29 thg 11, 2010

Người Việt: Cá nhân xuất sắc, cộng đồng rời rạc?

Không phải người Việt học giỏi nhưng thực hành kém, mà là họ chỉ giỏi làm giàu cho cá nhân nhiều hơn làm giỏi cho cộng đồng.
Không cần phát minh, chỉ cần bắt chước phát minh?

(Nguyễn Hoàng Đức)

Có lẽ chẳng có sắc tộc nào phải gánh trên vai mặc cảm lớn như người da mầu. Người da mầu bị phân biệt chủng tộc đến mức trên thế giới trước đây, ở không ít quốc gia, họ bị vạch mồm xem răng như súc vật, không được vào quán ăn, thậm chí có những khu phố dành cho người da trắng. Khát đến cháy cổ, vậy mà muốn mua một cốc bia, người ta đã không rót lại còn đuổi đi...

Nhưng người da mầu bây giờ thì sao? Câu chuyện người đàn ông da mầu có tên là Barack Obama trở thành đương kim Tổng thống Mỹ là một minh chứng.
Tại sao từ một sắc tộc ở dưới đáy của sự định kiến, người da mầu lại trỗi vượt để đạt được thành công như vậy?

Một ca sĩ da đen đã tuyên bố: "Để đuổi kịp người da trắng, chúng tôi phải cố gắng gấp tám lần họ".

Ở đời muốn đấm thì phải co tay lại, muốn nhảy thì phải nhún chân lấy đà thấp xuống. Người Việt xưa cũng đã dạy: Lùi một bước để tiến ba bước.


Người Việt học giỏi nhưng thiếu khả năng phát minh sáng tạo.

Với dân tộc Việt, muốn hùng cường, có lẽ chẳng có cách nào hơn, giống những người da mầu đã từng thừa nhận và vượt qua mặc cảm để vươn lên, chúng ta cũng nên nhún mình. Không phải để hạ mình mà là để cải thiện, để nhảy cao hơn. Muốn chữa bệnh, làm cho cơ thể khỏe mạnh, thì việc đầu tiên chúng ta nên làm là bắt trúng bệnh. Chỉ có thế mới bốc thuốc trúng, mong chữa lành bệnh tật, làm cho cơ thể cường tráng khỏe mạnh.

Có không ít ý kiến cho rằng: Người Việt học giỏi nhưng thiếu khả năng phát minh sáng tạo. Điều này đúng! Nhưng theo tôi đó là ý kiến xa vời quá, nó có thể làm cho đại bộ phận chúng ta buông lỏng việc đào luyện kỹ năng hay tính cách trực tiếp gần gũi của mình.

Một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, giầu có, không nhất thiết phải có phát minh. Tôi tin chắc, nếu gia đình nào cũng toàn những người biết sống bổn phận, thì gia đình đó chắc hẳn sẽ giầu có và hạnh phúc. Một xã hội cũng vậy, nếu nó có đại đa số công dân biết sống đúng bổn phận và chức năng của mình, thì xã hội sẽ ngăn nắp, sạch sẽ, lành mạnh, tốt đẹp, và sung túc.

Trong xã hội, có một số nghề không cần phát minh như các dịch vụ y tế và xã hội, ở đó người ta chỉ cần có sự tận tình, chu đáo, tử tế là đã tốt đẹp rồi. Riêng nghề dịch vụ ngày nay chiếm đến 1/3 doanh thu và công việc của xã hội. Nếu người ta biết làm đủ bổn phận cho việc này, thì sự tốt đẹp chẳng bé chút nào.

Về mặt khoa học kỹ thuật hay tiến bộ cũng không lệch tâm nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, thế kỷ 20 nước Nhật không cần chú trọng vào phát minh nhiều, mà chỉ cần học theo, nói thẳng ra là bắt chước các phát minh của phương Tây là đã phát triển rất nhanh. Bài học đó cũng đang diễn ra với Trung Quốc trong thế kỷ 21 này.

Đây cũng chính là phát ngôn của các chuyên gia Mỹ, họ cho rằng: Ở châu Á không giành nhiều tiền bạc để đầu tư cho những tìm tòi, phát minh tiên phong và vĩ mô.
Đây không chỉ là hiện thực, mà chính là nguyên lý sống mà người Pháp đã thừa nhận trong nhiều thế kỷ. Nguyên lý đó ngày nay còn được áp dụng nhiều vào trong cơ chế kinh tế thị trường tự do, đặc biệt sau khi nền kinh tế kế hoạch của các nước Đông Âu phá sản, đó là "laissez faire", tức là "để mặc nó".

Cụ thể người Pháp đã tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra. Vào mùa hạ chẳng hạn, người ta phát sốt khi phát hiện, mỗi tháng có đến cả chục triệu khách du lịch đến Pháp, như vậy, dịch vụ, rồi thực phẩm, rồi môi trường sẽ ra sao? Nhưng không hiểu sao mọi việc vẫn đâu vào đấy! Rồi người ta phát hiện rất ngẫu nhiên năm nào cũng vậy, số người đi du lịch ra khỏi nước Pháp luôn luôn xấp sỉ số du lịch đến nước Pháp.

Đó là sự tài tình của sắp đặt tự nhiên mà không ai có thể lường được, hay sắp xếp mà thành. Vậy thì trong kinh tế thị trường cũng vậy, hiện thực của nó luôn luôn phong phú sống động hơn cả người ta sắp đặt hay điều chỉnh. Bởi thế mà "hãy để cho nó tự điều chỉnh".

Không có tinh thần quốc tộc, quốc gia làm sao vững mạnh?

Ở Việt Nam thì sao? Chúng ta làm đường, rồi mới đào lên đặt cống. Việc đó thì liên quan gì đến phát minh. Rồi các công ty dịch vụ thông tin, lẽ ra chỉ cần đào đường lắp một đường dây, nhưng người ta không thỏa thuận được việc ai phải thuê đường dây của ai. Thế là mỗi công ty lắp đặt một đường dây và đào đường một lần ít nhất. Thế là đường phố bị xới tung lên, hết lần này đến lần khác.

Hàn Quốc, sau 10 năm lắp đặt công nghệ ô tô, thì dường như cả nước có xe nội địa để đi, hơn thế còn xuất khẩu đi khắp thế giới. Còn ở Việt Nam sau hơn 10 năm, chúng ta vẫn loay hoay chưa xác định được đâu là dòng xe chiến lược, giữa 2 dòng xe con và bán tải? Chẳng lẽ việc này lại cần phải có nhiều trí óc phát minh và sáng tạo đến vậy? Nếu muốn hiểu người ta chỉ cần 3 ngày làm các điều tra là xong!

Tất cả sự chậm tiến và ngược đời đó nói lên cái gì? Theo thiển ý của tôi, không phải là việc người Việt học giỏi nhưng kém thực hành, mà là họ chỉ giỏi làm giàu cho cá nhân nhiều hơn làm giỏi cho cộng đồng. Ở đây , thêm một lần nữa nói lên, tính cách công lý của người Việt rất yếu. Người ta không nghĩ đến quyền lợi chung mà chỉ nghĩ đến quyền lợi cục bộ của cá nhân, sau đó là của cơ quan hay chuyên ngành nào đó.

Học giỏi nhưng thực hành kém ư? Học chính là chuẩn bị cho trí tuệ và tư tưởng. Tư tưởng luôn dẫn đến hành động. Vậy thì tại sao hiệu quả hành động của người Việt lại yếu? Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy, một người nói ngang, nói sai lè lè ở giữa nhiều người, nhưng anh ta không hề gặp bất cứ sự phản đối nào để thấy xấu hổ hay phải điều chỉnh mình.
Tư tưởng luôn dẫn đến hành động. Vậy thì tại sao hiệu quả hành động của người Việt lại yếu?

Tại sao? Vì hầu hết những người xung quanh đã từng giống và hành xử như anh ta, cho nên dễ bỏ qua, và thông cảm. Như vậy, người Việt rất ít đào luyện ý thức cho công lý, mà mạnh ai người ấy làm, "còi to cho vượt". Từ tư tưởng bé nhỏ và cá nhân đó, người ta khó mà hình thành ý thức cộng đồng. 

Cái yếu nhất của người Việt nói riêng và Châu Á nói chung là tinh thần công lý chung của cộng đồng. Đây chính là bài học mà lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã chỉ ra: Trung Quốc dù 400 triệu dân nhưng chỉ là bãi cát rời rạc vì chỉ có tinh thần tông tộc và gia tộc mà không có quốc tộc.

Không có tinh thần quốc tộc, quốc gia làm sao vững mạnh, cho dù ở đó có rất nhiều người sôi kinh nấu sử học giỏi đi nữa. Học giỏi mà chỉ nghĩ đến vinh thân phì gia, làm giầu cho công ty mình để lĩnh thưởng, mưa đâu ấm chân đấy... Quốc gia làm sao giầu mạnh, hùng cường nếu kẻ có học chỉ dùng tài của mình, tìm cách gom mái giọt ranh làm ướt bàn chân bé nhỏ hay mấy người của nhà mình?
Vì thế, có lẽ tư duy thiếu tính cộng đồng, tức công lý mới chính là thứ làm còi cọc học vấn, hay làm thui chột khả năng của người Việt. Còn thực hành là cái thứ hai. Và cho dù có thực hành giỏi đi nữa mà người ta chỉ thực hành cho cá nhân mình thì có ý nghĩa gì?

(Tuanvietnam) 

Ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam

Bộ sưu tập do Hồng Quân thực hiện. Ai thích coi nguyên bản thì vào đường link phía dưới. Trong bài này tôi đã sửa lại lời bình chút xíu vì tôi thấy có nhiều chỗ tác giả chú thích...chưa suông lắm (và nhiều lúc sai ngữ pháp Tiếng Việt, ví dụ ngay lời dẫn nhập bên dưới: Tháp tài chính Bitexco, làm gì có cái tháp nào tên gọi là tháp tài chính trong Tiếng Việt; thành phố Cần Thơ đâu có lên đèn được mà tác giả để là "thành phố Cần Thơ lên đèn bên dòng sông Hậu êm đềm" :) ; v.v...! Đây là ảnh tác giả tổng hợp mà không có bài viết bình luận gì cả nên tôi có thay đổi chút chút như vậy cũng không có gì ảnh hưởng tới tác giả! 
***

Cánh đồng lúa chín mênh mang như một biển vàng cổ tích, thành phố Cần Thơ lên đèn bên dòng sông Hậu êm đềm, Tháp Tài chính Bitexco, tòa nhà cao nhất Việt Nam rực rỡ trong ngày khánh thành... là những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong tuần qua.
(Hồng Quân - Đất Việt) 


Rê lúa - cảnh ở miền núi phía Bắc. Ảnh: Sir.Mayday (Xóm nhiếp ảnh).
"Giữa đồng chiều cuống rạ" của Hoàng Cầm hay là đồng lúa chín? Ảnh: meanchoi (Xóm nhiếp ảnh).
Bến My Lăng? Ảnh: danhkhoa (Xóm nhiếp ảnh).
Bình minh trên phá Tam Giang. Ảnh: Huyco (Xóm nhiếp ảnh).
Thành phố Cần Thơ lúc lên đèn. Ảnh: Dương Duy Quang (Số hóa).
Buổi sáng - phố cổ Hội An. Ảnh: Savage (Vnphoto).

Tòa nhà Bitexco ở Sài Gòn (cao nhất Việt Nam). Ảnh: kyanh2007 (Vnphoto).

Thu lưới. Ảnh: TH6080
Mưu sinh. Ảnh: Kimphot (Vnphoto).
Thêu trong nắng sớm! - Mai Châu. Ảnh: SINBAD (Xóm nhiếp ảnh).
"Ai bảo chăn trâu là khổ" - Lạng Sơn. Ảnh: locnguyen411 (Xóm nhiếp ảnh).
"Như cánh vạc bay" (trong chiều hôm). Ảnh: THHoang (Xóm nhiếp ảnh).
Không biết đặt tên thế nào - cảnh trong mùa lũ. Ảnh: thangbecon86 (Xóm nhiếp ảnh).
Hoàng hôn buông xuống trên hồ Lắc - Đăk lăk. Ảnh: vuducdom (VnPhoto).
Thung lũng Mường Hoa - Lào Cai. Đẹp mê hồn! Nhìn cảnh này tôi mới hình dung ra ngữ cảnh trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, nói về một Mường khác! Ảnh: dongsinh (VnPhoto).
Nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn. Trong bộ ảnh này, hai bức ảnh (photoshop) của Sài Gòn nhìn tệ quá trời đất! Ảnh: daubac (VnPhoto).
Đua voi ở bản Đôn - Đăk lăk. Đường từ thành phố BMT lên nơi này nhìn...buồn hiu hắt (cho cảnh sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đó). Ảnh: Wasphoto (VnPhoto).
Cảnh này đã đi vào...cổ tích (ở Cần Giuộc)! Phải chi trong ảnh này có thêm một căn nhà nhỏ, xa xa ở đằng sau làm nền nữa thì nhìn nét thanh bình nó hay hơn! Ảnh: lethang (Xóm nhiếp ảnh).
Gánh muối làng (người) ta! Muối mặn chắc một phần nhờ...mồ hôi mặn chát của diêm dân! "Bao giờ cho đến tháng mười"?! Ảnh: xuandao (Xóm nhiếp ảnh).
Lễ hội ở Tây Nguyên. Ảnh: SINBAD (Xóm nhiếp ảnh).
Chùa Thiên Mụ. Nhìn trầm mặc quá! Bạn nào chưa biết hoa hải đường (để coi thử "hải đường lả ngọn đông lân" như thế nào) thì khi nào có dịp ghé đây hãy đi sang phía hông bên tay trái chùa, nhiều lắm. Ảnh: huyco (Xóm nhiếp ảnh).
Ruộng lúa chụp từ trên cao - Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang. Ảnh: dung54 (VnPhoto).
"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội" (không nhớ mấy câu này trong bài thơ của tác giả nào). Ảnh: dtthang88 (VnPhoto).
"Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Ảnh: mthien (Saigonphoto.net).
Nhìn cảnh này tôi nhớ tới câu "cô gái H'Mông bên đống lửa" :). Ảnh: Đông Sinh (Saigonphoto.net).





20 thg 11, 2010

Cô giáo của tôi

(Nguyễn Quang Lập)
Trong suốt 15 năm đi học, tôi đều được các cô giáo yêu thương, trong khi các thầy giáo ít ai có thiện cảm với tôi. Bút phê trong học bạ mỗi năm học, nếu là cô giáo chủ nhiệm, luôn luôn có câu “Có chí tiến thủ”. Nếu là thầy giáo chủ nhiệm, thế nào cũng có câu: “Cần ngăn ngừa tính tự phụ”.
Cô giáo yêu thương tôi nhất, coi tôi như con, như em là cô Hoàng Thị Lệ Thi, cô ruột của Hoàng Hiếu Nhân, hồi chiến tranh được coi là thần đồng thơ của Quảng Bình.
Nhân chỉ làm có 33 bài thơ, in thành tập Đi nữa chú ơi, nổi tiếng như cồn, so với Trần Đăng Khoa không hề kém cạnh. Thơ Nhân thua thơ Khoa về độ tinh tế nhưng sâu hơn, có “tầm” hơn. Chuyện Hoàng Hiếu Nhân sẽ kể một dịp khác.
Những năm 1965-1968 chiến tranh phá hoại rất ác liệt, dân Quảng Bình thường chia con ra mỗi đứa mỗi nơi, nhỡ chết đứa này còn đứa khác, tôi theo ba tôi lên thung lũng Cao Mại miền tây Quảng Bình, cách nhà chừng 30 km, trường trung cấp sư phạm của ba tôi sơ tán ở đó.
Cô Thi hồi đó chừng 20 tuổi, xinh đẹp nhất trường, da trắng mịn, tóc dài quá gối, mắt bồ câu long lanh… đẹp lắm. Cô là học trò của ba tôi. Năm đó tôi học lớp 5, hôm nhập trường ba tôi dắt tay đến tận cửa lớp bàn giao cho cô, nói thầy trăm sự nhờ em. Cô nhìn qua học bạ, cười với ba tôi, nói chà cu Lập học giỏi ri thầy còn lo chi. Ba tôi nói nó dại lắm, lại yếu, thầy thì công tác luôn, có gì em trông nom giùm.
Từ đó tôi được cô chăm sóc hết sức tận tình, cái cúc đứt, cái áo rách cô đều khâu vá cho cả. Nhiều khi ba tôi đi công tác vắng, tôi ăn ngủ tại nhà cô luôn.
Cô kể chuyện vô cùng hay, toàn kể những tiểu thuyết lớn của Nga, Pháp. Tối nào cứ học xong, cô nằm giữa, tôi nằm một bên, cháu cô là thằng Nhơn ( sau này là nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn) nằm một bên nghe cô kể. Cô kể Những người khốn khổ hay đến nỗi sau này tôi đọc lại cuốn ấy thấy không hay như cô kể. Hễ nghe cô nói thôi ngủ là cả tôi và thằng Nhơn đều réo không không, kể nữa kể nữa.
Ỷ thế được cô thương, lại là con của thầy cô, tôi sinh ra chủ quan, nghĩ bụng mình làm gì cô cũng cho qua. Nhưng không. Một lần tôi bắt con chuột con thả vào cặp con Lê, nó hét vang. Cô hỏi ai bày trò, con Lê chỉ tôi, cô đã bắt tôi đứng úp mặt vào tường đúng hai tiếng. Sau biết tôi đứng đúng ổ kiến lửa, kiến cắn đỏ chân, cô vừa xoa dầu cho tôi vừa khóc.
Một hôm cô bảo nộp vở soạn văn để chấm. Từ đầu học kì tôi chẳng soạn bài nào, vội vàng soạn hai bài rồi đưa vở nộp cô, nói thưa cô em thay vở mới. Cô bảo đem vở cũ đây cô xem, tôi tịt câm. Cô cho 2 điểm, sau xoá đi cho 0 điểm, nói soạn bài không đầy đủ là 2 điểm, nói dối trừ 2 điểm còn 0. Đó là điểm 0 duy nhất trong suốt thời đi học của tôi.
Thời đó học trò luôn phải đi lao động, gọi là vừa học vừa hành, con nít chẳng làm gì nhiều, chủ yếu nhổ sắn, trồng khoai… đại loại thế. Nhưng ba tôi lo tôi mất sức, viết cái thư gửi cô, xin cho tôi được miễn lao động. Tôi nhớ mãi cái thư cô gửi cho ba tôi bảo tôi cầm về: Thưa thầy, học sinh của em không ai có ngoại lệ. Em xin lỗi vì đã không vâng lời thầy.
Hết lớp 5 tôi về lại Ba Đồn, cô đạp xe đạp đưa tôi đi gần 30 chục cây số đường rừng về tận bến đò Phù Trịch. Dọc đường cô cứ hỏi giận cô chuyện gì không, ghét cô chuyện gì không. Cô còn hát, nói cô hát mấy bài cho em nhớ. Đường rừng gập ghềnh, lồi lõm, đạp xe đã mệt, cô vửa thở vừa hát, có câu ngắt nhịp hai ba lần cô vẫn cứ hát.
Tới bến đò, đò chưa đi cô vẫn nói nói cười cười, nhưng đò vừa đi cô đã khóc oà, gọi với Lập ơi viết thư cho cô nha, Lập ơi viết thư cho cô nha. Ra đến nửa sông vẫn còn nghe tiếng cô gọi.
Khi đó tôi cũng khóc, nghĩ bụng về nhà cái là viết thư cho cô ngay. Nhưng rồi mải chơi, khi viết nửa thư thì bỏ, khi viết xong thư thì không kiếm ra tem, khi dán xong thư nhưng không đi gửi… tóm lại ba chục năm tôi không hề gửi cô một bức thư.
Vẫn nghe thông tin về cô, lấy chồng được hai đứa con, chồng bỏ, một mình nuôi hai đứa con cực khổ vô cùng ở Ba Trại. Lúc nào  cũng định bụng gửi cho cô ít tiền, taóm lại có cả nghìn lý do để suốt 30 năm tôi không gửi cho cô xu nào. Có xa xôi gì đâu, từ Ba Đồn lên Ba Trại không đầy 20 cây số.
Nghĩ mình còn quá một thằng khốn nạn, tết vừa rồi tôi quyết định nhờ thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) lái xe đi thăm cô. Dọc đường cứ đinh ninh gặp mình cô sẽ giận lắm, nhất định cô sẽ nói ờ các anh bây giờ nổi tiếng rồi, giàu có rồi, có nhớ đến ai nữa. Nhưng không. Cô ôm lấy tôi hôn như hôn đứa con nít, khóc nấc lên, nói Lập ơi cô nhớ em lắm, Lập ơi cô nhớ em lắm.

17 thg 11, 2010

Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam



(Sưu tầm)

Em vẫn thường nhắc đến mùa thu
Bông cúc vàng cánh mềm như tuổi nhỏ
Bài tập đọc năm nao em còn nhớ
Dẫu bây giờ em đã biết làm thơ

Đọc chữ O cô dặn phải tròn môi
Chỉ vậy thôi, chao ôi, sao mà khó!
Lỗi tại con chuồn chuồn cánh đỏ
Mải rong chơi nên em chẳng thuộc bài

Chỉ mỗi chữ O em đọc sai
Dường như cô già đi mấy tuổi
Đến khi em hiểu điều đơn giản ấy
Cô giáo ơi, tóc cô bạc hết rồi!

Em hiểu, mỗi sợi tóc đổi màu kia
Là một lớp người lớn lên và biết sống
Mặt đất như trời xanh mơ mộng
Bông cúc vàng nên buổi sáng vô tư.

Khởi đầu cho một chuyến đi xa
Lối trường cũ thoảng hương cỏ mật
Bài tập đọc khóa bình minh thứ nhất
Cả cuộc đời cô dõi bóng theo em...

***
KHI THẦY VỀ NGHỈ HƯU
(Lá Me)

Cây phượng già treo mùa hạ trên cao
Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:
"Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…"
Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.

Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào
Con nao nức bước vào trường trung học
Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc
Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.

Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?
Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?
Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi
Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?

Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao
Vai áo bạc như màu trang vở cũ
Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ
Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!

***
(Thông tin tìm trên Google, chưa được kiểm chứng!)

LỊCH SỬ NGÀY "QUỐC TẾ HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO 20-11"

Tháng 1/1946 Liên Hiệp Quốc Tế các công đoàn Giáo Dục được thành lập (Fesdesration International Syndicat de l'enseignement ) viết tắt là "FISE", trụ sở của FISE đặt tại Paris sau chuyển sang Viên, rồi sang Praha, nay tại Berlin (tháng 7/1953 Công Đoàn Giáo Dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. FISE hiện có hơn 100 nước tham gia với hơn 10 triệu hội viên).
 
Năm 1949, tại Hội nghị Warsaw, FISE xây dựng một bản " HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO " (hiến chương là điều kí kết giữa nhiều nước qui định những nguyên tắc và thể lệ về quan hệ quốc tế) gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu là:

- Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.

- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.

- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.

- Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản " HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO"

- Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacxava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia, đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày: 20-11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".

NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM: 20-11

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày: "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta, những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Năm 1975 đất nước thống nhất, ngày 20-11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước, dần dần trở thành ngày của Nhà Giáo Việt Nam.

Với truyền thống "Tôn sư trọng đạo", ngày 20-11 hàng năm là ngày hội có tính chất xã hội rộng lớn nhất ở nước ta. Bằng nhiều hoạt động bổ ích và phong phú, ngày 20-11 hàng năm là ngày biểu dương những người dạy hoc và nghề dạy học, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo; là dịp để học sinh và cha mẹ học sinh cùng toàn xã hội thể hiện tình cảm biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với Nhà Giáo. Ngày 20-11 còn là ngày biểu dương tinh thần hữu nghị giữa các Nhà Giáo tiến bộ của các nước trên thế giới.

Do tính chất và mục đích của việc tổ chức ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" 20-11 ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, thể theo nguyện vọng của các nhà giáo và nhân dân, chấp nhận đề nghị Bộ Giáo Dục và Công Đoàn Giáo Dục Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định 167-HĐBT với nội dung "từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam".

"Ngày Nhà giáo Việt Nam" đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.

Như vậy, ngày 20-11 hàng năm giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỉ niệm mang tên: ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn ở nước ta, kể từ ngày 20/11/1982, ngày hội của giáo giới Việt Nam có tên gọi riêng là: "Ngày Nhà giáo Việt Nam"./.

13 thg 11, 2010

Nhức cái đầu

(Lý Lan)

Đọc giữa chừng bản tin, tôi đóng sập máy tính lại. Bỏ ra vườn nhổ cỏ, tưới cây, hay ngồi trên hòn đá dưới bóng cây phong. Bên hòn đá có hai con cóc giả bằng nhựa tổng hợp, đặt nửa khuất nửa hở trong cỏ để trang trí. Trải năm bảy mùa mưa gió nắng tuyết, da cóc phủ đất và rêu, sần sùi xấu xí y như cóc thiệt. Có lần quên mất chính mình đã đặt hai con cóc giả trong vườn, tôi giật mình khi vừa ngồi xuống hòn đá là thấy ngay con cóc ngồi cạnh chân. Dần dần, dù ý thức là cóc giả, tôi vẫn thấy thân thiết, đôi khi tâm tình với chúng nữa.
Nhưng tôi chưa đến nỗi có những biểu hiện tâm thần như ngồi trên hòn đá lảm nhảm nói một mình, hay ấp con cóc vào ngực mà kể lể nọ kia. Tôi tâm tình với con cóc giả trong lòng tôi thôi. Mà chuyện này rất bình thường, chắc nhiều người từng trải nghiệm. Đồ vật, có khi bàn ghế, cây roi, cái chén… bất cứ vật gì, đều có thể trở nên vật có ý nghĩa với người nào đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều năm, tôi có dịp trở lại trường trung học cũ, trở vào phòng học cũ. Tôi ngồi vào chỗ cũ, tự nhiên bao nhiêu câu chuyện tận đâu đâu ùa về, tôi nhìn xuống mặt bàn gỗ đầy vết trầy vết khắc, chỉ chực tuôn ra một tỷ ngôn từ. Nhưng vì chung quanh có những người khác, không hề biết mối liên hệ giữa tôi và bộ bàn ghế ấy, tôi chỉ lặng im ngồi đó trong vài phút, cảm nhận rõ bàn ghế nhận ra mình, hiểu được lòng mình.
Bạn tôi ngày xưa có một người cha rất nghiêm khắc, dạy con bằng roi vọt. Chưa thuộc bài mà đã ngáp lên ngáp xuống, ba roi cho tỉnh lại. Đi đứng không ý tứ, đụng bàn làm rớt bể bình bông, hai roi. Đi học về trễ, cứ năm phút là cộng thêm một roi. Một hôm vào lớp, tôi thấy mu bàn tay của bạn hằn một vệt đỏ thâm. Bạn tấm tức kể là hôm qua bị cha đánh đòn đau quá, bạn đưa tay ra sau che mông, bị roi đét vào tay. Nước mắt ứa nơi khóe, bạn nói bạn chưa bao giờ cảm thấy yêu kính cha mình, và những lằn roi chỉ khiến bạn thêm căm ghét ông. Lúc đó bạn còn nói sẽ hận cha mình suốt đời. Mười tám tuổi bạn đã vội vã lấy chồng, để không phải ở chung một mái nhà với cha.
Ra trường rồi, tôi ít gặp lại bạn. Vừa rồi nghe qua người bạn khác trong lớp cũ mới biết cha của bạn vừa qua đời. Mẹ của bạn đã mất trước đó vài năm. Nên sau đám tang cha, anh em chia nhau gia sản. Bạn khá nhất, không tranh giành gì, chỉ xin thừa hưởng cây roi mây mà bạn nhận ra nó vẫn còn để dưới gối nằm của cha suốt ba mươi mấy năm sau khi con gái đã ra khỏi nhà. Cây roi nhắc ngay cho bạn nhớ những buổi đi học về trễ, cha đứng đợi ở cửa, bạn riu ríu nằm sấp xuống giường, chờ cha rút cây roi ra. Bạn giờ chẳng những đã làm cha mẹ, mà thực ra con cái bạn đã lớn khôn thành đạt mà không cần một lằn roi nào. Bạn để cây roi trên bàn thờ, có những lúc đứng yên rất lâu nhìn cây roi. Những lúc ấy bạn chìm sâu trong cõi riêng tư, đến nỗi không ai dám hỏi, và bạn cũng không bao giờ nói. Chỉ cây roi hiểu được tâm tình của bạn mà thôi.
Tôi cũng sẽ không bao giờ viết ra những điều xảy ra trong lòng tôi khi ngồi trên hòn đá, cúi nhìn con cóc giả cạnh chân mình. Những chiếc lá phong vàng rơi rắc chung quanh, một chiếc che khuất đầu một con cóc. Con kia có vẻ lầm lì trơ trụi. Tôi dùng mũi giầy hất chiếc lá đi, vẹt mấy ngọn cỏ, đùa với hai con cóc vô tri. Ủa mà đồ vật đâu có vô tri. Nếu mình vô cảm thì đồ vật mới vô tri.
Trở lại bàn làm việc, tôi mở máy tính chuẩn bị viết một bài mới. Nhưng cái máy này, thiệt là chán, nó chỉ nín tịt khi tôi thình lình đóng lại bỏ đi, để bây giờ tự động mở ra đúng cái trang đã khiến tôi phát khùng. Công tịnh tu trên hòn đá nãy giờ tiêu tan! Cái đầu lại nhức, con mắt lại hoa. Máy tính cũng chỉ là đồ vật. Internet trừu tượng hơn, không biết liệt vào “đồ” gì. Và những thứ nó đem tới bày trước mắt tôi càng khó phân loại. Cùng một sự việc chẳng hạn, trang bình luận của báo Wall Street Journal nói ngược lại hoàn toàn bài phân tích trên trang báo New York Times. Mà đó là báo chí được coi là có uy tín và sự việc xảy ra rành rành. Nói chi vô vàn thông tin khác trên đủ loại truyền thông, không ai đủ thì giờ kiểm chứng.
Bài tôi định viết là kỷ năng sống nào cần thiết cho bạn trẻ ngày nay. Chẳng hạn bơi lội (trong hoàn cảnh nước mình lũ lụt liên miên từ vùng sâu đến trung tâm đô thị) hay tiếng Anh (con nít bán bưu ảnh cũng phải biết!). Nhưng tôi đã dại dột Google một sự kiện rồi đọc ngẫu nhiên những trang kết quả đầu tiên, gồm bài trên các báo chính thống rồi đến các blog cá nhân. Nhức đầu, hoa mắt. Vấn đề không phải sự thật là đâu. (Sự thật xưa nay luôn ở trong miệng sói. Ê Dốp kể rằng Sói đòi trừng phạt con cừu vì sự xúc phạm hồi nằm ngoái. Cừu thưa rằng nó mới 6 tháng tuổi. Sói bảo thế thì cha mày đã xúc phạm tao, rồi ăn thịt con cừu)
Đã có những thời đã có những người đi tìm chân lý, tuốt trên núi cao, tận trong rừng sâu. Trong tĩnh lặng, trong tâm trí mình. Bây giờ là thời mọi người tìm mọi thứ trên internet. Trong cõi hỗn mang ấy, biết tìm cái gì để làm gì có phải là kỷ năng sống (sót) cơ bản?

Từ sai lầm chữ nghĩa dẫn đến sai lầm thực hiện

Công ty ở chúng ta còn giống như những chiếc xe chạy chậm, chưa kể hay bị hư (vì mất tiền ở các doanh nghiệp nhà nước, hay mất người ở các doanh nghiệp tư nhân) mà hô hào... bắn tốc độ thì chưa phù hợp. Xe còn chạy ì ạch mà chủ nhân bỏ tiền đi mua súng bắn tốc độ!

(Nguyễn Ngọc Bích)

Trước sự đổ vỡ của Vinashin, nhiều biện pháp cứu chữa đã được thực hiện; nhiều ý kiến đã được các bậc thức giả đề nghị. Vâng, Vinashin cần phải được phục hồi và phải được điều khiển đúng cách như ở các nước khác người ta làm với một tổ chức như thế. Trong số những ý kiến trên, có ý kiến cho rằng đáng lẽ Vinashin đã phải được quản trị theo các nguyên tắc căn bản của "quản trị công ty" (corporate governance). Ở đây, tôi xin góp ý về biện pháp này. Tôi e ngại, nếu làm theo thì chúng ta sẽ phí tiền mà không hiệu quả bao nhiêu, vì nó chưa thích hợp; giống như chúng ta đã biến Vinashin thành... tập đoàn vậy.

Doanh nghiệp ở ta, xin so sánh, giống như một cây thông. Giám đốc đầu tiên của nó dùng tiền của Nhà nước. Ở các nước khác, giám đốc cũng là chủ và dùng tiền của mình; nó là cây đa. Cũng ở đó, cây đa kia đã già cả trăm tuổi. Hơn 20 năm trước đây (năm 1990), chúng ta quyết định trồng cây đa thay cây thông. Vì trồng cây đa với các kiến thức về cây thông, nên các từ ngữ sử dụng cho cây giống nhau, nhưng nội dung của chúng lại bị hiểu khác nhau. Cho nên cần phải nhìn chữ nghĩa theo ngọn nguồn.

Quản trị và "quản trị"

Để điều khiển một công ty cho nó sinh lời lãi, không bị phá sản vì thiếu tiền mặt trả nợ, ở các nước tư bản người ta dùng từ ngữ "management". Trước 1975, ở miền Nam, nó được dịch là "quản trị kinh doanh", hay "quản trị".
Trong khi ấy xí nghiệp quốc doanh ở ta không bị phá sản, nên cho đến trước 1990, danh từ tương đương được dùng là "quản lý". Ngay cả Luật doanh nghiệp năm 2000 còn dùng từ "quản lý" cho hội đồng quản trị; chỉ trong các giảng văn ở đại học, từ quản trị mới được dùng.
Để phân biệt từ ngữ và nội dung, xin tạm dùng quản trị (không ngoặc kép) cho management và "quản trị" (có ngoặc kép) cho corporate governance. Đi sâu hơn nữa, về cách làm và dựa trên nguồn gốc vốn của công ty, ta ghi nhận quản trị thì khác với quản lý.


Quản trị là một cách điều khiển công ty có tính chất khoa học và ở Mỹ nó manh nha từ những năm 1910 rồi hoàn thiện vào cuối những năm 1970. Quản trị có ba cấp đi từ thấp lên cao: (i) giúp sản xuất nhiều với giá thành rẻ; (ii) sản phẩm không thay đổi chất lượng và (iii) giúp kiểm soát chặt chẽ trên một diện rộng.
Lại xin dùng hình ảnh. Nếu công ty là một chiếc xe chở khách thì quản trị giúp chiếc xe chạy ngon lành. Chẳng những thế nó còn... đẻ ra tập đoàn! Từ chạy ngon, chiếc xe chạy hung hăng! Nhiều người bị thiệt hại: cổ đông bỏ tiền sắm nó; khách hàng ngồi trên xe; nhà cửa ở gần nó...
Cổ đông là người hưởng lợi hay chịu thiệt hại trực tiếp và là "shareholder"; khách đi xe, nhà ở gần cũng bị ảnh hưởng nên họ là "stakeholder" (người có quyền lợi). Vì sự kiện ấy nên vào năm 1984, các tổ chức và học giả ở Mỹ mới đặt vấn đề "corporate governance". Ấy là "quản trị".
Năm 1999, các nước trong tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra các nguyên tắc về "quản trị". Riêng ở Mỹ, sau vụ Enron, thì Quốc hội Mỹ biến nguyên tắc này thành luật.
"Governance" trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là lèo lái. Người ta quan niệm để cho một con thuyền được lèo lái đến bến an toàn, nó cần có một thuyền trưởng và một thủy thủ đoàn giỏi cộng với những biện pháp tin cậy và những cách đo lường để tính ra chặng đường con thuyền phải vượt qua. Ấy là ý nghĩa căn bản.
Ở đây ta hiểu nôm na là: xe chạy hung hăng thì phải... bắn tốc độ. Tác động của corporate governance - à không - "quản trị" là như thế!
"Quản trị" biến thành luật tại Việt Nam năm vào 2007 theo một quyết định của Bộ Tài chính; trước đó nó được du nhập một cách âm thầm qua một bản mẫu điều lệ cho công ty niêm yết do Văn phòng Chính phủ ban hành năm 2002. Dịch corporate governance là "quản trị" là từ quyển sách "Quản trị công ty" do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ấn hành năm 1998; nó là bản dịch báo cáo của OECD về corporate governance để "nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn trên thị trường toàn cầu".
Quá trình sinh trưởng của cây đa trăm tuổi trên thế giới đã cho họ đi từ quản trị đến "quản trị". Cây thông của chúng ta không biết gì về quản trị, mà chỉ về quản lý; còn cây mới trồng 20 năm thì đa phần - nhất là các doanh nghiệp nhà nước - cũng chưa áp dụng các phương pháp của quản trị. Công ty ở chúng ta còn giống như những chiếc xe chạy chậm, chưa kể hay bị hư (vì mất tiền ở các doanh nghiệp nhà nước, hay mất người ở các doanh nghiệp tư nhân) mà hô hào... bắn tốc độ thì chưa phù hợp. Xe còn chạy ì ạch mà chủ nhân bỏ tiền đi mua súng bắn tốc độ! Vấn đề là như thế. Tự hại mình mà không biết! Lý do thực hiện sai lầm là chúng ta lẫn lộn về chữ nghĩa.
Để tránh sự nhầm lẫn về nội dung, từ "quản trị" (corporate governance) cần phải thay đổi. Trong quyển sách về công ty của mình, tôi dịch nó là "lèo lái" (năm 2002), sau này (2009) là chỉ đạo để phân biệt nó với quản trị.
Gần đây, tiến sĩ Alain Phan, trong một quyển sách về huy động vốn, ông dịch là "kỷ cương công ty". Là một học giả ở Mỹ và nhà kinh doanh đã hoạt động trên 40 năm tại đó và ở Trung Quốc, từ ngữ ông dùng thật chính xác. Chiếc xe chạy phải có kỷ cương; tức là đến khi nào đó thì phải bắn tốc độ! Tuy nhiên, vấn đề căn bản của đại đa số các doanh nghiệp ở ta hiện nay chưa phải kỷ cương; mà là quản trị theo khoa học.


Quản trị và Kỷ cương


Hình vẽ ở trên cho thấy sự khác biệt giữa hai cái này. Kỷ cương là tầng 2, nó tác động lên các bộ phận ở trên đầu của một công ty. Theo luật của ta, nó là hệ thống các quy tắc để bảo đảm cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả, vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty. Nó thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát và cán bộ quản lý của các công ty.
Các nguyên tắc "quản trị" công ty bao gồm: bảo đảm một cơ cấu quản trị hiệu quả; bảo đảm quyền lợi của cổ đông; đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo đảm vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; minh bạch trong hoạt động của công ty; hội đồng quản trị và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.
Theo T.S Brancato (Mỹ), quy chế này là một hệ thống cho việc kiểm soát và cân bằng (checks and balances) giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc và các nhà đầu tư nhằm tạo nên một công ty hoạt động hữu hiệu, ăn khớp với nhau một cách lý tưởng để tạo nên những giá trị lâu dài.
Kỷ cương là tầng 2 vì nó chỉ xuất hiện sau khi quản trị khoa học đã hoàn thiện. Cái sau là tầng 1. Mục đích của quản trị đã được đề cập ở trên. Nội dung chính của nó được tóm trong khung chữ nhật ở tầng 1 và nó tác động đến các bộ phận, các cấp khác nhau trong nội bộ (phần thân thể) công ty.

Tầng 2 không thể bảo đảm một cơ cấu quản trị hiệu quả nếu tầng 1 quản trị kém cỏi. Tầng 2 cũng không thể làm công việc của tầng 1 vì ở đó không có người. Các yêu cầu, các báo cáo mà tầng 2 đòi hỏi phải do tầng 1 cung cấp. Tầng 1 hoạt động tốt thì nó phải có các báo cáo đó rồi; cho chính nó. Và nó nộp cho tầng 2.
Các định chế tài chính quốc tế thúc giục chúng ta đẩy mạnh kỷ cương; vì các công ty của nước họ đã làm như thế, và họ nghĩ các công ty ở ta cũng phải làm thì mới "tiếp cận nguồn vốn trên thị trường toàn cầu" được. Đúng! Và họ tốt.
Nhưng khi thúc đẩy như thế, họ quên cây đa trăm tuổi và cây đa chỉ mới 20 năm và còn èo uột! Vâng, chúng ta nghe họ; nhưng phải nhận ra mình là ai. Và đến đây thì đã thấy ta nên làm gì cho chiếc xe Vinashin chứ không phải... bắn tốc độ!


(DNSGCT) 

3 thg 11, 2010

Ăn cơm một mình

 (Nguyễn Ngọc Tư)
 Source: Internet
Nhiều năm sau khi ông ngoại bạn qua đời, bạn bỗng hay mơ ước mình có cỗ máy thời gian trong một bộ phim hoạt hình trẻ nít, để quay lại ăn… cơm với ông.

Trong cái quá khứ có nhiều thứ đáng phải chỉnh sửa, bạn muốn làm chuyện đó trước tiên với những bữa cơm mà ông ngoại bạn phải lủi thủi ăn một mình, thức ăn nguội lạnh vì bạn dọn sẵn từ sớm để ra vườn cho khỏi vướng. Một kiểu ngược đãi hồn nhiên. Năm đó bạn mười sáu, hoặc nhỏ hơn như bạn vẫn thường ao ước, để chống chế ừ thì lúc đó mình còn non dại.

Chắc bạn cũng bực mình bực mẩy khi bỏ học về nhà ở hủ hỉ với ông già, chắc bạn cũng mặt mũi chù ụ khi lo cơm nước giặt giũ… Và khi nghe tiếng đũa khua bời rời sau vách bạn - mười - sáu - tuổi đã không mảy may chạnh lòng, chỉ nghĩ trời đất ơi mình lu bu công chuyện quá, làm cho xong đã… Lúc đó bạn vẫn ở quanh nhà, bên hè hay sau sàn nước nghe tiếng đũa chạm rời rã trên miệng chén biết đã già buổi sáng rồi. Lúc đó bạn không biết mình vừa nghe được âm thanh được xếp vào những âm thanh buồn nhất cuộc đời.

Cái chỗ khuyết bên vách nồi cơm sau bữa ăn của ông ngoại cũng vì vắng, mà cạn hều. Khi ông qua đời, bạn có đôi khi nghĩ rằng bạn đã để mất ông ngay từ những bữa cơm ông phải trợn trạo nhai trong hiu quạnh. 

Ăn cơm một mình không phải là dễ chịu lắm. Bạn chỉ thấy rõ ràng điều đó khi dì Chín bán bánh bò lấy chồng ở tuổi bốn mươi, ở cái tuổi gặp một ông coi bộ tử tế là lấy ngay kẻo không kịp. Chín nói, để khỏi ăn cơm một mình. Hẳn phải có những lý do ấy ấy khác cho việc lấy chồng, nhưng cái cớ Chín đưa ra không cãi được. Chín chấp nhận trả giá cho việc đó bằng cách phải tần tảo gấp đôi để mua rượu cho ông chồng mới. Một bữa đi chợ bạn hỏi Chín có đáng không, bà chỉ cười ngời ngợi, trả lời trớt quớt, ổng rượu ghiền nhưng nhậu ở nhà không hà, cũng đỡ...

Mỗi lần sắp đi xa áy náy cảnh nhà bạn bèn lọ mọ nấu nồi khổ qua dồn thịt, cá đối kho mía… để sẵn trong tủ lạnh, người ta chỉ cần hâm lại tí là có cơm ăn. Lúc về thấy mọi thứ còn nguyên. Người ta nói ra tiệm ăn vui hơn. Bạn nhớ tới ông ngoại ứa nước mắt muộn màng.

Cuối mùa xuân bạn đi Đông Bắc Việt, một mình, kiểu trải nghiệm quái đản mà bạn từng ao ước. Thì đây, một mình, hưởng thụ đi, bầy đàn miết rồi... Bạn tha hồ nói chuyện với đá, âu yếm đàn bò và thả rong suy nghĩ trong những đám sương dày, nói chung là sướng. Chỉ mỗi một lần sập tối, quán ăn phố núi ngủ sớm, năn nỉ ỉ ôi mới mua được chút cơm cháy đáy nồi với trứng (tự) chiên. Chủ quán lầm lì bỏ đi rửa chén, ngồi mình mình với chỏng chơ bàn ghế, muỗng xước vào đáy dĩa mà nghe như xước trong lòng những âm thanh rởn óc. Nhớ ngay lập tức như ớt xát lên mấy vết đó, giờ này mấy đứa nhỏ với người ta không biết đã ăn xong chưa, trời ơi nhớ cái mâm cơm nhà mình lộn xộn ngổn ngang, khi thì nước đổ khi thì canh rơi rớt, trẻ con nhốn nháo đứa đòi món này đứa réo món kia. Gói trong chữ ẤM vẫn thấy thò bồi hồi ra một khúc.

Chủ quán ngó nửa dĩa cơm bỏ lại, hỏi sao bảo thích cơm cháy lắm mà. Bạn thưa thích lắm. Hồi nhỏ lên mâm là đào lấy cơm cháy, lúc hãy còn nóng giòn. Má sẽ rưới lên chén cơm ít nước cá kho, vài cái tóp mở còng queo beo béo. Má không bao giờ để bạn vừa ăn vừa hát, hoặc chỏi tay lên cằm, hoặc còng lưng xuống hoặc làm rơi rớt mấy hột cơm… Nhưng đó là những bữa cơm cháy cả nhà quây quần sau một ngày làm lụng tan tác, không phải một mình trên đất lạ và bạn một mình mếu máo nhai như trong miệng có nắm dăm bào.

Bạn từng thấy có nhà tới bữa cơm phải chờ nhau đông đủ. Cũng có nhà ai đói nấy ăn, cho tùy nghi, cho người đi về muộn khỏi mang cảm giác nặng nề. Nhưng mỗi lần ông ngoại từ ký ức chống gậy về, và bữa cơm trên cao nguyên đá, và người đàn bà bưng bánh tiêu bánh bò qua nhà hớn hở cầm trên tay chai rượu, và tuổi tác chất chồng và đôi lúc thấy mình dường như đi lạc trên đời… đã làm bạn nghiêng về phía mâm cơm náo động. Để tròng trành cho lắm cũng muốn níu lấy mà về kịp hẹn.

Ăn cơm một mình nghe vẳng lại tiếng mình thấy chỉ bóng mình cũng không phải dễ chịu lắm. Ừ.