13 thg 11, 2010

Nhức cái đầu

(Lý Lan)

Đọc giữa chừng bản tin, tôi đóng sập máy tính lại. Bỏ ra vườn nhổ cỏ, tưới cây, hay ngồi trên hòn đá dưới bóng cây phong. Bên hòn đá có hai con cóc giả bằng nhựa tổng hợp, đặt nửa khuất nửa hở trong cỏ để trang trí. Trải năm bảy mùa mưa gió nắng tuyết, da cóc phủ đất và rêu, sần sùi xấu xí y như cóc thiệt. Có lần quên mất chính mình đã đặt hai con cóc giả trong vườn, tôi giật mình khi vừa ngồi xuống hòn đá là thấy ngay con cóc ngồi cạnh chân. Dần dần, dù ý thức là cóc giả, tôi vẫn thấy thân thiết, đôi khi tâm tình với chúng nữa.
Nhưng tôi chưa đến nỗi có những biểu hiện tâm thần như ngồi trên hòn đá lảm nhảm nói một mình, hay ấp con cóc vào ngực mà kể lể nọ kia. Tôi tâm tình với con cóc giả trong lòng tôi thôi. Mà chuyện này rất bình thường, chắc nhiều người từng trải nghiệm. Đồ vật, có khi bàn ghế, cây roi, cái chén… bất cứ vật gì, đều có thể trở nên vật có ý nghĩa với người nào đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều năm, tôi có dịp trở lại trường trung học cũ, trở vào phòng học cũ. Tôi ngồi vào chỗ cũ, tự nhiên bao nhiêu câu chuyện tận đâu đâu ùa về, tôi nhìn xuống mặt bàn gỗ đầy vết trầy vết khắc, chỉ chực tuôn ra một tỷ ngôn từ. Nhưng vì chung quanh có những người khác, không hề biết mối liên hệ giữa tôi và bộ bàn ghế ấy, tôi chỉ lặng im ngồi đó trong vài phút, cảm nhận rõ bàn ghế nhận ra mình, hiểu được lòng mình.
Bạn tôi ngày xưa có một người cha rất nghiêm khắc, dạy con bằng roi vọt. Chưa thuộc bài mà đã ngáp lên ngáp xuống, ba roi cho tỉnh lại. Đi đứng không ý tứ, đụng bàn làm rớt bể bình bông, hai roi. Đi học về trễ, cứ năm phút là cộng thêm một roi. Một hôm vào lớp, tôi thấy mu bàn tay của bạn hằn một vệt đỏ thâm. Bạn tấm tức kể là hôm qua bị cha đánh đòn đau quá, bạn đưa tay ra sau che mông, bị roi đét vào tay. Nước mắt ứa nơi khóe, bạn nói bạn chưa bao giờ cảm thấy yêu kính cha mình, và những lằn roi chỉ khiến bạn thêm căm ghét ông. Lúc đó bạn còn nói sẽ hận cha mình suốt đời. Mười tám tuổi bạn đã vội vã lấy chồng, để không phải ở chung một mái nhà với cha.
Ra trường rồi, tôi ít gặp lại bạn. Vừa rồi nghe qua người bạn khác trong lớp cũ mới biết cha của bạn vừa qua đời. Mẹ của bạn đã mất trước đó vài năm. Nên sau đám tang cha, anh em chia nhau gia sản. Bạn khá nhất, không tranh giành gì, chỉ xin thừa hưởng cây roi mây mà bạn nhận ra nó vẫn còn để dưới gối nằm của cha suốt ba mươi mấy năm sau khi con gái đã ra khỏi nhà. Cây roi nhắc ngay cho bạn nhớ những buổi đi học về trễ, cha đứng đợi ở cửa, bạn riu ríu nằm sấp xuống giường, chờ cha rút cây roi ra. Bạn giờ chẳng những đã làm cha mẹ, mà thực ra con cái bạn đã lớn khôn thành đạt mà không cần một lằn roi nào. Bạn để cây roi trên bàn thờ, có những lúc đứng yên rất lâu nhìn cây roi. Những lúc ấy bạn chìm sâu trong cõi riêng tư, đến nỗi không ai dám hỏi, và bạn cũng không bao giờ nói. Chỉ cây roi hiểu được tâm tình của bạn mà thôi.
Tôi cũng sẽ không bao giờ viết ra những điều xảy ra trong lòng tôi khi ngồi trên hòn đá, cúi nhìn con cóc giả cạnh chân mình. Những chiếc lá phong vàng rơi rắc chung quanh, một chiếc che khuất đầu một con cóc. Con kia có vẻ lầm lì trơ trụi. Tôi dùng mũi giầy hất chiếc lá đi, vẹt mấy ngọn cỏ, đùa với hai con cóc vô tri. Ủa mà đồ vật đâu có vô tri. Nếu mình vô cảm thì đồ vật mới vô tri.
Trở lại bàn làm việc, tôi mở máy tính chuẩn bị viết một bài mới. Nhưng cái máy này, thiệt là chán, nó chỉ nín tịt khi tôi thình lình đóng lại bỏ đi, để bây giờ tự động mở ra đúng cái trang đã khiến tôi phát khùng. Công tịnh tu trên hòn đá nãy giờ tiêu tan! Cái đầu lại nhức, con mắt lại hoa. Máy tính cũng chỉ là đồ vật. Internet trừu tượng hơn, không biết liệt vào “đồ” gì. Và những thứ nó đem tới bày trước mắt tôi càng khó phân loại. Cùng một sự việc chẳng hạn, trang bình luận của báo Wall Street Journal nói ngược lại hoàn toàn bài phân tích trên trang báo New York Times. Mà đó là báo chí được coi là có uy tín và sự việc xảy ra rành rành. Nói chi vô vàn thông tin khác trên đủ loại truyền thông, không ai đủ thì giờ kiểm chứng.
Bài tôi định viết là kỷ năng sống nào cần thiết cho bạn trẻ ngày nay. Chẳng hạn bơi lội (trong hoàn cảnh nước mình lũ lụt liên miên từ vùng sâu đến trung tâm đô thị) hay tiếng Anh (con nít bán bưu ảnh cũng phải biết!). Nhưng tôi đã dại dột Google một sự kiện rồi đọc ngẫu nhiên những trang kết quả đầu tiên, gồm bài trên các báo chính thống rồi đến các blog cá nhân. Nhức đầu, hoa mắt. Vấn đề không phải sự thật là đâu. (Sự thật xưa nay luôn ở trong miệng sói. Ê Dốp kể rằng Sói đòi trừng phạt con cừu vì sự xúc phạm hồi nằm ngoái. Cừu thưa rằng nó mới 6 tháng tuổi. Sói bảo thế thì cha mày đã xúc phạm tao, rồi ăn thịt con cừu)
Đã có những thời đã có những người đi tìm chân lý, tuốt trên núi cao, tận trong rừng sâu. Trong tĩnh lặng, trong tâm trí mình. Bây giờ là thời mọi người tìm mọi thứ trên internet. Trong cõi hỗn mang ấy, biết tìm cái gì để làm gì có phải là kỷ năng sống (sót) cơ bản?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét