(Nguyễn Trọng Tạo)
Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?
Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?
Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?
Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…
(Đảo Vạn Hoa, 1980)
23 thg 12, 2011
Mizaru, kikazaru, iwazaru
Những đêm thao thức, tôi thường ra nhìn 3 bức tượng và suy nghĩ mông lung. Tôi không hiểu tại sao các con khỉ được sáng tác thường là những con khỉ già? Có lẽ tại khi già rồi thì các con khỉ mới có được cái khôn ngoan biết “kính nhi viễn chi” không muốn bàn ra nói vô những điều vô ích? (Alan Phan)
Sau mấy bài bị kiểm duyệt vì nhậy cảm, tuần này bài viết của tôi là một chuyện cổ tích, đơn giản và ngắn gọn nhiều. Chuyện dường như xuất phát từ Ân Độ vào thế kỷ thứ 15 và truyền lại qua những tác phẩm nghệ thuật khắp Á Châu.
Tất cả câu chuyện thực sự chỉ là tượng hình của ba con khỉ, ở nhiều tư thế và động thái. Một con tự bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng. KHÔNG THẤY GÌ, KHÔNG NGHE GÌ, KHÔNG NÓI GÌ. Những bức tượng và tranh vẽ chỉ ghi chú giản dị các lời nói trên, ngôn ngữ Nhật là “mizaru, kikazaru và iwazaru”. Anh ngữ thì gồm “dont see, dont hear, dont speak”; hay có nơi viết là “see no evil, hear no evil, speak no evil”. Tôi có mua được 3 tượng bằng đồng ở Tứ Xuyên, để trong phòng khách rất đẹp.
Những đêm thao thức, tôi thường ra nhìn 3 bức tượng và suy nghĩ mông lung. Tôi không hiểu tại sao các con khỉ được sáng tác thường là những con khỉ già? Có lẽ tại khi già rồi thì các con khỉ mới có được cái khôn ngoan biết “kính nhi viễn chi” không muốn bàn ra nói vô những điều vô ích? Hay tại tuổi già thưởng đem lại cho người ta sự khiếp nhược đầu hàng?
Tôi cũng không biết những con khỉ già này có một quá khứ gì hào hùng để thổi phồng lên cho con cháu nghe, sau những chầu rượu ngất ngây? Hay tất cả chỉ là hoang tưởng ngu dốt của một tuổi trẻ hăng say bị lường gạt? Những con khỉ già này có gì bám víu nâng đỡ để còn giữ cho mình chút hãnh diện và tự trọng? Hay ngoài chút tài sản và lợi ích cá nhân gia đình, chúng chỉ có một trống vắng toàn diện không còn lý tưởng hay niềm tin?
Có phải những con khỉ già im lìm trong bóng tối của đêm dài là biểu hiện của một tuyệt vọng sau cùng về bản thân mình và về xã hội chung quanh?
(Nguồn: www.gocnhinalan.com)
24 thg 11, 2011
Một trăm cách để đời vui hơn
(Lý Lan)
Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì viết giản dị khó hơn viết phức tạp. Sống giản dị cũng khó hơn sống phức tạp. Thí dụ yêu nói yêu, ghét nói ghét, là điều giản dị, nhưng có dễ gì hành xử như vậy trên cõi đời này? Cho nên người đời phức tạp, thấy vậy mà không phải vậy, nói không có khi là có, có khi là không, có khi không không có có, chẳng biết đâu mà lường.
(Nguồn: http://lylan.blogspot.com)
Ảnh: Internet |
Hồi trẻ tôi hay làm cho đời phức tạp, sợ giản dị thì tẻ nhạt, tầm thường. Chẳng hạn, đồng phục nữ sinh là áo dài trắng, quá giản dị! Nhưng nội qui trường tôi học ngày xưa rất nghiêm khắc, qui định áo dài phải có cổ, vạt áo phải dài quá gối, lại còn phải mặc áo lót. Để tạo sự khác biệt chỉ còn cách phức tạp hóa mái tóc, nón, giày. Đủ kiểu nhé. Nào là tóc cắt ba tầng, guốc quai hippi, cộng thêm các thứ vòng hạt đeo cổ tay cổ chân bằng nhựa đủ màu, đủ hình dạng, kêu xủng xoẻng theo từng cử động. Nhà trường bèn bổ sung Qui định giày không cao quá năm phân, có quai hậu, không được mang dép lê, không được trang điểm, nhổ lông mày… Các cô giám thị đầu giờ đứng ngay cổng trường đón nữ sinh, săm soi từng em, khiến cho việc chuẩn bị đi học, riêng cái hình thức thôi, cũng đã phức tạp. Phải làm sao qua được mắt các cô giám thị, lách được nội qui nhà trường, mà không “y khuôn” tầm thường tẻ nhạt.
Tới hồi già, tôi thấy đời phức tạp quá, chỉ mong sống giản dị. Mới thấy khó làm sao! Nghe nói: sông núi dễ dời, bản tánh người ta khó sửa. Tôi nghiệm rằng thói quen là thứ người ta tích lũy theo năm tháng, có thể thay đổi, chỉ có điều càng lớn tuổi, thói quen trở nên thâm căn cố đế, nhặp nhằng với “bản tính” và người ta không muốn sửa mình nữa. Những thói quen rườm rà khiến cuộc sống phức tạp, cuộc sống phức tạp triệt tiêu hạnh phúc. Nhưng nhiều người tưởng rằng phải phức tạp mới phù hợp với đời sống hiện đại, mới ra tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Chỉ có ông đồ nghèo (mạt) ngày xưa mới dùng một tấm vải cho mọi việc: bận làm quần, khoác làm áo, đắp làm chăn, cuộn lại kê đầu làm gối, trải ra làm chiếu nằm, gói đồ cột góc chéo lại thành tay nải đeo vai. Thử vô buồng tắm nhà trung lưu hiện đại coi: trung bình có năm thứ khăn: cạnh chậu rửa mặt và rửa tay có khăn lau tay và khăn lau mặt riêng. Cạnh bồn tắm có khăn lông to để lau mình, khăn lông vừa để trùm tóc, khăn vuông để nhúng nước lau mình. Ấy là chỉ mới nói về khăn.
Chưa nói tới các loại xà bông, dầu kem tắm gội, các thứ nước hoa…, mỗi thứ có từ nửa tá đến một chục loại, để lủ khủ, vừa trang trí vừa đáp ứng những nhu cầu khác nhau của chủ nhân. Một số những thứ đó được mua khi đi shopping, gặp lúc khuyến mãi, có khi được tặng. Người hiện đại nghĩ mình thuộc đẳng cấp cao thì phải dùng hàng cao cấp. Xây một ngôi nhà nguy nga thì phải có nội thất sang trọng, không thể thiếu cái bar chẳng hạn. Mà có cái bar thì phải có kho rượu. Tất nhiên phải có người uống rượu. Do đó phải có bạn bè hợp gu, phải mở tiệc tùng, phải lựa chọn khách mời, phải cân nhắc các quan hệ giao tế xã hội, phải … Trời, không thể nào kể hết những phức tạp cuộc đời một khi đã dấn vào. Thoát ra bằng cách nào?
May mà tôi chưa đạt tới “đẳng cấp” đó. Cuộc sống cũng đã hơi hơi phức tạp. Cho nên bây giờ tôi tập sống giản dị vì lợi ích sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Chẳng hạn ngừng đi đến phòng tập thể dục, khỏi hít thở mùi mồ hôi của những người cùng tập. Thời giờ đó tôi xách giỏ đi chợ mỗi ngày, vận động còn khỏe hơn tập thể dục trên máy, lại được ăn rau trái tươi, mua mới ăn liền, khỏi để tủ lạnh. Dẹp bỏ được cái tủ lạnh, chẳng những đỡ tốn điện mà còn đỡ tốn tiền mua đồ ăn quá nhiều, rồi phải ăn đồ cũ đồ đông lạnh chẳng ngon lành gì cả. Bỏ được cả thói quen bước vào bếp là mở tủ lạnh lấy lon bia hay lon nước ngọt. Uống nước trà hay nước chín để nguội dần dần thấy ngon hơn các thứ nước pha đường, hương liệu và màu nhân tạo, nhưng quan trọng là giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư!
Hồi trước mỗi lần đi đám cưới một đứa bạn là tôi sắm một bộ đồ mới, vì e là những người đã gặp mình trong đám cưới của đứa bạn khác sẽ nhận ra bộ cánh mình đã mặc lần trước. Nhưng lý do tôi viện ra thường là áo cũ mặc không vừa nữa. Chẳng bao lâu, áo quần đầy một tủ, rồi hai, ba tủ. Nhà cửa đâm chật chội, vì đâu phải chỉ riêng tủ áo phình lên, nhân đôi nhân ba. Cái gì cũng ít nhất vài ba kiểu, ví, giày, nón, kiếng mát… khiến mỗi lần đi đâu lại mất thì giờ cân nhắc đắn đo lựa chọn. Đồ đạc linh tinh lủ khủ đầy nhà khiến tôi nảy lòng mong muốn có một ngôi nhà lớn hơn, có chỗ trưng bày những thứ đồ lưu niệm mình đã kỳ công tha về từ những chuyến đi du lịch, hành hương, công tác. Muốn có nhà lớn thì đầu óc suy nghĩ tính toán cách kiếm tiền, thân đã nhọc, tâm bất an, suýt đột quị.
Bây giờ tôi đã dọn nhà, nhưng căn nhà bây giờ nhỏ hơn, buộc lòng tôi phải bỏ đi nhiều thứ không thể tìm được chỗ để. Tôi quyết định mỗi ngày dứt khoát bỏ đi một thứ gì đó. Một thứ, một món, một vật thôi, dù nhỏ. Hóa ra, một “thứ” gì đó thường gắn với một thói quen nào đó. Vứt cây son chẳng hạn, là bỏ thói quen tô môi mỗi khi ra đường, ban đầu hơi mất tự tin, nghĩ môi mình nhợt nhạt như miếng thịt bò tái trong tô phở, nhưng rồi thoải mái dần, ăn uống nói năng thoải mái, và thấy gương mặt không trang điểm của mình vẫn tươi tắn tự nhiên. Tôi nhận ra đời vui hơn khi mình sống giản dị. Và có cả trăm cách làm cho cuộc đời này bớt phức tạp đi. Bắt đầu bằng cách vứt bỏ một cái gì đó.
(Nguồn: http://lylan.blogspot.com)
Nhãn:
VH-NT
14 thg 9, 2011
Thơ Olga Berggoltz
MÙA HÈ RỚT
Olga Berggoltz
(Bằng Việt dịch)
Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!
Trên má, mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Khe khẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất,
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm...
Hạnh phúc - hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông - dù chua chát cũng thưa hơn!
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương,
Ta tiếp nhận, vì ngươi sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ,
Tình yêu đâu?... Rừng lặng, bóng sao im.
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt...
Nhưng chỉ mãi bây giờ, ta mới biết
Yêu thương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay...!
*******
MÙA LÁ RỤNG
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả
Maxcơva, lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,
Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang trong mưa giá
Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Nhắc suốt đời cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
Nếu không còn gì ao ước trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn…
Anh – con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trên đời!
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi
…Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Cơn mưa rơi thầm thĩ lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá…
Anh hãy cố vui lên, dù con đường hai ngả,
Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa…
Tôi ra ga. Lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, không còn ai tiễn biệt.
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ cần phải nói gì thêm?
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống…
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng!”
(1938)
Olga Berggoltz
(Bằng Việt dịch)
Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!
Trên má, mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Khe khẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất,
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm...
Hạnh phúc - hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông - dù chua chát cũng thưa hơn!
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương,
Ta tiếp nhận, vì ngươi sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ,
Tình yêu đâu?... Rừng lặng, bóng sao im.
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt...
Nhưng chỉ mãi bây giờ, ta mới biết
Yêu thương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay...!
*******
MÙA LÁ RỤNG
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả
Maxcơva, lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,
Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang trong mưa giá
Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Nhắc suốt đời cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
Nếu không còn gì ao ước trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn…
Anh – con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trên đời!
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi
…Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Cơn mưa rơi thầm thĩ lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá…
Anh hãy cố vui lên, dù con đường hai ngả,
Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa…
Tôi ra ga. Lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, không còn ai tiễn biệt.
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ cần phải nói gì thêm?
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống…
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng!”
(1938)
Ảnh: Internet |
Nhãn:
VH-NT
10 thg 9, 2011
Chuyện con người và nghề nghiệp
(Vương Trí Nhàn)
Ai cũng nói buôn mà chẳng ai biết buôn
Hồi chưa có chủ trương bung ra làm ăn, nhiều người thường nhìn sự buôn bán bằng con mắt tiếc rẻ. Thấy một số người liều lĩnh làm công việc gọi là phe phẩy để rồi kiếm bộn tiền, ta nghĩ có khó gì đâu cái việc buôn ấy, ai buôn mà chẳng được. Có biết đâu vài năm sau, mới thấy việc không dễ nhằn: lừa lọc móc ngoặc đánh quả... là một việc, còn buôn bán theo đúng nghĩa của nó lại khác hẳn.
Một mặt, cái gọi là tư duy con buôn đang xâm nhập vào mọi hoạt động. Trong công việc nghiên cứu khoa học. Trong dạy và học. Trong mối quan hệ giữa người và người, kể cả trong tình yêu, tình bạn. Mặt khác, chính cái việc buôn bán với nghĩa thực của nó, tức phân phối và lưu thông hàng hoá, việc ấy thì lại không mấy ai biết làm cho giỏi. Và đi ra buôn bán với thiên hạ thì người mình thật sự là còn đang rất ngô ngọng.
Quan chức càng không có nghề
Một công việc khác tưởng ai cũng có thể làm được do đó không có người làm giỏi là việc phụ trách quản lý, nói nôm na là việc làm quan. Ở đây cũng có tình trạng tương tự như buôn bán. Tức là ai cũng thích làm, cũng tưởng mình thừa sức làm, trong khi chẳng mấy ai gọi là có nghề trong việc làm quan cả. Chỉ giỏi bảo nhau làm đại đi, còn như giá có ai hỏi làm như thế nào thì chưa chắc đã biết.
Mà không có nghề ở đây thì vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người khác, cả cấp trên lẫn cấp dưới.
Nghề càng tưởng dễ thì càng khó
Chuyện thời sự ở nông thôn hiện nay là đi xuất khẩu lao động. Một người bạn tôi có vợ làm phiên dịch cho một công ty Đài Loan kể :
--Chính tuyển người đi phục vụ trong các gia đình lại khó nhất.
Nghe mà thấy bất ngờ. Cũng tương tự như tôi đã bất ngờ khi nghe nói rằng một số tỉnh bắt đầu cử bà con nông dân đi các nước học nghề. Thì ra cũng như nhiểu người, mình hay chủ quan mà nghĩ rằng những việc như làm ruộng hoặc trông nom nhà cửa thì bất cứ ai cũng làm được. Trong khi ấy thì trong xã hội hiện đại, cái gì người ta cũng đưa lên thành bài bản và coi là nghề phải học. Mà dân mình thì rất ngại học.
Học xong chả biết làm gì
Ta thường hay nói môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn mà một trong những lý do tạo nên sự hấp dẫn đó là vì người mình thông minh chịu khó, lại khéo léo, và có văn hoá, dễ tiếp nhận kỹ thuật nước ngoài. Nhưng bản tin của VTV1 sáng 10-3 -2003 đưa tin: Chỉ có 4% người Việt ra nước ngoài (xuất khẩu lao động) có tay nghề với nghĩa nghiêm chỉnh.
Cái sự thiếu người có nghề thật ra đâu phải chỉ đến ngày đưa người đi lao động nước ngoài mới biết. Mà lâu nay, mỗi năm hè tới, cả xã hội gần như rung động vì các kỳ thi đại học, thì lại là một dịp nhiều người chép miệng: thi cử căng thẳng nhưng rồi học xong chả biết làm gì. Thừa thầy thiếu thợ. Các trường gọi là đại học quá chật là vì các trường dạy nghề của ta quá yếu.
Giỏi kiếm ăn chứ không phải giỏi nghề
Ở chỗ riêng tư, nhiều người gần đây không giấu nổi ngạc nhiên: tiền nhiều quá, các cơ quan cũng như dân đều sẵn tiền, không có tiền làm việc lớn nhưng ăn uống chè chén rồi trợ cấp với biếu xén thì lu bù, lương thấp nhưng bổng lộc lại gấp mấy lương. Tương tự như vậy, trong khi cái phần con người nghề nghiệp mờ nhạt thì thay vào đấy ở nhiều người lại đang nổi lên cái phần con người kiếm sống. Nghĩa là xoay sở chạy chọt, tác động chỗ này dí điện chỗ kia. Thậm chí, cái tiêu chuẩn để một vị thủ trưởng được anh em yêu mến thời nay không phải là chuyên môn giỏi mà là chạy giỏi, kiếm được nhiều tiền về chia cho nhân viên.
Sổ tay tôi có ghi được một câu nói của nhà văn Nga L. Leonov:
Khi nói tới con người, tôi cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà nói tôi thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu vào cách nhìn đời sống của họ thông qua nghề nghiệp mà họ gắn bó, là một chuyện rất thú vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại.
Tạm diễn cái ý trên đây của L. Leonov như sau: mỗi con người chúng ta phải được chuyên môn hoá. Phải có đóng góp cho xã hội trong một công việc cụ thể, và ta phải chăm chút học hỏi để cho cái công việc cụ thể đó trở thành công việc giỏi giang.
Trong thực tế, đây lại thường là chỗ yếu của con người trong xã hội ta hôm nay.
Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ
Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi.
Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc…Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.
Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.
Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.
Vị trí đặt quảng cáo Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp…Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.
Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.
Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.
Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ trong khi sự tinh xảo bị thay bằng sự bôi bác, giả lễ bà chúa mường.
Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in – chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.
Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày xưa nay vốn là lẽ sống của những con người tự trọng. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.
Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!
Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.
Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.
Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.
Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.
Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.
Sự hư hỏng công nhiên phô bày và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.
(Nguồn: http://vuongtrinhan.blogspot.com)
Nhãn:
VH-NT
26 thg 8, 2011
Lại nói về vàng
(Alan Phan)
Để hiểu vì sao giá vàng tăng nhiều và nhanh như vậy, ta phải hiểu rõ lạm phát. Ít chuyên gia tài chánh nào muốn nói lên lý do thực sự gây lạm phát. Khi tất cả các đồng tiền đều mất giá, nhất là USD, thì vàng sẽ lên giá. Điều đó không bao giờ thay đổi.
Bốn năm nay, vàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của tôi. Nhiều người cho tôi một biệt danh mới, “Goldfinger” (nhân vật xấu của phim James Bond 007 có cùng tên). Các nhà phân tích thì bài bác chiến thuật này, cho rằng vàng không thể mang lại lợi nhuận tốt hơn chứng khoán hay bất động sản khi đầu tư lâu dài (hơn 2 năm). Họ giảng bài thêm là trên mặt thuần kinh tế, vàng không đóng góp gì vào GDP hay thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong trường đua thế giới, con ngựa “vàng” của tôi đã qua mặt mọi đối thủ nặng ký, từ chỉ số Dow Jones đến các bản tệ và mọi lọai hàng hóa. Sau bốn năm, kể từ lúc tôi mua vàng ở giá 600 USD/ ounce, nay giá vàng đã là 1.800 USD/một lượng oz. Tôi dự phóng là giá vàng sẽ lên hơn $2,500 vào cuối năm 2012.
Để hiểu vì sao giá vàng tăng nhiều và nhanh như vậy, ta phải hiểu rõ lạm phát. Trong lịch sử, lạm phát là một danh từ chỉ sự lên giá của hàng hóa. Ít chuyên gia tài chánh nào muốn nói lên lý do thực sự gây lạm phát. Họ quanh co là lạm phát tại Việt Nam xẩy ra vì lạm phát tòan cầu, vì những nhà đầu cơ, vì khí hậu, vì niềm tin của người tiêu thụ, vì sản xuất sụt giảm vân vân và vân vân. Thậm chí, số liệu thống kê còn được bẻ cong để họ có thể tuyên bố là lạm phát chỉ vài ba phần trăm mỗi tháng, không gì quan trọng. Họ không muốn nghe một nguyên nhân ngắn gọn: Lạm phát là do đồng tiền mất giá.
Và hai lý do gây ra tình trạng này cũng rất đơn giản: một, sự vay mượn để tiêu xài của ngân sách quá cao so với thu nhập qua thuế và đầu tư; hai, việc in tiền bừa bãi làm tổng cung tiền tăng lên.
Khi tiền mất giá, người ta đổ thừa do người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Kỳ thực, người dân rất khôn ngoan. Họ không tin vào những chuyện không có thực. Hay, nếu nói sự tăng giá hàng hóa là do đầu cơ, thì tôi không nghĩ là ai có đủ tiền để kinh doanh lâu dài theo chiến thuật này, trừ khi họ biết chắc là đồng tiền càng ngày càng mất giá.
Khi tất cả các đồng tiền đều mất giá, nhất là USD, thì vàng sẽ lên giá. Điều đó không bao giờ thay đổi. Nếu lấy vàng làm bản tệ (kim bản vị) và nhìn lại mấy chục năm qua, ta mới thấy trong thực tế, hàng hóa đã xuống giá vì cung vượt qua cầu, nhất là thời điểm Trung Quốc trở thành “cơ xưởng của thế giới”.
Trong một bài viết ba năm trước, tôi có so sánh giá cả hàng hóa và vàng. Lần đầu tiên tôi qua Mỹ vào năm 1963, giá vàng là $35 một lượng. Một chiếc xe Mustang mới của hãng Ford tốn $3,300, tức khỏang 100 lượng vàng; giá một nhà trung bình là $14,000 hay khoảng 400 ounces vàng; giá 1 ổ bánh mì là 22 cents (1 oz vàng mua được 150 ổ bánh mì). Năm nay, giá vàng lên $1,800 một ounce, tôi có thể dùng 100 ounces để mua 6 chiếc xe Mustang, căn nhà trung bình sẽ tốn khoảng $230,000, tương đương 130 oz vàng thay vì 400 oz, và với 1 oz vàng tôi sẽ mua được khoảng 1,300 ổ bánh mì. Có nghĩa là trong khi tiền USD mất giá trầm trọng, mãi lực của tôi lại gia tăng đáng kể so với số vàng tôi giữ suốt 48 năm qua.
Trên thế giới, lượng vàng lại hữu hạn. Năm 2007, theo National Geographic, chỉ có khoảng 161,000 tấn vàng đã từng được khai thác. Lượng vàng khai thác qua từng năm tương đối bền vững, nếu tính theo nhu cầu. Năm 2010, toàn thế giới khai thác được 3.859 tấn vàng, nhu cầu mua vàng là 3.754 tấn. Sự cân đối cung cầu và giá trị gần như bền vững này đã khiến giá vàng không nhiều biến động. Mọi biến động về giá vàng thực sự phát sinh từ sự biến động của USD và các bản tệ khác.
Không như tiền giấy, cổ phiếu, trái phiếu, hay như một công ty có thể mang về lợi nhuận lớn, hoặc thua lỗ nhiều, vàng là một ốc đảo thanh bình trong bão tố. Bởi vì không ai “in” ra vàng được hay dùng các thủ thuật chi phối của thế giới “ảo”, nên vàng thực sự là một kênh phòng thủ an toàn. Ai đọc lịch sử đều nhớ chuyện lạm phát phi mã do tiền giấy hạ giá, như đồng Mark thời Weimar của Đức, như đồng yuan của Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch, như đồng peso của Argentina trong 50 năm qua, như đồng dollar của Zimbabwe (mất giá kỷ lục khi rớt 11 triệu phần trăm trong 1 năm). Suốt 5,000 năm lịch sử, vàng không bao giờ mất giá. Tôi yêu vàng là vì vậy.
Một câu chuyện khá khôi hài trong lịch sử tài chính thế giới là việc ông Gordon Brown quyết định bán hơn nửa số vàng dự trữ của Anh (415 tấn) vào năm 2000 với giá trung bình là $276 một lượng, đem về cho Anh hơn 4 tỷ USD. Ý định của ông là hạ giá vàng thế giới và giữ giá trị tiền bảng Anh (English pound). Sau 4 tháng, đồng bảng Anh tiếp tục sụt giá, còn giá vàng thế giới lại tăng lên 25%, làm Anh mất hơn 3 tỷ USD trong giao dịch này. Nếu là một nhà đầu tư tài chính, ông Brown sẽ mất job ngay lập tức. Nhưng vì ông là chính trị gia, nên ông Brown không những không bị đuổi, mà sau đó còn đắc cử Thủ tướng với biệt danh “ Gold Brown (vàng)”.
Theo một báo cáo số liệu từ Thụy Sĩ, trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 200 tấn vàng, với giá trung bình $1,200 một ounce, thu về được 8,4 tỷ USD. Trong khi đó, nếu vẫn giữ số vàng này thì giá trị hiện nay là 12,7 tỷ USD (với giá $1,800). Tính ra, mức thiệt hại của Việt Nam từ việc mua cao, bán thấp là 4,3 tỷ USD. Tôi không biết quyết định này gây thiệt hại trực tiếp đến những ai, nhưng đây là một sự thất thoát kỷ lục so với con số GDP nhỏ nhoi, hơn 4%.
Vì vậy, nếu ai đó khuyên tôi nắm giữ tiền giấy, thì tôi xin cám ơn. Mọi người cứ việc giữ giấy, còn tôi sẽ cứ giữ vàng!
(Nguồn: www.gocnhinalan.com)
Nhãn:
Xã hội
25 thg 7, 2011
Sơ lược về nguồn gốc một số địa danh ở miền Nam (4 - hết)
Nguồn: http://trunghoctanan.net
(Hồ Đình Vũ)
Dùng tên thảo mộc để đặt địa danh cho thấy tiền nhân chúng ta ý thức được tầm quan trọng của cây cỏ trong đời sống. Sự gia tăng dân số, nhu cầu xây dựng nhà cửa, các công trình lợi ích công cộng, việc phá rừng khai thác gỗ, làm củi, hầm than hay nới rộng diện tích canh tác, chiến tranh, bột hóa học khai hoang hủy hoại một số thảo mộc đáng kể trong nước. Các địa danh ghi trên không còn mang ý nghĩa ban đầu của chúng. Chiến tranh ma túy trên thế giới đua cây coca Erythroxylum coca, cây thẩu Papaver somniferum và cần sa Cannabis sativa vào nguy cơ tuyệt chủng. Nếu Jean Jacques Rousseau còn sống, ông vẫn giữ câu nói của ông:
"Tout est bien sortant de la main de l'auteur des choses. Tout dégénère entre les mains de l'homme".
Thảo mộc là sản phẩm thiên tạo. Á phiện, cần sa, cocain là sản phẩm nhân tạo.
Phạm Đình Lân. F.A.B.I.
Phần 1
Tên do địa hình, địa thế
Bắt đầu bằng một câu hát dân gian ở vùng Ba Tri, tỉnh Bến Tre:
"Gió đưa gió đẩy,
về rẫy ăn còng,
về bưng ăn cá,
về giồng ăn dưa..."
Giồng
là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát: "trên đất giồng mình trồng khoai lang..."
Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở thành tên của một quận (huyện).
Lại nhắc đến một câu hát khác:
"Ai dzìa Giồng Dứa qua truông
Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em..."
Giồng Dứa ở Mỹ Tho, khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Luơng đến cầu Long Định, ở bên phải quốc lộ 4 là Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà người miền Nam gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc biệt là bánh da lợn).
Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải qua truông, vậy truông là gì?
Truông
là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An có truông Sim. Ở miền Trung, thời trước có truông nhà Hồ.
"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"
Tại sao lại có câu ca dao này?
Ngày xưa truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên ít người dám qua lại.
Phá
là lạch biển, nơi hội ngộ của các con sông trước khi đổ ra biển nên nước xoáy,sóng nhiều thường gây nguy hiểm cho thuyền bè. Phá Tam Giang thuộc tỉnh ThừaThiên, phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển, phía nam là sông Hương đổ ra cửa Thuận An.
Bàu
là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ còn những vũng nước nhỏ hay khô hẳn. Khác với đầm, vì đầm có nước quanh năm. Ở Sài Gòn, qua khỏi Ngã Tư Bảy Hiền chừng 1 km về hướng Hóc Môn, phía bên trái có khu Bàu Cát. Bây giờ đường xá được mở rộng, nhà cửa xây rất đẹp nhưng mùa mưa vẫn thường bị ngập nước. Ở Long Khánh có Bàu Cá, Rạch Giá có Bàu Cò.
Đầm
chỗ trũng có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa nắng, thường là chỗ tận cùng của một dòng nước đổ ra sông rạch hoặc chỗ một con sông lở bờ nước tràn ra hai bên nhưng vẫn dòng nước vẫn tiếp tục con đường của nó. Ở Cà mau có Đầm Dơi, Đầm Cùn. Ở quận 11 Sài Gòn có Đầm Sen, bây giờ trở thành một trung tâm giải trí rất lớn.
Bưng
từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác, đưng... mọc. Mùa mưa ở bưng thường có nhiều cá đồng.
"...về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa".
Ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.
Láng
chỗ đất thấp sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm. Ở Đức Hoà (giữa Long An và Sài Gòn) có Láng Le, được gọi như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và đẻ. Vùng Khánh Hội (quận 4 Sài Gòn) xưa kia được gọi là Láng Thọ vì có những chỗ ngập do nước sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành Lăng Tô, một địa danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.
Trảng
chỗ trống trải vì không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu rừng. Ở Tây Ninh có Trảng Bàng, địa danh xuất phát từ một cái trảng xưa kia có nhiều cỏ bàng vì ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Ở Biên Hoà có Trảng Bom, Trảng Táo.
Đồng
khoảng đất rất rộng lớn bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng, hoặc vừa ruộng vừa những vùng hoang chưa khai phá. Một vùng trên đường từ Gia Định đi Thủ Đức, qua khỏi ngã tư Bình Hoà, trước kia toàn là ruộng, gọi là Đồng Ông Cộ. Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 km trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, được gọi như thế vì trước kia là vùng đất phèn không thuận tiện cho việc cày cấy, bị bỏ hoang và rất vắng vẻ, trống trải. Ở Củ Chi có Đồng Dù, vì đã từng dược dùng làm nơi tập nhảy dù. Và to, rộng hơn rất nhiều là Đồng Tháp Mười.
Hố
chỗ đất trũng, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi nước lấp xấp. Ở Củ Chi có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng thường đến đó ăn cỏ. Biên Hoà có Hố Nai, là nơi những người Bắc di cư năm 1954 đến lập nghiệp, tạo thành một khu vực sầm uất.
Phần 2
Tên bắt nguồn từ tiếng Khmer
Miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người Việt và người Khmer sống chung với nhau,văn hoá đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Điều đó biểu hiện rõ nét qua một số địa danh. Một số nơi, tên gọi nghe qua thì rất Việt Nam nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer; người Việt đã Việt hoá một cách tài tình.
Cần Thơ
Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt "cần" và "thơ".. Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa. Nếu dò tìm trong hướng các địa danh Việt hoá, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer "kìntho", là một loại cá hãy còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre vẫn gọi là cá "lò tho". Từ quan điểm vững chắc rằng "lò tho" là một danh từ được tạo thành bằng cách Việt hoá tiếng Khmer "kìntho",người nghiên cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer "kìntho".
Mỹ Tho
Trường hợp Mỹ Tho cũng tương tự. Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong tiếng Việt. Những tài liệu thích ứng về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là "Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Mình gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock,chỉ còn giữ lại Mỳ Xó thôi.
Sóc Trăng
Theo cố học giả Vương Hồng Sển, đúng ra phải gọi là Sốc Trăng. Sốc Trăng xuất phát từ tiếng Khmer "Srock Khléang". Srock có nghĩa là xứ, cõi. Khléang là kho chứa vàng bạc của vua. Srock Khléang là xứ có kho vàng bạc nhà vua. Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, sau nữa biến thành Sốc Trăng. Tên Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi lại là Nguyệt Giang tỉnh, có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt là giang; trăng là nguyệt). Đến thời ông Diệm, lại gọi là tỉnh Ba Xuyên ,châu thành Khánh Hưng. Bây giờ trở lại là Sóc Trăng.
Bãi Xàu
Bãi Xàu là tên một quận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là một quận ven biển nên có một số người vội quyết đoán, cho rằng đây là một trường hợp sai chính tả, phải gọi là Bãi Sau mới đúng. Thật ra, tuy là một vùng bờ biển nhưng Bãi Xàu không có nghĩa là bãi nào cả. Nó xuất phát từ tiếng Khmer "bai xao" có nghĩa là cơm sống. Theo truyền thuyết của dân địa phương, có địa danh này là vì nơi đây ngày trước, một lực lượng quân Khmer chống lại nhà Nguyễn đã phải ăn cơm chưa chín để chạy khi bị truy đuổi.
Kế Sách
Kế Sách cũng là một quận của Sóc Trăng. Kế Sách nằm ở gần cửa Ba Thắc (một cửa của sông Củu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu, rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K'sach, như vậy Kế Sách là sự Việt hoá tiếng Khmer "k'sach".
Một số địa danh khác
Cái Răng (thuộc Cần Thơ) là sự Việt hoá của "k'ran", tức cà ràn, là một loại bếp lò nấu bằng củi, có thể trước kia đây là vùng sản xuất hoặc bán cà ràn.
Trà Vinh xuất phát từ "prha trapenh" có nghĩa là ao linh thiêng. Sông Trà Cuông ở Sóc Trăng do tiếng Khmer "Prek Trakum", là sông rau muống (trakum là rau muống).
Sa Đéc xuất phát từ "Phsar Dek", phsar là chợ, dek là sắt.
Tha La, một địa danh nổi tiếng ở Tây Ninh (Tha La xóm đạo), do tiếng Khmer "srala", là nhà nghỉ ngơi, tu dưỡng của tu sĩ Phật giáo.
Cà Mau là sự Việt hoá của tiếng Khmer "Tưck Khmau", có nghĩa là nước đen.
Phần 3- Địa danh do công dụng của một địa điểm hay do một khu vực sinh sống làm ăn.
Đây là trường hợp phổ biến nhất trong các địa danh. Theo thói quen, khi muốn hướng dẫn hay diễn tả một nơi chốn nào đó mà thuở ban đầu chưa có tên gọi, người ta thường hay mượn một điểm nào khá phổ biến của nơi đó, như cái chợ cái cầu và thêm vào một vào đặc tính nữa của cái chợ cái cầu đó; lâu ngày rồi thành tên, có khi bao trùm cả một vùng rộng lớn hơn vị trí ban đầu.
Chợ
Phổ biến nhất của các địa danh về chợ là chợ cũ, chợ mới, xuất hiện ở rất nhiều nơi. Sài Gòn có một khu Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi đã trở thành một địa danh quen thuộc. Chợ Mới cũng trở thành tên của một quận trong tỉnh An Giang. Kế bên Sài Gòn là Chợ Lớn, xa hơn chút nữa là Chợ Nhỏ ở Thủ Đức. Địa danh về chợ còn được phân biệt như sau:
- Theo loại hàng được bán nhiều nhất ở chợ đó từ lúc mới có chợ, như: Chợ Gạo ở Mỹ Tho, Chợ Búng (đáng lý là Bún) ở Lái Thiêu, Chợ Đệm ở Long An, Chợ Đũi ở Sài Gòn.
- Theo tên người sáng lập chợ hay chủ chợ (độc quyền thu thuế chợ), như: chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hom, chợ Bà Quẹo , chợ Bà Rịa.
- Theo vị trí của chợ, như: chợ Giữa ở Mỹ Tho, chợ Cầu (vì gần một cây cầu sắt) ở Gò Vấp, chợ Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.
Xóm
là một từ để phân biệt một khu vực trong làng hay một địa phương lớn hơn, về mục tiêu sản xuất, thương mại hay chỉ đơn thuần về vị trí.
Đơn thuần về vị trí, trong một làng chẳng hạn, có Xóm Trên, Xóm Dưới, Xóm Trong, Xóm Ngoài, Xóm Chùa, Xóm Đình...
Về các mục tiêu sản xuất và thương mại, ngày nay cách phân biệt các xóm chỉ còn ở nông thôn mà không còn phổ biến ở thành thị.
Những địa danh còn sót lại về xóm ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn: vùng phụ cận chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà. Gò Vấp có Xóm Thơm. Quận 4 có Xóm Chiếu. Chợ Lớn có Xóm Than, Xóm Củi, Xóm Vôi, Xóm Trĩ (Trĩ là những nhánh cây hay thân cây suôn sẻ to cỡ bằng ngón chân cái, dài chừng 2 mét, dùng để làm rào, làm luới hay làm bủa để nuôi tằm).
Thủ
là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông, vì khá phổ biến thời trước nên "thủ" đã đi vào một số địa danh hiện nay hãy còn thông dụng, như:Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa có lẽ là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc của họ. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi. (lý luận chỗ này có vẻ hơi bậy )
Bến
ban đầu là chỗ có đủ điều kiện thuận tiện cho thuyền ghe ghé vào bờ hoặc đậu lại do yêu cầu chuyên chở, lên xuống hàng. Sau này nghĩa rộng ra cho cả xe đò,xe hàng, xe lam...
Cũng như chợ, bến thường được phân biệt và đặt tên theo các loại hàng được cất lên nhiều nhất. Một số tên bến đặt theo cách này đã trở thành tên riêng của một số địa phương, như: Bến Cỏ, Bến Súc, Bến Củi ở Bình Dương. Bến Đá ở Thủ Đức.Bến Gỗ ở Biên Hoà.
Ngoài ra bến cũng còn có thể được đặt tên theo một đặc điểm nào ở đó, như một loại cây, cỏ nào mọc nhiều ở đó, và cũng trở thành tên của một địa phương, như: Bến Tranh ở Mỹ Tho, Bến Lức ở Long An (đáng lý là lứt, là một loại cây nhỏ lá nhỏ, rễ dùng làm thuốc, đông y gọi là sài hồ).
Một số trường hợp khác
Có một số địa danh được hình thành do vị trí liên hệ đến giao thông, như ngã năm, ngã bảy, cầu, rạch...thêm vào đặc điểm của vị trí đó, hoặc tên riêng của một nhân vật có tiếng ở tại vị trí đó. Ở Sài Gòn có rất nhiều địa danh được hình thành theo cách này: Ngã Tư Bảy Hiền, Ngã Năm Chuồng Chó, Ngã Ba Ông Tạ...Ở Trà Vinh có Cầu Ngang đã trở thành tên của một quận. Trường hợp hình thành của địa danh Nhà Bè khá đặc biệt, đó là vị trí ngã ba sông, nơi gặp nhau của 2 con sông Đồng Nai và Bến Nghé trước khi nhập lại thành sông Lòng Tảo. Lúc ròng, nước của hai con sông đổ ra rất mạnh thuyền bè không thể đi được, phải đậu lại đợi con nước lớn để nương theo sức nước mà về theo hai hướng Gia Định hoặc Đồng Nai.
"Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về."
Tương truyền có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản "thủ" ở vùng đó, tham nhũng nổi tiếng. Có lần nằm mơ thấy cảnh mình chết bị xuống âm phủ phải đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm phúc bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe thuyền đợi nước lớn có thể cặp đó lên bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh Nhà Bè bắt nguồn từ đó.
Kết
Miền Nam là đất mới đối với người Việt Nam, những địa danh chỉ mới được hình thành trong vài thế kỷ trở lại đây nên những nhà nghiên cứu còn có thể truy nguyên ra nguồn gốc và ghi chép lại để lưu truyền. Cho đến nay thì rất nhiều địa danh chỉ còn lại cái tên mà ý nghĩa hoặc dấu vết nguyên thuỷ đã biến mất theo thời gian. Thí dụ, Chợ Quán ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, bây giờ chỉ biết có khu Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán...chứ còn cái chợ có cái quán đố ai mà tìm cho ra được. Hoặc Chợ Đũi (có một số người tưởng lầm là Chợ Đuổi vì người buôn bán hay bị nhân viên công lực rượt đuổi) ban đầu chuyên bán đũi, là một thứ hàng dày dệt bằng tơ lớn sợi, bây giờ mặt hàng đó đã biến mất nhưng địa danh thì vẫn còn. Ngoài ra, đất Sài Gòn xưa sông rạch nhiều nên có nhiều cầu, sau này thành phố được xây dựng một số sông rạch bị lấp đi, cầu biến mất, nhưng người dân vẫn còn dùng tên cây cũ ở nơi đó để gọi khu đó,như khu Cầu Muối. Và cũng có một số địa danh do phát âm sai nên ý nghĩa ban đầu đã bị biến đổi nhưng người ta đã quen với cái tên được phát âm sai đó nên khi ghi chép lại, vẫn giữ cái tên đã được đa số chấp nhận, như Bến Lức, chợ Búng (Lứt là tên đúng lúc ban đầu, vì nơi đó có nhiều cây lứt; còn chợ Búng nguyên thủy chỉ bán mặt hàng bún, sau này bán đủ mặt hàng và cái tên được viết khác đi).
Thủ Đức
Ai chẳng một lần nghe nói đến nem Thủ Đức. Người ta nhắc đến cái địa danh Thủ Đức, Xuân Trường như là một nơi danh thắng để giai nhân, tài tử, tao nhân mặc khách đến đây thưởng thức phong quang.
Theo lời truyền khẩu của các vị bô lão ở địa phương : Khi xưa, có vị thủ đồn đầu tiên ở nơi này tên là Đức. Đến sau, ông Tạ Dương Minh đứng ra qui dân lập chợ buôn bán, nhớ đến công vị thủ đồn tên Đức, nên lấy tên và chức tước của ông mà đặt cho chợ, gọi là chợ Thủ Đức nay đã thành danh.
******
(trích trong cuốn Gia Định Xưa của Huỳnh Minh)
Gò Vấp
Gò Vấp là tên một quận của tỉnh Gia Định. Gọi là Gò Vấp có ý nghĩa gì ? Chúng tôi đã dụng công ra tìm những sử sách và hỏi thăm các vị bô lão, nhưng chẳng tìm hiểu được gì đích xác.
Tuy nhiên, theo truyền thuyết, cũng có thể tin được, địa danh mang tên Gò Vấp, vì lúc trước nơi ấy là một ngọn đồi trồng cây Vấp (theo tiếng Chàm gọi là Krai, tiếng Việt là Vấp hay Lùn). Thứ cây Vấp là thứ cây mà dân Chàm coi như thần mộc, yểm hộ cho dân tộc Chàm.
Đồng Ông Cộ
Đồng bào ở tỉnh Gia Định từ xưa tới nay thường nghe nói đến tên "Đồng Ông Cộ" nhưng không hiểu rõ cụm từ này do ai đặt ra mà được truyền tụng mãi đến ngày nay.
Ở miền Nam chúng ta, địa phương nào cũng có nhiều huyền thoại, giai thoại truyền khẩu trong dân gian, lâu ngày trở thành một địa danh.
Chúng tôi, người tình nguyện vạch bóng thời gian, ghi lại những sự việc xảy ra từng vùng,từng địa phương, để hiến quí bạn đọc hiểu rõ nguồn gốc từ thuở xa xưa nơi địa phương chính mình. Theo một vài vị bô lão cố cựu sinh quán tại Gia Định, thuật lại sự tích "Đồng ông Cộ" cho chúng tôi biết như sau.
Đất Gia Định ngày xưa rộng lớn hoang vu, dân chúng ở rải rác từng nhóm theo ruộng gò nổng, rừng chòi dày đặc,đường sá chưa được khai mở, lối đi vất vả khổ cực.
Khu đất "Đồng ông Cộ" này ngày xưa thuộc vùng sát cận trung tâm tỉnh Gia Định. Nó ăn từ chợ (ngã ba trong) dài tới cầu Hang; vòng ra đường Nguyễn Văn Học, phía bên này cầu Bình Lợi nó ăn sâu luôn phía trong có hơn 10 cây số, rồi vòng ra khu Hàng Xanh phía lò heo cũ Gia Định chạy dài tới ngã năm Bình Hoà.
Toàn thể khu vực rộng lớn như vậy,thuở xưa không có lấy một con lộ cái quan nào để dân chúng xê dịch. Dân cư trong vùng, sinh sống về nghề ruộng nương, rẫy bái, làm nghề hạ bạc (đánh cá) dọc theo sông cầu Bình Lợi, cầy Băng Ky bây giờ. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi cây lùm mọc rậm rạp.
Về sau, Tây lấy Gia Định rồi thì mở mang quốc lộ đi Thủ Đức và khu sát rìa quốc lộ, ăn sâu vô hằng 5-7 cây số (từ phía Gia Định lên nằm bên tay mặt),được Tây khai phá làm rừng cao su. Toàn thể một khu đồng ruộng mênh mông như vậy, hơn phân nửa đất đai toàn là rừng rậm, dân cư lại ít nên không có nhiều đường mòn để xê dịch. Dân chúng di chuyển bằng ngựa cũng không tiện chớ đừng nói chi đến dùng xe bò hoặc xe trâu. Đây khác hơn mọi nơi là chỗ đó!
Mỗi khi dân cư trong vùng này muốn ra tỉnh, lúc đó là thành Gia Định, có việc cần kíp, hoặc rước thày trị bệnh, hoặc tải hàng rẫy, gạo thóc ra chợ bán,hoặc mua đổi các thứ cần thiết đem về dùng.... thật là muôn vạn khó khăn. Chỉ có những trai tráng khoẻ mạnh mới có thể di chuyển nổi hằng mấy chục cây số đường lồi lõm không khác lên thác xuống ghềnh, khu đất này lại nhiều chỗ dốc lên, dốc xuống, đồi nổng..v.v.. Rất ít chỗ được khai phá, thành giồng như xuyên rừng vậy. Mà hễ mỗi lần đi như vậy thì ruộng nương, rẫy bái ở nhà lại không ai khai phá, làm lụng sản xuất. Lại mỗi lần đi ra thành thì lại mất ít nhất 2 ngày - 1 ngày đi, 1 ngày về mua bán, đổi chác.
Một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà của một ông Phú Hộ với nhà ngói 3 gian, 2 chái, 1 dãy nhà bếp, nền đúc cao treo tấm bảng lớn đề mấy chữ :
"Đảm nhận 'Cộ' người và hàng hoá đi khắp nơi".
Đồng thời với tấm bảng treo lên, ông Phú Hộ trong vùng gọi là ông Ba Phú Hộ truyền thâu dụng tất cả thanh niên vạm vỡ trong toàn khu, hay bất cứ nơi nào,muốn có chuyện làm, ngoài nghề ruộng rẫy.
"Cộ người và hàng" !
Đó là một lối tải người và hàng hoá giản tiện hơn cả võng hay kiệu.
Ông Ba Phú Hộ bèn cho dân đan những tấm vạc bằng tre, hai đầu có 4 lóng tre ló ra giống như cái băng ca nhà thương khiêng bệnh, để người đầu trước người đầu gác lên hai vai, khách thì ngồi ở vạc tre khúc giữa thòng chân lủng lẳng để người "Cộ" đi. Hàng hoá thì lại để ở khoảng giữa, thay vì tấm vạc tre đương thì nó là một miếng ván dày để có thể chất nhiều đồ mà không bị oằn chính giữa.
Người sử dụng muốn mướn chỉ cần cho ông Ba Phú Hộ hay trước, cho biết nhà rồi thì sáng sớm, khi gà vừa gáy là có dân phu mang "Cộ" đến tận nhà mà rước người, hoặc "Cộ" hàng đi ra thành Gia Định.Từ đó, dân cư bắt đầu xê dịch dễ dàng, không nhọc mệt, bận tâm, hay tốn hao người mỗi khi tải hàng đi ra thành.
Rồi thì, thời gian trôi qua, địa danh xuất hiện theo miệng người cư ngụ trong vùng. Khi hỏi:
- Ở đâu ?
Bèn đáp:
- Ở trong đồng ông Ba "Cộ" !
Ông Ba "Cộ" đây có nghĩa là ông Ba Phú Hộ"Cộ" người và hàng hoá.
Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang, nhưng là một vùng rộng lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông lại không có địa danh, nên người ta nhớ ơn ông Ba "Cộ" lập thành vùng này thành địa danh gọi là "Đồng ông Cộ" cho đến ngày nay.
Cộ
- danh từ: xe quệt. (td. trâu kéo cộ, một cộ lúa)
- động từ: kéo đi, mang chở, khuân lấy (td. cộ lúa từ đồng về nhà), ăn (td. nồi cơm lớn quá mức tụi tôi đâu có cộ nổi), đảm đương (td. nhiều việc quá liệu mình có cộ nổi khổng)
(Theo Tự điển phương ngữ Nam Bộ)
(Xe quệt, là loại xe dùng trâu hoặc bò để lết trên mặt đất. Khung xe bằng tre đặt trên 2 cây trượt. Đầu 2 cây trượt được gông vào càng xe. Người ta dùng dây chão buộc càng xe vào vai của trâu hoặc bò. Đây là phương tiện vận chuyển đường dài chủ yếu dùng trong mùa vụ nông nghiệp, thích ứng với địa hình phức tạp.)
Xe-cộ là danh từ kép, trong trường này, chữ cộ phải là danh từ để đứng chung với chữ xe. Cái xe và cái cộ cùng là danh từ chỉ một vật dùng để chuyển tải (người hoặc hàng hoá).
Giống như danh từ kép chợ-búa, chợ và búa là hai danh từ đồng nghĩa, nhưng chữ búa là từ cổ đã biến mất không ai dùng nữa, chỉ còn tồn tại trong từ kép chợ-búa.
(trích trong cuốn "Gia Định xưa" của Huỳnh Minh)
Đồng Tháp Mười
Chú thích năm 1970. Theo tôi, thuyết dưới đây của ông Lê Hương có phần đáng tin hơn cả. Trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, tập san Sử Địa số 14, 15 năm 1969, ông viết: "Tháp mười là một trong những ngôi tháp làm bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvera là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng,bằng ngói hay bằng lá thốt nốt để người bịnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dựng dọc theo các con đường lớn trong nước mà ngôi nằm trong đồng Tháp Mười, tính từ địa điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ muời.
Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả các công trình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên Tháp thứ mười. Trong năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe và xuồng để đọc những chữ khắc vào đó và phát giác ra ngôi tháp..."
(trích trong cuốn "Bảy ngày trong Đồng Tháp Muời" của Nguyễn Hiến Lê)
Bến Tre
Trường hợp hình thành tên gọi Bến Tre thật đặc biệt, vì đó là sự gán ghép giữa tiếng Khmer và tiếng Việt. Xưa kia người Khmer gọi nơi đó là Srok Treay - srok là xứ, treay là cá. Sau người Việt thay chỗ người Khmer đến sinh sống làm chủ chốn đó, biến chữ srok thành Bến nhưng chữ treay không dịch là cá mà phát âm theo tiếng Khmer thành Tre. Quả tình nơi đó không có tre mà thật nhiều tôm cá.
(theo ông Vương Hồng Sển, hết.)
Nhãn:
VH-NT
Sơ lược về nguồn gốc một số địa danh ở miền Nam (3)
Nguồn: http:trunghoctanan.net
(Hồ Đình Vũ)
Về vài địa danh mang tên thảo mộc.
Việt Nam có rất nhiều địa danh mang tên thảo mộc. Trong khuôn khổ bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến Gò Vấp, Củ Chi, Trảng Bàng, Giồng Trôm, Thốt Nốt và Bạc Liêu mà thôi.
GÒ VẤP
Trước năm 1975 Gò Vấp là một quận của tỉnh Gia Định gồm có 8 xã. Quận lỵ Gò Vấp cách Sài Gòn 10km. Đó là nơi có nhiều thành quách (An Nhơn, Hạnh Thông Tây), vườn rau cải (Hạnh Thông Tây), ruộng rau muống (Xóm Mới), vườn dừa (An Phú Đông, Bình Triệu), vườn sầu riêng, măng cụt (Nhị Bình), vườn bưởi (Thạnh Lộc) với hai xã đông dân cư và phồn thịnh về kinh tế và thương mại gần Sài Gòn: Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây.
Sau năm 1975 Gò Vấp là một quận trong thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích Gò Vấp bấy giờ thu hẹp chỉ còn 20 km2. Các xã Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây trở thành quận Bình Thạnh, Nhị Bình, Thạnh Lộc, An Phú Đông sát nhập vào quận Hóc Môn.
Gò Vấp là quận đông dân cư. Đó là nơi có nhiều giáo đường và chùa chiền. Viện Mồ Côi và bệnh viện Cộng Hòa nằm trong quận nầy. Sau năm 1954 Gò Vấp nổi tiếng về việc sản xuất pháo (Xóm Mới).
Địa danh Gò Vấp do tên của cây vấp mà ra. Tên khoa học của cây vấp là Mesua coromandelina, Mesua ferrea, Mesua nagassanium... thuộc gia đình Clusiaceae hay Guttiferae. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka và các quốc gia Đông Nam Á. Người Ấn Độ gọi là nagkesa; tiếng Phạn (Sanskrit): nagakesara; Khmer: bos neak. Người Anh gọi là cobra saffron vì theo tiếng Phạn naga có nghĩa là con rắn và chữ saffron gợi lên màu vàng của cây vấp. Tiếng anh cũng gọi cây vấp là iron wood tree hay Ceylon ironwood (thiết mộc Tích Lan).
Cây vấp cao từ 15 - 20m. Gỗ màu vàng rất cứng, ngâm duới nước không bị rã mục. Lá cây vấp nhọn, thon, dài trông rất đẹp. Lá non màu đỏ bầm. Hoa to, màu trắng bốn cánh với nhụy vàng. Hoa có hương thơm. Trái có hột dùng để lấy dầu.
Gỗ cây vấp dùng để làm nhà, ngạch đường rầy xe lửa rất tốt. Dầu lấy từ hột cây vấp dùng để thắp đèn. Cây vấp là quốc mộc ở Sri Lanka (đảo Ceylon: Tích Lan), nơi cây vấp được gọi là nahar.
Người ta dùng hoa, rễ và hột cây vấp để làm thuốc trị bệnh. Hoa được dùng để trị táo bón, đau bụng, phong hủi, ho, sốt, bất lực sinh lý. Dầu dùng để trị các chứng bệnh ngoài da, trị ghẻ, tê thấp. Dầu cây vấp có nhiều a xít béo: a xít stearic, oleic, linoleic và arachidic. Hoa khô dùng để trị bịnh trĩ, kiết lỵ. Hoa tươi trị ngứa, kinh nguyệt, khát nước quá độ (tiêu khát; tiểu đường), ra mồ hôi. Rễ dùng để trị rắn cắn. Lõi cây vấp có nhiều xanthones: euxanthones, mesuaxanthones A, mesuaferrone B. Nhụy hoa có hai bioflavonoids: mesuaferrone A và mesuaferrone B và a xít mesuanic. Vỏ có ferruol B và triterpenoid gutiferol.
CỦ CHI
Trước năm 1954 Củ Chi là một quận trong tỉnh Gia Định. Sau năm 1954 quận nầy nằm trong tỉnh Bình Dương một thời gian ngắn. Khi tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Củ Chi nằm trong tỉnh tân lập nầy. Trước năm 1975 Củ Chi có 14 xã.
Sau năm 1975 Củ Chi là một quận ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Quận Củ Chi nằm cách Sài Gòn 40 km. Diện tích quận Củ Chi lối 435 km2. Đa số dân đều sống bằng nghề nông và đan thúng rổ, làm vật dụng bằng mây. Củ Chi được biết đến nhiều trong chiến tranh vừa qua. Vùng nầy nằm trong vùng Tam Giác Sắt. Bộ tư lệnh Sư Đoàn 25 đóng tại đây. Sau năm 1975 tân chế độ gọi Củ Chi là Đất Thép Thành Đồng và biến Địa Đạo Củ Chi thành vùng du lịch.
Củ Chi là sinh quán của Trần Minh Tiết, Chánh án Tối cao pháp viện VNCH; Phan Văn Khải, cựu thủ tướng CHXHCNVN.
Địa danh Củ Chi phát xuất từ tên gọi của cây củ chi tức mã tiền. Cây củ chi hay mã tiền được tìm thấy nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á. Tên khoa học của nó là Strychnos nux-vomica thuộc gia đình Loganiaceae. Người Anh gọi là poison nut (vì độc chất của mã tiền), quaker buttons, snake-wood, nux-vomica, strychnine tree. Người Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về việc dùng mã tiền (củ chi) làm thuốc. Họ gọi mã tiền (củ chi) là kuchala. Người Trung Hoa gọi là ma qian zi.
Cây củ chi cao đến 25 m. Lá bầu như trầu. Trên lá có nhiều gân lá song song với rìa lá. Hoa nhỏ màu trắng ngà kết thành chùm. Trái tròn màu vàng cam khi chín. Gỗ trắng và cứng.
Củ chi nổi tiếng vì độc chất của nó. Nhưng độc chất đó cũng được nghiên cứu kỹ lưởng để dùng vào việc chữa trị bệnh. Nó có alkaloid strychnine rất độc. Vỏ có brucine và nhiều hợp chất độc khác. Nói chung cây củ chi có nhiều độc chất. Nhưng dùng ở liều lượng đúng, nó trở thành thuốc trị đau bụng, gây nôn, táo bón, mất ngủ, bịnh tim, thần kinh, tinh thần hồi hộp bất an, kinh nguyệt không điều hòa, bệnh hô hấp của người già, viêm vành tai ngoài gây ngứa ngáy khó chịu.
Trong y học dân gian người ta xem mã tiền như thuốc bổ tạo sự thèm ăn. Hiện nay ở Trung Hoa người ta nghiên cứu xem củ chi có thể dùng vào việc chữa trị ung thư gan hữu hiệu hay không.
TRẢNG BÀNG
Tràng Bàng là một quận trong tỉnh Tây Ninh gồm có 7 xã. Quận nầy nằm cách Sài Gòn 50 km về phía tây bắc. Quận Trảng Bàng rộng lối 340 km2. Trảng Bàng nổi tiếng với bánh canh giò heo ăn với bánh tráng phơi sương (không cần nhúng nước), rau rừng và nước mắm pha chế đặc biệt của người miền đông Nam bộ. Năm 1972 một bức ảnh chụp một em bé trần truồng chạy ngoài quốc lộ ở Trảng Bàng sau một cuộc dội bom napalm trong một làng trong quận Trảng Bàng được giải thưởng Putlitzer.
Trảng Bàng là sinh quán của giáo sư Nguyễn Ngọc An, người sáng lập hai trường Minh Đức (Trảng Bàng) và Tân Dân (Hóc Môn). có một thời ông là tổng trưởng bộ Thông tin và Chiêu hồi.
Theo từ nguyên thì Trảng (savanna) là một vùng đất trống có nhiều cỏ và cây cùng một loại mọc lưa thưa. Bàng là cây bàng, một loại thảo mộc được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, Nam Hoa, các hải đảo Thái Bình Dương và biển Caribbean.
Tên khoa học của cây bàng là Terminalia molucca (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Chữ molucca trong tên khoa học cho thấy nguồn gốc Molucca, Indonesia, của loại thảo mộc nầy hay ít ra nó cũng có nhiều trên đảo nầy. Người Anh gọi cây bàng là umbrella tree (vì bóng mát rộng lớn của nó), tropical almond (hạnh nhiệt đới) như người Tây Ban Nha gọi almondro de la India (hạnh Ấn Độ) Người Miến Điện gọi là badan và Khmer là pareang prang.
Cây bàng cao đến 25 m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rộng lớn. Lá bàng to, dày và láng. Vào mùa thu lá chuyển sang màu vàng rồi đỏ rất đẹp trước khi rụng. Trái bàng khá to, cơm dày ăn được. Hột có nhiều dầu và có mùi dễ chịu. Hột được ăn sống hay rang chín. Lá hay hoa cây bàng đều đẹp. Lá tươi hay khô đều được dùng làm thuốc nhuộm. Màu xanh chuyển sang màu vàng khi cho phèn chua và sulfate sắt vào. Gỗ cây bàng rất cứng và đẹp. Nó được dùng để cất nhà hay làm đồ mộc. Trồng cây bàng để có bóng mát, có nhiều gỗ, thanh lọc không khí, chống xâm thực ngoài bờ biển và tạo phong cảnh đẹp.
Lá, gỗ, vỏ, hột cây bàng đều được dùng làm thuốc. Sự dồi dào tannins của lá, vỏ làm cho cây bàng hữu dụng trong việc trị chứng tiêu chảy, kiết lỵ và đau nhức. Hột được dùng làm thuốc trị huyết tiện (hematuria). Ở Ấn Độ người ta dùng lá bàng trị tê thấp. Kết hợp với thuốc xức để trị ghẻ, phong hủi và các chứng bịnh về da.
Trái bàng có ác xít tannic. Tannin của lá và vỏ cây bàng có punicalagin chống oxy hóa. Những thí nghiệm gần đây vào chuột cho thấy hoạt chất lấy từ lá bàng có tác dụng bảo vệ gan.
Ngoài cây bàng vừa nói qua còn có cây bàng nước mang tên khoa học Terminalia belerica (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương như cây bàng Terminalia molucca. Người Anh gọi cây bàng nước là belliric myrobalan (người Miến Điện gọi cây bàng là Balan); người Ấn Độ gọi là Bibitaki. Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi cây bàng nước là Vibhitaki, có nghĩa là không sợ bị bịnh. Tên gọi nầy cho thấy tính năng trị liệu cao của cây bàng nước.
Cây bàng nước có sistosterols, ác xít gallic, ellagic, chebulagic, galloyl glucose và đường. Hột có ác xít oxalic, protein. Vỏ có nhiều tannins.
Trái bàng nước nhuận trường, cầm máu, trị đau cuống họng, ho, đau mắt, bịnh ngoài da, phong hủi, thủy thũng, tiêu chảy, kiết lỵ, làm cho tóc đen. Nó kháng trùng, kháng ung thư và bảo vệ gan chống nhiễm độc chất.
GIỒNG TRÔM
Trước năm 1975 Giồng Trôm là một quận của tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) với 15 xã. Sau 1975 nó vẫn là một quận của Bến Tre với diện tích lối 310 km2. Quận lỵ Giồng Trôm nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 15' và đông kinh tuyến 106 độ 05'.
Giồng Trôm là một quận nông nghiệp. Đó là quận sinh quán của Cử Trị tức Phan Văn Trị (1830 - 1910), người đả kích Tôn Thọ Tường hợp tác với người Pháp vào thế kỷ XIX; tướng Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua. Tân chế độ luôn nhắc và tự hào về cuộc Đồng Khời Bến Tre xuất phát từ Cù Lao Bảo và Cù Lao Minh trong quận Giòng Trôm vào ngày 17-01-1960 mở đầu cho cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975).
Ở Nam Bộ có rất nhiều địa danh có chữ Giòng như Giòng Ông Tố, Giòng Gạch, Giòng Ông Khuê v.v. Giòng là vùng đất cao ít nước, Trôm là cây trôm. Có hai loại cây trôm:
1- Trôm hôi Sterculia foetida.
2- Trôm nhựa Sterculia hypochra.
Cả hai loại trôm nầy đều thuộc gia đình Sterculiaceae như cây cola, cây lười ươi hay gia đình Malvaceae như bông vải, cây gòn.
Thảo mộc thuộc gia đình Sterculiaceae đều có mùi hôi khó chịu. Theo tiếng La Tinh Stercus có nghĩa là "phân". Chử foetida trong tên khoa học của cây trôm hôi phản ảnh mùi hôi của nó. Người Anh gọi cây trôm hôi là Java olive (ô-liu Java), Skunk tree (cây chồn hôi).. Người Lào gọi là som hong.
Cây trôm hôi được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ. Ở Hoa Kỳ nó được tìm thấy ở Hawaii, Arizona. Cây trôm cao từ 15-25 m. Lá dày, dài và láng rất đẹp, cùng một cuống có 5 lá tụ lại thành hình ngôi sao.. Hoa đỏ rất đẹp. Trái có vỏ dày. Bốn năm trái tụ lại tạo thành hình ngôi sao đỏ khi chín. Khi lớp vỏ cứng bên ngoài vỡ ra, bên trong có nhiều hột màu đen nhạt. Hột rất chắc và có nhiều dầu. Người ta dùng dầu trôm để thắp đèn. Hột trôm rang dùng để ăn. Gỗ trôm không cứng chắc nên không có giá trị trong ngành mộc. Nhưng cây trôm cho bóng mát và tạo cảnh đẹp cho vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Hột trái trôm có a xít sterculic, oleic, myristic, palmitic, tristerculin, tristearin, ác xít béo và glycerides. Hột trái trôm nhuận trường. Dầu trôm màu vàng nhạt có thể dùng như dầu ô-liu trong nấu nướng hay dùng để thắp đèn. Ở Cambodia người ta dùng dầu cây trôm làm mỹ phẩm. Bánh dầu dùng để trị ghẻ ngứa.
Cây trôm nhựa Stercularia hypochra có nhiều ở những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới. Người Khmer gọi là Tlon.. Tỉnh Biên Hòa là nơi có nhiều cây trôm nhựa. Hoa trôm nhựa màu vàng và có lông mịn. Trái hình trứng.. Nhiều trái tụ lại thành hình ngôi sao như cây trôm hôi. Trái có vỏ ngoài rất cứng. Hột đen nhạt rất chắc. Hột có nhiều dầu. Thân cây trôm nhựa có nhiều nhựa. Khi dùng dao băm vào thân cây, nhựa tuôn ra. Nhựa đó là Gummis sterculiae hydrochae màu vàng nhạt dễ hòa tan trong nước.. Khi ra không khí nhựa chuyển sang màu đen. Theo kinh nghiệm dân gian người ta dùng nhựa nầy để ăn cho mát cơ thể và để trị chứng tiêu chảy. Ở Phi Châu người ta dùng nhựa để trị tiêu chảy. Nó hữu dụng trong ngành nhuộm.
THỐT NỐT
Trước năm 1975 Thốt Nốt là một quận của tỉnh An Giang (tên cũ: Long Xuyên). Quận Thốt Nốt gồm có 9 xã. Đó là một trong những vùng nông nghiệp trù phú bên châu thổ sông Cửu Long. Thốt Nốt là quận tương đối "thái bình" trong cuộc chiến tranh vừa qua. Thốt Nốt có nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Về vị trí địa lý đó là trục giao thông bằng đường thủy quan trọng nối liền các tỉnh An Giang – Phong Dinh (Cần Thơ) – Châu Đốc – Kiến Phong.
Sau năm 1975 Thốt Nốt là một huyện trong tỉnh Cần Thơ. Huyện nầy cũng có 9 xã như trước.
Thốt Nốt âm từ chữ Thnot của người Khmer chỉ một loài thảo mộc giống như cây dừa. Nhựa của cây nầy được dùng để làm ra đường "thốt nốt" khác với đường mía.
Tên khoa học của cây thốt nốt là Borassus flabellifer thuộc gia đình Palmae (lá cọ) hay Arecaceae (dừa, cau).
Tên gọi của người Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha về thốt nốt luôn có chữ Palmyra. Palmyra là tên một thành phố cổ ở Syria gần thủ đô Damascus. Trong Thánh Kinh Do Thái thành Palmyra được biết dưới tên Tadmor.
Có phải chăng cây thốt nốt xuất phát từ Palmyra, Syria?
Hay Phi Châu như tên gọi African fan palm của người Anh?
Cây thốt nốt được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Mã Lai, Indonesia, New Guinea, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia. Có thể cây thốt nốt ở Đông Nam Á gốc Ấn Độ, nơi cây thốt nốt được gọi là TALTAR. Ở Miến Điện, Thái Lan âm Tan của chữ TAL (âm đầu của chữ taltar) được tìm thấy như tanabin (Miến) và tan-yai (Thái). Ở Mã Lai và Indonesia nơi ảnh hưởng ngôn ngữ và văn hóa của Ấn Độ rất đậm nét âm TAR (âm sau cùng của chữ taltar) được tìm thấy trong tên gọi LONTAR.
Ở Ấn Độ và Sri Lanka có nhiều đồn điền thốt nốt. Thốt nốt được xem là thiên thanh mộc vì có công dụng đa dạng. Người Việt Nam biết đến cây thốt nốt khi tiếp xúc với người Khmer vào thế kỷ XVII và XVIII.
Cây thốt nốt cao từ 20 - 25 m. Cây hao hao giống cây dừa. Tàu lá cũng hao hao giống tàu lá dừa. Tàu lá dài đến 2 - 3 m. Trái thốt nốt nhỏ chớ không to như trái dừa. Khi còn non nó có 3 cạnh vì mỗi trái có ba hột bên trong. Khi lớn trái có hình bầu dục. Cơm và hột trái thốt nốt đều ăn ngon.
Khác với cây dừa, cây thốt nốt chịu nắng hạn rất tốt. Cây có nhiều công dụng trong đời sống cư dân miền nhiệt đới và bán nhiệt đới như cây dừa vậy. Gỗ cứng màu đen đỏ, dùng làm nhà hay hàng rào. Miến Điện là quốc gia xuất cảng gỗ thôt nốt nổi tiếng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, đan thúng rổ, nón, quạt hay chầm làm áo mưa. Ngày xưa người Indonesia và Khmer dùng lá thốt nốt làm giấy để khắc chữ viết để lưu văn kiện và tài liệu.
Nhựa cây thốt nốt dùng để làm đường hay cho lên men để làm ra rượu arrack hay làm giấm. Trung bình một cây thốt nốt có thể cho 350 trái mỗi năm. Mỗi cây cho 4 - 5 lít nhựa mỗi ngày suốt 200 ngày trong năm. Tàu lá phơi khô dùng để làm củi nấu nướng. Tàu lá có nhiều sợi. Người ta chẻ tàu lá tươi để làm dây cột hay bện thành dây thừng to và bền chắc.
Đường thốt nốt bổ hơn đường mía vì có nhiều glucose, sucrose, chất béo, chất sắt, chất vôi, phosphorus và sinh tố B.
Cây thốt nốt non dùng để trị kiết lỵ, làm rau. Rễ rất nhuận tiểu, lợi cho bộ hô hấp và khả năng diệt lãi trong đường ruột. Người ta đốt mo bông lấy tro để chữa bệnh gan và sưng lá lách. Vỏ cây thốt nốt sắc nước dùng để súc miệng. Nhựa lấy từ hoa thốt nốt rất bổ, nhuận tiểu, kháng khuẩn, tiêu đàm. Đường thốt nốt dùng để chữa viêm da.
Người Việt Nam trồng dừa nhưng không trồng thốt nốt và dùng đường mía chớ không dùng đường thốt nốt. Người viết bài nầy dành cho độc giả quyền suy luận để tìm hiểu cái tại sao của tiền nhân khi ở địa danh Thốt Nốt không có cây thốt nốt.
BẠC LIÊU
Bạc Liêu nằm về phía đông nam Nam Bộ cách Sài Gòn 280 cây số về phía nam. Vùng đất nầy hình thành trên bản đồ hành chánh vào năm 1735 do công lao của Mạc Thiên Tích. Vào thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Bạc Liêu là một huyện của trấn Hà Tiên (Hà Trấn). Năm 1833 Hà Trấn được đổi thành tỉnh Hà Tiên. Dưới thời Pháp thuộc Bạc Liêu là một trong 21 tỉnh ở Nam Kỳ. Tỉnh Bạc Liêu có các quận: Giá Rai, Cà Mau, Thới Bình, Quản Long, Tân Bang, Năm Căn Đông và Tây, Vĩnh Châu. Năm 1956 quận Giá Rai sát nhập vào tỉnh Ba Xuyên (tên cũ: Sóc Trăng). Các quận còn lại nằm trong tỉnh An Xuyên.
Sau năm 1975 tỉnh An Xuyên được đổi thành tỉnh Minh Hải. Năm 1996 tỉnh Minh Hải được chia ra làm hai tỉnh:
1- Tỉnh Bạc Liêu (Bắc)
2- Tỉnh Cà Mau (Nam)
Tỉnh Bạc Liêu có 6 huyện: Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi. diện tích lối 2.500 km2. Đó là một tỉnh trù phú về lúa gạo, ngư sản. Bạc Liêu là nơi có nhiều người Việt gốc Hoa và người Khmer Krom sinh sống. Đó là chiếc nôi của Vọng Cổ Hoài Lang, là sinh quán của Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973) nổi tiếng hào sảng nhất nước thời thuộc địa.
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Bạc Liêu âm từ tiếng Khmer Po-Loeuth có nghĩa là cây da to lớn. Tên khoa học của cây da là Ficus indica hay Ficus benghalensis cho thấy xuất xứ Ấn Độ và vùng Bengal của cây da.
Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, các nước Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương v.v... Cây da cao lối 25m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rất tốt. Gốc cây rất to. Ngoài rễ dưới đất nó còn có nhiều rễ treo trên cành và đâm thẳng xuống đất để trở thành một thân cây nhỏ khác. Những cây da cổ thụ ở Sri Lanka hay Ấn Độ có nhiều cây nhỏ bao quanh như một đám rừng vậy. Cây da cổ thụ ở Sri Lanka có 350 thân cây lớn với 3.000 cây thân nhỏ! Trong Vườn Bách Thảo Quốc Gia Kolkata ở Ấn Độ có cây da 300 tuổi và cho bóng mát trên một châu vi 1.000m. Cây da là quốc mộc của Ấn Độ. Lá cây da to, láng và dày. Trái tròn khi chín chuyển sang màu đỏ giống như trái sung. Cây da rất cần nước nên nó không thể mọc ở những vùng đất khô hạn.
Người Ấn Độ gọi cây da là bargad, banya. Nhiều nơi khác ở Ấn Độ gọi cây da là Vada. Tiếng Sanskrit gọi là bahupada. Có phải chăng chữ ĐA mà người Việt Nam gọi là âm cuối cùng của chữ VADA hay BAHUPADA? Người Anh gọi cây da là Banyan tree, Indian banya tree xuất phát từ chữ banya của Ấn Độ mà ra. Chữ banya không có nghĩa là cây cối gì cả mà có nghĩa là cửa tiệm hay thương nhân. Vì ngày xưa người Ấn Độ mở cửa tiệm dưới bóng mát của cây da để buôn bán. Ở nước ta có quán bà Bầu dưới gốc cây da nên trước năm 1954 ở Sài Gòn-Chợ Lớn có đường Da Bà Bầu (quán của bà Bầu dưới tàng cây da. Người Nam Bộ gọi là CÂY DA chớ không phải CÂY ĐA).
Y thư Ayurveda của Ấn Độ trân quí cây da. Lá, rễ, trái, rễ treo, nhựa cây da đều được dùng làm thuốc cầm máu trị xuất huyết, trĩ, binh về mật, đau âm hộ, ho, sốt, lở loét, ói mửa, viêm, phong hủi. Nhựa được xem là bổ dưỡng, kích dục, giảm viêm, trị lâm lậu. Rễ được dùng để trị giang mai, bịnh về mật, kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan. Lá cây da lông tức lá tì bà dùng để trị ho và thủy thũng.
Ở Việt Nam dước gốc cây da thường có một cái miếu nhỏ thờ Thần. Từ đó có câu:
Thần cây da, Ma cây gạo, Cú cáo cây đề
Cây da cậy Thần
Thần cậy cây da.
Trong văn chương Việt Nam người ta thường mượn hình ảnh cây da đầu làng, cây da bến nước, cây da đầu đình để gợi tình hoài hương. Ca dao Việt Nam nói nhiều về cây da như:
Cây da cũ, con én rũ, cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, em thương chàng bấy nhiêu.
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
Cây da bến cũ con đò khác đưa.
Cây da bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa tẽ rồi.
Trong chuyện cổ tích có chuyện Cây Da với Thằng Cuội tạo nguồn cảm hứng cho Lê Thương phổ nhạc. Vào thế kỷ XVIII Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ (chiêu: cậu ấm, cậu chiêu, con của các tiến sĩ ngày xưa) cũng dựa vào cảm hứng nầy khi viết:
Khi nào trong thả lên cung nguyệt,
Cho cả cành đa với củ đa.
(theo Vương Hồng Sển, còn tiếp)
(Hồ Đình Vũ)
Về vài địa danh mang tên thảo mộc.
Việt Nam có rất nhiều địa danh mang tên thảo mộc. Trong khuôn khổ bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến Gò Vấp, Củ Chi, Trảng Bàng, Giồng Trôm, Thốt Nốt và Bạc Liêu mà thôi.
GÒ VẤP
Trước năm 1975 Gò Vấp là một quận của tỉnh Gia Định gồm có 8 xã. Quận lỵ Gò Vấp cách Sài Gòn 10km. Đó là nơi có nhiều thành quách (An Nhơn, Hạnh Thông Tây), vườn rau cải (Hạnh Thông Tây), ruộng rau muống (Xóm Mới), vườn dừa (An Phú Đông, Bình Triệu), vườn sầu riêng, măng cụt (Nhị Bình), vườn bưởi (Thạnh Lộc) với hai xã đông dân cư và phồn thịnh về kinh tế và thương mại gần Sài Gòn: Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây.
Sau năm 1975 Gò Vấp là một quận trong thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích Gò Vấp bấy giờ thu hẹp chỉ còn 20 km2. Các xã Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây trở thành quận Bình Thạnh, Nhị Bình, Thạnh Lộc, An Phú Đông sát nhập vào quận Hóc Môn.
Gò Vấp là quận đông dân cư. Đó là nơi có nhiều giáo đường và chùa chiền. Viện Mồ Côi và bệnh viện Cộng Hòa nằm trong quận nầy. Sau năm 1954 Gò Vấp nổi tiếng về việc sản xuất pháo (Xóm Mới).
Địa danh Gò Vấp do tên của cây vấp mà ra. Tên khoa học của cây vấp là Mesua coromandelina, Mesua ferrea, Mesua nagassanium... thuộc gia đình Clusiaceae hay Guttiferae. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka và các quốc gia Đông Nam Á. Người Ấn Độ gọi là nagkesa; tiếng Phạn (Sanskrit): nagakesara; Khmer: bos neak. Người Anh gọi là cobra saffron vì theo tiếng Phạn naga có nghĩa là con rắn và chữ saffron gợi lên màu vàng của cây vấp. Tiếng anh cũng gọi cây vấp là iron wood tree hay Ceylon ironwood (thiết mộc Tích Lan).
Cây vấp cao từ 15 - 20m. Gỗ màu vàng rất cứng, ngâm duới nước không bị rã mục. Lá cây vấp nhọn, thon, dài trông rất đẹp. Lá non màu đỏ bầm. Hoa to, màu trắng bốn cánh với nhụy vàng. Hoa có hương thơm. Trái có hột dùng để lấy dầu.
Gỗ cây vấp dùng để làm nhà, ngạch đường rầy xe lửa rất tốt. Dầu lấy từ hột cây vấp dùng để thắp đèn. Cây vấp là quốc mộc ở Sri Lanka (đảo Ceylon: Tích Lan), nơi cây vấp được gọi là nahar.
Người ta dùng hoa, rễ và hột cây vấp để làm thuốc trị bệnh. Hoa được dùng để trị táo bón, đau bụng, phong hủi, ho, sốt, bất lực sinh lý. Dầu dùng để trị các chứng bệnh ngoài da, trị ghẻ, tê thấp. Dầu cây vấp có nhiều a xít béo: a xít stearic, oleic, linoleic và arachidic. Hoa khô dùng để trị bịnh trĩ, kiết lỵ. Hoa tươi trị ngứa, kinh nguyệt, khát nước quá độ (tiêu khát; tiểu đường), ra mồ hôi. Rễ dùng để trị rắn cắn. Lõi cây vấp có nhiều xanthones: euxanthones, mesuaxanthones A, mesuaferrone B. Nhụy hoa có hai bioflavonoids: mesuaferrone A và mesuaferrone B và a xít mesuanic. Vỏ có ferruol B và triterpenoid gutiferol.
CỦ CHI
Trước năm 1954 Củ Chi là một quận trong tỉnh Gia Định. Sau năm 1954 quận nầy nằm trong tỉnh Bình Dương một thời gian ngắn. Khi tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Củ Chi nằm trong tỉnh tân lập nầy. Trước năm 1975 Củ Chi có 14 xã.
Sau năm 1975 Củ Chi là một quận ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Quận Củ Chi nằm cách Sài Gòn 40 km. Diện tích quận Củ Chi lối 435 km2. Đa số dân đều sống bằng nghề nông và đan thúng rổ, làm vật dụng bằng mây. Củ Chi được biết đến nhiều trong chiến tranh vừa qua. Vùng nầy nằm trong vùng Tam Giác Sắt. Bộ tư lệnh Sư Đoàn 25 đóng tại đây. Sau năm 1975 tân chế độ gọi Củ Chi là Đất Thép Thành Đồng và biến Địa Đạo Củ Chi thành vùng du lịch.
Củ Chi là sinh quán của Trần Minh Tiết, Chánh án Tối cao pháp viện VNCH; Phan Văn Khải, cựu thủ tướng CHXHCNVN.
Địa danh Củ Chi phát xuất từ tên gọi của cây củ chi tức mã tiền. Cây củ chi hay mã tiền được tìm thấy nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á. Tên khoa học của nó là Strychnos nux-vomica thuộc gia đình Loganiaceae. Người Anh gọi là poison nut (vì độc chất của mã tiền), quaker buttons, snake-wood, nux-vomica, strychnine tree. Người Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về việc dùng mã tiền (củ chi) làm thuốc. Họ gọi mã tiền (củ chi) là kuchala. Người Trung Hoa gọi là ma qian zi.
Cây củ chi cao đến 25 m. Lá bầu như trầu. Trên lá có nhiều gân lá song song với rìa lá. Hoa nhỏ màu trắng ngà kết thành chùm. Trái tròn màu vàng cam khi chín. Gỗ trắng và cứng.
Củ chi nổi tiếng vì độc chất của nó. Nhưng độc chất đó cũng được nghiên cứu kỹ lưởng để dùng vào việc chữa trị bệnh. Nó có alkaloid strychnine rất độc. Vỏ có brucine và nhiều hợp chất độc khác. Nói chung cây củ chi có nhiều độc chất. Nhưng dùng ở liều lượng đúng, nó trở thành thuốc trị đau bụng, gây nôn, táo bón, mất ngủ, bịnh tim, thần kinh, tinh thần hồi hộp bất an, kinh nguyệt không điều hòa, bệnh hô hấp của người già, viêm vành tai ngoài gây ngứa ngáy khó chịu.
Trong y học dân gian người ta xem mã tiền như thuốc bổ tạo sự thèm ăn. Hiện nay ở Trung Hoa người ta nghiên cứu xem củ chi có thể dùng vào việc chữa trị ung thư gan hữu hiệu hay không.
TRẢNG BÀNG
Tràng Bàng là một quận trong tỉnh Tây Ninh gồm có 7 xã. Quận nầy nằm cách Sài Gòn 50 km về phía tây bắc. Quận Trảng Bàng rộng lối 340 km2. Trảng Bàng nổi tiếng với bánh canh giò heo ăn với bánh tráng phơi sương (không cần nhúng nước), rau rừng và nước mắm pha chế đặc biệt của người miền đông Nam bộ. Năm 1972 một bức ảnh chụp một em bé trần truồng chạy ngoài quốc lộ ở Trảng Bàng sau một cuộc dội bom napalm trong một làng trong quận Trảng Bàng được giải thưởng Putlitzer.
Trảng Bàng là sinh quán của giáo sư Nguyễn Ngọc An, người sáng lập hai trường Minh Đức (Trảng Bàng) và Tân Dân (Hóc Môn). có một thời ông là tổng trưởng bộ Thông tin và Chiêu hồi.
Theo từ nguyên thì Trảng (savanna) là một vùng đất trống có nhiều cỏ và cây cùng một loại mọc lưa thưa. Bàng là cây bàng, một loại thảo mộc được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, Nam Hoa, các hải đảo Thái Bình Dương và biển Caribbean.
Tên khoa học của cây bàng là Terminalia molucca (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Chữ molucca trong tên khoa học cho thấy nguồn gốc Molucca, Indonesia, của loại thảo mộc nầy hay ít ra nó cũng có nhiều trên đảo nầy. Người Anh gọi cây bàng là umbrella tree (vì bóng mát rộng lớn của nó), tropical almond (hạnh nhiệt đới) như người Tây Ban Nha gọi almondro de la India (hạnh Ấn Độ) Người Miến Điện gọi là badan và Khmer là pareang prang.
Cây bàng cao đến 25 m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rộng lớn. Lá bàng to, dày và láng. Vào mùa thu lá chuyển sang màu vàng rồi đỏ rất đẹp trước khi rụng. Trái bàng khá to, cơm dày ăn được. Hột có nhiều dầu và có mùi dễ chịu. Hột được ăn sống hay rang chín. Lá hay hoa cây bàng đều đẹp. Lá tươi hay khô đều được dùng làm thuốc nhuộm. Màu xanh chuyển sang màu vàng khi cho phèn chua và sulfate sắt vào. Gỗ cây bàng rất cứng và đẹp. Nó được dùng để cất nhà hay làm đồ mộc. Trồng cây bàng để có bóng mát, có nhiều gỗ, thanh lọc không khí, chống xâm thực ngoài bờ biển và tạo phong cảnh đẹp.
Lá, gỗ, vỏ, hột cây bàng đều được dùng làm thuốc. Sự dồi dào tannins của lá, vỏ làm cho cây bàng hữu dụng trong việc trị chứng tiêu chảy, kiết lỵ và đau nhức. Hột được dùng làm thuốc trị huyết tiện (hematuria). Ở Ấn Độ người ta dùng lá bàng trị tê thấp. Kết hợp với thuốc xức để trị ghẻ, phong hủi và các chứng bịnh về da.
Trái bàng có ác xít tannic. Tannin của lá và vỏ cây bàng có punicalagin chống oxy hóa. Những thí nghiệm gần đây vào chuột cho thấy hoạt chất lấy từ lá bàng có tác dụng bảo vệ gan.
Ngoài cây bàng vừa nói qua còn có cây bàng nước mang tên khoa học Terminalia belerica (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Combretaceae. Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương như cây bàng Terminalia molucca. Người Anh gọi cây bàng nước là belliric myrobalan (người Miến Điện gọi cây bàng là Balan); người Ấn Độ gọi là Bibitaki. Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi cây bàng nước là Vibhitaki, có nghĩa là không sợ bị bịnh. Tên gọi nầy cho thấy tính năng trị liệu cao của cây bàng nước.
Cây bàng nước có sistosterols, ác xít gallic, ellagic, chebulagic, galloyl glucose và đường. Hột có ác xít oxalic, protein. Vỏ có nhiều tannins.
Trái bàng nước nhuận trường, cầm máu, trị đau cuống họng, ho, đau mắt, bịnh ngoài da, phong hủi, thủy thũng, tiêu chảy, kiết lỵ, làm cho tóc đen. Nó kháng trùng, kháng ung thư và bảo vệ gan chống nhiễm độc chất.
GIỒNG TRÔM
Trước năm 1975 Giồng Trôm là một quận của tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) với 15 xã. Sau 1975 nó vẫn là một quận của Bến Tre với diện tích lối 310 km2. Quận lỵ Giồng Trôm nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 15' và đông kinh tuyến 106 độ 05'.
Giồng Trôm là một quận nông nghiệp. Đó là quận sinh quán của Cử Trị tức Phan Văn Trị (1830 - 1910), người đả kích Tôn Thọ Tường hợp tác với người Pháp vào thế kỷ XIX; tướng Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua. Tân chế độ luôn nhắc và tự hào về cuộc Đồng Khời Bến Tre xuất phát từ Cù Lao Bảo và Cù Lao Minh trong quận Giòng Trôm vào ngày 17-01-1960 mở đầu cho cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975).
Ở Nam Bộ có rất nhiều địa danh có chữ Giòng như Giòng Ông Tố, Giòng Gạch, Giòng Ông Khuê v.v. Giòng là vùng đất cao ít nước, Trôm là cây trôm. Có hai loại cây trôm:
1- Trôm hôi Sterculia foetida.
2- Trôm nhựa Sterculia hypochra.
Cả hai loại trôm nầy đều thuộc gia đình Sterculiaceae như cây cola, cây lười ươi hay gia đình Malvaceae như bông vải, cây gòn.
Thảo mộc thuộc gia đình Sterculiaceae đều có mùi hôi khó chịu. Theo tiếng La Tinh Stercus có nghĩa là "phân". Chử foetida trong tên khoa học của cây trôm hôi phản ảnh mùi hôi của nó. Người Anh gọi cây trôm hôi là Java olive (ô-liu Java), Skunk tree (cây chồn hôi).. Người Lào gọi là som hong.
Cây trôm hôi được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ. Ở Hoa Kỳ nó được tìm thấy ở Hawaii, Arizona. Cây trôm cao từ 15-25 m. Lá dày, dài và láng rất đẹp, cùng một cuống có 5 lá tụ lại thành hình ngôi sao.. Hoa đỏ rất đẹp. Trái có vỏ dày. Bốn năm trái tụ lại tạo thành hình ngôi sao đỏ khi chín. Khi lớp vỏ cứng bên ngoài vỡ ra, bên trong có nhiều hột màu đen nhạt. Hột rất chắc và có nhiều dầu. Người ta dùng dầu trôm để thắp đèn. Hột trôm rang dùng để ăn. Gỗ trôm không cứng chắc nên không có giá trị trong ngành mộc. Nhưng cây trôm cho bóng mát và tạo cảnh đẹp cho vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Hột trái trôm có a xít sterculic, oleic, myristic, palmitic, tristerculin, tristearin, ác xít béo và glycerides. Hột trái trôm nhuận trường. Dầu trôm màu vàng nhạt có thể dùng như dầu ô-liu trong nấu nướng hay dùng để thắp đèn. Ở Cambodia người ta dùng dầu cây trôm làm mỹ phẩm. Bánh dầu dùng để trị ghẻ ngứa.
Cây trôm nhựa Stercularia hypochra có nhiều ở những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới. Người Khmer gọi là Tlon.. Tỉnh Biên Hòa là nơi có nhiều cây trôm nhựa. Hoa trôm nhựa màu vàng và có lông mịn. Trái hình trứng.. Nhiều trái tụ lại thành hình ngôi sao như cây trôm hôi. Trái có vỏ ngoài rất cứng. Hột đen nhạt rất chắc. Hột có nhiều dầu. Thân cây trôm nhựa có nhiều nhựa. Khi dùng dao băm vào thân cây, nhựa tuôn ra. Nhựa đó là Gummis sterculiae hydrochae màu vàng nhạt dễ hòa tan trong nước.. Khi ra không khí nhựa chuyển sang màu đen. Theo kinh nghiệm dân gian người ta dùng nhựa nầy để ăn cho mát cơ thể và để trị chứng tiêu chảy. Ở Phi Châu người ta dùng nhựa để trị tiêu chảy. Nó hữu dụng trong ngành nhuộm.
THỐT NỐT
Trước năm 1975 Thốt Nốt là một quận của tỉnh An Giang (tên cũ: Long Xuyên). Quận Thốt Nốt gồm có 9 xã. Đó là một trong những vùng nông nghiệp trù phú bên châu thổ sông Cửu Long. Thốt Nốt là quận tương đối "thái bình" trong cuộc chiến tranh vừa qua. Thốt Nốt có nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Về vị trí địa lý đó là trục giao thông bằng đường thủy quan trọng nối liền các tỉnh An Giang – Phong Dinh (Cần Thơ) – Châu Đốc – Kiến Phong.
Sau năm 1975 Thốt Nốt là một huyện trong tỉnh Cần Thơ. Huyện nầy cũng có 9 xã như trước.
Thốt Nốt âm từ chữ Thnot của người Khmer chỉ một loài thảo mộc giống như cây dừa. Nhựa của cây nầy được dùng để làm ra đường "thốt nốt" khác với đường mía.
Tên khoa học của cây thốt nốt là Borassus flabellifer thuộc gia đình Palmae (lá cọ) hay Arecaceae (dừa, cau).
Tên gọi của người Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha về thốt nốt luôn có chữ Palmyra. Palmyra là tên một thành phố cổ ở Syria gần thủ đô Damascus. Trong Thánh Kinh Do Thái thành Palmyra được biết dưới tên Tadmor.
Có phải chăng cây thốt nốt xuất phát từ Palmyra, Syria?
Hay Phi Châu như tên gọi African fan palm của người Anh?
Cây thốt nốt được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Mã Lai, Indonesia, New Guinea, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia. Có thể cây thốt nốt ở Đông Nam Á gốc Ấn Độ, nơi cây thốt nốt được gọi là TALTAR. Ở Miến Điện, Thái Lan âm Tan của chữ TAL (âm đầu của chữ taltar) được tìm thấy như tanabin (Miến) và tan-yai (Thái). Ở Mã Lai và Indonesia nơi ảnh hưởng ngôn ngữ và văn hóa của Ấn Độ rất đậm nét âm TAR (âm sau cùng của chữ taltar) được tìm thấy trong tên gọi LONTAR.
Ở Ấn Độ và Sri Lanka có nhiều đồn điền thốt nốt. Thốt nốt được xem là thiên thanh mộc vì có công dụng đa dạng. Người Việt Nam biết đến cây thốt nốt khi tiếp xúc với người Khmer vào thế kỷ XVII và XVIII.
Cây thốt nốt cao từ 20 - 25 m. Cây hao hao giống cây dừa. Tàu lá cũng hao hao giống tàu lá dừa. Tàu lá dài đến 2 - 3 m. Trái thốt nốt nhỏ chớ không to như trái dừa. Khi còn non nó có 3 cạnh vì mỗi trái có ba hột bên trong. Khi lớn trái có hình bầu dục. Cơm và hột trái thốt nốt đều ăn ngon.
Khác với cây dừa, cây thốt nốt chịu nắng hạn rất tốt. Cây có nhiều công dụng trong đời sống cư dân miền nhiệt đới và bán nhiệt đới như cây dừa vậy. Gỗ cứng màu đen đỏ, dùng làm nhà hay hàng rào. Miến Điện là quốc gia xuất cảng gỗ thôt nốt nổi tiếng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, đan thúng rổ, nón, quạt hay chầm làm áo mưa. Ngày xưa người Indonesia và Khmer dùng lá thốt nốt làm giấy để khắc chữ viết để lưu văn kiện và tài liệu.
Nhựa cây thốt nốt dùng để làm đường hay cho lên men để làm ra rượu arrack hay làm giấm. Trung bình một cây thốt nốt có thể cho 350 trái mỗi năm. Mỗi cây cho 4 - 5 lít nhựa mỗi ngày suốt 200 ngày trong năm. Tàu lá phơi khô dùng để làm củi nấu nướng. Tàu lá có nhiều sợi. Người ta chẻ tàu lá tươi để làm dây cột hay bện thành dây thừng to và bền chắc.
Đường thốt nốt bổ hơn đường mía vì có nhiều glucose, sucrose, chất béo, chất sắt, chất vôi, phosphorus và sinh tố B.
Cây thốt nốt non dùng để trị kiết lỵ, làm rau. Rễ rất nhuận tiểu, lợi cho bộ hô hấp và khả năng diệt lãi trong đường ruột. Người ta đốt mo bông lấy tro để chữa bệnh gan và sưng lá lách. Vỏ cây thốt nốt sắc nước dùng để súc miệng. Nhựa lấy từ hoa thốt nốt rất bổ, nhuận tiểu, kháng khuẩn, tiêu đàm. Đường thốt nốt dùng để chữa viêm da.
Người Việt Nam trồng dừa nhưng không trồng thốt nốt và dùng đường mía chớ không dùng đường thốt nốt. Người viết bài nầy dành cho độc giả quyền suy luận để tìm hiểu cái tại sao của tiền nhân khi ở địa danh Thốt Nốt không có cây thốt nốt.
BẠC LIÊU
Bạc Liêu nằm về phía đông nam Nam Bộ cách Sài Gòn 280 cây số về phía nam. Vùng đất nầy hình thành trên bản đồ hành chánh vào năm 1735 do công lao của Mạc Thiên Tích. Vào thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Bạc Liêu là một huyện của trấn Hà Tiên (Hà Trấn). Năm 1833 Hà Trấn được đổi thành tỉnh Hà Tiên. Dưới thời Pháp thuộc Bạc Liêu là một trong 21 tỉnh ở Nam Kỳ. Tỉnh Bạc Liêu có các quận: Giá Rai, Cà Mau, Thới Bình, Quản Long, Tân Bang, Năm Căn Đông và Tây, Vĩnh Châu. Năm 1956 quận Giá Rai sát nhập vào tỉnh Ba Xuyên (tên cũ: Sóc Trăng). Các quận còn lại nằm trong tỉnh An Xuyên.
Sau năm 1975 tỉnh An Xuyên được đổi thành tỉnh Minh Hải. Năm 1996 tỉnh Minh Hải được chia ra làm hai tỉnh:
1- Tỉnh Bạc Liêu (Bắc)
2- Tỉnh Cà Mau (Nam)
Tỉnh Bạc Liêu có 6 huyện: Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi. diện tích lối 2.500 km2. Đó là một tỉnh trù phú về lúa gạo, ngư sản. Bạc Liêu là nơi có nhiều người Việt gốc Hoa và người Khmer Krom sinh sống. Đó là chiếc nôi của Vọng Cổ Hoài Lang, là sinh quán của Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973) nổi tiếng hào sảng nhất nước thời thuộc địa.
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Bạc Liêu âm từ tiếng Khmer Po-Loeuth có nghĩa là cây da to lớn. Tên khoa học của cây da là Ficus indica hay Ficus benghalensis cho thấy xuất xứ Ấn Độ và vùng Bengal của cây da.
Đó là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, các nước Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương v.v... Cây da cao lối 25m, có nhiều nhánh nên cho bóng mát rất tốt. Gốc cây rất to. Ngoài rễ dưới đất nó còn có nhiều rễ treo trên cành và đâm thẳng xuống đất để trở thành một thân cây nhỏ khác. Những cây da cổ thụ ở Sri Lanka hay Ấn Độ có nhiều cây nhỏ bao quanh như một đám rừng vậy. Cây da cổ thụ ở Sri Lanka có 350 thân cây lớn với 3.000 cây thân nhỏ! Trong Vườn Bách Thảo Quốc Gia Kolkata ở Ấn Độ có cây da 300 tuổi và cho bóng mát trên một châu vi 1.000m. Cây da là quốc mộc của Ấn Độ. Lá cây da to, láng và dày. Trái tròn khi chín chuyển sang màu đỏ giống như trái sung. Cây da rất cần nước nên nó không thể mọc ở những vùng đất khô hạn.
Người Ấn Độ gọi cây da là bargad, banya. Nhiều nơi khác ở Ấn Độ gọi cây da là Vada. Tiếng Sanskrit gọi là bahupada. Có phải chăng chữ ĐA mà người Việt Nam gọi là âm cuối cùng của chữ VADA hay BAHUPADA? Người Anh gọi cây da là Banyan tree, Indian banya tree xuất phát từ chữ banya của Ấn Độ mà ra. Chữ banya không có nghĩa là cây cối gì cả mà có nghĩa là cửa tiệm hay thương nhân. Vì ngày xưa người Ấn Độ mở cửa tiệm dưới bóng mát của cây da để buôn bán. Ở nước ta có quán bà Bầu dưới gốc cây da nên trước năm 1954 ở Sài Gòn-Chợ Lớn có đường Da Bà Bầu (quán của bà Bầu dưới tàng cây da. Người Nam Bộ gọi là CÂY DA chớ không phải CÂY ĐA).
Y thư Ayurveda của Ấn Độ trân quí cây da. Lá, rễ, trái, rễ treo, nhựa cây da đều được dùng làm thuốc cầm máu trị xuất huyết, trĩ, binh về mật, đau âm hộ, ho, sốt, lở loét, ói mửa, viêm, phong hủi. Nhựa được xem là bổ dưỡng, kích dục, giảm viêm, trị lâm lậu. Rễ được dùng để trị giang mai, bịnh về mật, kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan. Lá cây da lông tức lá tì bà dùng để trị ho và thủy thũng.
Ở Việt Nam dước gốc cây da thường có một cái miếu nhỏ thờ Thần. Từ đó có câu:
Thần cây da, Ma cây gạo, Cú cáo cây đề
Cây da cậy Thần
Thần cậy cây da.
Trong văn chương Việt Nam người ta thường mượn hình ảnh cây da đầu làng, cây da bến nước, cây da đầu đình để gợi tình hoài hương. Ca dao Việt Nam nói nhiều về cây da như:
Cây da cũ, con én rũ, cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, em thương chàng bấy nhiêu.
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
Cây da bến cũ con đò khác đưa.
Cây da bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa tẽ rồi.
Trong chuyện cổ tích có chuyện Cây Da với Thằng Cuội tạo nguồn cảm hứng cho Lê Thương phổ nhạc. Vào thế kỷ XVIII Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ (chiêu: cậu ấm, cậu chiêu, con của các tiến sĩ ngày xưa) cũng dựa vào cảm hứng nầy khi viết:
Khi nào trong thả lên cung nguyệt,
Cho cả cành đa với củ đa.
(theo Vương Hồng Sển, còn tiếp)
Nhãn:
VH-NT
Sơ lược về nguồn gốc một số địa danh ở miền Nam (2)
Nguồn: http://trunghoctanan.net
(Hồ Đình Vũ)
(sưu tầm bài viết của ông Tân Việt Điêu trong Văn hóa nguyệt san số 33 năm 1958)
(Hồ Đình Vũ)
(sưu tầm bài viết của ông Tân Việt Điêu trong Văn hóa nguyệt san số 33 năm 1958)
Tên gọi Sài Gòn từ đâu?
Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất nhiều thì giờ và công sức.
Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó có 3 thuộc loại quan trọng hơn. Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới đây:
Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống):
Đây là thuyết được đưa ra bởi hai người Pháp là Aubaret và Francis Garnier ( người bị giặc Cờ Đen phục kích chết ). Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine và Garnier, Cholen, thì người Tàu ở miền Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778 và đặt tên cho thành phố, đó là Tai-ngon hay Ti-ngan. Sau dó, người Việt bắt chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.
Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn! Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.
Tại sao? Vì lịch sử chứng minh rằng Sài Gòn có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vở "Luỹ Sài Gòn" (theo Hán-Việt viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam . Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán "Côn" được dùng thế cho "Gòn". Nếu đọc theo Nôm là "Gòn", còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là "Côn".
Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn! Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.
Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor.
Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự "nghe nói" như sau:
"Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn ..Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận".
Pétrus-Trương Vĩnh Ký- Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon , Imprimerie Coloniale 1885.
Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là "của" Trương Vĩnh Ký (TVK), mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết tiếp "Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó".
Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ "Cây Gòn" (Kai Gon) hay "Rừng Gòn" (Prey Kor) mà ra.
Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.
Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sài Gòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký . Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sài Gòn không có phát triển hay thay đổi gì cho lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sài Gòn.
Sài Gòn từ Prei Nokor
Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là "most likely".
Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố 1 danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokọr
Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Sài Gòn) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế.
Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ (Sài Gòn Hạ).
Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", Prei hay Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "Gòn".
Từ Prei Nokor …mà thành Sài Gòn thì thật là …dễ sợ !
Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc "sai" ra "sê" theo giọng Pháp nên Sài Gòn được viết với hai dấu chấm trên chữ i.
Ca dao tục ngữ Sài Gòn
Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, là một thành phố lớn nhất Việt Nam (Admin: thời điểm trước khi mở rộng thủ đô!). Những nơi như Sài Gòn được mệnh danh là Kẻ Chợ, đã là Kẻ Chợ ắt có chợ, mà phải là ngôi chợ lớn, khách Lục tỉnh lên thăm Sài Gòn, ra vào chợ Sài Gòn hẳn không quên (Admin: danh từ riêng Kẻ Chợ chỉ Hà Nội xưa (đọc bài viết của Vương Trí Nhàn), viết kẻ chợ - người ở chợ - ở chỗ này thì hợp hơn là viết hoa?). Chợ Sài Gòn được đồng bào Hậu Giang so sánh với ngôi chợ tỉnh nhà:
Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi măng.
Giã em xứ sở vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.
Người con gái ở đô thành tiêm nhiễm nếp sống Tây phương (Admin: "tiêm nhiễm"?!), chàng trai xa nàng khỏi sao thắc mắc, lo nàng ở lại chẳng vuông tròn nên phải ra vô, nàng vuông tròn chàng yên tâm về xứ sở.
Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
Viết thư thăm hết mọi nhà,
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em.
Sài Gòn và Mỹ Tho, hai nơi cách nhau trên sáu chục cây số, nay tuy thật gần những xưa thật xa, vì phương tiện di chuyển đâu có dồi dào như ngày nay, chàng và nàng dù đã yêu nhau, nhưng mỗi lúc tới thăm đâu có dễ dàng, đôi bên cùng bận làm ăn buôn bán, nàng ở chợ Sài Gòn, chàng ở chợ Mỹ Tho. Nhớ nhung nhau, chỉ biết tin thư thăm hỏi, lấy giấy thay lời. Chàng yêu nàng vì duyên, vì tình, tình yêu chân thật, đâu thấy nàng giàu mà ham hoặc thấy nàng nghèo mà chê.
Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ,
Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu.
Lấy anh em đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em.
Chợ Sài Gòn với những hàng quảng cáo đèn màu xanh đỏ, chàng trai quê lên nhầm lẫn đó là đèn tàu. Sự lầm lẫn thị giác này có thể có được, nhưng lầm về yêu đương, chàng đâu có lầm. Chàng lấy nàng đâu có kể sang giàu, vì tiền tài bao nhiêu cũng có thể hết, duy tình nghĩa mới bền lâu, như người xưa đã nói:
Theo vàng bỏ ngãi ai hơi,
Vàng thời đã hết, ngãi tôi vẫn còn.
Chính vì nghĩa mới bền lâu, nên khi xa người nghĩa, người con trai đứng ngồi không yên:
Chim quyên xuống đất tha mồi,
Tôi xa người nghĩa đứng ngồi không yên!
Giấy tây bán mấy,
Mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì?
Mến thương nàng, đem nàng so sánh với các nàng Lục tỉnh, cô gái Sài Gòn thật hơn:
Nội trong lục tỉnh Nam kỳ,
Mấy ai được nết nhu mì như em.
Hai hàng lụy ngọc ướt nhèm,
Làm sao cho đặng anh với em giao hòa.
Sự ước vọng, lòng mong mỏi của chàng là được cùng nàng giao hòa!
Chợ Sài Gòn ngày nay ta vẫn gọi là chợ Bến Thành, nhưng Bến Thành trước đây là bến tàu và hàng ngày thường 10 giờ thì tàu đến bến này:
Mười giờ tàu lại Bến Thành,
Súp lê còi thổi bộ hành lao xao.
Sao lại mệnh danh Bến Thành? Phải chăng đây là bến của đô thành Sài Gòn hay của Gia Định thành? Còn khách bộ hành lao xao vì muốn ngắm tàu Tây.
Anh ngồi quạt quán Bến Thành,
Nghe em có chốn anh đành quăng om!
Anh ngồi quạt quán Bà Hom,
Hành khách chẳng có, đá om quăng lò.
Chàng trai ngồi quạt quán ở Bến Thành với bình trà Huế, được tin người mình thương đã có nơi chốn, chàng tỏ buồn rầu quẳng cả bình trà đi! Kể cũng đáng buồn, tưởng được cùng người thương thưởng thức bình trà (om) ngon, ngờ đâu nàng là hoa có chủ, chàng đành ôm hận, trút mối giận vào om, cái bình trà vô tội.
Nhắc đến Bến Thành, quên sao được thành Tây:
Dân đất Bắc,
Đắp thành Tây.
Đông thật là đông,
Sầu Nam vời vợi.
Câu này gồm đủ đông, tây, nam, bắc! Dân đất Bắc phải chăng những người dân miền Bắc bị đưa vào Nam làm dân phu, đắp thành cho người Tây? Số dân phu ắt nhiều lắm, đông thật là đông. Sự đông đúc này quả là một mối sầu vời vợi cho nước Nam, cho dân Nam! Nước mất nhà tan, thân làm nô lệ, phải đi đắp thành cực khổ cho Tây để chúng dựa vào thành trì đô hộ đồng bào mình. Người miền Bắc bị đi dân phu hằng than thở:
Nhà tan nước mất ai ơi,
Cái thân nô lệ sống đời cu li!
Người dân than thân như vậy, nhưng vẫn có bọn mũ cao áo dài hà hiếp dân để nịnh bợ quân thù! Thật đau đớn nhưng những kẻ mãi quốc cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà, có bao giờ chúng nghĩ đến sầu Nam vời vợi.. Và, trong khi sống đời cu li đi đắp thành Tây, đã biết bao nhiêu người bỏ thây cùng công việc, ngày xưa đâu đã có máy móc, kỹ thuật xây dựng đắp hoàn toàn công ở sức người.
Đắp thành Tây rồi xây soái phủ cho Tây, người dân Nam trong cảnh căm hờn muốn nói không ra, đành gởi tâm tình vào ca dao tục ngữ:
Trên thượng thơ bán giấy
Dưới Thủ Ngữ treo cờ.
Kìa Ba còn đứng trơ vơ!
Nào khi núp bụi, núp bờ,
Mũi Di đánh dạo bây giờ bỏ em.
Thượng thơ, xưa chính là soái phủ miền Nam ở góc đường Tự Do và Gia Long ngày nay. Nơi ấy có bán ấn chỉ cho dân, trong Nam quen gọi là bán giấy. Thủ Ngữ là nơi thủy quân Pháp đóng, có dựng cột cờ. Con người ái quốc trông hai nơi này căm gan sôi ruột! Ai đã khéo đặt ra câu ca dao trên để kích thích lòng căm hờn của người dan Việt, đã nhắc đến tượng Gambotta ở vườn Tao Đàn, gọi một cách nhục nhã là Ba Tượng một người Pháp gọi là Ba, ai là dân Việt ắt thấy nhục vong quốc này. Nếu câu ca dao chỉ có ba dòng đầu có thể gợi sự nghi ngờ của người Pháp, bởi vậy phải thêm hai hàng sau gắn vào, mượn lời tình nhân oán trách tình nhân che dấu ý kín của câu hát. Tuy đây là lời tình nhân oán trách tình nhân, nhưng cũng là lời đồng chí oán trách đồng chí, đã cùng nhau núp bụi ngồi bờ, đã cùng nhau đánh dạo ở mũi Di, vậy mà quên nhau, về đầu thú người Pháp để cầu công danh phú quý.
Pháp chiếm Việt Nam, một mặt dân Việt Nam căm hờn, một mặt một số cô gái Việt Nam kém ý thức, vì hoàn cảnh đã sánh duyên với Pháp trở thành me Tây. Lính Pháp lấy me trong thời gian ở đất Việt, rồi anh lính trở về Pháp, cô me Tây ở lại nước Việt lại lấy chồng, đặng một anh lính khác, chẳng khác chi các nàng Giao Chỉ sau này trong thập niên 60 cho đến năm 1975 sánh duyên cùng các chú lính Mẽo:
Sài Gòn mũi đõ,
Gia Đinh súp lê.
Giã hiền thê ở lại lấy chồng,
Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây.
Thuyền, tàu Sài Gòn hồi đó sơn mũi đỏ để phân biệt với thuyền tàu lục tỉnh, như vậy thực dân tiện bề kiểm soát.
Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây, câu này muốn nói khi anh lính Tây đã ra cửa bể rồi, anh tha hồ được tự do, đến bến mới anh tha hồ kết duyên cùng người mới.
Về các cuộc hôn nhân Việt Pháp, lúc tiễn đưa, chúng tôi đã từng nhắc tới một câu trong ca dao hôn nhân dị chủng, xin phép được nhắc lại như sau:
Còi súp lê một anh còn than thở,
Còi súp lê hai anh nức nở vắn dài.
Còi súp lê ba, tàu ra biển Bắc,
Nước mắt anh nhỏ ra, anh rút mù xoa anh chậm,
Tình nghĩa vợ chồng ngàn dặm không quên.
Cuộc tiễn đưa ắt phải xảy ra tại bến tàu Sài Gòn, và có anh chàng Tây đã thút thít vì phải xa vợ, anh bảo rằng ngàn dặm không quên, có thật hay chăng anh ra cửa bể như rồng lên mây? Sao có sự mâu thuẫn giữa hai câu thơ trên, hay ý tại ngôn ngoại, chỉ có sự mâu thuẫn trên hình thức, còn thực ra thì ngàn dặm có đời nào mà không quên đối với những lứa đôi dị chủng, nhất là trong cuộc chắp nối giang hồ.
Sài Gòn nơi có đô hội lớn, phố xá rộng rãi, cây cao và rậm mát:
Đường Sài Gòn cây to bóng mát,
Đường Chợ Lớn hạt cát nhỏ dễ đi.
Đường Sài Gòn có đúng cây to bóng mát, còn đường Chợ Lớn có lẽ trước đây với đất phù sa của đồng bằng Cửu Long, cát nhỏ dễ đi chăng! Dưới thời Pháp thuộc, đường Sài Gòn cũng như đường Chợ Lớn đều đã rải đá và sau này tráng nhựa... Ngày nay, với thời gian đường đã hư hỏng dù rải đá hay tráng nhựa, mà chính quyền có ít chú ý tới sửa chữa, nên có thể có người than:
Đường Sài Gòn ổ gà đi xóc,
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.
Ca dao Sài Gòn có những câu rất ngộ nghĩnh, nhắc tới địa danh một cách khéo léo:
Chị Hươu đi chợ Đồng Nai,
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.
Trong bài này chúng ta bắt gặp bốn con vật ăn cỏ là Hươu, Nai, Nghé, Bò với hai địa danh là Đồng Nai, Bến Nghé.
Dưới đây là câu ca dao nhắc tới các chợ khác ngoài chợ Bến Thành:
Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau chợ Vải, mua trầu chợ Dinh.
Sáng mai đi chợ Gò Vấp,
Anh mua một xấp vải đem về.
Cho con hai nó cắt, con ba nó may,
Con tư nó đột, con năm nó viền.
Con sáu đơm nút, con bảy vắt khuy;
Anh bước ra đi,
Con tám núi, con chín trì,
Ớ em mười ơi!
Sao em để vậy còn gì áo anh?
Ca dao Sài Gòn hẳn phải còn nhiều, biết tới đâu xin tỏ tường tới đó, những điều chưa biết xin nhờ sự chỉ giáo của người biết.
*******
(Trích tác phẩm "Hương Nước Hồn Quê" – Toan Ánh )
Đầu tiên được nói đến Bà Nghè, tên gọi hồi trước của con rạch Thị Nghè quận 1 sát bên Sở thú Sài Gòn. Trong Gia Định phú do Phan Văn Thị sáng tác có câu ví ngộ nghĩnh.
Coi ngoài rạch Bà Nghé, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt, lá chàm rai.
Tôi chịu thua, tìm cả trong tự điển cây "chàm rai" là cây gì, mà lá nó xanh dữ vậy.
Nội ô Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh còn có một bà cũng nổi tiếng đó là Bà Chiểu, nằm trên địa bàn phường 1, 2 và 14 thuộc quận Bình Thạnh. Khu vực này có cái chợ cùng tên Bà Chiểu tấp nập ngày đêm, chủ yếu là bán lẻ. Có câu ca dao, nghe cũng vui tai:
Xe mui chiều thả chung quanh
Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi.
Có lẽ nổi tiếng nhất trong các bà là Bà Điểm. Tương truyền bà Điểm là một chủ quán nước chè vùng Tân Thới Nhứt, Hóc Môn, có 18 thôn vườn trầu, nơi đây Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định từng hoạt động (khoảng năm 1861).
Nói cho ngay, người Sài Gòn xưa hay đặt cho con rạch, chiếc cầu, một địa danh,một con đường, con hẻm một cái tên (hoặc bà hoặc ông) trước là dễ nhớ, sau là ghi lại công tích của người đó góp cho dân trong vùng; thứ nữa nhìn hình vóc của khu vực đó mà đặt.
Thí dụ: Bà Quẹo, là khu vực gồm các phường 13, 14 quận Tân Bình. Ai đi trên đường Cách mạng Tháng Tám nối liền đường Trường Chinh lên Tây Ninh, vọt thẳng biên giới với Cam-pu-chia, có một ngã ba, nếu nhà ở hướng lộ 14 thì quẹo trái (rẽ) vào.
Hay Bà Đô, là con rạch ở phường 1, quận 5, thông từ các ao, đầm ra rạch Bến Nghé, nay bị lấp rồi. Bà Đô còn là tên chiếc cầu ở đầu đường Hàm Tử bắc qua rạch Bà Đô (còn gọi là Thị Đô). Dân chèo ghe ở Sài Gòn hồi trước, qua đây hay hát:
Kể từ chợ Sỏi trở vô
Xóm Lá là chợ, Thị Đô là cầu.
Hay như Bà Thuông, tên chiếc cầu trên kênh Tàu Hũ, từ đầu đường Tản Đà đến đầu đường Phú Định. Trong Gia Định phú có câu ví rất hay:
Giếng Bà Nhuận rạch cam tuyền, trai gái nhảy thỏa tình khát vọng
Cầu Bà Thuông đường quan lộ gần xa đều phỉ chí quy lai.
Tên cầu, tên rạch, tên khu vực nào đó có từ Bà rất nhiều. Như: rạch Bà Bướm có tên từ 1902 ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 chảy vào sông Sài Gòn, nay nằm trong khu chế xuất Tân Thuận. Sông Bà Cả Bảy chảy qua hai xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi dài 15 km từ ranh giới với Tây Ninh đến
sông Láng Thé. Bà Hom vừa là khu vực phường 13, 14, quận 6 giáp ranh với Tân Bình và Bình Chánh, vừa là chiếc kênh ở xã Tân Tạo. Bà Tàng, vừa là các rạch ở phường 7, quận 8, cũng là tên chiếc cầu bắc qua rạch Lào trên đường Phạm Thế Hiển. Rồi Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà
Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp... cũng là cầu, là rạch, là tên riêng vùng đất. Như tên Bà Khắc là chiếc cầu xưa ở vùng Cầu Kho quận 1. Khắc trong tiếng Nam Bộ còn gọi là Khấc, để cầu khỏi trơn trợt.
Trong bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh có câu:
Trên cây Da Còm, nỡ để ông già gùi đội
Dưới đường Cầu Khắc, chi cho con trẻ lạc loài.
Chiếc cầu Bà Khắc (hay Khấc) này thời nay không còn nữa.
Nhiều tên đường cũng tên bà, như đường Bà Huyện Thanh Quan trên địa bàn phường 6, 7, 9 quận 3, hồi Pháp có tên là Rue Nouvelle, đến năm 1920 đổi thành Pierre Fladin. Năm 1955 mới có tên Bà Huyện Thanh Quan đến ngày nay.
Bà Ký là đường trên địa bàn phường 9, quận 6. Bà Lài là đường nối từ đường Phạm Văn Chí với Lò Gốm, nay tên đường mới là Đặng Thái Thân. Bà Lê Chân ở Tân Định. Năm 1906 có tên là Frostin. Đến 19-10-1955 đổi lại thành đường Bà Lê Chân. Bà Triệu nằm sau Bệnh viện Chợ Rẫy, thời Pháp có tên là Merlande. Năm 1955 mới đổi thành Bà Triệu... Chắc là còn nhiều "bà" nữa mà người viết chưa có vinh hạnh làm quen xin mọi người tìm thêm nữa.
Cũng lạ, khi đặt tên cho cái rạch, con sông, chiếc cầu, hay địa danh một vùng đất gắn với một bà nào đó, thì có cả ca dao, câu hát, câu ví dí dỏm. Nhưng, với cánh đàn ông thì thiệt là khô khan, chả thơ phú, câu vè, câu đố nào. Dù sao, có bà thì phải có ông, bởi thiếu ông nghe như trống trải trong lòng vậy.
Ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, địa danh mang tên năm ông sau đây, cứ nhắc tới thì cả nam, phụ, lão, ấu ai cũng rành.
Đầu sổ là Ông Lãnh. Gắn liền với Ông Lãnh là chiếc cầu. Dạ, Cầu Ông Lãnh, rồi chợ Cầu Ông Lãnh, và phường Cầu Ông Lãnh (nói nhỏ: chỗ này hồi trước bụi đời dữ lắm nghen, nay thì đỡ nhiều rồi). Đúng là có cầu, có chợ, có phường 100%, nhưng thử hỏi cắc cớ: vậy Ông Lãnh là ai vậy, thưa bà con, thì nghe chừng ngắc ngứ lắm! Có giả thuyết cầu này do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 - 1866) đóng quân ở đồn Cây Mai, Thủ Thiêm và tại đình Nhơn Hòa, quận 1 gần chiếc cầu. Vả lại, năm 1885, Trương Vĩnh Ký có viết rằng chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng này, chớ không phải ai khác. Cũng có người bảo, cầu này ở cạnh một ông lãnh sự, nên đặt chết tên luôn. Nghe chừng chuyện này không thuyết phục mấy.
Hai là Ông Thượng. Người Sài Gòn trọng tuổi một chút nghe đến vườn Ông Thượng thì biết ngay là Công viên văn hóa Tao Đàn thuộc quận 1 bây giờ. Chớ hỏi bọn trẻ,chưa chắc hiểu vườn Ông Thượng ở đâu. Vả lại, Ông Thượng là tên dân gian gọi tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt những thập niên 20 và 30 của thế kỷ 19. Nghe nói, vườn Ông Thượng hồi đó hay có gánh hát đến biểu diễn, cả cải lương lẫn hát bội, và Nguyễn Đình Chiểu hồi nhỏ cũng hay đến đây coi tuồng hát bội.
Ba là Ông Tố. Giồng Ông Tố là vùng đất thuộc quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, hồi năm nẳm, ở vùng này còn nhiều cọp beo và nhiều ve lắm, nên có câu:
Coi cọp, xuống Thị Nghè
Ăn ve, lên Ông Tố.
Ve mà nướng lên ăn cũng thơm như cào cào, châu chấu vậy. Không rõ ông Trương Vĩnh Tố có làm quan chức gì, chỉ biết ông ở gần đấy và khu đất cao (gọi là giồng) có lẽ là của ông chăng?
Bốn là Ông Tạ. Là chợ mang tên một thầy thuốc nam nổi tiếng Trần Văn Bỉ (còn gọi là Tạ Thủ). Chợ Ông Tạ còn là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 của quận Tân Bình. Nói thêm: Dân ghiền thịt chó nghe đến chợ Ông Tạ là gợi ngay đến các hàng thịt chó nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám treo lủng lẳng cả chục con thui vàng rực, coi bắt mắt lắm.
Năm là Ông Thìn. Cầu Ông Thìn bắc qua sông Cần Giuộc, nối hai xã Đa Phước và Quy Đức, huyện Bình Chánh trên tỉnh lộ 50. Dân gian truyền rằng Ông Thìn là tên người lái đò đưa khách sang sông. Cầu Ông Thìn được bắc dã chiến năm 1925, nay đã nâng thành cầu đúc dài 162 m.
Có cái tên ông rất nổi tiếng ở Sài Gòn này. Đó là Lăng Ông (dân thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu). Đây là lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, được xây trên khuôn viên khá rộng 18.500 m2. Nghe rằng tác giả công trình này về sau xây lăng Tự Đức ở Huế. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Lăng Ông là di tích kiến trúc nghệ thuật. Ở lăng có bốn cột gỗ chạm rồng rất đẹp ở chánh điện. Cổng tam quan có cây thốt nốt tạo vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch.
Ở Sài Gòn, còn có Chùa Ông là chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường) tại xã Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức.
Tên đường chỉ duy nhất có Ông Ích Khiêm. Gắn với tên ông còn có rạch, cầu Ông Buông ở quận 6 (dài độ 2.800 m từ ngả ba rạch bến Trâu và Tân Hóa tới rạch Lò Gốm); rạch Ông Cái ở quận 2, rạch Ông Cốm, Ông Đồ ở Tân Túc, Bình Chánh, rạch Ông Điền từ đất Cần Giuộc đổ vào sông Nhà Bè, rạch Ông Đội ở quận 7, rạch Ông Mưu ở Bình Chánh; rạch Ông Nghĩa ở xã An Thới Đông, Cần Giờ từ rừng lá đến sông Lòng Tàu.
Có cầu Ông Lớn bắc qua kinh Tàu Hủ; cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Thìn, cầu Ông Tiều...Rồi đập Ông Hiền ở xã Bình Hưng dài đến ba cây số.
(còn tiếp)
Nhãn:
VH-NT
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)