàng.
Ðể Dành Chanh Ðã Dùng Những trái chanh đã dùng một nửa hay một phần, muốn để dành mà không sợ bị ê hay bị khô, hãy úp mặt chanh đã bị cắt xuống một cái dĩa để sẵn một ít giấm chua, chanh sẽ lâu hư.
Để vợ chồng không cãi nhau về chuyện ăn uống thì nên nhớ câu thơ của Xuân Diệu “Em có tài nấu nướng//Anh có tài ngợi khen”. He he.

28 thg 1, 2011

Chiêu “Bàng xao trắc kích” và văn hóa trong tranh luận

(Huỳnh Ngọc Chiến)


Ảnh: Thanh Huyền
Kể ra thì bút chiến cũng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đáng để tôn trọng và học hỏi, nếu như không có những người luôn giữ thái độ hùng hục lao vào đó như một dũng sĩ giác đấu để “hạ bệ” cho được đối phương, nhằm vào mục đích học thuật thì ít mà nhằm để khuếch trương bản ngã cho cái thói háo danh thì nhiều.

Trải qua mấy ngàn năm, lịch sử nhân loại luôn đầy rẫy những cuộc chiến tranh. Người ta đánh nhau bằng gươm đao, “văn minh” hơn thì đánh nhau bằng súng đạn. Điều đó đã đành. Nhưng dường như súng đạn, gươm đao chưa làm thỏa mãn được thói ưa tranh đấu của con người, những kẻ trí thức còn luôn tìm mọi cách để đánh nhau bằng… ngòi bút!

Mấy ngàn năm trôi qua, kể từ khi văn tự được phát minh trên cõi đời này, thì cũng ngần ấy năm con người đem bao tâm huyết và bút mực để tranh luận nhau về mọi thứ trên trời dưới đất. Cái thói háo danh của người trí thức dầu sao cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân loại, ít ra là về lĩnh vực sản xuất bút mực để phục vụ cho các cuộc bút chiến!

Kể ra thì bút chiến cũng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đáng để tôn trọng và học hỏi, nếu như không có những người luôn giữ thái độ hùng hục lao vào đó như một dũng sĩ giác đấu để “hạ bệ” cho được đối phương, nhằm vào mục đích học thuật thì ít mà nhằm để khuếch trương bản ngã cho cái thói háo danh thì nhiều. Ai cũng muốn tranh hơn. Đã có mấy ai cố tĩnh tâm hiểu rằng trong những cuộc bút chiến đao to búa lớn đó, nào có ai là kẻ chiến thắng và ai là người chịu thất bại? Mà gẫm ra cho “cùng kỳ lý” thì những cuộc tranh luận đại loại như thế cũng chẳng đi đến đâu. Và những người trong cuộc tranh luận dường như không bao giờ bừng tỉnh để hiểu rằng kiến thức mà họ dùng để tham gia cuộc “bút chiến” có gì là thực sự của họ hay không, hay chỉ toàn là những kiến thức cóp nhặt, vay mượn từ mọi nguồn tri thức, mà bất cứ người nào có chút thông minh và chịu khó đọc sách đều có thể thủ đắc một cách dễ dàng? Điều đó tố cáo sự tầm thường về mọi mặt, như hai anh nghèo kiết xác chuyên đi vay mượn tiền để rồi khoe mẽ lẫn nhau!

Người xưa chia ra làm ba loại hiểu biết: Sinh nhi tri, khốn nhi tri, học nhi tri. Có người sinh ra là đã biết, sinh nhi tri. Cái biết ấy chỉ dùng cho các bậc thánh nhân “vô sư tự ngộ” (không cần đến thầy mà vẫn hiểu biết), như Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử… Có người do lâm vào cảnh khốn cùng mà biết, khốn nhi tri. Như Văn Vương, khi bị vua Trụ giam ở ngục Dũ Lý, đã nghiền ngẫm Kinh Dịch mà diễn lại các quẻ, để làm ra Hậu thiên bát quái, chuyển đổi Tiên thiên bát quái của Phục Hy. Còn hầu hết người ta có lẽ đều do học mà biết, “học nhi tri”. Từ đó mà nhìn thì “học nhi tri” là cái “tri” thấp nhất trong những cái “tri” của con người, nhưng điều quái gở và đáng buồn cười nhất con người lại luôn luôn dùng những kiến thức vay mượn đó, những kiến thức tích lũy nhờ sách vở từ chương, để huênh hoang vênh váo với nhau.

Tất cả những cuộc tranh luận đó, dù nấp dưới những lớp vở nghe ra rất văn hóa, nhưng thực chất cũng chỉ vì chữ “danh”. Bên này lợi dụng sơ hở của bên kia để công kích nhằm tăng thêm giá trị (?) của mình, còn bên bị công kích cũng hiếm khi chịu nhận đó là sai sót, mà luôn tìm mọi cách chống chế để phản đòn. Càng nguy hiểm và ngu xuẩn hơn nữa khi không thiếu những người có được một chút tài năng lại lăm le muốn làm “ngự sử” trên văn đàn, toan tính dùng ngòi bút để trấn áp thiên hạ, giống như Vương Trùng Dương(*) dùng “nhất dương chỉ(*) để áp đảo mọi cao thủ ở khắp bốn phương Đông Tây Nam Bắc. “Thiên hạ đệ nhất nhân” đâu phải chỉ là cái danh hiệu mà các cao thủ võ lâm tuyệt đỉnh muốn tranh đoạt trong những cuộc Hoa sơn(*) luận kiếm, mà nó cũng là cái đích nhắm tới của không ít những học giả, thông qua những trò… luận bút. Chỉ khác là một bên dùng võ công và có thể đổ máu trong những cuộc đấu tử sinh, còn một bên thì dùng bút và đổ… mực, trong những trận võ mồm!

Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử có ba điều răn: khi còn nhỏ, huyết khí chưa ổn định, cần răn ngừa về chuyện nữ sắc; đến khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần răn ngừa về chuyện ham tranh đấu; đến khi về già, huyết khí đã suy, cần răn ngừa về việc muốn hơn người”. (Tử viết: “Quân tử hữu tam giới: thiếu chi thời, huyết khí định vị, giới chi tại sắc; cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc”- Luận ngữ, Quý thị, 7). Các học giả cũng như các cao thủ võ lâm thường ham chiến đấu và thích được hơn người ở mọi lứa tuổi, tráng niên trung niên lẫn lão niên, mà không có cách gì răn ngừa được.

Tranh luận bằng ngòi bút chỉ đạt đến đỉnh cao là khi nào nó âm thầm dẫn dụ để đối phương cảm nhận được sự thực, mà không cần dùng đến những kiến thức vay mượn được diễn đạt qua những lời lẽ khoa trương. Điều quan trọng là người ngoài cuộc không hề hay biết, giống như Trương Vô Kỵ(*) dùng Càn khôn đại nã di(*) để âm thầm hóa giải dư độc cho đối phương trên Quang Minh đỉnh(*). Nhưng về điểm này, có lẽ không có ai sâu sắc và nhân bản hơn cô bé A Tú(*) trong Hiệp khách hành(*).

Sử Tiểu Thúy(*) chỉ vì tranh hơi tức khí với chồng là Bạch Tự Tại(*) - chưởng môn phái Tuyết Sơn – mà bỏ núi ra đi, mang theo cháu nội là cô bé A Tú. Bà sáng tạo ra môn “Kim ô đao pháp” nhằm khắc chế “Tuyết sơn kiếm pháp(*) của chồng. Tuyết mà gặp mặt trời (kim ô) thì kết quả không nói cũng đủ rõ. Muốn đánh bại đối phương chưa hẳn vì hận thù mà chỉ cốt để hả hê và dương danh với đời, tâm sự đó của Sử Tiểu Thúy cũng chính là tâm bệnh của những học giả sính tranh luận và bút chiến. Để thực hiện điều này, hai bà cháu phải gấp rút tập luyện nội công và kết quả là bị tẩu hỏa nhập ma. Chi tiết nho nhỏ nhưng sâu sắc này sao lại giống với cảnh các học giả luôn tìm cách tra cứu những “tư liệu giá trị thấp” để kịp thời tham gia bút chiến đến thế! Và không hiểu suốt cổ kim đã có bao nhiêu học giả bị “tẩu hỏa nhập ma” tinh thần? Hai bà cháu phái Tuyết Sơn may mắn nhờ thần công của Thạch Phá Thiên(*) cứu mạng, còn các học giả có lẽ chỉ còn cách chờ đến... cơ duyên. Mà si tâm càng nặng thì cơ duyên lại càng khó gặp.

Thạch Phá Thiên được Sử Tiểu Thúy nhận là “khai sơn đồ đệ” để chuẩn bị cho cuộc đấu với Bạch Vạn Kiếm(*), vừa là con trai bà vừa là nhạc phụ tương lai của Thạch Phá Thiên. Đó là một cuộc “tranh luận” không khoan nhượng về võ công để bảo vệ cái danh. Thua thì thanh danh tàn tạ, còn thắng thì được huênh hoang với đời. A Tú đã khéo léo dạy cho Thạch Phá Thiên chiêu “Bàng xao trắc kích” để vừa bảo vệ được mình lại vừa cứu vãn được danh dự cho đối phương. “Bàng xao trắc kích” có nghĩa là “đẩy bên cạnh, đánh bên hông”. Đặc điểm của chiêu này là khi đánh cho đối phương sắp rơi kiếm, thì người sử dụng bèn vờ chém một vài đao để đánh lừa người xem rồi thu đao lại, vòng tay cung kính nói: “Võ công các hạ quá cao, chúng ta bất phân thắng bại, tại hạ xin hòa!” Người ngoài không một ai hay biết, ngỡ rằng cả hai xứng đáng là “kỳ phùng địch thủ” (!), còn người trong cuộc thì nhận ra được vấn đề mà không bị tổn thương danh dự. Chỉ những học giả nào sử dụng được chiêu thức đó mới đạt đến đỉnh cao thực sự của trình độ và nhân cách trong tranh luận (ví dụ Trần Trọng Kim khi tranh luận với Phan Khôi về Nho giáo).

Khổng Tử, một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã cho hậu thế nhiều bài học cực kỳ sâu sắc. Ông là người tập đại thành các định chế về lễ nghi pháp độ, đặt nền tảng cho một xã hội lễ trị hơn mấy ngàn năm tại những quốc gia Đông Á, vậy mà khi vào thái miếu(1), ông thấy việc gì cũng hỏi về lễ nghi. Có người thấy vậy liền nói: “Ai bảo rằng con trai người ấp Trâu(2) kia biết lễ? Vào nhà thái miếu mà thấy việc gì cũng hỏi”. Khổng Tử nghe vậy, bèn nói “Ấy là lễ vậy!” (Tử nhập thái miếu, mỗi sự vấn. Hoặc viết: “Thục vị Trâu nhân chi tử lễ hồ? Nhập thái miếu, mỗi sự vấn”. Tử văn chi, viết “Thị lễ dã” - Luận ngữ, Bát dật, 15).

Ông tổ của lễ nghi pháp độ lại khiêm tốn đi học hỏi chữ lễ, giống như cha đẻ của Microsoft là Bill Gates xin được chỉ bảo về cách sử dụng hệ điều hành Windows! Điều đó khiến hậu thế chúng ta có thêm một phen để hiểu về chiêu “Bàng xao trắc kích”. Và chắc chắn cái chiêu thức đơn giản đó của cô bé phái Tuyết Sơn vẫn luôn còn giá trị nhân bản, khi nào những học giả khắp Đông Tây vẫn còn thí sinh hơn thua trong bút chiến.

(NĐB 27-01-2011)
_______________________________________

(*) Tên người, tên nơi chốn, và tên các thế võ trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

1. Miếu thờ ông Chu Công Đán, em trai vua Vũ vương nhà Chu, được phong ở nước Lỗ, thời Xuân Thu bên Trung Hoa.

2. Chỉ ông Thúc Lương Ngột là phụ thân của Đức Khổng Tử. Ông từng làm quan đại phu cai trị ở ấp Trâu, thuộc nước Lỗ, thời Xuân Thu.

25 thg 1, 2011

Giao thừa cuối tôi còn có nội

Sắp Tết rồi. Đầu hôm tôi nhận được bài này của bạn KA, cựu học sinh Trường Cần Giuộc (không biết khóa nào). KA đang học ở Nga, chuyện viết về Ông nội của mình (KA). Bài được đăng trong mục "Xuân quê hương" của báo VnExpress. Nội dung thế nào thì các bạn đọc xong rồi tự cho nhận xét, tôi đưa lên đây coi như chút gì đó "cây nhà lá vườn" đón...Ông Táo (thực ra cái tôi mong chính là sự đóng góp của các bạn!). Chúc mọi người...đi chợ Tết vui vẻ! Ai có đi thì cho tôi gửi mua một chút...kỉ niệm tuổi thơ :)

******
Giao thừa cuối tôi còn có nội

(Trần Mỹ Kim An - Tomsk, Liên bang Nga)
Nguồn:
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Xuan-Que-huong/2011/01/3BA25C45/

Năm đó tôi may mắn được chúc Tết nội đầu tiên, dĩ nhiên ông phải cho tiền lì xì rồi. Nhưng vẫn thích hơn nhiều cái cảm giác được ngồi cùng ông nhấp rượu. Là con gái nhưng được cho uống rượu, mà lại được uống với nội vào lúc giao thừa.

Giả sử thời gian có quay trở lại, tôi ước mình được về lại với không khí tết của 3 năm về trước - cái Tết gần đây nhất mà mình còn ở Việt Nam.

Một năm đầy biến động đối với tất cả mọi người trong gia tộc khi bà tôi đột ngột qua đời. Mọi sự ngỡ ngàng cùng với nỗi đau không tả lại càng ám ảnh từng người, từng người khi không khí Tết càng đến gần. Mà đau nhất chắc là ông tôi. Hơn 60 năm trời gắn bó, giờ ông chỉ còn lại một mình với một khoảng trống mênh mông.

Ừa rồi thì cũng phải lo mà đón Tết. Năm ấy mọi người về đông đủ và thường xuyên hơn, chắc vì muốn xoa dịu bớt phần nào sự tĩnh lặng của không gian khi vắng bóng bà.

Sáng 30 thì mẹ đã đi chợ Tết xong xuôi. Cha trưng xong mấy bình bông lớn. Chủ đạo vẫn là những bông hoa vạn thọ. Màu vàng, màu da cam với dáng tròn tròn đầy đặn của những đóa hoa cùng mùi hương nhẹ nhẹ làm không gian trong nhà sáng bừng lên và trở nên dịu mát. Ở bàn thờ chính thì một cái độc bình lớn đầy những hoa là hoa. Rồi trên đó còn trưng hai trái dưa hấu to đùng có dán tờ giấy đỏ mà lũ nhỏ chúng tôi đâu hiểu đó là chữ gì. Rồi mứt dừa, hạt dưa, thèo lèo, mứt bí với cả món mứt cà mà ở nhà mẹ tự làm trưng lên đó. Trắng, đỏ, xanh, vàng, đen... nhiều màu sắc, nhìn vui lắm. 

Không ai cho ông làm gì, nhưng ông cũng đi vòng vòng để quan sát và chỉ đạo vài việc có liên quan đến vẫn đề tâm linh. Mắt ông vẫn mờ mờ, ngân ngấn nước. Không hiểu ông nghĩ gì hay tại mắt ông vốn yếu từ hồi đó tới giờ. Trong nhà phản phất mùi nhang trầm, lúc thì nghe gắt gắt lúc thì nghe thoang thoảng hương, cảm giác không khí trở nên trang nghiêm hơn và quyện với mùi hoa, với những làn gió mát nhẹ từ ngoài vườn mai nở đầy - đúng là Tết.

Chuẩn bị nhộn nhịp từ giữa trưa, mà tới gần xế chiều mới bắt tay vào gói bánh. Mọi người về đông đủ rồi, ngồi xoay lại thành một vòng tròn trong bếp, chính giữa bày đầy gạo nếp, nhân bánh, lá chuối và dây lạt... Nội thì ngồi trên cái võng gần đó mà quan sát. Năm ấy chỉ ưu tiên cho những ai thuộc hàng dâu con của nội mới được gói. Mọi người muốn tạo lại hình ảnh của những ngày còn thơ ở nhà với ông bà thì phải. Cũng tị nạnh, cũng phân bì, so sánh hơn thua, ai gói đẹp xấu, cũng cười nhau khi ai đó lỡ tay tạo ra được một đòn bánh tét hơi bị meo méo, cũng khoe với nội khi có được một tác phẩm đẹp hay cầu cứu ông khi bị mọi người nói hơi lâu. Nội cũng bình phẩm theo, cũng khen ngợi hay chê thẳng tay khi thấy “xấu không chịu nổi”. Cảm giác hình như những người lớn hôm ấy đều quay lại thành trẻ con, và trong mắt nội ánh lên những tia cười quý báu.

Mẹ thì không tham dự vào cuộc thi gói bánh đó, vì mẹ phải lo nấu ăn. Mẹ bận đến mức gần như quay quay cả chiều tối. Rất nhiều món ăn ngày Tết được chuẩn bị sẵn để cúng giao thừa và dành cho bữa ăn tất niên. Những trái khổ qua dồn thịt no căng với những sợi hành vắt ngang hờ hững, món hột vịt kho thịt thì bóng lên nhờ những váng mỡ cùng với màu nâu nhạt của nước màu làm bụng dạ cứ cồn cào mỗi khi nhìn thấy, còn món gỏi vịt thì dậy lên vị chua thanh thanh của chanh, của giấm, mùi thơm của quế, của nước mắm gừng... giờ nghĩ lại vẫn thấy nao nao trong lòng. Còn nhiều món nữa, nhưng nhớ nhất là đĩa rau sống với những loại rau do chính nội trồng trong vườn: dấp cá, quế, ngò gai, cải bèo với những lát khế như hình sao năm cánh... Có lẽ nhờ những cọng rau ấy mà tôi cảm thấy thương khu vườn nhà nhiều hơn. Đến bây giờ đã có thể nói là quen với cuộc sống lạnh giá ở vùng Siberia của Nga này, thì đã chấp nhận được sự thật là cái ước muốn được ngửi thấy mùi rau trên chỉ có thể thực hiện trong mơ hoặc là phải chờ thêm 2-3 năm nữa...

Bánh gói xong rồi thì được xếp vào nồi, rồi bắt một cái bếp thật lớn ở sân sau để nấu. Cắm một cây nhang cạnh nồi để canh thời gian, việc còn lạ là lâu lâu coi nước cạn nồi chưa để đổ vô cho ngập bánh. Cả nhà tôi đều lên nhà trước, ngồi uống trà, và trò chuyện, có vẻ như là nói ở đó thì ông bà tổ tiên nghe rõ hơn hay thật ra đơn giản chỉ vì trên đó đủ chỗ và tiện hơn.

Ngồi một hồi lâu lâu thì mọi người kể cả cha mẹ tôi được nội "đuổi" đi về hết vì “ở đây xong việc rồi, tụi bây về mà lo cúng kiếng trong nhà trong cửa cho đàng hoàng, năm mới năm mẻ không được để nhà lạnh lẽo...”. Rồi thì may mắn còn tôi ở được lại. Một sự may mắn mà trong đời đã không thể còn có lần thứ hai.

Cái nồi bánh cứ sôi sùng sục ở sân sau, nội nói lâu lâu chạy xuống coi là được nhưng vì là năm đầu tiên được giao việc trọng đại này tôi nhất định đòi ngồi coi cái nồi thường trực (vì muốn giống trên tivi, tôi kéo cái võng xếp ra nằm cạnh đó mà ngắm bếp lửa và nhắn tin quậy phá bạn bè). Nội cũng đi lên đi xuống, nhưng thật ra là coi chừng tôi, vì ông sợ tối rồi, nằm ngoài trời thì bị lạnh. Nội đành cầm cho cái mềnh mà quấn. Nội một mình ở nhà trên. Không biết lúc đó ông nghĩ gì, giờ nhớ lại mới biết mình thiệt tệ. Phải chi lúc đó đeo sát bên nội để ông không phải đối mặt với sự lặng lẽ của căn nhà, của khoảng trống mà vào năm trước, bà tôi còn ở đó...

Gần tới giao thừa mới có thể vớt bánh ra. Nội biểu lấy cái chậu, đổ đầy nước, lấy bánh ra thì nhúng ngay vào đó rồi treo lên. Nội có giải thích làm như vậy để làm gì, nhưng giờ quên mất tiêu rồi. Một hàng bánh tét, từng đòn, từng đòn treo lủng lẳng trên cái sào bắt ngang kệ chén và cái bàn trong bếp. Tự nhiên cảm thấy nhà mình giàu có lạ.
Gần 12h đêm rồi, lên nhà trước bưng mâm trái cây với bình bông huệ đỏ ra sân để nội cúng giao thừa. Rồi cùng nội đi thắp nhang tất cả bàn thờ trong nhà. Không giống như mọi người thường nói, nhà tôi không trưng dừa, chỉ "cầu đủ vàng xài" (mãn cầu, đủ đủ màu vàng, xoài và một số loại quả đẹp mắt khác). Thật ra ý là mong muốn "làm ăn phát đạt để mà có dư giả về sau, chứ vừa đủ xài hoài thì chừng nào mới khá lên nổi", mẹ tôi giải thích thế.

Đúng giao thừa thì trên TP HCM có bắn pháo hoa, nhà tôi ở vùng giáp ranh thành phố của tỉnh Long An nên mỗi năm tôi có được cái may mắn biết được năm nay thành phố đốt pháo lâu hay nhanh. Chưa lần nào trong đời tôi được xem tận mắt, Tết đến, lại nôn nao hướng về cái góc trời cứ chớp nhoáng lên ánh sáng của những đợt pháo mà lắng nghe. Năm nay thì được nghe với nội. Mắt nội thì hơi yếu, tại hồi đó phải mổ thủy tinh thể, còn bà nội hồi xưa thì hơi lãng tai. Nhưng trước đó, chẳng bao giờ tôi quan tâm tới việc ông bà có để ý tới pháo hoa ngày Tết không. Năm bà còn, tôi nói với mẹ về đón giao thừa với ông bà, nhưng lại bám gót mấy anh chị em họ, đi ra mé bờ sông để coi pháo hoa cho rõ, chán chê rồi thì lủi thủi trở về nhà nội mà ngủ. Ông bà cũng không nói gì, vì biết cái sự ham hố cùa con tụi cháu mình. Ước gì ngày đó tôi đủ lớn để biết những gì trong đời là quý giá, là thiêng liêng và không thể lặp lại bao giờ...

Năm nay tôi may mắn, được chúc Tết nội đầu tiên, dĩ nhiên ông phải cho tiền lì xì rồi. Nhưng giờ vẫn thích hơn nhiều cái cảm giác được ngồi cùng ông nhấp rượu. Là con gái nhưng được cho uống rượu, mà lại được uống với nội vào lúc giao thừa. Cứ cười hí hửng cười với khái niệm ly rượu đầu năm, ngồi chung mâm với nội. Rượu cay nồng, khó uống lắm, nhưng cũng ráng làm cho xong cái chung nhỏ để sáng mai còn khoe với mọi người. Không cho nội uống nhiều, vì cả ngày nay ông cũng đã mệt rồi.

Hỏi ông tại sao lại uống rượu khi mà nó chẳng ngon lành gì, rồi hỏi về Tết hồi đó, về cuộc sống hồi xưa, về bà con họ hàng... Hỏi nhiều lắm, mà hình như lúc đó thấm rượu hay do buồn ngủ mà giờ không rõ là mình nhớ được bao nhiêu. Nội nhìn mặt chắc cũng hiểu, nên biểu dọn dẹp sơ đồ vào nhà, rồi đóng cửa đi ngủ. Nhảy lên giường, ôm lấy cái mềnh, vậy là xong một ngày lăng xăng giữa hai năm cũ - mới. Hình như trong chập chờn giấc ngủ nghe tiếng võng đưa vọng từ nhà trên và mùi nhang thơm ngày Tết...

Năm nay là cái Tết thứ ba tôi xa nhà. Tôi thi vào Đại học Sư phạm, rồi nhận được học bổng đi Nga. Ngày đi thì vẫn chưa mãn tang bà nội, ông biểu cha mẹ tôi làm mâm cơm, rồi ông thắp nhang xin bà cho tôi được tháo bỏ vành khăn mà nhẹ nhàng hơn để đi học xa. Mất mát một lần trong đời giúp tôi hiểu được nỗi đau sinh tử. Ông biết tôi lo sợ gì nên cứ nhắc đi nhắc lại “Ông đợi con về...”. Nhưng sự thật là cuộc đời đâu phải lúc nào cũng như người ta mong đợi. Ông ở lại đón một cái giao thừa khác mà lúc đó tôi đã phải vất vả vô cùng với chính mình và nỗi nhớ nhà, nhớ ông trên vùng đất Siberia. Lần cuối cùng nội đón Tết và cũng là cái giao thừa cuối mà tôi còn có ông.

Thời gian thì cứ trôi và không làm sao ngăn lại được nhưng trong tôi có những phút giây đã đứng lại và quá khứ sẽ mãi đồng hành cùng tôi. Một tuổi thơ dại khờ đã nhiều lần để vụt qua những cơ hội được gần gũi, được yêu thương những người thân. Cái ước muốn "giá như được sống lại những ngày ấy, để ..." tôi biết rằng là không thể, giờ tôi chỉ có thể nhớ về những ngày đó và biết rằng mình đã luôn được yêu thương. Cuộc sống vẫn cứ đi về phía trước, ngày hôm qua giúp tôi hiểu rằng tôi đã nhận được nhiều, và tôi cần phải xứng đáng hơn với những niềm tin yêu ấy.

21 thg 1, 2011

Thời vắng những nhà văn hóa lớn?

(Trần Hữu Dũng)


Trong một lần gặp gỡ một nhóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên khi chẳng em nào trả lời tôi được! Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến Lê...  Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng những nhà văn hoá lớn? 

1.

Thế nào là một nhà văn hoá lớn? Tất nhiên, xã hội nào cũng có những trí thức, những người tham gia (có thể rất tích cực) vào hoạt động văn hoá trong lãnh vực này hoặc lãnh vực nọ... Song, những nhà văn hoá lớn có một vai trò vượt trội những trí thức khác, và không phải bất cứ xã hội nào, lúc nào cũng có những nhà văn hoá như thế. Đó là những người mà sự uyên thâm và nhất là tính kiên trì nghiên cứu (nhiều khi lặng lẽ), năng suất làm việc phi thường (hàng mấy chục quyển sách, hàng trăm bài báo, chằng hạn) hầu như là huyền thoại trong dân gian. Chính tư tưởng của họ “định nghĩa” tính thời đại của một nền văn hoá. Nhà “văn hoá lớn”, nói cách khác, là người có những suy nghĩ vừa sâu vừa rộng, đưa ra những khám phá, lập luận, có tính tổng hợp, liên ngành (ví dụ như lịch sử văn học, triết học nhân chủng học), không bị giới hạn trong một ngành chuyên môn nào. Nhà văn hoá lớn là người có những ý tưởng độc đáo, hoặc có biệt tài tổng kết nhiều luồng tư tưởng khác nhau, từ nhiều lãnh vực khác nhau. Người ấy luôn luôn bám chặt vào những tiêu chuẩn học thuật cao nhất. Qua công việc nghiên cứu của họ, họ khơi dậy sự quan tâm, nâng cao trình độ thảo luận về những vấn đề lịch sử, xã hội, văn minh... nói chung là văn hoá.   

Một nhà văn hoá lớn còn phải là một nhà văn hoá dấn thân, nghĩa là, dù tư tưởng của họ có trừu tượng đến mấy, sự chọn lựa chủ đề của họ, hoặc cách tiếp cận chủ đề ấy, luôn luôn có một khiá cạnh nhân bản, hoặc là xuất phát từ những sự trăn trở đối với những vấn đề căn bản của xã hội, của con người (đặc biệt là, nếu hoàn cảnh bắt buộc, những vấn đề liên hệ đến tự do và nô lệ, đến chiến tranh và hoà bình). Nếu đã được đào luyện như là nhà khoa học, một nhà văn hoá lớn có trách nhiệm suy nghĩ về tính nhân văn, tính xã hội của ngành khoa học ấy. Văn hoá, tự thân, là một hiện tượng công cộng. Nhà văn hoá lớn có khả năng khuếch trương tính công cộng của khoa học mà không hi sinh chuẩn mực học thuật. Một nhà văn hoá lớn cống hiến cho xã hội một hệ tư tưởng, nhất là trong lãnh vực xã hội và nhân văn, có khả năng khuấy động những trao đổi, đóng góp của những người khác trong lãnh vực ấy, và qua đó, làm giàu cho sinh hoạt tư tưởng của xã hội.  

Nhà văn hoá lớn ngày nay cần phải theo dõi khít khao các luồng tư tưởng về văn hoá, chính trị, kinh tế... thế giới, bởi thế khả năng ngoại ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, một nhà văn hoá lớn Việt Nam phải là người nhìn những luồng tư tưởng ấy qua lăng kính dân tộc và văn minh của người Việt Nam. Nói khác đi, một nhà văn hoá lớn phải đặt vấn đề văn minh của dân tộc (dù chỉ để phủ nhận nó, nếu muốn!) làm một trọng điểm của ý thức. Kiến thức là thiết yếu, nhưng một nhà văn hoá lớn phải đem kiến thức ấy phục vụ mục đích nhân văn. Nhà văn hoá lớn ngày nay phải thấm nhiễm tư duy “toàn cầu hoá” nhưng cũng phải có một thái độ rạch ròi về hậu quả của hiện tượng này đến những vấn đề quốc gia và dân tộc.  

Những nhà văn hoá lớn là những ngôi sao đặc biệt sáng ngời trong bầu trời có thể đã rất nhiều sao. Những nhà văn hoá lớn không nhất thiết là những thiên tài bẩm sinh (thậm chí, họ càng đáng nể phục, càng nhiều ảnh hưởng, nếu công trình văn hoá của họ là do sự kiên trì nghiên cứu, tự học...).  Một nhà khoa học xuất chúng có thể đáng ngưỡng mộ nhưng chưa chắc đã là một nhà văn hoá lớn theo nghĩa ở đây.                                                             

2.

Nếu định nghĩa những nhà văn hoá lớn theo cách đó thì rõ ràng là chúng ta, hiện nay, rất thiếu những nhà văn hoá lớn. Tại sao như thế?  

Nhiều người sẽ đổ lỗi cho xã hội. Xã hội không bồi dưỡng những nhà văn hoá nói chung thì làm sao có những nhà văn hoá lớn?  Sự thiếu tôn vinh này quả là đáng tiếc nhưng chưa đủ để giải thích sự thưa vắng những nhà văn hoá lớn, vì sự thực là, như lịch sử cho thấy, đại đa số những người này không làm việc vì tiền, hay để được xã hội tôn vinh, khen ngợi. Họ cật lực suy nghĩ, viết lách, giảng dạy... vì một sự thôi thúc nội tâm, không phải vì những phần thưởng từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều người hãnh diện vì đời sống “khổ hạnh” của mình.    

Giả thuyết thứ hai, liên hệ đến giả thuyết thứ nhất, nhưng có vẻ thuyết phục hơn. Dường như ngày càng nhiều phát giác những vụ đạo văn, những vụ lừa bịp, nói chung là những hành động thiếu đạo đức của một số người đã có thời được xem là những “đại thụ văn hoá”. Có thể giải thích rằng những hành động thiếu đạo đức ấy là sự sa ngã do cám dỗ của một xã hội quá trọng vật chất. Những người đáng lẽ là “anh hùng” té ra lại có những cặp chân bằng đất sét.   

Bởi vậy, sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn, tôi nghĩ, chỉ phần ít là lỗi của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức (là vườn ươm những nhà văn hoá lớn). Oái oăm là, như vẫn thường nói, “thời thế tạo anh hùng”, thì “thời thế” ngày nay không đến nỗi quá bức xúc để anh hùng “đứng lên”. Cái “lỗi” của xã hội hiện tại không phải vì nó tích cực trù dập những hạt giống văn hoá lớn, nhưng ở sự làng nhàng, sự tầm thường tẻ nhạt cuả nó. Các vấn đề căn bản của xã hội, của con người, đòi hỏi những công trình văn hoá dài hạn, song những “khích lệ” cho các công trình văn hoá trong xã hội ngày nay, nếu có, lại có tính ngắn hạn. Có một sự so le giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng văn hoá. 

Nhiều người sẽ cho rằng sự thiếu vắng những trí thức lớn còn có một nguyên do khác, rằng một người trí thức “công cộng” phải được phép tự do phát biểu. Một việc còn rất hạn chế trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng theo tôi, yếu tố thật cần là những cuộc tranh luận, nghĩa là cần những nhà văn hóa lớn khác, và những cuộc tranh luận đó phải bình đẳng, tôn trọng những tiêu chuẩn học thuật phổ quát. Trong tranh luận văn hoá, không ai được quyền dựa vào một thế lực nào ngoài văn hoá. 

Có thể rằng, là một nhà văn hoá lớn ngày nay cần có những kiến thức, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và kiến thức về sinh hoạt văn hoá toàn cầu, hơn bao giờ hết. Nhưng không hẳn là như vậy: có cả vạn người, hàng ngày luớt web khắp thế giới, nhưng chưa bao giờ thực sự là nhà văn hoá. Những thông tin họ biết là hời hợt, nông cạn. Bởi vậy, cái nghịch lý của nhà văn hoá lớn ngày nay là phải vừa biết nhiều, nhưng không cần biết hết, mà phải biết sâu. Phải biết tổng hợp những điều mình nghe thấy với những suy nghĩ của riêng mình. Đây cũng có thể là một lý do của sự thưa vắng những nhà văn hoá lớn, tuy số “trí thức khoa bảng” thì ngày càng nhiều: Với sự chuyên biệt hóa ngành học, ngày càng hiếm đi những người thông thạo nhiều ngành khác nhau, có đủ sức tổng hợp thành một hệ thống tư tưởng độc sáng. 

3.

Xác nhận sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn là một việc, kết luận rằng đó là một sự kiện đáng quan ngại lại là một việc khác! Bởi, có người sẽ hỏi: tại sao chúng ta cần những nhà văn hoá lớn? Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước (và chúng ta không bao giờ thiếu những nhà thơ, nhà văn!).  Như vậy không đủ sao? Tôi nghĩ là không đủ. Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hoá không đến nỗi nghèo nàn... Nhưng chúng ta cũng cần những tinh hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hoá của xã hội ấy.

Nhưng tầm vóc của một nhà văn hoá không phải ngày một ngày hai mà có đuợc. Hãy hi vọng rằng ngay giờ phút này đây đang có những nhà văn hoá trẻ miệt mài xây dựng sự nghiệp văn hoá của mình. Cho những ngưòi trẻ này, vào những ngày xuân hôm nay, chúng ta nâng ly chúc mừng và chúc các bạn kiên trì, may mắn, cho bạn, mà cũng cho chúng ta.

(TBKTSG Số Xuân Tân Mão 2011)

16 thg 1, 2011

Cobh (Queenstown) - Titanic - Phần 1

Thời điểm này người ta đang tất bật lo đón Tết mà tôi đưa mấy cái ảnh từ mùa thu lên đây nên có lẽ hơi tréo ngoe một chút. Thôi kệ, tôi cứ túc tắc cắt tỉa trang này, rảnh lúc nào làm lúc đó. Hì hì, có lẽ trang này nhạt nhẽo quá, không xôm tụ như ở FB nên tôi thấy bên FB có hơn ba trăm cựu học sinh tham gia nhưng blog này chỉ lèo tèo vài ba mạng :). Chúng tôi làm những trang như thế này mục đích là kết nối anh chị em cựu học sinh Trường, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong cuộc sống và học tập. Cho nên, sẳn đây tôi nói luôn, mục đích trang này là chia sẻ thông tin nên khi thấy điều gì hay hay và có ích là tôi rinh về đây (có đề nguồn) để các bạn có thể xem. Tôi không có thời gian nhiều nên không thể ngồi lại mà viết bài mới được nên bạn nào có thắc mắc sao trang này lấy bài của người khác về đây nhiều quá mà không có bài viết của chúng tôi thì xin thông cảm giùm :). Với lại, trên tinh thần chung là chia sẻ, nên (lẽ ra) bạn nào thấy thế mà viết bài đóng góp vô đây thì chúng tôi cảm ơn rất nhiều (và những gì người ta viết đã hay rồi thì tôi nghĩ mình tham khảo vẫn tốt hơn là ngồi...bàn lại) :) !

Trở lại vấn đề chính, tôi đưa mấy tấm hình phía sau lên đây vì nó có liên quan tới một câu chuyện cũng nổi đình nổi đám, tàu Titanic. Nhớ hồi năm đầu tiên vào đại học, đi đâu tôi cũng thấy người ta bàn về phim này, nhất là các người đẹp! Nếu tôi nhớ không lầm thì hình của chàng Jack và nàng Rose đứng dang tay trên mũi thuyền còn chui tọt vô cả...Phòng đào tạo của Đại học đại cương (chắc là tác phẩm của người đẹp duy nhất làm ở phòng này, tôi không nhớ tên nhưng sau khi giải thể Đại cương thì nàng về bên Sư phạm kĩ thuật). Thiệt tình thì tôi cũng...chưa coi bộ phim này, chỉ biết đại khái cốt truyện thôi :). Gần trăm năm trước Titanic được hạ thủy ở Belfast (Bắc Ireland, Anh) rồi đi qua Southampton để đón du khách đi New York (nghe nói chỗ đóng tàu giờ chỉ còn sót lại vài chứng tích, tôi có đi ngang qua nhưng chưa ghé lại, khi nào có dịp sẽ đưa lên sau!). Từ Southampton nàng qua Cherbourg (Pháp) và ghé lại Cobh (Cork, Ireland) để đón thêm khách trước khi ra Đại Tây Dương trực chỉ hướng New York. Bi kịch xảy ra ở đoạn cuối, chưa kịp tới miền đất hứa thì nàng Titanic đã ngủ yên dưới lòng Đại Tây Dương, để gần trăm năm sau mấy chàng cao bồi Hollywood (lại người Mĩ) "vớt" lên phim cùng với câu chuyện tình yêu lãng mạn khiến cho bao cô gái phải đau tim một thời :)



Cảnh ở Belfast (nhưng không có chỗ đóng Titanic). Cái cầu treo ở trên tên đầy đủ là Carrick-a-Rede Rope Bridge, nghe nói đâu là có quay trong phim Indiana gì đó (?) (tôi không rõ), nhìn vậy nhưng đi qua cũng...run, bắc qua vực thẳm cheo leo mà gió thì thổi ào ào dưới chân trong khi cái cầu thì đung đưa như đánh võng (gió ở cái xứ này thì kinh khủng lắm). Cái ảnh dưới là Giant Causeway, kì quan thiên nhiên lớn thứ tư của UK, giống bãi Đá chồng ở Phú Yên. 


Còn đây là Cork (nơi có cảng Cobh), thành phố cảng phía đông nam của Ireland. Tiết trời mới chuyển sang thu nên cây cối vẫn còn xanh xanh.

"Tàu hải quân (người) ta đó, xếp hàng nối đuôi nhau, trông như từng dãy phố...". Không biết dịp gì mà tàu hải quân của nhiều nước vào cập cảng Cork quá trời, lại còn có mấy nàng cảnh sát xinh đẹp đứng trên bờ canh nữa.
Ga đi Cobh, nhìn cũng na ná ga...Hòa Hưng :).Thực ra đoạn đường sắt này chỉ phục vụ cho khách đi Cobh và về lại trung tâm Cork thôi nên nhìn nó cũng không hiện đại lắm.

Tranh thủ chụp cái hình treo ở chỗ nhà trưng bày ngay bến cảng Cobh. Cảng này ngày xưa nhỏ nên Titanic không vào được, phải dùng thuyền nhỏ chở người ra, vô.


Mấy cảnh chỗ cầu cảng ngày xưa. Nhìn đã đời mới thấy chữ Titanic :)

Đây! Nhân vật chính nè. Cây cầu gỗ chỏng chơ này ngày xưa đón khách từ...Titanic lên bờ đó :). Để từ từ, nhìn từ xa tới gần cho nó rõ.

Nhìn thấy thảm quá trời!  Trông giống mấy cái cầu đò dọc bến sông ở nhà mình. Không biết trong phim Titanic có quay cái cầu này không ta!(?). Lúc chưa đến đây, nghe nói đây là nơi Titanic ghé lại cuối cùng, trước khi chìm xuống đại dương thì có ai mà nghĩ nó...rệu rã thế này? Mà thôi, gần trăm năm thì còn cái gì mà tồn tại (?)!

Ảnh chụp ban ngày nhưng nhìn cứ như giữa đêm trăng.

Tượng của ba chị em nàng Annie Moore trên bến cảng (kế chiếc cầu gỗ), những người Irish đầu tiên di cư đến New York qua đường Ellis Island (năm 1891, http://www.ellisisland.org). 

Nhà thờ nằm trên đồi, nhìn xuống cầu cảng. Chỗ này cũng lên đồi xuống dốc y như ở Đà Lạt.

Bên trong giáo đường. Ngày xưa học môn Kiến trúc dân dụng, trong đó có phần kiến trúc Gothic, nhưng mãi tới sau này, khi đi vào những nơi tương tự như vầy tôi mới thấy rõ cái hay của nó! 

Titanic xong rồi đó, giờ thì lên tàu ngược lại và ghé sở thú chơi (trên đường về) :).

 
 
"Trưa một ngày sắp ngả sang đông. Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ" (Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ).

Thôi mệt rồi, tạm dừng ở đây, bữa nào làm tiếp nữa :)




11 thg 1, 2011

Thay lời muốn nói (11/2010) - Về miền Tây

Hôm qua thấy cái link của bạn có nickname là Comai Ho (cảm ơn bạn) có tựa đề "Về miền Tây" nên tôi cũng tò mò vô YouTube xem thử thì mới biết đó là chương trình "Thay lời muốn nói" của HTV. Cũng mười mấy năm rồi, từ hồi vô cấp 3 tới giờ tôi không có thói quen coi ti vi, ngoại trừ chương trình thời sự nên tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi biết HTV làm chương trình hay như thế này [lạc hậu quá :)] ! Đầu tiên tôi vào xem cũng do...tò mò vì thấy có mấy chữ miền Tây nhưng coi được một đoạn thì thấy được quá nên dừng công việc lại và làm hết luôn cả series. Đây là trọn bộ 7 video trên YouTube, có nhiều đoạn cũng hơi sướt mướt (rặc miền Tây) nhưng cảm thụ thế nào là tùy mỗi người, tôi đưa hết lên ở đây cho các bạn tiện theo dõi, nếu ai thích thú.

*******
Thay lời muốn nói (11/20100) - Về miền Tây

 

Kiên nhẫn! Clip đầu tiên chủ yếu là phần giới thiệu nên chưa có gì đặc sắc cả. "Ăn suốt 3 tháng mùa nước nổi rồi nhìn tới bông điên điển ngán tới bản họng luôn", haha, đúng là phương ngữ miền Tây. Mấy năm trước tôi có dịp đi công tác ở An Giang mấy ngày, bữa nào cũng thịt chuột, bông điên điển như MC Quỳnh Hương nói (cô này cũng dân Long An), đúng là...ngán tới bản họng luôn :)


Bắt đầu vào nhịp! "Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi". Ngày nay đi miền Tây có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ rất tiện nhưng tôi vẫn thích đi qua mấy cái bắc như hồi xưa. Bây giờ mọi thứ thay đổi thế nào tôi không rõ vì chưa có dịp về lại nhưng hồi trước qua bắc Mỹ Thuận thì đẹp vô cùng (nhớ bài "Tràng giang" của Huy Cận). Sông Cửu Long nước chảy xiết nhưng không dữ tợn, nhìn vẫn hiền hòa, phóng khoáng [như người miền Tây :)].


Sông Vàm Cỏ: nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng...Ngày trước đi ngang cầu Tân An nhìn xuống nước xanh xanh nhưng do xe chạy nhanh quá, và cảnh trí cũng không có gì đặc biệt nên tôi cũng không có ấn tượng gì cả. Thời sinh viên thỉnh thoảng tôi cũng hay về đó chơi nhà mấy đứa bạn học. Một lần, lúc hoàng hôn, tụi tôi kéo nhau ra ngồi uống cà phê ở bờ kè dọc sông Vàm Cỏ thì tôi mới giật mình (quán Trung Nguyên gì đó, ngay chân cầu dây đi ra chút xíu). Đẹp mê hồn! Đúng là nước (trong) xanh biêng biếc, chiều buông lặng lặng, êm ả. Dọc mấy bãi ô rô ven sông có một ông lão cần mẫn chống xuồng đi đặt lờ, nhìn rất tự tại mặc cho ngoài kia ghe xuồng xuôi ngược. Xa xa, trên cầu Tân An từng dòng người xe tấp nập, hối hả lên xuống như một dòng chảy vô tận. Thanh bình làm sao!

"Vừa đặt ba lô xuống là ông than:
  - Nhà mình xa quá má ơi! Con đi gần hai ngày mới tới!
Má tôi thoáng buồn và nói:
  - Mồ tổ mày! Tại con đi xa chứ nhà mình nào đâu mà có xa. Từ trước tới giờ, nhà mình vẫn ở đây. Má sanh con cũng ngay tại căn nhà này...
Hôm nay thì đã có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, rồi có rất nhiều xe tốc hành chất lượng cao, có cả ca nô cao tốc chạy về quê của tôi hết sức nhanh chóng, dễ dàng...thì...má tôi...không còn nữa...!!!".

Đúng là nghe mà đứt ruột! Đoạn này thì tôi không dám bình gì hết!!! 


"Làm rể miền Tây mà không biết nhậu là bất lợi", haha, nghe mắc cười muốn chết, nhưng...đúng à, về miền Tây họ mời uống mà không uống là...đi chỗ khác chơi :). 



"Ôi, đóa hoa tím trôi...líu riu. Dòng sông nước chảy liu riu, anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu...anh thương". "Con gái miền Tây giận thì giận, mà thương thì thì thương...". "Anh nhớ em đêm ngày. Anh sẽ về, sẽ về miền Tây...". Âm điệu nghe tê tái! Anh nào có người yêu ở miền Tây mà nghe bài này chắc lo ba chân bốn cẳng chạy về mau mau quá!


"Ví dầu tô chén úp chung, làm sao không khẽ, chẳng khua ơi người". Rồi cái ngu ngơ, khù khờ của đàn ông... Không có cái ngu (ngơ) nào giống cái ngu nào! Rồi..., rồi...!


Happy Ending.
"Miền Tây mỗi xứ một chùa, mỗi mùa một cảnh". Tôi thêm:...mỗi nhà (có) mỗi chuyện!

2 thg 1, 2011

Xin việc (Phần 2: Kinh nghiệm cá nhân)

(Đàm Hà Phú)
 
Xin nhắc lại rằng đây không phải là những gì trích từ trong sách của tôi (ngoại trừ mấy dòng in nghiêng ở phần trước), đây chỉ là văn chương blog và những ý kiến hoàn toàn mang tính chủ quan.

Bây giờ tôi xin nói tới kinh nghiệm cá nhân tôi, dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng với số đông nhưng tôi, trong một đặc điểm rất xấu của cá tính, luôn cho rằng mình đã đúng.

Theo tôi, một số các kỹ năng sau mà cho đến khi tốt nhiệp đại học một tân cử nhân bắt buộc phải có.

1. Kỹ năng viết:
Không gì có thể rèn luyện kỹ năng này tốt hơn việc đọc, đọc sách, đọc báo, đọc giáo trình…và những luận văn môn học, các bài thi mở hoặc luận văn tốt nghiệp là những cơ hội để trình bày khả năng viết của bạn, tập viết bài gửi báo (thực ra rất đơn giản, tôi sẽ trình bày ở một bài khác) và viết các kế hoạch hoạt động cho cá nhân và nhóm của mình. Khi có được kỹ năng này cộng với vốn tiếng Anh của trường, việc viết một cover letter hoặc CV trở nên đơn giản vô cùng.

2. Kỹ năng nói:
Một đứa trẻ cũng biết nói, nhưng nói trước đám đông, nói để thuyết phục người khác, nói để trình bày và chứng minh quan điểm của mình đòi hỏi cần có kỹ năng nhất định. Đừng ngại là người nói nhiều. Hãy nói khi có cơ hội, tập kể các câu chuyện, tập cách pha trò, luôn luôn gợi chuyện và trò chuyện với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi. Đến dự các buổi hội thảo, họp mặt và nếu có cơ hội, hãy phát biểu.

3. Kỹ năng hoạt động nhóm:
Luôn luôn tham gia các hoạt động đội, nhóm. Các hoạt động Đoàn là cách tốt nhất để rèn luyện kỹ năng này. Tôi xin cam đoan là tất cả các bạn đã từng là cán bộ Đoàn đều rất thành công trong tương lai. Lên kế hoạch, tổ chức các hoạt động, và nếu có cơ hội, hãy là thủ lĩnh.

4. Kỹ năng giao tiếp:
Học chỉ là một việc tiếp thu kiến thức, đừng quá để nó chiếm hết thời gian của bạn. Hãy ra ngoài. Đi làm thêm là cách tốt nhất để trở nên khôn ngoan hơn trong giao tiếp. Kết bạn và dành thời gian cho bạn bè cũng rất tốt để trở nên một người đáng mến.

Tôi nghĩ không nhất thiết để đối phó với cái gì cả, làm người sống trong cộng đồng ở thời buổi hiện đại này cũng bắt buộc phải có các kỹ năng trên, và điều đặc biệt là đừng cố dùng những kỹ năng đó, cứ để nó tự thay đổi bạn.

Bây giờ kể chuyện cá nhân tôi, các bạn nghe chơi chứ đừng bắt chước 100% nhé. Tôi nghĩ mình hơi cá biệt đấy.

Tôi không đi học, không đến lớp. Tôi uống rượu và đánh nhau suốt trong khoảng thời gian học ĐH. Nhưng về kỹ năng thì tôi tin mình có đủ các kỹ năng trên, nếu không nói là rất giỏi, từ trước khi ra trường. Tôi sinh hoạt Đoàn, thành lập một CLB, tổ chức các hội thơ sinh viên, đi đọc thơ ở NVH, viết bài gửi báo, và có rất nhiều bạn bè…

Khi ra trường, việc đầu tiên là tôi dành một vài tháng đi chơi đó đây, chu du một vòng cho nó thoải mái rồi mới nghĩ tới chuyện tìm việc.

Cá nhân tôi, tôi khuyên bạn nên loại bỏ, kể cả trong suy nghĩ của mình, chữ “xin việc”. Chúng ta không xin xỏ cái gì cả. Các công ty họ cần chúng ta cũng như ta cần họ. Chúng ta bán năng lực và họ mua. Do đó việc chào bán năng lực đòi hỏi phải khôn ngoan một chút, thật thà một chút và đẳng cấp một chút.

Trước hết là đầu tư cho bao bì sản phẩm. Quần áo, giày, cà vạt, bút, sổ…là những thứ cần có, tôi đã mượn tiền để giúp mình trông thật bảnh khi bắt đầu đi tìm việc.

Sau nữa, vì quan hệ bình đẳng nên cần có namecard để giao tiếp. Tôi in ngay một hộp card (Tôi nhớ hình như là chỉ 40.000Đ). Chỉ in thế này:

Đàm Hà Phú
Cử nhân kinh tế
Chuyên nghành: Kế Toán và Tài Chính Doanh nghiệp
Địa chỉ:

Lúc đó chưa có điện thoại di động, chưa có máy nhắn tin, email chưa phổ biến lắm nên địa chỉ là phương tiện liên lạc duy nhất. Còn bây giờ thì bạn cứ in thêm cellphone, homepage (blog), và email.

Tôi chụp ảnh (4x6) và luôn gửi kèm hồ sơ dù có được yêu cầu hay không, tôi nghĩ sẽ dễ hơn nếu người tuyển dụng hình dung mình như thế nào.

Tôi đến buổi phỏng vấn, bắt tay người phỏng vấn tôi, trao và nhận namecard, trả lời các câu hỏi một cách tự tin và luôn đặt những câu hỏi ngược lại để tìm hiểu về “đối tác”. Dĩ nhiên là tôi hỏng nhiều cuộc phỏng vấn, chủ yếu do tiếng Anh còn kém. Nhưng tôi cũng có việc dễ dàng hơn tôi tưởng

Đấy chỉ là khởi đầu. Khi qua vòng phỏng vấn. Các kỹ năng trên lập tức phát huy và tôi nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong công việc của mình.

Những lần tìm việc về sau đối với tôi thực sự là cơ hội để tôi hoàn thiện mình hơn rất nhiều. Tôi có thể đưa ra các kinh nghiệm sau:

- Hãy để các công ty săn đầu người coi bạn như tài nguyên bằng cách lưu và update hồ sơ cá nhân ở các công ty này.

- Hãy luôn để cho nhà tuyển dụng nhận ra họ gặp một đối tác thực sự, hãy tỏ ra tự tin và tự trọng. Ví dụ, tôi sẽ bỏ về nếu người ta bắt tôi phải chờ, tôi không chấp nhận điền bất cứ form thông tin ứng viên nào (vì mọi thông tin đã có đầy đủ trong CV của tôi, tại sao ông/bà không chịu đọc). Tôi luôn gửi mail cảm ơn nếu thấy hài lòng với buổi phỏng vấn cho dù có được tuyển hay không.

- Đừng quan trọng chuyện lương, nhưng cũng đừng mơ hồ về giá trị bản thân như kiểu: tùy công ty, lương thương lượng, lớn hơn hoặc bằng xxxUSD. Tôi luôn ghi rõ ra mức lương mong muốn kèm theo chữ Net và Non-negotiable đằng sau.

- Hãy ăn mặc và cư xử như người mà bạn muốn trở thành. Nếu tôi đi phỏng vấn làm Sales Manager tôi phải ăn mặc như một SM và cư xử như một SM, cho dù tôi chưa từng là SM.

(còn tiếp)